Pháp giải tỏa trại tị nạn “rừng rậm” Calais

Thứ Sáu, 28/10/2016, 15:45
Ngày 24-10, Chính phủ Pháp bắt đầu tiến hành giải tỏa khu trại tị nạn Calais nằm gần cảng Calais và đường hầm xuyên biển nối hai nước Anh - Pháp. Được gán cho biệt danh “Rừng rậm”, khu trại tị nạn quy tụ 7.000 người sống (tuy nhiên theo Cơ quan Hỗ trợ tị nạn LHQ, vào thời điểm giải tỏa, nhà chức trách ghi nhận con số 8.143 người) là một mảng rõ rệt trong bức tranh khủng hoảng nhập cư ở châu Âu được vẽ lên từ hơn một năm nay.

Đầu tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã có chuyến thị sát thứ 8 tới khu trại chen chúc hàng nghìn người đang sinh sống trong những cánh rừng ngoại ô (nên từ đó, khu trại mới có biệt danh Rừng rậm Calais). Ngoài tình trạng an ninh, môi trường sống và điều kiện vệ sinh tại điểm nóng nhập cư được miêu tả là “không thể tệ hơn”, hằng đêm luôn có hàng trăm người tìm cách vượt qua hàng rào an ninh quanh khu cảng và đường hầm xuyên đại dương Eurotunnel để vào Anh.

Ông Bernard Cazeneuve cam kết sẽ “từng bước phá bỏ khu rừng rậm”, trước tiên là khu vực phía Bắc Calais từ nay đến cuối năm. Theo ông, công việc này sẽ được tiến hành “một cách bài bản” nhằm tiến tới đóng cửa hoàn toàn khu trại và giải quyết tận gốc tình hình căng thẳng gia tăng tại địa phương. Bộ trưởng Bernard Cazeneuve nhấn mạnh các giải pháp chủ yếu dựa vào việc thành lập các Trung tâm Tiếp nhận và định hướng (CAO) và Trung tâm Đón tiếp người xin tị nạn (CADA).

Toàn cảnh trại tị nạn Calais.

Được biết, trong chiến dịch giải tỏa đầu tiên tiến hành cách đây đúng 1 năm, có 5.528 người di cư tập trung tại đây đã được hỗ trợ chỗ ăn nghỉ tại các trung tâm đón tiếp khác nhau trên toàn nước Pháp; 80% trong số họ đã xin tị nạn tại Pháp.

Dường như không màng đến những cam kết mạnh mẽ của Bộ trưởng Bernard Cazeneuve, các hiệp hội thương gia và nông dân tại Calais vẫn tổ chức cuộc tuần hành lớn trên đường vành đai của thành phố Calais vào ngày 5-9. Đoàn người dàn thành “vòng rào người” bao quanh khu cảng, dùng loa truyền thanh và biểu ngữ biểu thị yêu cầu Chính phủ Pháp phải giải tán khu “Rừng rậm” càng nhanh càng tốt vì môi trường sống của cư dân sở tại và nền kinh tế địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong 5 năm qua, Chính phủ Pháp đã bố trí chỗ lưu trú cho 18.500 người di cư tại Calais đồng thời tăng cường các nỗ lực nhằm không để gia tăng số người phải sống trong tình cảnh thiếu thốn, tạm bợ, tổng số cảnh sát có mặt tại đây lên đã hơn 2.000 người.

Vào tháng 3 năm nay, nhà chức trách Pháp đã dỡ bỏ nửa phía nam của khu  trại. Nhiều tổ chức nhân quyền đã phải lên tiếng. Những người di cư từ Iran đồng loạt dùng chỉ khâu miệng để phản đối hành động mà theo họ là “bức tử”. Họ giương các biểu ngữ yêu cầu Liên Hiệp Quốc cử đại diện đến hay "Chúng tôi là con người", "Dân chủ của chúng tôi ở đâu?", "Tự do của chúng tôi ở đâu?".

Cảnh sát Pháp đã phải dùng tới hơi cay để giải tán đám đông này. Trong khi nhà chức trách Pháp muốn người di cư đang sống trong các lều, lán di chuyển đến các container nằm trong một khu vực có hàng rào bảo vệ trong  trại, hoặc đến 100 trung tâm tiếp nhận chính thức trên khắp cả nước nhưng hầu hết người tị nạn đều lưỡng lự vì họ muốn vượt biên qua đường hầm eo biển Manche dài 50km để sang Anh vì theo tuyên bố từ nhiều người rằng họ có người thân đang sống tại Anh.

Một người đàn ông Sudan 50 tuổi, bị bệnh về đường hô hấp, được tìm thấy tử vong trong lán hôm 2-3. Người cùng lán cho hay ông ta đã nộp đơn xin tị nạn ở Pháp và đến một trung tâm tạm trú chính thức nhưng không hài lòng với điều kiện ở đó nên đã quay lại "rừng rậm".

Một số người di cư đến một trại khác nhưng điều kiện sống còn tồi tệ hơn. Có những người đổ đến Normandy vì tin rằng từ đây vượt qua đường hầm eo biển Manche dễ hơn, từ đó, an ninh đang được thắt chặt ở cảng Calais và quanh lối vào đường hầm, tạo ra tình trạng “thắt cổ chai” với người di cư.

