Phấp phỏng chờ ngày đặc xá

Thứ Bảy, 31/08/2013, 23:55

Theo kế hoạch, cuối tuần này các trại giam sẽ tổ chức công bố đặc xá năm 2013. Những ngày này, nhiều phạm nhân có tên trong danh sách được đề nghị xét đặc xá đang phấp phỏng chờ đợi ngày được tự do, trong số đó, có cả những phạm nhân người nước ngoài hoặc mang quốc tịch nước ngoài…

Mong từng ngày được trở về

"Hôm biết tên mình trong danh sách đề nghị xét đặc xá, em rất bất ngờ, rồi lại thấy lo không biết sẽ làm gì vì chưa chuẩn bị tư tưởng để… về nhà".

Ing Hao, phạm nhân mang quốc tịch Campuchia đã nói vậy khi nghe tôi hỏi tâm trạng lúc biết tin được đề nghị đặc xá, khiến anh cán bộ của Phân trại 1, Trại giam Thanh Xuân ngồi cạnh cũng phải bật cười.

Bố mẹ Ing Hao vốn là người Campuchia, nhưng để chạy trốn khỏi thảm họa diệt chủng của Pôn Pốt nên họ đã bỏ chạy sang Việt Nam và sinh sống ở TP HCM từ năm 1979. Vì thế Ing Hao sinh ra ở quận Tân Bình và còn có tên Việt Nam là Hoàng Diệu Khánh.

Đến tuổi đi học, Ing Hao được bố mẹ cho vào trường học dành cho con em người Hoa, vì thế Ing Hao nói thông viết thạo tiếng Trung, còn tiếng Việt thì chỉ nói được thôi và chỉ viết được tên mình và tên bố mẹ.   

Học hết phổ thông, sau hơn một năm làm việc cho một xưởng gỗ, Ing Hao bỏ và quay ra làm nghề phiên dịch tự do chuyên dẫn khách du lịch Trung Quốc, Đài Loan. "Nghề này cũng phập phù vì em không làm cho công ty nào cả mà toàn do khách giới thiệu cho nhau, khi nào sang họ gọi điện hẹn là đi. Ngày ấy mỗi chuyến em được họ trả cho 200 USD, mà cũng không có khách thường xuyên, tháng nào nhiều lắm thì cũng được khoảng gần 10 triệu".

Công việc của một "hướng dẫn viên phủi" ấy cũng giúp gia đình 3 người gồm hai anh em Ing Hao và bà mẹ sống được. Nhưng chính cái nghề ấy đã dẫn Ing Hao đến nhà giam khi tham gia vào một nhóm buôn bán súng quân dụng từ Campuchia sang Việt Nam. Ngày 16/8/2009, Ing Hao bị bắt quả tang tại Quảng Ninh cùng một người nữa khi đang định vận chuyển hai khẩu súng K54 và 36 viên đạn qua biên giới; sau đó bị tuyên án 7 năm tù. Tháng 3/2010, Ing Hao chuyển về thi hành án ở Trại giam Thanh Xuân.

Ing Hao kể rằng suốt mấy năm qua, cuộc sống chủ yếu nhờ vào chế độ của trại, bởi từ khi bị bắt tới giờ, bà mẹ mới ra thăm được hai lần là khi mới bị bắt và hôm ra tòa. Từ khi về thụ án ở Trại Thanh Xuân, thỉnh thoảng mẹ có gửi bưu kiện ra, nhưng từ tháng 10/2012 tới giờ thì không thấy gửi ra nữa.

"Ngày mới về đây thụ án, nghĩ tới thời gian ở trại còn hơn 6 năm nữa em cũng chán lắm, nhưng nhờ có các thầy động viên suốt nên xác định muốn về sớm thì chỉ có cách phải cố gắng chấp hành, lao động cho tốt thôi". Vì thế sau 2 lần được giảm án tổng cộng 15 tháng, lần này Ing Hao là 1 trong 5 phạm nhân người nước ngoài và mang quốc tịch nước ngoài ở Trại Thanh Xuân được đề nghị xét đặc xá. 

