Pháp trả thù IS bằng cách nào?

Thứ Năm, 19/11/2015, 11:35
Các vụ tấn công khủng bố tại Paris, Pháp ngày 13/11 làm thương vong hàng trăm người liệu có khiến nước Pháp thay đổi chính sách chống khủng bố. Sự mạnh mẽ của giới chính trị gia nên được thông cảm trong tình cảnh hiện nay?

Phương châm “dĩ đức trị nhân” có còn thích hợp?

Ngày 13/11, thủ đô Paris của Pháp đã hứng chịu 8 vụ tấn công (xả súng và đánh bom tự sát) làm chết 129 người và làm bị thương hàng trăm người khác. Vài giờ sau đó, nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Cú sốc này đã khiến không chỉ Pháp mà cả thế giới bàng hoàng, đẩy các chương trình nghị sự quốc tế thiên về chống khủng bố.

Từ Hội nghị G20 đến Hội nghị tại Vienne, Áo, bàn về vấn đề Syria đều bị vấn đề khủng bố chi phối mạnh. Tới mức mà Tổng thống Mỹ Barack Obama, trước đây còn mạnh mẽ tố cáo Nga trong các đợt không kích tại Syria thì hôm 16/11 cũng quay sang bắt tay với Nga trong một cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, để tiêu diệt IS.

Cảnh sát Pháp xác định kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố ở Paris là Abdelhamid Abaaoud, công dân Bỉ gốc Maroc.

Trở lại với nước Pháp, vụ khủng bố một lần nữa đã khiến lòng dân căm hờn. Các báo chí nước này trong những ngày qua đều lên tiếng kêu gọi Chính phủ Pháp phải báo thù. Trong bối cảnh này, giới chính trị gia tại Pháp không còn cách nào khác là lớn tiếng tố cáo IS và thề sẽ trả thù bằng vũ lực. Một ngày sau các vụ tấn công ở Paris, Pháp đã điều hơn 10 chiến đấu cơ sang Syria không kích IS. Ngay từ đầu Pháp chỉ không kích IS ở Iraq nhưng chỉ gần đây mới tiến hành đánh tổ chức này trên đất Syria. Đây là vụ trả thù đầu tiên như lời hứa của các chính khách Pháp.

Trong tuyên bố quốc tang cho các nạn nhân trong vụ khủng bố, ngày 15-11, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố sẽ trả đũa bọn khủng bố IS nhưng không cho biết… sẽ thực hiện chiến dịch trả đũa như thế nào. Trả lời Đài Truyền hình Pháp TF1 tối ngày 14/11, Thủ tướng Manuel Valls tuyên bố: “Nước Pháp tiếp tục can thiệp tại Syria với mục đích tiêu diệt quân IS”.

Thủ tướng Valls nhấn mạnh: “Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh, chúng ta sẽ hành động và tấn công kẻ thù muốn tàn phá nước Pháp, tàn phá châu Âu, tàn phá Syria và Iraq (…) cuộc chiến đó đang diễn ra trên lãnh thổ quốc gia và trên trận địa Syria”.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian đánh giá Pháp cần phải tấn công một cách triệt để vào tất cả các trung tâm huấn luyện, vào các sào huyệt và nhất là các nguồn tài trợ của IS.

Người ta vẫn thường nghe thấy những tuyên bố chính trị như vậy mỗi khi đất nước bị khủng bố tấn công. Gần đây nhất là sau vụ tòa soạn báo Charlie Hebdo bị tấn công, ông Hollande cũng có những phát biểu tương tự, nhưng sau đấy mọi hoạt động chống khủng bố của Pháp không có gì đột biến. Liệu rằng lần này, nước Pháp sẽ cứng rắn hơn? Nhưng câu hỏi đặt ra là Paris sẽ diệt IS bằng cách nào? Nợ máu phải trả bằng máu hay “dĩ đức trị nhân”, dùng lòng bác ái mà bỏ qua không lấy oán báo oán?

