Pháp luật cần nhân đạo nhưng phải phù hợp thực tế để đấu tranh phòng chống tội phạm

Thứ Tư, 24/06/2015, 16:15
"Thực tế cho thấy độ tuổi 70 sức sống hiện nay còn rất khỏe và có đủ điều kiện để hưởng thụ, là tấm gương để con cháu noi gương vậy mà họ phạm tội, xã hội cần lên án kịch liệt. Họ phạm tội gây án thường đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong đời sống xã hội, do vậy phải áp dụng và thi hành án tử hình đối với đối tượng có độ tuổi 70 vi phạm pháp luật hình sự đặc biệt nghiêm trọng" - đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) nhấn mạnh.

Không nên bỏ tử hình với tội vận chuyển ma túy và người phạm tội khi 70 tuổi

Theo dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có 7/22 tội danh được bỏ hình phạt tử hình, tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng không nên bỏ tử hình với các tội: phá hủy công trình cơ sở quan trọng, phương tiện quan trọng ảnh hưởng đến quốc gia; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội cướp tài sản.

Đề cập tới tội vận chuyển trái phép chất ma túy được tách từ Điều 194 BLHS hiện hành và không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm này, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nhiều vụ án các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, thủ đoạn tinh vi cấu kết chặt chẽ và thường trang bị vũ khí sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng. Rất nhiều gương hy sinh dũng cảm của cán bộ chiến sĩ công an, biên phòng trong cuộc chiến khốc liệt này. Vì vậy cần tiếp tục hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển ma túy.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai), Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng không nên bỏ tử hình với tội danh này. Theo ông Niễn, ma túy cũng như hầu hết các loại hàng hóa khác để đến được tay người tiêu thụ, công đoạn của nó phải là sản xuất, vận chuyển, phân phối và tiêu thụ, không có công đoạn vận chuyển thì không thể có hàng trăm, hàng nghìn kilôgam ma túy từ nơi sản xuất đến những kẻ tiêu thụ được.

"Ma túy ở Việt Nam từ đâu mà có, chắc chắn rằng do từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam đi vào, ma túy không thể tự di chuyển được mà do con người và phương tiện mang đi tức là đã có hoạt động vận chuyển, đây là một khâu rất quan trọng trong hành trình tội ác, là khâu quyết định để ma túy có thể xâm nhập vào Việt Nam, chưa kể hàng trăm vụ vận chuyển khác trong nội địa. Bỏ tử hình với tội danh này đồng nghĩa với khuyến khích, dung túng cho kẻ ác, mở đường mạnh mẽ cho ma túy vô tư xâm nhập vào Việt Nam".

Tội phạm vận chuyển ma túy ngày càng manh động và thường vận chuyển với số lượng lớn (trong ảnh là 200 bánh heroin do hai đối tượng vận chuyển đi tiêu thụ bị Công an Thái Nguyên bắt giữ đầu năm 2015).

Ông Niễn cũng không tán thành việc bỏ tử hình với các tội danh phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, tội chống lại loài người vì "bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này là đồng nghĩa với khuyến khích chiến tranh, phá hoại hòa bình, khuyến khích thế lực thù địch tiếp tục hăng hái chống phá cách mạng, chống lại dân tộc".

Đại biểu Lê Đông Phong (TP HCM) đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: tội cướp tài sản, Điều 167; tội phá hủy các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, Điều 316, vì đây là những tội đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm tài sản mà còn xâm phạm tính mạng, sức khỏe, con người, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, không bỏ tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy nhưng có thể hạn chế đối tượng áp dụng như quy định tại Điều 39 và nâng mức định lượng chất ma túy đối với khung hình phạt cao nhất.

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu đưa ra "mổ xẻ" và không đồng tình là quy định người phạm tội có độ tuổi từ 70 thì không tử hình, bởi thực tế thời gian qua có nhiều người ở tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.  

Theo đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang), thực tế cho thấy độ tuổi 70 sức sống hiện nay còn rất khỏe và có đủ điều kiện để hưởng thụ, là tấm gương để con cháu noi gương vậy mà họ phạm tội, xã hội cần lên án kịch liệt. Họ phạm tội gây án thường đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong đời sống xã hội, do vậy phải áp dụng và thi hành án tử hình đối với đối tượng có độ tuổi 70 vi phạm pháp luật hình sự đặc biệt nghiêm trọng.

