Poroshenko và vở ba lê ngoại giao

Thứ Hai, 07/07/2014, 16:45

Kế hoạch hòa bình đơn phương của tân Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko chưa đi đến đâu, nếu không muốn nói là sẽ đổ vỡ. Nga không muốn tham gia vào “vở ba lê ngoại giao” của chính quyền Kiev.

Như Chuyên đề ANTG đưa tin, ngày 20/6, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đã công bố kế hoạch hòa bình gồm 14 điểm cho miền Đông Ukraina, nơi mà các trận giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn.

Kế hoạch hòa bình bao gồm 3 phần: kinh tế, chính trị và an ninh nhằm đạt đến một giải pháp hòa bình cho miền Đông Ukraina, mà phần lớn hiện nằm dưới quyền kiểm soát của phiến quân ly khai thân Nga.

Cụ thể, kế hoạch này dự trù "bảo đảm an ninh cho những người tham gia hòa đàm", ân xá cho "những người đã bỏ súng và đã không phạm tội ác nghiêm trọng", trả tự do cho các con tin, lập một “vùng đệm” cách biên giới Ukraina - Nga 10 km.

Kế hoạch còn dự trù giải giới, chấm dứt việc chiếm đóng các trụ sở chính quyền, nhanh chóng tổ chức bầu cử địa phương và đưa ra một chương trình tạo công ăn việc làm cho vùng này. Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Poroshenko cũng bao gồm việc bảo đảm một "hành lang để quân ly khai rút đi" và "bảo vệ tiếng Nga qua việc sửa đổi Hiến pháp".

"Kịch bản hòa bình chính của chúng tôi là kế hoạch A. Nhưng những người muốn sử dụng đàm phán hòa bình với mục đích duy nhất là kéo dài thời gian nên biết rằng chúng tôi còn có một kế hoạch B chi tiết. Tôi sẽ không nói về nó bây giờ bởi vì tôi tin rằng kế hoạch hòa bình của chúng tôi sẽ có hiệu quả" - ông Poroshenko cho biết thêm trong một tuyên bố trên trang web của mình.

Giao tranh đã khiến nhiều người dân ở miền Đông Ukraina phải sơ tán.

Lệnh ngừng bắn của chính quyền Ukraina có hiệu lực vào lúc 22 giờ, giờ địa phương (tức 19 giờ GMT) ngày 20/6 và kéo dài đến hết ngày 27/6. Tuy nhiên trên thực tế, thỏa thuận ngừng bắn không được thực hiện. Các cuộc giao tranh và đụng độ tiếp tục diễn ra tại khu vực miền Đông - Nam Ukraina, và Moskva chưa thể nói rõ đó là do lỗi các đơn vị quân đội Ukraina hoặc do các phần tử vũ trang của cái gọi là “lực lượng cánh hữu”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, để nội dung kế hoạch của ông Poroshenko về giải quyết tình hình trong nước trở thành thực tiễn, cần phải bảo đảm việc chấm dứt chiến sự.

Ông Putin nói: "Việc Tổng thống Poroshenko ban bố lệnh ngừng bắn chắc chắn là một giai đoạn quan trọng trong quá trình giải quyết tình hình; nhưng có lẽ một trong những điều quan trọng nhất là nếu không có lệnh ngừng bắn thì không thể đạt thỏa thuận về bất cứ điều gì. Và, tất nhiên, Nga sẽ hỗ trợ các sáng kiến như vậy. Song, điều quan trọng nhất là tiến trình chính trị. Trên cơ sở thỏa thuận ngừng bắn cần phải thiết lập cuộc đối thoại giữa tất cả các bên tham chiến.

Để tìm một thỏa hiệp mà tất cả các bên có thể chấp nhận được, để những người sống ở Đông - Nam Ukraina thấy rõ rằng họ là một phần không thể tách rời khỏi đất nước này và được hưởng tất cả các quyền công dân và các quyền đó được đảm bảo vững chắc, kể cả bằng đạo luật chính - Hiến pháp, thì cần phải bắt đầu cuộc đối thoại cụ thể. Đó là điều kiện bảo đảm sự thành công".

Tuy nhiên, cuộc đối thoại chưa bắt đầu. Chính quyền Kiev thậm chí không mời bên khác tham gia đối thoại. Trên thực tế, chính quyền tuyên bố, lực lượng dân quân chỉ có một tuần lễ để hạ vũ khí. Kiev đe dọa sẽ tiêu diệt những người không thực hiện lệnh này. Và đe dọa người dân ở khu vực Donbass - nếu họ không gây  ảnh hưởng đến lực lượng dân quân thì Kiev sẽ thực hiện kế hoạch B.

Các chi tiết của kế hoạch này không được tiết lộ, nhưng Tổng thống Poroshenko cảnh báo rằng, trong trường hợp này số nạn nhân sẽ tăng lên.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, sự hòa hợp và hòa bình không thể đạt được khi người ta đưa ra những điều kiện như vậy: "Hầu hết những điều kiện mà Tổng thống Ukraina Poroshenko đưa ra trong kế hoạch hòa bình giống với "một bức tối hậu thư" cho lực lượng đối lập. Điểm mấu chốt là tất cả những ai không đồng ý với chính quyền hiện tại và cái cách họ nắm được quyền lực, sẽ có mấy ngày để hạ vũ khí của mình. Nếu không làm theo Kiev, những người này sẽ phải rút khỏi Ukraina, hoặc được xem xét về tội vi phạm luật pháp, sau đó sẽ xem có thể được ân xá hay không.

