Phương Tây buộc phải nhượng bộ Nga?

Thứ Tư, 24/09/2014, 16:25

Nghị viện châu Âu và quốc hội Ukraina vừa cùng chính thức phê chuẩn Hiệp định liên kết giữa EU và Ukraina. Tuy nhiên, bản hiệp định lại chỉ có hiệu lực về mảng chính trị. Các điều khoản về kinh tế sẽ được áp dụng vào năm 2016. Vì sao lại có sự trì hoãn này?

Ngày 16/9, các nghị sĩ châu Âu tại Strasbourg và các đồng nghiệp tại Kiev đã đồng thời bỏ phiếu thông qua hiệp định liên kết này. Màn bỏ phiếu diễn ra khá màu mè: nghị viện hai bên được nối với nhau qua màn hình truyền hình trực tiếp phiên họp. Hiệp định Hợp tác Ukraina - EU là thỏa thuận bao hàm các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị giữa hai bên.

Các điều khoản chính trị của Hiệp định đã được ký kết từ hồi tháng 3/2014, sau khi cựu Tổng thống Yanukovych bị lật đổ và một chính phủ lâm thời được dựng lên ở Kiev. Tổng thống Ukraina Poroshenko sau đó đã ký phần kinh tế của hiệp định nói trên hồi tháng 6.

Đây là hiệp định bị chính cựu Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký kết vào cuối năm ngoái. Điều này mở màn cho những căng thẳng diễn ra sau đó tại Ukraina và rồi đẩy Nga với phương Tây vào cuộc đối đầu căng thẳng nhất từ sau Chiến tranh lạnh.

Tổng thống Mỹ Obama gặp mặt Tổng thống Ukraina Poroshenko.

Việc Quốc hội Ukraina thông qua Hiệp định liên kết với EU được truyền thông phương Tây đánh giá là một "nhát chém dứt khoát" cho quan hệ giữa Ukraina và Nga, chính thức đưa Kiev vào sân chơi của châu Âu.

Tuy nhiên, để Ukraina thoát khỏi ảnh hưởng của Nga không phải chuyện dễ dàng. Minh chứng là chỉ có vế chính trị trong hiệp định trên có hiệu lực tức thì sau khi được phê chuẩn, còn vế kinh tế thì bị trì hoãn lại đến năm 2016 thay vì sẽ được áp dụng ngay từ ngày 1/11 tới đây.

Lý do của sự trì hoãn này là vì EU sợ Nga trả đũa kinh tế. Theo giải thích của một nhà ngoại giao châu Âu thì EU ngại bị Nga trả đũa cấm vận đưa đến "chiến tranh khí đốt".

Một lý do khác là để tránh cho Ukraina phải trả cái giá quá cao về kinh tế trong khi đất nước đang khủng hoảng. Hiện nay, nền kinh tế Ukraina và Nga quá lệ thuộc vào nhau. Ukraina không thể bỏ thị trường Nga và nhân công của quốc gia láng giềng. Nếu lĩnh vực kinh tế, thương mại trong hiệp ước hội viên liên kết giữa EU và Ukraina có hiệu lực ngay, thì bao nhiêu hàng hóa của châu Âu nhập vào Ukraina sẽ tràn ngập thị trường và tác động xấu tới kinh tế Nga.

Moskva đã thông báo là sẽ ban hành nhiều biện pháp bảo hộ kinh tế, ngăn chặn lượng hàng hóa của EU, qua trung chuyển Ukraina, tràn ngập thị trường Nga. Một khi Nga đóng cửa biên giới với Ukraina thì kinh tế của nước này lập tức suy sụp. Điều quan trọng hơn là Ukraina sẽ chưa thể được hưởng lợi ích từ thương mại tự do với châu Âu trong vòng một thập niên bởi thỏa thuận được ký kết đã để một khoảng thời gian tối đa 10 năm cho "giai đoạn chuyển tiếp".

Tổng thống Petro Poroshenko "ăn mừng" quá sớm khi quốc hội Ukraina thông qua Hiệp định liên kết với châu Âu hôm 16/9.

