Pháp: Cải cách chế độ hưu bổng đi về đâu?

Thứ Hai, 25/10/2010, 07:20
Chỉ riêng ngày 16/10 vừa qua, có đến 3 triệu người đã tham gia các cuộc tuần hành trên toàn nước Pháp để phản đối kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng của chính phủ. Kể từ đầu tháng 9 đến nay, đây là lần thứ 5 liên tiếp giới lao động Pháp xuống đường đòi chính phủ rút lại kế hoạch kéo dài thời gian làm việc của người dân.

Tình hình sắp tới còn tồi tệ hơn vì điều luật trên sẽ được Thượng viện Pháp bỏ phiếu vào ngày 20/10. Vì sao nước Pháp phải kéo dài độ tuổi về hưu của người lao động và nếu công đoàn và chính phủ không thỏa hiệp được thì xã hội Pháp sẽ như thế nào?

Nước Pháp ngày nay không đủ khả năng để tài trợ cho những người về hưu nữa, vì ngày trước 4 người đi làm nuôi 1 người về hưu, nhưng hiện nay 2 người đi làm nuôi 1 người về hưu. Trong vòng 20 năm nữa, sẽ cứ 1 người đi làm nuôi 1 người về hưu, thì chuyện này không cân đối. Chính vì vậy mà Chính phủ của ông Sarkozy bắt buộc phải cải tổ để kéo dài tuổi làm việc, nhằm lấy tiền đóng góp tài trợ cho những người về hưu trước.

Nếu các nghiệp đoàn cứ đòi những ưu đãi, tức là 60 tuổi được bắt đầu về hưu, hoặc 65 tuổi được hưởng chế độ hưu trọn vẹn thì sẽ rất là khó, vì ngày nay tuổi thọ của con người kéo dài hơn, thời gian người ta sống hưởng chế độ hưu trí lâu hơn. Vì vậy mà Chính phủ Pháp cũng như chính phủ các quốc gia phát triển khác tại châu Âu không đủ khả năng để tài trợ cho những người về hưu quá lâu như vậy. Họ bắt buộc phải cải tổ để hạn chế lại thời gian được cấp sổ hưu bổng.

Dự luật cải cách chế độ hưu trí sẽ được Thượng viện Pháp bỏ phiếu vào ngày 20/10. Nếu được ký thành luật, nhiều thay đổi sẽ dần được áp dụng để đến năm 2018, người Pháp sẽ phải đợi đến 62 tuổi mới được nghỉ hưu.

Tuy nhiên, quan điểm của người lao động lại khác. Họ cho rằng việc kéo dài thời gian lao động tới tuổi nghỉ hưu là không chấp nhận được trong khi chế độ hưu bổng vẫn như mốc cũ. Theo các nhà phân tích thì tâm lý của bất cứ ai cũng vậy, đều không muốn "làm nhiều". Sự phản đối của giới lao động Pháp được dẫn dắt bởi Công đoàn Quốc gia đã biến thành những cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn nước Pháp và đang đe dọa làm tê liệt nhiều hoạt động của nước này.

Bắt đầu từ ngày 12/10, có 3,5 triệu người trên cả nước Pháp đã xuống đường chống lại dự luật cải cách chế độ hưu bổng. Tại nhiều thành phố lớn như Rennes, Nantes, Rouen, Grenoble... số người tham gia rất cao so với những lần trước đây và lần đầu tiên, có đến trên 150.000 thanh niên đã tham gia biểu tình trên toàn quốc. Theo Hội Liên hiệp ngành công nghiệp Dầu khí Pháp (UFIP), vào ngày 16/10, tất cả 12 nhà máy lọc dầu tại Pháp vẫn tiếp tục đình công, trong đó có 10 cơ sở đã phải ngưng hoạt động hoàn toàn.

Một mối lo ngại khác của Chính phủ Pháp là mức độ tham gia của học sinh các trường trung học và của giới giáo viên. Trên toàn quốc, học sinh trung học gây xáo trộn tại khoảng 340 trường trên tổng số 4.300 trường (khoảng 8%). Tuy nhiên, theo Công đoàn Học sinh, thì có tới 900 trường trung học cấp ba bị tê liệt. Một số phải đóng cửa hẳn trong ngày.

