Phòng ngự điện tử, xu thế của quốc phòng tương lai

Thứ Ba, 12/12/2006, 16:00

Trên thực tế, ngay cả hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ - BMD cũng là một dạng phòng ngự điện tử siêu lớn. Trong hệ thống này, yếu tố cấu thành chủ đạo chính là các thiết bị truyền cảm, radar cảnh báo và hệ thống… Một xu thế mới của quốc phòng đang hình thành, đó là "xu thế phòng ngự điện tử".

Tập đoàn tư vấn thông tin và Tập đoàn TEAL, cùng các chuyên gia quốc phòng của nhiều nước mới đây đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy: Hiện nay xu hướng quốc phòng và tình báo của nhiều quốc gia trên thế giới thiên về phòng ngự, hình thức phòng ngự chủ yếu là phòng ngự điện tử. Sở dĩ như vậy vì nó được bắt nguồn từ nhiều yếu tố và theo xu thế chung của thế giới là răn đe và phòng ngự từ xa.

Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của nước Mỹ - BMD, trên thực tế chính là một dạng phòng ngự điện tử siêu lớn. Trong hệ thống phòng ngự này, các yếu tố cấu thành quan trọng nhất chính là các thiết bị truyền cảm, radar cảnh báo và hệ thống C4I (chỉ huy, kiểm soát, thông tin, hệ thống máy tính, tình báo).

Ngày nay, thị trường các loại trang thiết bị phục vụ công cuộc phòng thủ đất nước đang ngày càng trở nên đặc biệt có giá trị,  nhất là các thiết bị trong lĩnh vực phòng ngự điện tử. Dự báo thị trường này có thể đạt doanh thu lên tới hàng trăm tỉ USD trong vòng từ năm 2006 tới năm 2015. Đồng thời với những con số tài chính khổng lồ của thị trường này là xu thế liên tục ra đời các loại thiết bị điện tử tiên tiến nhất phục vụ cho mục đích phòng ngự quốc gia.

Hệ thống radar, các vệ tinh cảnh báo sớm

Trong toàn bộ kế hoạch BMD, nước Mỹ đã có nhiều cải tiến nâng cấp các loại tên lửa đạn đạo đánh chặn cũng như các thiết bị điều khiển thông tin của các loại tên lửa đánh chặn. Cụ thể như hệ thống nhận biết mục tiêu, hệ thống định vị, truy đuổi và phá hủy mục tiêu...

Hiện tại, tất cả thiết bị này đã đạt đến trình độ điện tử hóa tối đa, đều được điều khiển ở trình độ tự động hóa cao nhất. Tiến sĩ David Rockwell, một chuyên gia phân tích hàng đầu về phòng ngự điện tử đồng thời là Chủ tịch của TEAL cho biết: Do nhiều nước đang theo xu hướng tiến hành kế hoạch phòng ngự bằng các thiết bị điện tử và tên lửa đạn đạo chiến lược, do vậy trong 10 năm tới thị trường phòng ngự điện tử toàn cầu sẽ có xu thế tăng trưởng rất mạnh. Theo những gì mà

Tiến sĩ David Rockwell và Công ty TEAL cho biết, cần phải đầu tư khoảng 6 tỉ USD trong giai đoạn đầu khi tiến hành lắp đặt hệ thống BMD. Nhưng nếu chỉ có tên lửa không thôi thì vẫn chưa đủ hình thành nên hệ thống phòng ngự, mà thiết bị đáng giá và được coi là trái tim của hệ thống này chính là hệ thống radar cảnh báo tiên tiến, với giá vô cùng đắt.

Các chuyên gia TEAL dự báo, trong 10 năm tới đây, các loại máy bay chiến đấu có gắn radar cảnh báo hiện đại ước tính sẽ lên tới con số hơn 21 tỉ USD, nhưng như vậy vẫn còn thua xa hệ thống radar của hệ thống BMD với giá 26 tỉ USD. Sở dĩ chúng có giá đắt như vậy vì hệ thống này có tính năng phát hiện sớm các âm mưu tấn công và có thể cảnh báo toàn cầu.

