Quá tải bệnh viện: “Bệnh nan y đang chờ thuốc đặc trị”

Thứ Ba, 03/04/2012, 12:25

Trong buổi chất vấn tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, khám chữa bệnh của nhân dân và một số vấn đề của ngành y tế, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dành khá nhiều thời gian để trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về vấn đề liên quan tới giảm tải bệnh viện. Quá tải bệnh viện, câu chuyện đã tồn tại từ nhiều năm nay không chỉ làm người bệnh mệt mỏi, bức xúc mà cũng khiến lãnh đạo Bộ Y tế đau đầu, nhưng để giải quyết được là việc không đơn giản….

Bệnh viện càng nổi tiếng, càng quá tải

Bây giờ, với bất kỳ ai cũng luôn ám ảnh, thậm chí sợ hãi nếu chẳng may bị ốm và phải đi viện. Dù ai cũng sợ đi viện nhưng đến bất cứ một bệnh viện nào ở Hà Nội, như Bạch Mai, Việt - Đức, Nhi TW, K, Phụ sản TW, Phụ sản Hà Nội, Xanh Pôn… đều bắt gặp cảnh bệnh nhân đứng ngồi la liệt xếp hàng chờ khám; chuyện nằm ghép đôi, thậm chí 3, 4 bệnh nhân một giường đã trở thành "chuyện thường ngày ở viện".

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, năm 2011, các bệnh viện đã khám và điều trị ngoại trú hơn 129,57 triệu lượt người bệnh (tăng khoảng gần 8 triệu lượt so với năm 2010) và 11,12 triệu lượt người bệnh nhập viện điều trị nội trú năm. Số lượt điều trị nội trú tăng tại tất cả các tuyến, riêng các bệnh viện trực thuộc Bộ tăng 8,8%. Vì vậy, dù số ngày điều trị trung bình/1 người bệnh chung của các tuyến là 6,4 ngày, so với năm 2010 giảm được 0,2 ngày tại bệnh viện tuyến trung ương và giảm 0,1 ngày tại bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng hầu hết các bệnh viện đều quá tải.

Trong số ấy có nhiều bệnh viện quá tải tới mức kỷ lục, như ở Bệnh viện Việt - Đức, công suất thực tế tại khoa Tiết niệu là 157%; khoa Phẫu thuật thần kinh là 148%. Tại Bệnh viện E, khoa Tim trẻ em là 189%. Tại Bệnh viện các bệnh phổi TW, khoa Bệnh màng phổi là 178%. Ở Bệnh viện Nhi TW, khoa Tim mạch là 182%; còn ở  Bệnh viện Phụ sản TW, khoa Sản thường là 188%; khoa Phụ ung thư là 200%...

Nhưng, tỷ lệ như vậy vẫn còn là… thấp. Bởi tại Bệnh viện K, nơi chuyên điều trị bệnh nhân ung thư, thì trong số 5 khoa của bệnh viện, khoa thấp nhất là Xạ 2 cũng quá tải 272%; còn cao nhất là Ngoại E quá tải tới… 346%...

Chỉ nhìn vào những con số ấy cũng đủ thấy áp lực quá tải bệnh viện còn là chuyện riêng của ngành y tế, cũng không chỉ khiến người bệnh mệt mỏi, bức xúc mỗi khi phải đi bệnh viện mà đã trở thành vấn đề xã hội, bởi sẽ ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh, tới y đức…

Vì thế, một câu hỏi của nhân dân với Bộ Y tế luôn là "bao giờ hết quá tải bệnh viện?". Còn nhớ năm 2007, khi ông Nguyễn Quốc Triệu nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế đã đưa ra quyết tâm giảm tải bệnh viện để người dân đỡ khổ. Nhưng rồi, cho tới khi ông Triệu rời khỏi Bộ Y tế, quyết tâm ấy đã không thành hiện thực. Có lẽ vì thế mà trong buổi lễ tiếp nhận bàn giao từ người tiền nhiệm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nêu lên 5 thách thức "khó có thể giải quyết trong một nhiệm kỳ", mà 1 trong 5  thách thức đó là tình trạng quá tải bệnh viện và các biện pháp giảm tải.

Xếp hàng chờ khám bệnh ở Bệnh viện Nhi TW.

Vì sao bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến trung ương luôn quá tải? Đưa ra "mổ xẻ" nguyên nhân, ông Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho rằng một trong những nguyên nhân bệnh viện tuyến Trung ương quá tải do tâm lý của người dân. "Tôi đề nghị Bộ trưởng hết sức chia sẻ với nỗi khổ của người dân khi phải dịch chuyển từ bệnh viện tuyến địa phương lên Trung ương. Bộ trưởng lưu ý ở chỗ tuyến địa phương hiện nay  bác sĩ thì thiếu, cơ sở vật chất trang bị không bằng ở Trung ương. Trình độ đào tạo của bác sĩ ở đây cũng có vấn đề".      