Nghe tôi hỏi nếu được về sẽ làm gì? Ing Hao bảo: "Ngày em ra tòa, đứa em gái con bà dì nhắn bảo em cố cải tạo tốt; khi nào được về thì sang Campuchia làm cho công ty của nó nên chắc em sẽ sang bên ấy làm cho nó thôi". Nhắc tới chuyện lấy vợ vì cũng đã 34 tuổi rồi, Ing Hao kể trước khi bị bắt, qua gới thiệu của bạn bè có quen một cô gái kém 6 tuổi, người Cần Thơ nhưng lên thành phố làm tiếp thị. Hai người yêu nhau 3 năm và dự định cuối năm 2009 làm đám cưới. Khi mới bị bắt, cô người yêu có ra thăm 1 lần, nhưng "đến hôm ra tòa, thấy mỗi mình mẹ đến, em có hỏi thì mẹ bảo lâu rồi không liên lạc được. Bây giờ chắc người ta đã đi lấy chồng rồi. Chuyện vợ con cũng phải từ từ, trước hết phải kiếm tiền lo cho mẹ đã, mẹ em năm nay gần 70 tuổi rồi nhưng ốm đau suốt".

Phạm nhân Phân trại 1 Trại giam Thanh Xuân tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Cùng được đề nghị xét đặc xá lần này, phạm nhân Hoàng Văn Vũ, 44 tuổi, người Trung Quốc, bị kết án vì tội mua bán phụ nữ cũng đang mong từng ngày được trở về. Quê Vũ ở Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam đã có vợ và 1 con gái 6 tuổi. Trước khi tham gia vào đường dây buôn người, Vũ và vợ làm nghề buôn bán hoa quả, nông sản ở chợ biên giới. Vì nói được cả tiếng Việt nên thỉnh thoảng có người thuê Vũ làm phiên dịch. Nhưng việc buôn bán cũng chỉ giúp hai vợ chồng đủ sống qua ngày. Vì thế, khi có hai bạn hàng người Việt rủ tham gia buôn người, Vũ đồng ý tham gia. Ngày 1/10/2007, khi nhóm của Vũ đang chuẩn bị đưa "hàng" là 2 cô gái Việt Nam qua biên giới, Vũ và 2 "đồng nghiệp" bị Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ và sau đó bị tuyên án 8 năm 9 tháng tù.

Về Trại Thanh Xuân thi hành án từ tháng 8/2008 tới giờ, Vũ chưa một lần được người thân đến thăm gặp mà chỉ gửi bưu kiện, nhưng cả năm cũng chỉ được một, hai lần. Lần gần đây nhất là vào tháng 7/2013, Vũ nhận được quà của chị gái gửi sang. Nghe tôi hỏi đến con gái, Vũ cúi mặt bảo rằng cũng không biết mặt mũi con gái ra sao nữa. Trong câu chuyện, Vũ thường nhắc tới thầy Lâm, quản giáo Đội 14, người đã luôn động viên Vũ suốt những năm ở trại để yên tâm cải tạo để sớm có ngày trở về. Vì thế, trước khi được đề nghị đặc xá, Vũ đã từng được 3 lần giảm án với thời gian 2 năm 1 tháng. "Lần này nếu được đặc xá, về nhà tôi sẽ làm ăn lương thiện thôi".              

Mặc dù chưa được đề nghị xét đặc xá lần này, nhưng phạm nhân Thào On Sy người Lào lại luôn cười rất tươi khi ngồi nói chuyện với tôi bởi với Thào On Sy, được sống đến ngày hôm nay đã là chuyện ngoài sức tưởng tượng, và ngày về đã không còn xa nữa.

Ngày 11/1/2000, Thào On Sy bị Công an huyện Sông Mã (Sơn La) bắt quả tang khi đang từ Lào "giắt lưng" 2 bánh hêrôin sang Việt Nam bán. Với số lượng ma túy như vậy, ngày 28/7/2000, tại phiên tòa sơ thẩm, Thào On Sy bị TAND tỉnh Sơn La tuyên án tử hình. Phiên tòa phúc thẩm cuối năm đó cũng tuyên y án.  