Chính báo chí phương Tây đã bình luận việc trì hoãn trên như một gáo nước lạnh mà EU dội xuống đầu chính quyền Kiev. Còn theo chính quyền Ukraina, thì đây là một ví dụ cụ thể cho thấy châu Âu nhượng bộ yêu sách của Nga. EU đang chìm trong khủng hoảng kinh tế nên không thể có tiền chi viện cho Ukraina. Cho nên EU chỉ còn biết cách vẽ ra cái bánh để kéo Ukraina về phía mình.

Đối với Nga, đây là một thành công bước đầu. Từ giờ đến năm 2016, Moskva có thể yêu cầu kéo dài thời hạn áp dụng các điều khoản kinh tế trong hiệp định EU-Ukraina, khi đó mọi chuyện có thể sẽ lại khác.

Trong khi đó tình hình tại Ukraina đang có chiều hướng xấu đi. Thủ tướng Ukraina Yatsenyuk hôm 17/9 đã chỉ thị cho quân đội nước này luôn ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, bất chấp một lệnh ngừng bắn đạt được với lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraina.

Phát biểu trong cuộc họp nội các ở Kiev, ông Yatsenyuk khẳng định, việc Tổng thống Ukraina Poroshenko ban hành kế hoạch hòa bình không có nghĩa là giảm bớt công việc của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ của nước này. Bất chấp việc Quốc hội Ukraina hôm 16/9 phê chuẩn dự luật trao quy chế tự quản đặc biệt cho hai tỉnh miền Đông Donetsk và Lugansk, Thủ tướng Ukraina đã thể hiện lập trường cứng rắn khi phản đối cái mà ông gọi là sự hợp pháp hóa lực lượng ly khai ở miền Đông.

Trên bình diện ngoại giao, ngày 17/9, Tổng thống Ukraina Poroshenko đã tới Canada, bắt đầu chuyến thăm Bắc Mỹ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của phương Tây đối với kế hoạch mà ông đề xuất về lực lượng đòi ly khai. Tại Ottawa, ông Poroshenko đã có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Stephen Harper. Hai bên đã thảo luận về tình hình miền Đông Ukraina và Thỏa thuận liên kết chính trị và kinh tế giữa Ukraina và Liên minh châu Âu.

Ngày hôm qua 18/9, ông Poroshenko đã đến Mỹ và có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên kể từ khi ông Poroshenko trở thành Tổng thống Ukraina. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko kêu gọi  Mỹ tiếp tục hỗ trợ cho quân đội chính phủ Ukraina trong việc đối phó với lực lượng ly khai ở miền Đông, cũng như mạnh tay hơn trong việc trừng phạt Nga. Ông Poroshenko bày tỏ hy vọng Washington sẽ trao cho Ukraina quy chế đối tác phi liên minh đặc biệt về an ninh và phòng thủ.

Sau bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ, Tổng thống Poroshenko có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Obama nhằm yêu cầu Mỹ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraina. Cho đến nay, Washington đã cung cấp khoảng 60 triệu USD viện trợ cho quân đội Ukraina, nhưng Tổng thống Obama vẫn từ chối đề nghị viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev. Giới chức Nhà Trắng nêu rõ chuyến thăm Mỹ của ông Poroshenko nhằm phần nào gửi thông điệp tới Nga về sự hậu thuẫn mà phương Tây dành cho Kiev.

Liên quan tới gói cấm vận gần đây nhất của phương Tây nhằm vào Nga, Tổng thống Vladimir Putin ngày 18/9 tuyên bố, các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina đã vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông Putin nhấn mạnh: "Việc một số đối tác phương Tây áp đặt  biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga chính là sự loại bỏ các nguyên tắc cơ bản WTO. Họ đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng về các điều kiện tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ của các quốc gia. Họ bỏ qua nguyên tắc cạnh tranh tự do và công bằng"

M.T. (tổng hợp)
.
.