Hà Nội:

Pháp y - Bộ Công an khám giám định thương tích cho cháu bé bị bạo hành ở Hoàng Mai

Thứ Ba, 23/03/2010, 15:20
Khoảng 10h sáng thứ sáu ngày 12/3/2010, Trung tâm Giám định Pháp y Viện khoa học Hình sự Bộ Công an tiếp nhận đối tượng giám định là một bé gái khoảng 4 tuổi dáng vẻ sợ sệt, đau đớn, đầu tóc bù xù như tổ quạ. Đi cùng bé gái có cán bộ điều tra Công an quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, một nữ cán bộ chuyên trách bảo vệ bà mẹ và trẻ em và nhà báo Nguyễn Thị Thu T. - Phóng viên Báo Gia đình và xã hội, một trong những người phát hiện và đưa vụ việc bạo hành này ra trước công luận.

Tại Phòng khám thương tích, bé gái vẫn chưa  hết hoàn hồn. Nó liên tục ra hiệu, chỉ cho bác sĩ những vị trí bị đánh sưng nề - bầm tím. Ngồi cạnh cháu luôn có 2... "mẹ" động viên, trấn an tinh thần giúp các bác sĩ, thăm khám, đo đạc dấu vết, chụp ảnh thương tích.

Theo hồ sơ xác minh ban đầu của Công an quận Hoàng Mai thì bé gái tên là Nguyễn Hồng Anh sinh tháng 7/2006 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội (Viện C). Mẹ cháu tên là Nguyễn Thị Kim Oanh, hộ khẩu thường trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Bé Hồng Anh không có giấy khai sinh mà chỉ có giấy chứng sinh. Theo quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày sinh con, bố mẹ hoặc người thân phải đi đăng ký khai sinh cho trẻ.

Tuy nhiên, mẹ của bé Hồng Anh còn bận rộn với những phi vụ buôn bán ma túy, nên thị chẳng có thời gian đâu quan tâm đến làm thủ tục vào đời cho con. Thế rồi kết cục của một kẻ buôn bán ma túy cũng đã đến, thị Oanh bị bắt phải ngồi tù. Bé Hồng Anh bắt đầu cuộc sống lang thang, nó trở nên gan lì và tinh ranh hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng độ tuổi.

Tháng 12/2009, bé Hồng Anh được Bùi Văn Đạt, 25 tuổi, nhận về làm con nuôi. Đạt làm nghề tự do (bán nước chè), có hộ khẩu tại tổ 23, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Thời gian này, hàng xóm cũng như nhân dân sống gần nhà Đạt rất bức xúc, thương cảm khi họ phải nghe thấy tiếng kêu cứu - gào thét vì bị đánh đau của bé Hồng Anh. Đã có người dân bí mật phản ánh đến cơ quan báo chí.

Bé Hồng Anh tại Phòng khám thương tích Pháp y - Bộ Công an.

Cho đến cuối tháng 2 vừa qua, thì Đạt lại đổi chỗ ở và thuê nhà tại tổ 18 phường Định Công, quận Hoàng Mai. Ban ngày vợ chồng Đạt... ngủ, chiều tối mới ra bán nước chè quanh Bến xe phía Nam. Bé Hồng Anh thường bị nhốt ở nhà nên cháu rất sợ. Nữ nhà báo Thu T. chỉ có thể trò chuyện với bé Hồng Anh qua song sắt cửa sổ vào lúc tối khuya khi vợ chồng Đạt đi làm. Tại nơi ở mới, Đạt vẫn tiếp tục hành hạ, đánh đập bé Hồng Anh mỗi khi... thích.

Sáng sớm ngày 11/3/2010, từ vị trí "mai phục", nhà báo Thu T. nghe thấy tiếng kêu cứu của bé Hồng Anh do bị đánh đau. Không thể lọt được vào nhà Đạt, nhà báo Thu T. đành phải đặt máy ghi âm trên bệ cửa sổ nơi bé Hồng Anh kêu la rồi chị nhanh chóng thông báo, gọi Công an phường tới đưa cháu ra ngoài. Khi lực lượng chức năng ập vào,  bé Hồng Anh đang đứng trong toalét run cầm cập, môi sưng vù. Buổi trưa cùng ngày, bé Hồng Anh được Công an đưa đến Bệnh viện Bưu điện kiểm tra sức khỏe, cho thuốc điều trị.

Để có cơ sở pháp lý giải quyết theo quy định pháp luật vụ bạo hành trẻ em, ngày 12/3/2010, Thượng tá Bùi Ngọc An, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã Quyết định trưng cầu pháp y Bộ Công an khám giám định thương tích cho bé Hồng Anh. Kết quả sơ bộ các bác sĩ giám định viên khẳng định trên cơ thể bé có nhiều vết bầm tụ máu, sưng nề, có những vết mới, có những vết cách đây vài tuần, có cả dấu vết cắn (bạo hành) rải rác ở ngực, bụng v.v... Nhìn các dấu vết bạo hành trên cơ thể bé Hồng Anh, những ai có mặt ở Phòng khám thương tích Viện Khoa học Hình sự đều không thể cầm lòng.

Ngay buổi chiều 12/3/2010, các bác sĩ giám định viên pháp y - Bộ Công an đã nhanh chóng hoàn thành kết luận giám định đáp ứng yêu cầu "nóng" của Cơ quan CSĐT sớm, đưa đối tượng bạo hành trẻ em ra xử lý trước pháp luật làm gương cho kẻ khác

Nôen
.
.