Thào On Sy bảo rằng cho tới tận bây giờ anh ta vẫn không thể quên  khoảng thời gian suốt hơn 1 năm ở trong buồng biệt giam chờ ngày ra pháp trường bởi sau khi có bản án phúc thẩm mặc dù đã gửi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước nhưng hy vọng rất mong manh và luôn nghĩ cầm chắc cái chết.

"Anh không thể tưởng tượng được cảnh ngồi chờ chết nó sợ thế nào đâu, chẳng đêm nào dám ngủ vì những người bị đưa đi bắn thường sẽ bị gọi vào lúc sáng sớm, nhiều lúc mệt quá ngủ quên nhưng chỉ toàn mơ thấy ác mộng nên chỉ được một lúc lại vùng dậy ngồi cả đêm. Đến khi thấy trời sáng biết chắc được sống thêm một ngày nữa thì mới yên tâm ngủ tiếp".

Sống trong cảnh thức đêm ngủ ngày như thế hơn 1 năm, một ngày cuối tháng 12/2001, "hôm ấy khoảng 9 giờ sáng, đang ngủ lơ mơ thì thấy cán bộ Trại tạm giam Công an Sơn La đến mở cửa phòng bảo đi ra. Lúc ấy sợ lắm nhưng em đoán chắc không phải đi bắn vì không ai đi vào giờ này. Nhưng em được dẫn vào một cái phòng rồi thấy có hai ông cán bộ bước vào và đọc quyết định giảm án từ tử hình xuống chung thân. Ôi trời ơi mừng ơi là mừng, em hát suốt mấy ngày, vì thế là được sống rồi".

Thoáng cái đã hơn 11 năm ở Trại Thanh Xuân, bây giờ, Thào On Sy là 1 trong 3 phạm nhân người nước ngoài có "thâm niên" ở đây lâu nhất.  Suốt thời gian ấy, cuộc sống hoàn toàn dựa vào chế độ của trại vì gia đình ở bên Lào rất nghèo, thỉnh thoảng mới gửi cho túi quà nhưng toàn măng khô với ớt khô thôi. 

Biết rằng sẽ có cơ hội được trở về nên Thào On Sy rất tích cực cải tạo. Sau một một thời gian, được các cán bộ tin tưởng giao nhiệm vụ làm tự quản Đội 14.         

Ngày 30/4/2010, Thào On Sy tiếp tục được giảm án từ chung thân xuống 20 năm.

"Em đang chờ từng ngày được trở về, vì từ năm 2010 tới giờ em đã được giảm án 3 lần nữa với tổng thời gian được giảm là 43 tháng. Chỉ còn mấy năm nữa là được về vì đến hôm nay, tính cả thời gian được giảm, em đã ở tù 17 năm 3 tháng rồi".

Từ trái qua: Phạm nhân Ing Hao đang mong từng ngày được trở về; phạm nhân Hoàng Văn Vũ rất mong sớm được về để nhìn thấy mặt con; đã từng lĩnh án tử hình nhưng với phạm nhân Thào On Sy, giờ đây ngày được trở về đã rất gần.

Và chuyện của những người coi tù ngoại

Thiếu tá Đỗ Trung Thành, Phó giám thị Trại giam Thanh Xuân, cho biết đợt này, trại có 281 phạm nhân đủ điều kiện đề nghị xét đặc xá.

Do thời gian từ khi triển khai quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đến khi tổ chức thẩm định liên ngành vào thẩm định hồ sơ ngắn, vì thế để có được danh sách này, các cán bộ nhiều ngày phải làm thêm giờ mới đảm bảo đúng kế hoạch.

