Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi):

Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng CAND

Thứ Sáu, 14/11/2014, 16:10

Với 7 Chương, 45 Điều quy định cụ thể nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, quyền hạn và chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân (CAND), Dự thảo Luật CAND (sửa đổi) sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Thảo luận về dự thảo Luật CAND (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết và quan điểm xây dựng dự luật, đảm bảo hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng CAND, thể chế hóa các quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Luật CAND (sửa đổi) là bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng Lực lượng CAND ngày càng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; phục vụ tốt hơn cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

Một số điểm mới trong Dự thảo Luật quy định: đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND; hạn tuổi phục vụ của sĩ quan CAND đối với nam và nữ, trong đó đưa ra tiêu chí cụ thể để kéo dài thời gian công tác đối với các đồng chí là lãnh đạo, chỉ huy hoặc có học vị tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc được cấp có thẩm quyền xác định là chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực Công an…

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị nới hạn tuổi phục vụ với nữ sĩ quan mang quân hàm đại tá và cấp tướng. Theo bà Dung các đồng chí nữ để đạt tới hàm đại tá là không nhiều. “Với địa phương quy định giám đốc là đại tá, một chị đạt tới hàm đại tá thì đó phải là người hết sức dũng cảm và có bề dày kinh nghiệm. Với các nữ sĩ quan ở các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đạt tới hàm đại tá cũng không nhiều, đạt tới thiếu tướng thì càng ít, do đó tôi đề nghị luật cần quy định nữ đại tá tuổi nghỉ hưu là 58, với tướng là 60”.

Đề cập tới lực lượng rất quan trọng ở cơ sở là Công an xã, đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) cho rằng, lực lượng Công an xã mỏng trong khi nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở hiện nay rất nặng vì vậy cần biện pháp nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã, thị trấn có chế độ chính sách hợp lý hơn cho lực lượng này yên tâm công tác, đảm bảo an toàn cho người dân.

Về công dân thực hiện nghĩa vụ có thời hạn trong CAND, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) và đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) đề nghị công dân tham gia nghĩa vụ Công an là nghĩa vụ quân sự, thời hạn là 3 năm. Theo bà Huyền, Công an nghĩa vụ có tính chất đặc thù sau khi huấn luyện một thời gian phải thực hiện nhiệm vụ ngay như quản lý phạm nhân, đưa phạm nhân bị HIV đi điều trị… các công việc đó đòi hỏi phải có kỹ năng tốt, nếu không sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí bị đe dọa tới tính mạng. Vì vậy cần có thời gian huấn luyện kỹ càng về nghiệp vụ và việc tuyển chọn do hội đồng của lực lượng Công an tuyển chọn theo những đặc thù của lực lượng Công an.

Cảnh sát Hình sự trước giờ lên đường làm nhiệm vụ.

Một nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của cán bộ, chiến sĩ Công an, đại biểu Quốc hội và cả người dân thời gian qua là Luật CAND (sửa đổi) sẽ quy định những chức danh nào được phong quân hàm cấp tướng. Theo Dự thảo Luật, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan được quy định như sau:

a- Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an.

b- Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an.

c- Trung tướng: Tổng cục trưởng; Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; Chánh Văn phòng Bộ Công an; Chánh Thanh tra Bộ Công an; Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an; Cục trưởng các cục: Đối ngoại; Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; An ninh mạng; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cảnh sát giao thông; Giám đốc các học viện: An ninh, Cảnh sát, Chính trị; Một Phó Tổng cục trưởng là Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục; Giám đốc Công an TP Hà Nội, Giám đốc Công an TP HCM.

d- Thiếu tướng: Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an.

Cục trưởng các cục: Tham mưu, Chính trị, Nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh, trừ Cục Hậu cần.

Cục trưởng các cục: Tham mưu, Chính trị, Nghiệp vụ thuộc Tổng cục Tình báo, trừ Cục Hậu cần.