Theo những dự báo của TEAL, những nhà sản xuất thu được nhiều lợi lộc và thị phần nhất trên thị trường là: Tập đoàn Network Integration Center và Tập đoàn Boeing, ước tính mỗi tập đoàn này có thể thu về khoảng trên dưới 20 tỉ USD trong vòng 10 năm.

Theo TEAL, các công ty và tập đoàn hàng đầu đang tính tới khả năng sản xuất nhiều thiết bị phòng ngự và tấn công bằng vũ khí quang học, hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm. Đã có rất nhiều thành công nhưng thực sự đây là vấn đề khó và đòi hỏi tốn kém rất nhiều trong nghiên cứu và sản xuất, vì vậy được ưu tiên số hai.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt của các công ty Mỹ và châu Âu

Hiện tại, với cơ sở hạ tầng vượt trội, các công ty của Mỹ đang độc quyền các lĩnh vực sản xuất này. Họ đã ký được nhiều hợp đồng lớn với Chính phủ Mỹ và NASA, ngoài ra các hợp đồng sản xuất linh kiện, thiết bị cho các cơ quan tình báo cũng chiếm thị phần không nhỏ. Boeing hiện là công ty sản xuất các thiết bị cảnh báo, hệ thống trinh sát, hệ thống các thiết bị tình báo, hệ thống giám sát thông tin tình báo lớn nhất và hiện đại nhất trên toàn thế giới.

Để cạnh tranh với hệ thống BMD của Mỹ, nhiều nước châu Âu cũng tiến hành nghiên cứu và sản xuất những thiết bị và hệ thống tương tự, nhưng quy mô nhỏ hơn và không thể hiện đại bằng nước Mỹ.

Các nước châu Âu về cơ bản đã tiến hành hợp nhất các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ với ngành công nghiệp phòng ngự điện tử. Hiện tại những công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử phục vụ công việc phòng ngự như EADS đã bắt đầu có những bước tiếp xúc với thị trường, tiếp cận với các bạn hàng truyền thống và phi truyền thống.

Mới đây, EADS đã vừa ký hợp đồng sản xuất các thiết bị điện tử phòng ngự tiên tiến với Cơ quan Nghiên cứu hàng không Ấn Độ (DARE), theo đó hai bên nhất trí sản xuất hệ thống cảnh báo phát hiện và tiêu diệt tên lửa đạn đạo, có thể tấn công và tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo đời mới nhất của Mỹ và các nước đồng minh. Hệ thống này được dựa trên nguyên bản của hệ thống cảnh báo toàn cầu MILDSAN/AAR 60.

Khi hệ thống mới được hoàn tất, nó có khả năng chiến đấu độc lập cũng như hiệp đồng chiến đấu cùng các quân binh chủng khác của Ấn Độ. Ngoài tính năng cảnh báo vượt trội MILDSAN/AAR 60 còn có thể trinh sát, dò tìm, tiêu diệt mục tiêu bằng các tia tử ngoại. Hệ thống này với các tính năng vượt trội và sai số cực nhỏ đang được kỳ vọng là đối thủ ngang tầm với BMD của Mỹ. Dự kiến vào năm 2007, hệ thống sẽ được đưa vào sử dụng.

Ngoài châu Âu, các công ty sản xuất hàng đầu của Israel cũng đang có những bước đi khẩn trương nhằm thâu tóm các kỹ thuật và thị trường phòng ngự điện tử toàn cầu. Đối tượng chính mà các công ty của Israel hướng tới là các nước ở khu vực châu Á, Tây Âu hay một số nước Đông Âu.

Theo nhật báo Công nghiệp quốc phòng Mỹ, Công ty ELBIT của Israel đã ký được một số hợp đồng cung cấp hệ thống tác chiến điện tử cho Hungary và Hàn Quốc trị giá hàng trăm triệu USD. Công ty này vừa bán cho Hàn Quốc hệ thống điện tử lắp đặt cho máy bay trực thăng với tên gọi “Siêu ưng S-92”, ngoài ra còn cung cấp 295 bộ radar cảnh báo sớm cho Hungary

NGUYỄN HÒA (Theo tạp chí Khoa học quốc phòng)
.
.