Chung quan điểm này, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) lo ngại không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng trị, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Hơn nữa, quy định như vậy không có căn cứ và không thuyết phục.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: “Cơ sở nào là trên 70 tuổi không phạm tội đặc biệt nghiêm trọng? Nếu tha họ, chúng ta vô nhân đạo với xã hội, cơ sở nào chúng ta đề xuất vấn đề này. Vấn đề này phải nghiên cứu kỹ để làm sao có khung hình phạt, phải có cơ sở khoa học, nếu không có cơ sở khoa học thì không ổn".

Bảo vệ quyền của người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo như thế nào?

Thảo luận dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), một nội dung khiến nhiều đại biểu tranh luận là quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Quy định trong dự thảo BLTTHS  không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng cần khuyến khích việc nếu bị can, bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải thì cũng được xem xét để coi như một tình tiết giảm nhẹ cho họ. Làm như vậy tránh được việc hiểu về quyền im lặng mà một số quan điểm trong thảo luận trước đây cũng đưa ra dễ bị lạm dụng. Ở nước ta còn rất nhiều cách hiểu khác nhau, vì đây là những vấn đề chưa được khảo nghiệm trên thực tế thực thi ở pháp luật Việt Nam.

Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng cần khuyến khích việc nếu bị can, bị cáo khai báo thành khẩn, thì cũng được xem xét để coi như một tình tiết giảm nhẹ cho họ.

Phân tích quy định này, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng khuyến khích người bị bắt, bị tạm giam, bị can, bị cáo khai báo sớm, khai báo đúng là đồng thời khẳng định họ vẫn còn nguyên quyền và nghĩa vụ công dân trong tích cực tham gia phòng chống tội phạm. Kịp thời phát hiện và loại trừ nguyên nhân gây ra tội phạm. Khai báo sớm và chính xác có tác động rất lớn đến hiệu quả của phòng ngừa tội phạm, tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra cả về thời gian, công sức, tiền của, tính mạng. Trong nhiều trường hợp không chỉ là Cơ quan điều tra mà còn nhiều đối tượng liên quan khác.

"Ta cứ hình dung nếu khai báo sớm, thời gian, địa điểm của khủng bố hoặc khai báo sớm các đối tượng đồng phạm, chủ mưu, có hay không có vũ khí tác dụng to lớn như thế nào. Vì vậy, khuyến khích khai báo sớm là chính sách hình sự thể hiện thông qua tố tụng và tạo điều kiện cho tố tụng;  khai báo sớm, đẩy nhanh tiến độ phá án, việc này có lợi cho cả bị can, bị cáo".

Đồng tình về quyền im lặng và im lặng không được coi là tình tiết tăng nặng trong tố tụng hình sự, nhưng ông Tường cho rằng "im lặng đến khi cơ quan tố tụng chứng minh được phạm tội thì quả là khó khăn cho cơ quan tố tụng và đôi khi cũng gây bất lợi cho chính bản thân người bị bắt. Nên giới hạn quyền đó đến khi có người bào chữa, vừa phù hợp với trách nhiệm công dân, tính công khai dân chủ và trạng thái tâm lý, lại hình dung cho một người nghi là phạm tội trong ngày, nhiều tháng họ không nói, trong khi sức ép từ nhiều phía thì việc gì sẽ xảy ra. Vì vậy, khi đủ điều kiện trợ giúp tại Điều 30 phải thành khẩn khai báo".

Theo đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) đề nghị cần cân nhắc xem xét giữ nguyên quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo như BLTTHS hiện hành, nghĩa là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến của mình trong quá trình tham gia tố tụng, còn trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc chức năng của cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền khai báo hoặc không khai báo, được bày tỏ ý kiến của mình về cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thành khẩn khai báo thì được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Theo ông Dân, trong tố tụng hình sự, thái độ im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo luôn được tôn trọng và được thể hiện cụ thể trong nhiều điều luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Từ nguyên tắc trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về nhà nước và khi sử dụng mô hình tố tụng thẩm vấn kết hợp với tranh tụng, việc im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cần phải được tôn trọng, nhưng không nên khuyến khích họ im lặng.

