Pháp: Trọng trách của Tân thủ tướng Francois Fillon

Thứ Tư, 30/05/2007, 11:45

Giới truyền thông cho rằng, một trong những thách thức trước mắt của ông François Fillon là tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội như ưu tiên giảm nợ nhà nước, giảm thâm hụt ngân sách, cải tiến chính sách việc làm, đấu tranh chống nạn thất nghiệp, giảm thuế, thực hiện chính sách nhập cư có chọn lọc, tăng cường đối thoại xã hội, cải cách thể chế, giảm quyền lực của công đoàn...

Ông François Fillon sinh ngày 4/3/1954. Năm nay 53 tuổi, đã có vợ và 5 người con. Thân phụ là luật sư dưới thời Tổng thống De Gaulle, mẹ là một sử gia nổi tiếng ở vùng LeMans và có cảm tình với cánh tả. Do đó ông Francois Fillon được mọi người gọi với biệt danh "một De Gaulle có tư tưởng xã hội".

Tân Thủ tướng cũng giống với Tổng thống Nicola Sarkozy, đó là không học tại Trường Hành chính Quốc gia (trường truyền thống của các chính trị gia), mà học luật và chính trị ở những trường đại học "phi truyền thống".

Tốt nghiệp trung học với tấm bằng tú tài chính trị loại ưu. Năm 20 tuổi, Fillon ước mơ trở thành một nhà báo. Khi thực tập tại Hãng tin AFP, Fillon được gửi tới Madrid để theo dõi và viết bài về cái chết của Franco. Sau này được sự động viên của bố mẹ, Fillon tiếp tục lấy bằng thạc sĩ luật rồi trở thành tùy viên cho đại biểu Quốc hội Joel Le Theule.

Năm 1980, cái chết đột ngột do đau tim của ông Joel Le Theule đã đưa cuộc đời của Fillon sang một bước ngoặt mới. 6 tháng sau đó, chàng thanh niên 27 tuổi này đã trở thành đại biểu Quốc hội Pháp.

Tiếp theo đó, Fillon còn nắm giữ những kỷ lục khác như Chủ tịch Ủy ban Quốc hội phụ trách Quốc phòng trẻ tuổi nhất vào năm 1986, rồi Chủ tịch Hội đồng tỉnh Sarthe trẻ tuổi nhất vào năm 1992 ở tuổi 38. Một năm sau đó, Fillon trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu dưới thời Thủ tướng Édouard Balladur.

Khi Alain Juppé trở thành Thủ tướng, ông Fillon được bổ nhiệm vào cương vị điều hành Bộ Bưu chính Viễn thông. Chính trên cương vị này, ông đã tiến hành cải cách sâu rộng Công ty France Télécom.

Có thể nói con đường hoạt động chính trị của ông François Fillon như được trải đầy hoa hồng. Ông học được từ Philippe Séguin (Chủ tịch đảng Tập hợp vì nền cộng hòa (RPR) 1997-1999) những tư tưởng chính trị, là người thân cận của Charles Pasqua, một chính khách thân cận của tân Tổng thống Sarkozy và cũng một thời làm Chủ tịch đảng RPR.

Sau chiến thắng của ông Jacques Chirac năm 2002, Fillon được bổ nhiệm Bộ trưởng Các vấn đề xã hội. Trên cương vị này, ông đã tiến hành những cải cách mang tính bước ngoặt cho chính phủ của Thủ tướng Raffarin (2002-2005). Một bộ luật mới mang tên Bộ luật Fillon ra đời quy định thời gian làm việc 35giờ/tuần.

Đến năm 2004, được tái bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Fillon đã tiến hành một số cải cách nữa trong lĩnh vực này. Sau thất bại của Hiến pháp châu Âu và sự ra đi của Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin, ông Fillon không tham gia vào chính phủ của Thủ tướng Villepin.

Ông Fillon là một trong những cánh tay đắc lực của ông Sarkozy trong suốt thời gian tranh cử vừa qua. Là người nổi tiếng cẩn thận, điềm đạm và làm việc hiệu quả, ông Fillon được giao trọng trách thành lập nội các mới gồm 15 thành viên, trong đó có 7 nữ, 8 nam.

Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất hiện nay của tân Thủ tướng François Fillon là điều hành một cách có hiệu quả nhất đối với nội các mới với quân số chỉ bằng một nửa nội các trước đây - từ 30 Bộ xuống còn 15 Bộ.

Ngoài ra, còn phải hài hoà trong công việc bởi đây là nội các với 7 nữ trong tổng số 15 bộ trưởng, và có khá nhiều thành viên là người của đảng đối lập, trong đó có cựu Thủ tướng Alain Jupe, người được cử giữ chức Bộ trưởng Môi trường.

Với một nội các tinh gọn, tân Thủ tướng François Fillon vừa muốn cắt giảm chi phí cho xã hội, vừa thể hiện một chính phủ mới năng động và hiệu quả hơn. Ưu tiên hàng đầu của tân Thủ tướng François Fillon là bỏ chế độ làm việc 35 giờ/tuần, giảm thuế, cải tổ toàn diện đối với thị trường lao động và hệ thống thuế, củng cố quan hệ với châu Âu, bảo đảm giao thông tối thiểu khi ngành đường sắt bãi công, giải quyết thỏa đáng vấn đề người nhập cư... trước khi Pháp đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU (từ tháng 1/2008) thay Đức.

Giới truyền thông cho rằng, một trong những thách thức trước mắt của ông François Fillon là tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội như ưu tiên giảm nợ nhà nước, giảm thâm hụt ngân sách, cải tiến chính sách việc làm, đấu tranh chống nạn thất nghiệp, giảm thuế, thực hiện chính sách nhập cư có chọn lọc, tăng cường đối thoại xã hội, cải cách thể chế, giảm quyền lực của công đoàn...

Sở dĩ phải tập trung vào 2 lĩnh vực kể trên bởi nền kinh tế Pháp đang ở trong thời kỳ cực kỳ khó khăn khi tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao (gần 9% dân số ở độ tuổi lao động và 22% trong thanh niên), nợ nhà nước đã lên tới 66,6% GDP, mức tăng trưởng của Pháp thấp hơn tất cả các nước trong EU, trừ Bồ Đào Nha.

Ngoài ra, tân Thủ tướng François Fillon còn phải đối mặt với sự đi xuống của sức cạnh tranh trong nền kinh tế Pháp - đang bị yếu đi so với những quốc gia trong khu vực, cũng như trên thế giới, với sự rạn nứt đang gia tăng giữa các tầng lớp xã hội, với tình trạng phạm pháp trong thanh thiếu niên đang ngày một gia tăng, sự bất bình của người dân về tiến trình nhất thể hóa châu Âu.

Dư luận chung cho rằng, trong thời gian làm Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng các vấn đề xã hội (Bộ trưởng Xã hội), ông François Fillon đã để lại khá nhiều dấu ấn tốt đẹp.

heo giới truyền thông, ngay từ đầu năm 2005, Bộ trưởng Giáo dục François Fillon đã thông báo với Ủy ban giáo dục của Quốc hội rằng, có tới 80.000 học sinh không biết đọc, biết viết và làm toán thành thạo cho dù chúng bước vào hệ trung học, do đó nước Pháp cần phải có sự thay đổi trong lĩnh vực này và ông đã đề ra nhiều biện pháp khắc phục có hiệu quả.

Nói tới tân Thủ tướng Pháp, không thể bỏ qua phu nhân của ông, bà Penelope Kathryn Fillon, 51 tuổi. Bà Penelope Kathryn Fillon là người xứ Wales và là người phụ nữ thuộc Vương quốc Anh đầu tiên vào làm chủ trong điện Matignon (quận 7, Paris), Phủ Thủ tướng.

Theo đánh giá của giới truyền thông, bà Penelope Kathryn Fillon là một người khôn ngoan và kín đáo bởi tuy rất thông minh, song không thể hiện tham vọng ra bên ngoài. Do đó bà chủ điện Matignon rất phù hợp với vai trò tham mưu cho Thủ tướng

Hà Bắc - Nguyễn Thị Lân (Tổng hợp)
.
.