Palestine: Ra mắt Chính phủ đoàn kết dân tộc

Thứ Năm, 19/06/2014, 15:40

Sau nhiều ngày đàm phán gay go để phân định các vị trí thành viên nội các, Chính phủ đoàn kết dân tộc của người Palestine bao gồm 2 phái chính là Hamas ở Dải Gaza và Fatah ở khu Bờ Tây sông Jordan đã chính thức được Tổng thống Mahmoud Abbas (Abu Mazen) làm lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 2/6/2014. Sự kiện này là một thách thức mới cho tiến trình đàm phán hòa bình ở Trung Đông, đồng thời đẩy Israel vào thế bị cô lập nhiều hơn trên thế giới.

Trong phát biểu tại lễ nhậm chức của chính phủ mới, Tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố "trang đen trong lịch sử Palestine đã được lật sang". Tuyên bố này thể hiện ý nghĩa quan trọng của việc thành lập một chính phủ thống nhất các phái người Palestine để tiến tới các cuộc bầu cử mới, từ đó tái thiết lập các cơ cấu chính trị hoàn chỉnh của Nhà nước Palestine - hình thành một thể thống nhất trong cuộc đấu tranh độc lập với người Israel.

Việc hình thành chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine đã bắt đầu được nhen nhóm từ vài tháng trước, với việc hai phái chính của Palestine là Fatah ở khu Bờ Tây sông Jordan và Hamas ở Dải Gaza, với động thái rõ rệt nhất là việc lãnh đạo 2 phái ký kết thỏa thuận hòa giải dân tộc vào ngày 23/4/2014 tại Cairo. Từ đó đến nay, giữa 2 phái Hamas và Fatah đã có nhiều động thái hòa giải, nhượng bộ lẫn nhau, như việc trao trả lại các văn phòng làm việc, nơi ở của lãnh đạo 2 phái ở Gaza và khu Bờ Tây…

Cũng theo tuyên bố của Tổng thống Abbas, Chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine vẫn do Thủ tướng hiện tại của Cơ quan Quyền lực Palestine (PA) là ông Rami Hamdallah làm Thủ tướng, còn các thành viên nội các sẽ được công bố tiếp theo, bao gồm những người được xem là "kỹ trị", tức những nhà chuyên môn các ngành khoa học khác nhau, doanh nhân, luật sư,… chứ không phải là thành viên chính trị hay quân sự của các phái Palestine. Vai trò của Ismail Haniyeh - Thủ tướng Palestine sau cuộc bầu cử tháng 1/2006 và hiện là Thủ tướng của Hamas ở Gaza, cũng được xác định là Chủ tịch Hội đồng Lập pháp.

Chính phủ liên hiệp Palestine chính thức ra mắt.

Ngay sau khi Tổng thống Palestine Abbas tuyên bố ra mắt chính phủ mới, nhiều quốc gia trên thế giới đã lần lượt công nhận và tuyên bố sẽ làm việc với chính phủ mới của Palestine, mặc dù mỗi quốc gia đều có sự tế nhị khi công nhận một Chính phủ Palestine với sự hậu thuẫn của Hamas.

Chẳng hạn, Canada đã phải lặng lẽ đưa ra một tuyên bố "nước đôi" vừa tái khẳng định quan điểm của nước này rằng Hamas "là một tổ chức khủng bố theo luật Canada", nhưng lại vừa tuyên bố sẽ làm việc với một Chính phủ Palestine "từ bỏ chủ nghĩa khủng bố và công nhận quyền tồn tại của Israel" - điều mà Chính phủ liên hiệp Palestine đã và đang cam kết.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang bị thế giới cô lập vì công kích Chính phủ liên hiệp Palestine.

Trên báo chí, truyền thông, giới chức Israel đã thể hiện trạng thái tư tưởng rằng việc thành lập Chính phủ liên hiệp Palestine với sự hậu thuẫn của Hamas là không thể chấp nhận được, vì Hamas đang bị xem là tổ chức khủng bố và vì những vấn đề mâu thuẫn, bạo lực trong quá khứ do Hamas gây ra. Nhưng kể từ năm 2007 đến nay, Hamas đã có những bước đi cụ thể cho thấy tổ chức này đang thay đổi mạnh mẽ, chuyển từ chủ trương đấu tranh bạo lực sang đấu tranh bằng chính trị, ngoại giao và cả văn hóa. Hamas đã chính thức tuyên bố từ bỏ bạo lực khủng bố, đồng thời có những hành động nhằm ngăn các tổ chức vũ trang Palestine khác sử dụng bạo lực.

Thủ tướng Israel Netanyahu và toàn bộ nội các diều hâu của ông đã bị một vố đau vì không chuẩn bị trước để có phương án ngoại giao hiệu quả khi đối phó với tình huống mới. Chính vì thế mà khi sự việc đã xảy ra, Netanyahu mới mở chiến dịch công kích điên cuồng đối với Chính phủ liên hiệp Palestine. Thủ tướng Netanyahu và nội các của ông còn thể hiện sự bực tức đối với việc đồng minh Mỹ công nhận và tuyên bố sẽ hợp tác với tân Chính phủ Palestine.

Thủ tướng Israel Netanyahu đã kêu gọi cộng đồng thế giới không công nhận Chính phủ Palestine, và sau khi nhiều nước phớt lờ lời kêu gọi đó, lần lượt công nhận Chính phủ Palestine, thì ông Netanyahu đã hậm hực chỉ trích cả thế giới. Thái độ này đã khiến cho Israel đã ít được thế giới ủng hộ quanh vấn đề người Palestine lại càng bị cô lập hơn.

Ngày 5/6 vừa qua, Israel đã có ngay hành động trả đũa việc thành lập Chính phủ Palestine mới bằng việc thông qua kế hoạch xây dựng 1.500 đơn vị nhà ở trong các khu định cư mới ở Bờ Tây sông Jordan và Đông Jerusalem. Hành động này, cùng với những động thái công kích kém hiệu quả nêu trên đã khiến cho nhiều nước không còn xem các quan điểm, tuyên bố của Israel là điều đáng quan tâm.

Báo chí phương Tây và các báo thiên tả của Israel đều chung nhận định ông Netanyahu đang tạo ra một "thảm họa ngoại giao" làm tổn hại vị thế của Israel trên thế giới

Văn Trương (tổng hợp)
.
.