Cục trưởng các cục thuộc Tổng cục Cảnh sát: Tham mưu, Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng; Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Ngoại tuyến và kỹ thuật; Cảnh sát truy nã tội phạm; Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Cục trưởng các cục thuộc Tổng cục Chính trị CAND: Tham mưu, Tổ chức cán bộ; Công tác chính trị; Chính sách, Đào tạo; Công tác Đảng và công tác quần chúng.

Cục trưởng các cục thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật: Thông tin liên lạc; Quản lý trang bị kỹ thuật và trang cấp; Quản lý khoa học công nghệ và môi trường; Công nghệ thông tin; Quản lý xây dựng cơ bản và doanh trại; Y tế.

Cục trưởng các cục thuộc Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp: Tham mưu, Chính trị; Quản lý phạm nhân, trại viên; Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng; Theo dõi thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; Hướng dẫn tạm giam, tạm giữ:

Viện trưởng Viện Khoa học hình sự; Viện trưởng Viện Lịch sử Công an; Viện trưởng Viện Hóa sinh; Tổng biên tập Báo CAND; Tổng biên tập Tạp chí CAND; Giám đốc Trung tâm phát thanh, truyền hình, điện ảnh CAND; Giám đốc các bệnh viện: 19-8, 199, 30-4.

Giám đốc Học viện Tình báo; Hiệu trưởng các trường đại học: An ninh, Cảnh sát, Phòng cháy và chữa cháy, Hậu cần - Kỹ thuật.

Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội và TP HCM;

Phương án 1: Cấp phó của cấp trưởng quy định tại Điểm c khoản này. Số lượng như sau: Phó Tổng cục trưởng không quá 5; Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động không quá 4; Phó Chính ủy Cảnh sát cơ động là 1; Phó Tư lệnh Cảnh vệ không quá 4; Phó giám đốc các Học viện không quá 3; Phó Chánh văn phòng Bộ không quá 4; Phó Chánh thanh tra Bộ không quá 3; Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học Công an không quá 3; Phó Cục trưởng trực thuộc Bộ không quá 3; Phó giám đốc Công an Hà Nội không quá 3; Phó giám đốc Công an TP HCM không quá 3.

Phương án 2: Cấp phó của cấp trưởng quy định tại Điểm c khoản này, số lượng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất chức vụ Thứ trưởng - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là thượng tướng như các thứ trưởng khác; trần cấp bậc hàm của Giám đốc Công an TP Hà Nội, TP HCM là trung tướng; Trưởng Công an quận là đại tá; Trưởng Công an huyện và thị xã là thượng tá; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại có trần cấp bậc hàm là đại tá.

Lực lượng Công an diễn tập chống khủng bố.

Đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) hy vọng luật này sẽ sửa đổi những bất cập của luật cũ thành luật hoàn chỉnh để xây dựng lực lượng Công an chính quy, từng bước hiện đại. Ông Thực cũng nêu tâm tư rằng: “Có người nói sao Công an lắm tướng thế. Nhưng Công an có làm ra tướng đâu. Tiêu chuẩn, niên hạn có quy trình từ thấp đến cao, một người 17 bộ hồ sơ báo cáo các ngành, các cấp xét từ thấp đến cao, Thủ tướng hay Chủ tịch nước cũng chỉ ký quyết định cuối cùng sau khi qua quy trình xét”.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Đảng, nhân dân luôn ghi nhận công lao của lực lượng Công an nên mong muốn lực lượng này luôn trong sạch vững mạnh. Chúng ta ghi nhận Công an là lực lượng vũ trang do đó cơ cấu Công an phải như quân đội. Theo ông Thuyền đồng tình quy định Tổng cục phó phụ trách công tác Đảng là trung tướng như Tổng cục trưởng, vậy tại sao Thứ trưởng phụ trách công tác Đảng lại không được đại tướng. Đã ghi nhận Công an là lực lượng vũ trang thì đòi hỏi công tác chính trị rất quan trọng. Vì vậy đã quy định Tổng cục phó phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị là trung tướng thì đương nhiên Thứ trưởng phụ trách công tác Đảng là đại tướng. 