Ngay sau khi nhận được quyết định về đặc xá năm 2013 của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá, trại đã tổ chức triển khai cho các cán bộ, chiến sĩ và thông báo cho tất cả phạm nhân để mỗi phạm nhân tự liên hệ với bản thân. Sau đó tổ chức cho phạm nhân họp, thảo luận và bỏ phiếu kín. Khi có danh sách phạm nhân đủ điều kiện đề nghị đặc xá, trại cho dán công khai tại các khu giam và nhà thăm gặp. Vì thế số đủ điều kiện phấn khởi tiếp tục học tập, lao động chờ ngày được trở về, số không đủ thì cũng xác định rõ tư tưởng, yên tâm cải tạo tiếp tục phấn đấu.   

Nhưng, cái khó nhất của Trại Thanh Xuân hiện nay chính là việc quản lý, giam giữ hơn 100 phạm nhân người nước ngoài hoặc mang quốc tịch nước ngoài. Phần đông trong số này không có gia đình đến thăm nuôi và không liên lạc được với gia đình kể từ khi đến trại chấp hành án. Vì vậy mà lần này có 4 phạm nhân dù đủ điều kiện về thời gian, kết quả xếp loại cải tạo nhưng vì chưa thực hiện xong nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại, cũng không liên lạc được với gia đình, người thân để thực hiện, bản thân không có tiền, tài sản lưu ký tại trại nên không đủ điều kiện đề nghị xét đặc xá.

Không có tiền bồi thường, đã gần 1 năm qua Cham Tack Choi và Tan Wei Hong làm khách trọ ở nhà lưu trú Trại giam Thanh Xuân.

Chưa hết, ở trại hiện còn một đối tượng nữa khiến các cán bộ cũng đau đầu mà chưa tìm ra giải pháp nào để xử lý, đó là những "cựu phạm nhân" người nước ngoài dù đã chấp hành xong thời hạn tù, nhưng do còn nợ phần bồi thường dân sự nên trại tiếp tục phải quản lý, nuôi ăn.

Để quản lý đối tượng này, từ hơn 1 năm nay, Trại Thanh Xuân đã phải dùng khu nhà thăm gặp ở Phân trại 1 làm "nhà lưu trú". Cho tới thời điểm này, vẫn còn "3 khách lưu trú" đang ở, người nhiều thì đã hơn 1 năm, ít cũng đã gần 1 năm.

Tháng 5/2012, phạm nhân Từ Kiến Tường, người Trung Quốc, hết án nhưng vì còn nợ 27 triệu đồng bồi thường dân sự nên được đưa ra ở nhà lưu trú.

Tháng 9/2012, hai phạm nhân Cham Tack Choi và Tan Wei Hong, người Malaysia, cùng được tha tù. Nhưng cũng do mỗi người còn nợ gần 300 triệu đồng nên sau khi nhận quyết định tha tù, cả hai cũng nhận quyết định ra nhà lưu trú để "ở trọ" cho đến giờ.

Thiếu tá Đỗ Trung Thành cho biết, việc phải tiếp nhận và quản lý những người này đã khiến cho Trại giam Thanh Xuân gặp nhiều khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý. Bởi dù không được quản lý họ như phạm nhân, nhưng cũng không thể lơ là vì nếu họ bỏ trốn thì sẽ rất rắc rối về thủ tục ngoại giao. Mỗi tháng riêng tiền ăn, trại phải chi 1 triệu đồng/ người cho những "khách trọ" này. Chưa kể khi ốm đau, bệnh xá phải khám, cấp thuốc, nếu ốm tới mức phải đi điều trị ở bệnh viện thì trại vẫn phải cử cảnh sát bảo vệ đi canh gác...

Là những người trực tiếp quản lý đối tượng đặc biệt này, các cán bộ ở trại đã nhiều lần báo cáo những khó khăn mà anh em đang phải giải quyết  hàng ngày và mong các bộ, ngành liên quan sớm tìm ra giải pháp để xử lý. Nhưng cho tới lúc này, khi mà các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết thì trại vẫn cứ phải quản lý những "khách trọ bất đắc dĩ" ấy

Nguyễn Thiêm
.
.