Phản ứng về Nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc đối với CHDCND Triều Tiên

Thứ Hai, 16/10/2006, 09:30
Ngoại trưởng Nga Ivanov nói, Trung Quốc và Nga có chung quan điểm rằng, các biện pháp gây sức ép chính trị do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra phải có thời hạn và không được nhằm chống lại nhân dân CHDCND Triều Tiên.  

Ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc biểu quyết quyết định áp đặt lệnh cấm vận về tài chính và vũ khí đối với CHDCND Triều Tiên vì nước này đã thử hạt nhân, Đại sứ CHDCND Triều Tiên Pak Gil Yon đã lập tức tuyên bố: "Nếu Mỹ tiếp tục gây sức ép lên CHDCND Triều Tiên thì CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp đối trọng, coi sức ép ấy như là lời tuyên chiến". Trong khi đó, người dân Hàn Quốc cũng đã có những phản ứng đầu tiên và khác nhau đối với việc Liên hợp quốc đưa ra nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên. "Tôi ủng hộ nghị quyết nhưng không hoàn toàn, vì là một nước bị ảnh hưởng bởi các hành động của CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc cần phải cân nhắc kỹ càng và không được ủng hộ nước này hoặc nước khác hơn" và "Nếu CHDCND Triều Tiên sợ bị trừng phạt thì họ đã không tiến hành vụ thử ngay từ đầu".

Được biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng yêu cầu CHDCND Triều Tiên không tiến hành thử hạt nhân nữa và quay trở lại vòng đàm phán 6 bên vô điều kiện về chương trình hạt nhân của nước này; yêu cầu CHDCND Triều Tiên loại bỏ tất cả các vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo. Đồng thời cấm đi lại đối với các quan chức Bình Nhưỡng làm việc trong những chương trình kể trên. Nghị quyết cũng kêu gọi một lệnh cấm vận hạn chế nhằm vào tên lửa, xe tăng, trọng pháo, tàu chiến và máy bay chiến đấu, cũng như cho phép kiểm tra hàng hóa ra vào nước này để ngăn chặn việc buôn bán bất hợp pháp. Nghị quyết trên được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua chưa đầy một tuần sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử hạt nhân.

Về phần mình, phát biểu sau cuộc gặp với đặc phái viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, ông Đường Gia Triền đang ở thăm Nga, Ngoại trưởng Ivanov cho biết, các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên không được ám chỉ tới khả năng dùng vũ lực và không được nhằm chống lại nhân dân CHDCND Triều Tiên. Theo ông Ivanov, các biện pháp trừng phạt không được kéo dài vô thời hạn và nên được dỡ bỏ nếu CHDCND Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Ông Ivanov nói, Trung Quốc và Nga có chung quan điểm rằng, các biện pháp gây sức ép chính trị do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra phải có thời hạn. Nghĩa là nếu CHDCND Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán 6 bên và các cuộc đàm phán này đạt được tiến bộ, các biện pháp trừng phạt nếu được áp đặt sẽ tự động được dỡ bỏ. Được biết, đặc phái viên của Nga tham gia cuộc đàm phán 6 bên hiện đang ở Bình Nhưỡng để tham vấn với các quan chức của nước sở tại.

Còn theo Đại sứ Mỹ John Bolton thì Mỹ sẽ có các biện pháp mạnh tay hơn nếu CHDCND Triều Tiên không tuân thủ nghị quyết trên. Được biết, trong chuyến công du châu Á sắp tới của mình (từ 17 đến 22/10), Ngoại trưởng Condoleezza Rice sẽ thương đàm với lãnh đạo các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc xung quanh vấn đề trên.

Về phần mình, tuy Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Vương Quang Á cho rằng, nghị quyết là một "câu trả lời thích hợp", nhưng ông cũng kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc giữ thái độ thận trọng và có trách nhiệm, đồng thời kiềm chế những bước đi mang tính khiêu khích.

Trong một diễn biến khác, nghị quyết trên được thông qua đúng một ngày sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 61 chính thức bầu ông Ban Ki-moon làm Tổng Thư ký Liên hợp quốc theo phương thức vỗ tay tán thành. Và thử thách đầu tiên của ông là giải quyết vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên một cách hoàn mỹ nhất. Được biết, tân Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã sẵn sàng đến CHDCND Triều Tiên và quan điểm của ông Ban Ki-moon về vấn đề này đã khá rõ ràng. Theo đó, việc thử hạt nhân khác về cơ bản so với việc thử tên lửa, do đó cộng đồng quốc tế cần phải lên án mạnh mẽ, đoàn kết và rõ ràng để CHDCND Triều Tiên không bao giờ có ý định có những hành động tiêu cực, làm cho tình hình nghiêm trọng thêm. Hiện dư luận đang quan tâm tới việc Hàn Quốc đang tăng cường khả năng phòng vệ trong trường hợp bị nước láng giềng tấn công. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã tuyên bố với Quốc hội rằng, Hàn Quốc cần phải bổ sung kho vũ khí thông thường. Được biết, trong nhiều năm qua, Hàn Quốc đã chuẩn bị cả về quân sự lẫn dân sự cho khả năng thủ đô bị tấn công

Quốc Trung (tổng hợp)
.
.