Pháp lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp của các quốc gia được sử dụng như thế nào?

Thứ Tư, 28/09/2005, 09:25
Hiện nay, pháp lệnh về ban bố “Tình trạng khẩn cấp” (TTKC) là một trong những hình thức chủ yếu sử dụng quyền lực đặc biệt của một quốc gia, hình thức này được áp dụng rộng rãi tại nhiều nơi trên thế giới.

Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9, Tổng thống Mỹ G.Bush đã lập tức tuyên bố nước Mỹ đặt trong TTKC. Tại Nga, sau sự kiện bắt cóc con tin diễn ra, Tổng thống V. Putin cũng lập tức phát lệnh nước Nga đặt trong TTKC. Ngày 7/7/2004, Chính phủ lâm thời Iraq chính thức ký xác nhận ban hành pháp lệnh ban bố TTKC, theo như luật pháp mới thì chính phủ có quyền ban hành luật giới nghiêm, lệnh phong tỏa thu thập điều tra tại những khu vực được coi là “nhạy cảm”.

Ngày 10/10/2004, một tổ chức khủng bố tự xưng là chi nhánh của Al-Qaeda tại Đông Nam Á thông qua mạng Internet chính thức tuyên bố sẽ uy hiếp Hàn Quốc, chính quyền Hàn Quốc lập tức áp dụng TTKC trên toàn lãnh thổ. Và gần đây nhất là sự kiện khủng bố tại London, Thủ tướng Anh Tony Blair cũng đã lập tức ban hành TTKC khắp nước Anh.

“Tình trạng khẩn cấp” được thực hiện khi nào?

Cách gọi là TTKC cũng được sử dụng một cách khác nhau tại mỗi quốc gia, ví như có nơi lại gọi là “tình trạng nguy kịch”, “tình trạng bất thường”, “tình trạng an nguy”, “tình trạng chiến tranh”... Tất cả những tên gọi này đều chỉ một trạng thái nguy kịch xảy ra sau những sự kiện trầm trọng ảnh hưởng tới an ninh một khu vực hoặc một quốc gia, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng con người và trật tự xã hội. Ý nghĩa bao hàm của cụm từ “Tình trạng khẩn cấp” có phạm vi rất rộng thông thường có thể chia làm 2 loại như sau:

Một là, TTKC mang tính chính trị như phiến loạn, bạo loạn, đột kích khủng bố...

Hai là, TTKC mang tính xã hội như thiên tai, sự cố kỹ thuật trầm trọng, sự kiện an toàn công cộng chẳng hạn như sóng thần, động đất, bão lụt...

Pháp lệnh ban bố TTKC của các nước không giống nhau

Ý nghĩa hiện đại của pháp lệnh ban bố TTKC được bắt nguồn sau Chiến tranh thế giới lần thứ 1 tại hai quốc gia Đức và Áo. Hiến pháp của Đức và Áo quy định: Nguyên thủ quốc gia có quyền áp dụng những quyền lực đặc biệt trong TTKC. Sau này, các nước Anh, Mỹ, Pháp, Nhật cũng đã dựa trên hiến pháp về điều này của Đức và Áo để xây dựng pháp lệnh ban bố TTKC của riêng mình.

Năm 1976, Mỹ thực hiện xây dựng pháp lệnh ban bố TTKC, quy định rõ thời gian hạn định, trình tự tuyên bố, quyền lực được sử dụng của chính phủ trong thời gian này. Ngoài ra, pháp lệnh ở Mỹ còn quy định khi tuyên bố đất nước được đặt trong TTKC bởi sự đe dọa trực tiếp từ nước khác thì tổng thống có quyền đặc biệt quyết định quản chế ngoại hối với nước đó. Sau khi Liên Xô tan rã, phải đến năm 2002 Nga mới xây dựng pháp lệnh ban bố TTKC.

Theo như pháp lệnh này thì khi tiến hành tuyên bố tình trạng nguy kịch tại một khu vực nào đó hay trên toàn lãnh thổ Nga thì bắt buộc phải có lệnh ban bố của tổng thống liên bang và lập tức phải báo cáo tình hình đó lên Đuma quốc gia trình phê chuẩn. Nếu lệnh này không được phê chuẩn thì nó chỉ có hiệu lực không quá 72 tiếng đồng hồ. Trong hiến pháp của các nước khác như Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ... cũng quy định rõ chế độ TTKC, chủ yếu là để đối phó với những thủ đoạn như xung đột sắc tộc, tôn giáo, phiến loạn chính trị, đình công, chính biến hay biểu tình uy hiếp. Khác với những nước khác, Nhật tuy không xây dựng cụ thể một pháp lệnh cho TTKC nhưng lại xây dựng phân biệt theo TTKC của luật pháp. Ví như Pháp lệnh cảnh giới, Pháp lệnh tự vệ...

Đối với mỗi một quốc gia, khi phải đối mặt với những nguy cơ về chính trị hay xã hội thì việc thực hiện ban bố TTKC là một biện pháp rất hữu hiệu để huy động nhân lực, tập trung trí tuệ để giải quyết triệt để nguy cơ đó, bảo đảm quyền và lợi ích cho công dân. Vì thế pháp lệnh về TTKC mang một ý nghĩa hết sức quan trọng đến sự an nguy của mỗi quốc gia

Ái Nhi (Theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.