"Tôi đề nghị không quy định không bắt buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, hoặc buộc phải nhận mình có tội, thành một quyền độc lập trong BLTTHS làm phá vỡ các nguyên tắc tố tụng hình sự, dễ bị lợi dụng, gây khó khăn, phức tạp đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm".

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (HCM), nếu bị can, bị cáo tự nguyện khai tội của mình thì chính là cơ hội để họ tự bào chữa, và chính là cơ hội để họ tự bảo vệ chính mình. Do đó, họ được hưởng khoan hồng theo chính sách nhân đạo.

"Trong khi bom khủng bố hẹn giờ chỉ còn vài giờ sẽ phát nổ, tổ chức tội phạm giết người cướp của đang chuẩn bị hành động, tại thời điểm bị bắt này thì chỉ có đối tượng đấy biết, nếu chậm 1 phút thì tai họa vô cùng, đấy là nhân đạo, một người sẽ giết nhiều người. Vậy tại sao lại khuyên người ta im lặng để gánh hậu quả. Quyền im lặng của nghi can cần phải nhìn nhận một cách khách quan, đầy đủ trong bối cảnh cụ thể và nguồn gốc của nó ở đâu và thực sự có phải là tiến bộ không? Chúng ta không nên trích dẫn lung tung theo phim ảnh".

Ông Đương dẫn chứng một số nước, điển hình như nước Mỹ, người ta có quy định: "Nghi can có quyền im lặng cho đến khi có luật sư", phải kèm theo điều kiện cho đến khi có luật sư. Khi luật sư có mặt thì không còn im lặng và nghi can bắt đầu trình bày lời khai. Đáng chú ý là cùng với quy định này, tố tụng hình sự Mỹ còn có chế định mặc cả thú tội, khuyến khích nghi can tự giác khai nhận tội lỗi. Nếu là tội nhẹ sẽ được xóa tội, nếu tội nặng sẽ được giảm trách nhiệm hình sự. Ở Việt Nam không quy định như vậy nhưng có chế định khoan hồng là tình tiết giảm nhẹ, thành khẩn khai báo là tình tiết giảm nhẹ, là khoan hồng. Đây là tư tưởng để giáo dục hoán cải tội nhân và giữ trật tự xã hội.

"Trong điều kiện nước ta hiện nay số vụ án có luật sư tham gia chỉ chiếm 20% và tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, ngay TP HCM cũng chỉ có 15%. Nếu quy định  nghi can có quyền im lặng cho đến khi có luật sư được không, gần 130.000 nghi can mỗi năm, cơ quan điều tra cứ phải ngồi chờ luật sư mới lấy được lời khai có được không. Điều này sẽ mâu thuẫn với chính hàng loạt các quy định trong Bộ luật như yêu cầu Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay của người bị bắt. Nếu chưa có lời khai thì Viện Kiểm sát cũng không dám phê chuẩn việc bắt khẩn cấp và bắt tạm giam, đây là quy định của luật. Chúng tôi tra cứu tận gốc Điểm g, Khoản 3, Điều 14 Công ước của Liên Hiệp Quốc nói trên nguyên bản bằng tiếng Anh thì có nghĩa là không được ép buộc, không được gây áp lực buộc người khai phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc ép buộc mình phải nhận tội. Chính vì thế cho nên trong dự thảo thiếu 3 chữ rất quan trọng đó là "bị ép buộc" không đúng với tinh thần công ước. Tôi đề nghị chỗ này ghi đúng theo tinh thần công ước, đó là "không bị ép buộc" như ý kiến thẩm tra của Ủy ban tư pháp".

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, không nên hiểu quyền bị can, bị cáo bị bắt buộc phải im lặng không nói gì, ở đây phải kết hợp nhiều chế định của pháp luật, trong đó có pháp luật tố tụng hình sự như vấn đề khuyến khích, tự khai báo, tự thú, tự nhận tội thì được hưởng chính sách khoan hồng. Ở đây BLTTHS muốn nói khi bị can, bị cáo bị bắt thì có luật sư và quyền đó để bảo đảm khách quan lời khai của họ sau này, bảo vệ cho người bị bắt, cơ quan tiến hành tố tụng.

Sau kỳ họp Quốc hội này, căn cứ các ý kiến đóng góp, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh lý, bổ sung và trình Quốc hội vào kỳ họp sau.

Nguyễn Thiêm
.
.