Ông Thuyền cho rằng nếu Giám đốc Công an Hà Nội, TP HCM là trung tướng thì Giám đốc Công an các tỉnh là thiếu tướng; nếu Giám đốc Công an Hà Nội, TP HCM là thiếu tướng thì các tỉnh là đại tá cho hợp lý đồng thời kiến nghị luật sửa đổi cần ghi rõ những người đã phong tướng theo luật cũ thì được giữ nguyên quân hàm.

Là Thiếu tướng quân đội, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) phân tích, cấp bậc là khoa học trong chỉ huy, để phân biệt giữa cấp trên và cấp dưới, chỉ huy và bị chỉ huy, thông thường người có quân hàm cao là chỉ huy của người có quân hàm thấp hơn, nhận dạng qua quân hàm cũng nhận biết được tài năng của mỗi cá nhân và cống hiến của người đó đối với đất nước. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người có quân hàm thấp hơn chỉ huy người có quân hàm cao hơn. Nhưng lần sửa đổi này quy trình công tác cán bộ sẽ ngày càng chính quy. Như vậy, cấp trên phải có quân hàm cao hơn cấp dưới.

Tuy nhiên, ông Tường kiến nghị, trần quân hàm của giám đốc Công an các tỉnh chỉ thấp hơn một bậc so với Hà Nội, TP HCM chứ không phải 2 bậc như dự thảo. Lý do là giám đốc Công an tỉnh, thành phố đều có chung nhiệm vụ tham mưu, đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội cho một đơn vị hành chính. Chức năng, nhiệm vụ như nhau, chỉ có điều kiện thực hiện nhiệm vụ là khác nhau, thậm chí khác xa nhau.

"Không thể để tình trạng giám đốc Công an tỉnh bằng quân hàm với Trưởng Công an quận, huyện của Hà Nội, TP HCM, vì ảnh hưởng đến tâm tư của họ".

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) thì băn khoăn Dự thảo Luật quy định Cục trưởng một số cục có hàm trung tướng nhưng các Tổng cục phó không có hàm trung tướng. Cần xem xét lại vì Tổng cục phó là cao hơn Cục trưởng. Ông Phúc cho rằng cần phải xem lại khi giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lại có quân hàm ngang với Trưởng Công an quận của Hà Nội và TP HCM.

Theo ông Phúc, nếu giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc đại tá thì trưởng Công an quận của Hà Nội và TP HCM chỉ là thượng tá. Hoặc nếu trưởng Công an các quận này là đại tá thì giám đốc Công an các tỉnh là chuẩn tướng.

Đối với chức danh giám đốc Công an TP Hà Nội, ông Phúc tán thành trần quân hàm trung tướng, còn giám đốc Công an TP HCM là thiếu tướng, vì Hà Nội khác TP HCM.

“Hà Nội là trung tâm chính trị của quốc gia, TP HCM cũng rất quan trọng nhưng phải ưu tiên cho thủ đô. Như vậy sẽ có tương quan: Giám đốc Công an TP Hà Nội và Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô là trung tướng. Còn giám đốc Công an TP HCM và Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP HCM là thiếu tướng. Rất là phù hợp và rất đẹp".

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng cấp hàm không nên xa quá, nếu Hà Nội, TP HCM là trung tướng thì ở thành phố trực thuộc Trung ương như Hải Phòng, Đà Nẵng thì phải là thiếu tướng, chứ không thể là đại tá. Cấp hàm trong các đơn vị cần tính toán. Có những cấp hàm không thỏa đáng, như Chỉ huy trưởng PCCC lại bằng giám đốc Công an tỉnh. “Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC ở Hà Nội và TP HCM mang cấp hàm thiếu tướng, so với giám đốc Công an Hải Phòng, Đà Nẵng thì lại cao hơn hẳn thì phải xem lại. Vì PCCC chỉ làm một việc trong khi giám đốc Công an tỉnh làm toàn diện”.

Theo chương trình, Luật CAND (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này

Nguyễn Thiêm
.
.