Cũng trong tháng 3-2016, “rừng rậm Calais” làm rúng động dư luận với phát hiện: 7 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 đến 16 bị tấn công tình dục trong suốt 6 tháng. Tất cả 7 cậu bé đều khẳng định mình bị cưỡng hiếp, trên thân thể các em còn lưu những dấu vết thương tích trùng khớp với lời kể, một tình nguyện viên tại trại Jungle cho biết.

Tình trạng của 4 cậu bé trong số này nặng đến mức cần phải phẫu thuật nhưng chỉ một em chịu đến bệnh viện, 3 em còn lại từ chối điều trị do lo sợ những hậu quả có thể xảy ra hoặc do xấu hổ khi phải thừa nhận mình bị lạm dụng. Từ đây nhà chức trách phát hiện trại Calais không có bất kỳ cơ chế nào để những người bị lạm dụng thông báo về tình trạng của mình.

Vụ việc làm dấy lên những mối lo ngại về nạn buôn bán, trao đổi tình dục bên trong cộng đồng người tị nạn đang tìm cách nhập cư vào châu Âu khi mà những đứa trẻ luôn phải sống trong tình cảnh không được đảm bảo an toàn, rất dễ bị lạm dụng.

"Nếu tôi đưa một trong các nạn nhân đến đồn cảnh sát rồi bảo rằng “Tôi là bác sĩ và cam đoan đứa trẻ này đã bị lạm dụng tình dục”, tôi đảm bảo họ cũng không biết làm gì ngoài việc nhún vai sau đó tiếp tục những câu chuyện dang dở của mình", tờ Independent dẫn lời một tình nguyện viên nói.

Xung đột trước giờ dỡ bỏ trại tị nạn Calais.

"Những cậu bé này rời bỏ quê hương và cha mẹ các em có thể nghĩ rằng chúng sẽ an toàn, có một cuộc sống tốt đẹp hơn, thoát khỏi thảm họa chiến tranh, bạo lực, nhưng cuối cùng chúng lại bị cưỡng hiếp trong trại tị nạn khi mới 14 tuổi. Tình trạng ấy đang diễn ra ở châu Âu và điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận được", người này cho biết thêm.

Cơ quan cảnh sát Europol hồi đầu năm ước tính khoảng 10.000 trẻ tị nạn không có cha mẹ, người thân đi cùng đã bị mất tích sau khi đến châu Âu. Thêm vào đó, theo tổ chức Save the Children, tình trạng trẻ em bị lạm dụng không chỉ diễn ra tại trại Calais.

"Trẻ tị nạn phải đối mặt với rất nhiều mối nguy hiểm, trong đó có nguy cơ bị lạm dụng tình dục hay rơi vào tay các băng nhóm buôn người. Chúng tôi đã phải chứng kiến thực trạng này ở Italy, Hy Lạp và nay là tại Calais", người phát ngôn của Save the Children chia sẻ.

Sáng 24-10, hơn 1.200 cảnh sát và nhân viên công quyền Pháp bắt đầu chiến dịch giải tỏa trại di dân Calais. Hàng trăm chiếc xe bus được huy động đến để đưa người di cư đến các trung tâm tiếp nhận ở khắp nước Pháp, nơi họ có thể nộp đơn xin tị nạn, hãng AP đưa tin, sau đó trại Calais sẽ bị dỡ bỏ.

"Đây là hoạt động chúng tôi muốn nó diễn ra trong hoà bình và trong tình trạng được kiểm soát" - ông Bernard Cazeneuve, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, nói -Pháp sẽ chi 25 euro một ngày cho mỗi người di cư ở trung tâm tiếp nhận”.

Đêm 23-10, dù biết sẽ được chuyển tới nơi ở mới, nhiều người tị nạn vẫn tỏ ra giận dữ và xung đột với cảnh sát. Khi gần 1.300 người tị nạn được đưa tới khu vực sơ tán, một nhóm người bắt đầu ném đá vào cảnh sát. Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay trong khi nhóm người tị nạn đập phá đồ dùng.

Phóng viên BBC Simon Jones có mặt tại Calais, nói rằng đa số người ở đây tỏ ra khá lạc quan cho dù tình hình vẫn còn khá lộn xộn do những vụ đập phá. Người nhập cư được xếp vào các hàng riêng để xác định xem ai có gia đình, ai chỉ có một mình, và liệu họ có thuộc diện dễ bị thương tổn hay không. Sau khi làm xong giấy tờ họ sẽ được chở tới các nơi khác nhau ở Pháp và làm thủ tục xin tị nạn. Nếu không được phép chính thức tị nạn, họ có thể bị trục xuất.

Giới chức Pháp đã sắp xếp 7.500 giường cho người tị nạn tại 450 trung tâm trong nước. Chiếc xe bus đầu tiên rời Calais với 50 người Sudan di chuyển tới vùng Burgundy. Bên trong trại, các nhân viên cứu trợ của tổ chức Care đi từ lều này sang lều khác, cảnh báo người di cư rằng nếu họ không ra đi thì sẽ bị bắt. Trẻ em sẽ được bố trí ở trong các container được cải tạo khi các lều trại bị giải tỏa.

Từ ngày 25-10, máy móc sẽ được chuyển tới để phá dỡ toàn bộ khu này. Việc giải tỏa theo dự kiến sẽ kéo dài trong ba ngày. Bộ trưởng Nội vụ Pháp tuyên bố: “Pháp không muốn dùng vũ lực nhưng nếu người nhập cư không chịu đi hay các tổ chức phi chính phủ muốn gây chuyện thì cảnh sát sẽ phải can thiệp".

Q.H. (tổng hợp)
.
.