Xét về mặt quân sự, Christopher Chivvis, trợ lý giám đốc tại Trung tâm Chính sách quốc phòng và an ninh thế giới của Tập đoàn RAND, nhận định Pháp có đủ sức mạnh để trả đũa IS nhờ tiềm lực quân sự, không quân được trang bị hiện đại, đội đặc nhiệm tinh nhuệ và lực lượng hải quân và bộ binh được xem như tài sản quốc gia.

Tuy nhiên, giáo sư David Schanzer thuộc Trung tâm Chống khủng bố và an ninh nội địa Triangle dự báo, Pháp sẽ không đơn phương thực hiện các chiến dịch quân sự quy mô lớn chống IS ở Iraq và Syria. Thay vào đó, có thể Pháp sẽ chỉ tăng cường hoạt động trong liên quân chống IS. Ông Schanzer cho rằng Mỹ và NATO vẫn e ngại không muốn triển khai bộ binh quy mô lớn ở Syria và Iraq để chống IS. Nguyên nhân bởi phương Tây lo ngại nguy cơ sa lầy, làm leo thang tâm lý chống phương Tây của người Hồi giáo ở Trung Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/11 đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Pháp trong việc điều tra và đối phó với IS. Nga cũng là mục tiêu đe dọa tấn công khủng bố của IS khi Moscow tuyên chiến chống khủng bố quốc tế và chủ nghĩa cực đoan toàn cầu và đã triển khai chiến dịch không kích chống IS ở Syria từ cuối tháng 9/2015.

Trong mắt IS, Pháp là kẻ thù số 1 trong cuộc chiến chống những kẻ “phản đạo”

Nếu đi theo chiều hướng này, Pháp sẽ gặp phải khó khăn gì? Thất bại cay đắng của Mỹ tại Iraq và Afghanistan sau vụ 11/9/2001 vẫn còn ngay trước mắt. Màn trả thù Al-Qeada của Mỹ sau khi bị tấn công khủng bố chỉ khiến nước Mỹ thêm hao tài tốn của và nhân mạng. Chả nhẽ Pháp không thấy được điều này?

Nhật báo Libération của Pháp ra ngày 15/11 cảnh giác: không nên rơi vào cái bẫy thâm độc của IS, xem tín đồ đạo Hồi là kẻ thù, đưa đến xung đột trong xã hội. Tờ báo cánh tả giải thích: trong tầm nhìn của kẻ sát nhân, họ không phân biệt Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Arập, phương Tây hay thế tục gì cả. Họ giết tất cả mọi người. Cơ sở này hướng dẫn chúng ta trả đũa. Nếu hủy bỏ các quyền tự do để chống khủng bố là thua kẻ thù. Chỉ có tình thương và quyền tự do mới cho chúng ta cuộc sống tự do. Người dân Pháp vốn truyền thống yêu tự do, công lý, điềm tĩnh và khoan dung nên về lâu dài sẽ không muốn đất nước rơi vào vòng xoáy của bạo lực kiểu ân oán chồng chất.

Nhưng chả nhẽ không làm gì sao? Cứ để mặc bọn khủng bố tung hoành? Thực ra để trả lời cho câu hỏi này có lẽ phải trả lời câu hỏi vì sao nước Pháp bị tấn công? Theo giới chuyên gia, có nhiều yếu tố giải thích vì sao Pháp liên tục phải đối mặt với các vụ tấn công khủng bố. Thứ nhất, Pháp đã bước lên tuyến đầu chống quân IS. Từ tháng 9/2014, dưới sự chỉ huy của Mỹ, Pháp đã cùng với Anh, Australia, Canada, Jordani, Morocco và nhiều quốc gia trong vùng Vịnh tham gia liên minh quốc tế tấn công IS. Cho đến cuối tháng 8/2015, Paris không còn giới hạn các phi vụ oanh kích nhắm vào tổ chức này tại Iraq, mà đã mở rộng chiến dịch quân sự sang Syria.

Về phần IS, từ hơn một năm nay đã đề rõ mục tiêu: sát hại bằng mọi phương tiện công dân của những quốc gia nào chống lại tổ chức này. Pháp không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới tham gia hủy diệt tổ chức IS, và cũng không năng động như Mỹ hay một số quốc gia khác trong khu vực vùng Vịnh, thế nhưng về mặt địa lý, Pháp ở trên đất liền, không như Anh, nên dễ bị tấn công hơn. Còn Mỹ thì ở quá xa những điểm nóng Syria hay Iraq.