Cuộc đấu tranh chống cải cách hưu bổng ở Pháp đã có từ lâu, nhưng quan trọng nhất là lúc này, lúc chính phủ đang ra các điều luật và bắt đầu đi vào thi hành. Chính vì vậy các công đoàn cố gắng làm mạnh hơn, đây là áp lực buộc chính phủ phải lùi lại, có một số nhượng bộ để tiếng nói của công đoàn được ghi nhận.

Nhưng áp lực của các công đoàn muốn kéo dài cuộc đình công này để gây khó dễ, sẽ gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế của Pháp, mà người trực tiếp bị ảnh hưởng chính là dân chúng. Người ta đang phân vân: nếu cuộc đình công này mà kéo dài, thì sẽ không có lợi gì cho cuộc đấu tranh, đồng thời uy tín của các nghiệp đoàn sẽ bị giảm xuống. Thành ra, nếu các công đoàn cứng rắn hơn, thì xã hội Pháp sẽ đi đến đâu?

Hiện giờ các công đoàn cũng đang thắc mắc: cuộc đấu tranh này nhằm buộc Chính phủ Pháp phải nhượng bộ, nhưng nếu chính phủ không nhượng bộ thì tình hình sẽ thế nào? Họ sẽ làm áp lực nhiều hơn, nhưng làm áp lực để làm gì? Vẫn giữ như cũ, hay là phải thay đổi, hay thay đổi một chút? Vì vậy kết quả các cuộc đình công gần đây vẫn là một dấu hỏi lớn.

Cuộc biểu tình hưu bổng tại Pháp đã lôi kéo được cả học sinh, sinh viên.

Các nghiệp đoàn Pháp đấu tranh một phần vì quyền lợi công nhân nhưng có tính cách chính trị nhiều hơn là vấn đề xã hội. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy những người xuống đường toàn là những người có công ăn việc làm ổn định. Họ đa số là công chức, giáo viên, y sĩ, những người làm trong các cơ quan mà nhà nước có phần vốn lớn như bưu điện, điện thoại, hoặc điện và khí đốt; tức là những người có công việc rất ổn định và có đồng lương tương đối cao.

Thêm vào đó, những người gây khó khăn nhiều nhất cho những người đi làm trong những ngày sắp tới là những người lái xe lửa, những người làm trong ngành chuyên chở. Họ là những người được ưu đãi trong xã hội, mà họ không dính líu gì đến cuộc đấu tranh này. Tuổi về hưu của một người lái xe lửa ở Pháp hiện nay là 55 tuổi chứ không phải 62 tuổi. Nhưng họ thấy rằng trong cuộc đấu tranh này họ không có tiếng nói, không được nhắc tới, nên họ phản đối để người ta biết họ cũng là những người có thể làm áp lực với Chính phủ Pháp nhằm gây tiếng vang.

Hiện nay các công đoàn Pháp đang xuống cấp rất trầm trọng, vì số người gia nhập công đoàn ngày càng ít đi. Chỉ còn giới công chức gia nhập, mà họ gia nhập để hưởng thêm những ưu đãi mà mình đang có, chứ không phải là để đấu tranh cho người khác. Vì vậy số người này gần như đứng bên lề, và không có tiếng nói gì trong cuộc đấu tranh đòi cải tổ chế độ hưu bổng.

Đến nay, Chính phủ Pháp vẫn tỏ ra rất cứng rắn trước yêu cầu tạm hoãn áp dụng cải cách chế độ hưu trí để điều đình của các nghiệp đoàn. Tuy nhiên, theo giới phân tích, nếu thay đổi hoặc rút lại dự luật hưu trí, Tổng thống Sarkozy sẽ làm mất lòng tin của không ít cử tri thiên hữu, trong khi chỉ còn 18 tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống. Đây quả là tình thế khó khăn cho ông Sarkozy

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.