Đây không phải là những gì mà Tổng thống Poroshenko đã nói trong các cuộc gặp mặt ở Normandy và qua điện thoại với Tổng thống Vladimir Putin. Nó cũng không giống với cách mà những người đồng cấp phương Tây của Tổng thống Nga nhìn nhận vấn đề này. Trong kế hoạch này thiếu nội dung quan trọng nhất - cuộc đàm phán. Kế hoạch này không phù hợp hoàn toàn với bản Tuyên bố Geneva ngày 17/4, mà văn kiện đó, ít nhất trên lời nói, nhận được sự hỗ trợ của tất cả các đối tác phương Tây của chúng tôi, cũng như của Mỹ, EU và chính quyền Ukraina".

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đi thị sát thực thi lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraina.

Về phần mình, ông Lavrov cho biết, Nga sẵn sàng tập trung mọi nỗ lực để cuối cùng thiết lập cuộc đối thoại giữa Kiev và khu vực Đông - Nam Ukraina. Dù ở giai đoạn đầu tiên đây sẽ là đối thoại gián tiếp, nhưng điều đó sẽ mở đường cho cuộc đàm phán trực tiếp để đạt được sự thỏa hiệp về các nội dung trong hệ thống nhà nước tương lai của Ukraina. Bây giờ, mục tiêu ưu tiên của Moskva là chấm dứt chiến sự để cứu sống những người sống ở khu vực đó.

Ngày 23/6, Ngoại trưởng Ukraina Pavlo Klimkin đã tới Luxembourg để trình bày với các đồng nhiệm châu Âu kế hoạch hòa bình của Tổng thống Poroshenko, nhằm chấm dứt bạo lực và khủng hoảng ở miền Đông Ukraina.

Trước đó, Washington đã tố cáo Nga đưa nhiều xe tăng và đại pháo đến giúp cho phe nổi loạn và cảnh cáo các nhóm vũ trang Nga không được can thiệp và dọa sẽ trả đũa kinh tế. Ngày 23/6, Ngoại trưởng Anh William Hague cảnh báo rằng, nếu Nga không hành động, EU "sẽ áp dụng thêm các biện pháp, lệnh trừng phạt mới". Ông Hague nói tuyên bố ủng hộ kế hoạch hòa bình cho Ukraina của Tổng thống Nga Vladimir Putin phải được "chuyển hóa thành hành động".

Khủng hoảng Ukraina cũng sẽ được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh EU, diễn ra tại Brussels vào ngày 27/6 tới, nơi các lãnh đạo châu Âu có thể công bố thêm nhiều lệnh trừng phạt với Nga nếu họ cho rằng phản ứng của Moskva với kế hoạch hòa bình là chưa thích đáng. Lãnh đạo phương Tây cáo buộc Nga trang bị vũ khí cho quân vũ trang chống Kiev ở Donetsk và Luhansk, nơi có truyền thống gần gũi với Moskva.

Cũng vào ngày 27/6 tới, thỏa thuận hợp tác liên kết EU-Ukraina, vốn châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hiện tại, cũng sẽ được ký kết. Cho đến thời điểm này, EU và Mỹ đã áp đặt lệnh cấm thị thực và đóng băng tài sản của quan chức Nga bị cáo buộc là gây ra tình hình bất ổn ở Ukraina, bao gồm cả việc sáp nhập Crimea. Nhưng cái gọi là cấm vận "giai đoạn ba" có thể bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng hơn, ví dụ như không cho Nga tiếp cận một số loại công nghệ và khoản đầu tư nhất định.

"Các biện pháp này đã sẵn sàng được sử dụng. Chúng tôi xem xét liệu Nga có hành động thực sự để ngăn chặn vũ khí luân chuyển qua biên giới vào đông Ukraina hay không, và vận động các nhóm vũ trang dừng các hoạt động phi pháp hay không" - ông Hague cảnh báo.

Trước tình hình này, Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh tập trận bất thường từ ngày 21 đến ngày 28/6. Các lực lượng Nga tại miền Trung được đặt trong tình trạng báo động. Khoảng thời gian này trùng khớp với giai đoạn một tuần ngưng bắn đơn phương của chính quyền Kiev. Theo Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Valeri Gerasimov, hơn 65.000 binh sĩ, hơn 180 máy bay, khoảng 60 trực thăng và 5.500 phương tiện quân sự khác tham gia vào chiến dịch này.

Theo giới quan sát, mặc dù chỉ là bề ngoài, nhưng bộ mặt ngoại giao mà Tổng thống Poroshenko trưng ra có lợi thế là đã lôi kéo được phương Tây, vì phương Tây thấy được thiện chí muốn hòa dịu tình hình của Ukraina. Thế nhưng, Điện Kremlin đã nói không với đề nghị của Kiev. Moskva dường như muốn "rút ra khỏi vở diễn ba lê ngoại giao" của Kiev

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.