Ngoài Trung Đông, quân đội Pháp còn đang có mặt tại nhiều nơi ở châu Phi như Mali hay Trung Phi, với nhiệm vụ duy nhất: bài trừ tận gốc rễ các nhóm Hồi giáo cực đoan. Nói tóm lại, trong mắt IS, Pháp là kẻ thù số 1 trong cuộc chiến chống những kẻ “phản đạo”.

Lý do thứ hai được các chuyên gia nêu lên để giải thích vì sao nguy cơ của Pháp cao hơn so với các quốc gia khác cũng tham gia liên minh chống IS, đó là vì Pháp có một đội ngũ tham gia thánh chiến đông đảo hơn cả bất cứ quốc gia nào khác. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp, có hơn 520 thanh niên quốc tịch Pháp, hay thường xuyên cư ngụ trên lãnh thổ Pháp, đã sang Iraq và Syria để được huấn luyện và chiến đấu trong hàng ngũ của IS. Khoảng một nửa trong số đó, sau một thời gian, đã trở về. Hiện vẫn còn có khoảng 700 thanh niên Pháp tìm đường sang Syria hay Iraq.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trước phiên họp khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/11.

Theo giới điều tra chống khủng bố, thủ phạm vụ khủng bố hụt trên chuyến tàu cao tốc Thalys hồi tháng 8/2015 đã từng được huấn luyện tại Syria, tương tự như trường hợp của Mehdi Nemmouche, thanh niên mang quốc tịch Pháp đã nổ súng tại Bảo tàng Do Thái ở Brussels vào tháng 5/2014, làm 4 người chết. Cảnh sát Pháp cũng tin chắc là Amedy Coulibaly, thủ phạm vụ bắt con tin và thảm sát ở siêu thị của người Do Thái tại Vincennes, sát cạnh Paris hồi tháng 1/2015, cũng từng được IS huấn luyện. Bạn gái của Coulibaly hiện đang ẩn náu tại Raqqa, cứ địa của IS ở Syria.

Sau cùng, Paris là địa điểm du lịch nổi tiếng và hấp dẫn nhất thế giới. Đánh vào Paris là đánh vào một biểu tượng của cả một nền văn minh phương Tây. Mục tiêu của quân khủng bố là gây chú ý, bàng hoàng trong công luận. Đó là chưa kể, hình ảnh của một nước Pháp tự do, tôn trọng nguyên tắc của một nhà nước thế tục, không có những cấm kỵ về tôn giáo, hình ảnh của một xã hội cởi mở, với những phong cách sống phóng khoáng, là những gì mà các phần tử cực đoan Hồi giáo không thể chấp nhận được.

Nói như vậy có thể thấy vụ tấn công ở Paris hôm 13/11 là một hành động trả đũa của IS. Nhưng một cường quốc như Pháp không thể khuất phục trước một nhóm khủng bố. Vấn đề đặt ra bây giờ là làm sao để hạn chế các vụ trả thù của các nhóm khủng bố.

Chuyên gia về khủng bố Bill Tupman thuộc Đại học Exeter nói rằng vụ tấn công ở Paris hôm 13/11 sẽ có tác động rất lớn lên bối cảnh xã hội và chính trị ở Pháp. Theo chuyên gia này trước đây, sự ủng hộ chính trị cho phe cực hữu khá là thấp. Giờ đây, như phần còn lại của châu Âu, sự ủng hộ dành cho phe cực hữu, cho các hoạt động chống nhập cư, chống chủ nghĩa đa văn hóa, bản sắc dân tộc sẽ mạnh hơn bao giờ hết từ trước đến nay ở châu Âu. Và 8 vụ tấn công khủng bố ở Paris chắc chắn làm tăng thêm phong trào bài Hồi giáo ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.

Ngoài việc đánh vào sào huyệt của IS ở Iraq và Syria, Pháp giờ còn phải ngăn ngừa cả những phần tử đang nằm vùng ở quốc gia này hoặc đang tìm cách xâm nhập vào Pháp. Rồi đây việc tăng cường kiểm tra ở biên giới sẽ kéo dài thêm, không còn cần phải đoái hoài đến quyền tự do đi lại trong nội bộ châu Âu. Người dân Pháp từ nay sẽ gặp phải cảnh kiểm tra nhân thân thường xuyên hơn và như vậy là vi phạm tự do nhân quyền, một quyền nền tảng của giá trị phương Tây. Chống lại IS -“đạo quân của quỷ dữ” bao giờ cũng có giá của nó.

Bỉ - Hậu cứ của IS tại châu Âu

Sau loạt khủng bố tại Paris, nhà chức trách đã hướng sự chú ý sang Bỉ. Có 2 tên khủng bố ngụ tại Brussels, mà một tên sống ở hạt Molenbeek vốn được xem như là hang ổ của thánh chiến. Cả 2 đã chết tại chỗ.

Cảnh sát Pháp cũng phát lệnh truy nã quốc tế đối với Salah Abdeslam sống tại Molenbeek. Còn anh trai của hắn, Mohammed, bị bắt ngày 14/11 tại Molenbeek sau khi trở về từ Paris. Người anh em thứ 3, Ibrahim, đã chết trong vụ bom tự sát tại quận 11 của Paris cạnh một quán cà phê.

Cảnh sát đã lùng ra 3 tên này nhờ 2 chiếc xe mang biển số Bỉ đậu gần nhà hát Bataclan và ở vùng ngoại ô Paris. Cả 2 chiếc được thuê từ đầu tuần tại vùng Brussels.

Nước Bỉ nhỏ bé với 11 triệu dân cũng là nước có số người tình nguyện sang chiến đấu tại Syria và Iraq cao nhất châu Âu. Có 494 tên “thánh chiến Bỉ” đã bị nhận dạng: 272 tên tại Syria hay Iraq, 75 tên được cho là đã chết, 134 tên đã trở về nước và 13 tên đang di chuyển, theo Cơ quan Tình báo Bỉ. Nhưng điều khiến mọi người bức xúc là vì nước Bỉ, bất chấp luật pháp đã cứng rắn hơn trong lĩnh vực chống khủng bố, phá vỡ được nhiều đường dây tuyển mộ và nhiều tổ khủng bố từ thập niên 90 thế kỷ trước nhưng vẫn là hang ổ tương đối an toàn cho bọn thánh chiến.

“Châu Âu đã không còn biên giới, do vậy thật bình thường khi chúng lợi dụng điều đó. Nhưng cần phải làm sao để chúng ta không còn là căn cứ cho những kẻ tấn công châu Âu” - Thị trưởng Brussels là Yvan Mayeur tuyên bố.

Hạt Molenbeek có một cộng đồng đông đảo người Hồi giáo sinh sống, trong đó có một thiểu số ủng hộ cực đoan, đang là điểm ngắm của nhà chức trách. Trong thiểu số đó có nhiều gương mặt mà giới chức an ninh châu Âu đã biết.

“Trong những tháng qua, nhiều sáng kiến đã được thực hiện trong cuộc chiến chống cực đoan, nhưng cũng cần phải có nhiều biện pháp trấn áp hơn. Chúng tôi sẽ làm việc tích cực với chính quyền địa phương. Chính phủ liên bang sẵn sàng cung cấp nhiều phương tiện hơn” - Thủ tướng Charles Michel tuyên bố.

Bộ trưởng Nội vụ Jan Jambon hứa sẽ “dọn dẹp” khu phố gần kề nhiều con đường sang trọng ở trung tâm Brussels đó. Trong tuần này Chính phủ Bỉ sẽ trình bày một “kế hoạch hành động” đối với Molenbeek. Tổng cộng có 7 người đã bị bắt giữ tại Bỉ từ ngày 14-11, trong đó ít nhất 5 người tại Molenbeek, trong khuôn khổ cuộc điều tra liên quan đến loạt khủng bố tại Paris.

Mê Linh (tổng hợp)

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.