Còn ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Hải Phòng, cũng đặt câu hỏi "Tại sao phần lớn bệnh nhân đều muốn được chuyển lên tuyến trên điều trị, có phải do năng lực khám chữa bệnh của tuyến dưới quá kém?".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những nguyên nhân quá tải bệnh viện là do số giường bệnh của chúng ta hiện nay rất thấp, "trong khi quy định của y tế khu vực Tây Thái Bình Dương tối thiểu là 33 giường/1 vạn dân, đối với Hàn Quốc là 86 giường/1 vạn dân, đối với Nhật Bản là 140 giường/1 vạn dân. Hiện nay chúng ta mới đạt 20 giường/1 vạn dân đương nhiên là không tính trạm y tế xã vì thế đã gây quá tải".

Một nguyên nhân khác cũng gây quá tải là do… tâm lý bệnh nhân "nguyên nhân sâu xa nhất là do điều kiện kinh tế, dân trí tăng cho nên tâm lý của họ muốn lên tuyến trên vì tin rằng ở đó có bác sĩ giỏi, có trang thiết bị tốt và đó là tuyến cao nhất, nhưng thực chất có nhiều bệnh viện ở tuyến tỉnh vẫn làm tốt, thậm chí tuyến huyện cũng làm tốt, ví dụ như mổ ruột thừa, đẻ thường (…). Thế hệ chúng tôi ở đây cũng sinh ở nhà hộ sinh, bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, nhưng bây giờ có điều kiện nên họ cứ muốn lên thẳng Bệnh viện C cũng như Bệnh viện Từ Dũ, cái này nói thật là không cần thiết, gây quá tải".

Chính tâm lý này đã dẫn tới tình trạng tại các bệnh viện tuyến trên hiện nay đang quá tải ảo, vì "hiện nay bệnh nhân có thể vào bệnh viện huyện, nhưng họ cứ lên thẳng ngay bệnh viện Trung ương và tạo nên một sự quá tải ảo, quá tải thật tức là thực sự chuyên khoa đó, ví dụ ung thư rất khó điều trị ở tuyến dưới, mà trong khi ở trên rất ít số giường cho nên quá tải thật. Nhưng quá tải ảo là nhiều bệnh có thể chữa được tại bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện, nhưng người dân có điều kiện, tâm lý là cứ lên thẳng tuyến trên, tạo nên sự quá tải không cần thiết và sự lây nhiễm bệnh viện rất lớn, hiện nay tại sao nhiều bệnh lây nhiễm ở cộng đồng chính là từ nguồn người nhà và người bệnh nhân nằm quá tải trong các bệnh viện".

Một nguyên nhân nữa, có những bệnh viện do cơ sở vật chất, do con người trình độ có những tai biến cũng gây nên tiếng. Ví dụ vừa rồi có một số bệnh viện có tai biến nghề nghiệp rõ ràng sau đó bệnh nhân người ta không muốn vào, đó là do tâm lý. Nguyên nhân nữa là cơ sở vật chất, con người ở tuyến dưới chưa đáp ứng được chất lượng cao".

Vì vậy, để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên thì ngoài tuyên truyền và có biện pháp kỹ thuật phân tuyến, quy định về chuyển tuyến nhưng một mặt cơ bản, lâu dài là phải nâng cấp y tế cơ sở cả về trang thiết bị, về con người.

Ngoài ra còn phải phân tuyến kỹ thuật, phân tuyến theo mức năng lực bệnh viện tuyến huyện có thể nâng cao năng lực nếu tốt thành bệnh viện hạng 1 và có thể thực hiện các kỹ thuật cao, bệnh viện tuyến tỉnh nếu năng lực có thể thành viện đặc biệt. Quy chế về chuyển viện cũng phải ngặt nghèo…

Bệnh nhân nằm ghép thế này đã thành chuyện thường ngày ở nhiều bệnh viện.

Giảm tải bệnh viện: Hy vọng sau năm 2015

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Y tế rằng "năm nay, sang năm và đến 2015 thì những tồn tại ấy có tiến bộ không, có chuyển biến không, và Bộ trưởng Y tế có làm được việc đó không? Tôi xin hỏi một câu chung như thế, chứ còn cứ nói nguyên nhân rồi do thế này, do thế kia và cứ tình hình rất nhiều giải pháp nhưng có chuyển biến không? Năm 2012 này có chuyển biến không?

Năm 2013 có chuyển biến không, và 2015 tình hình theo dự định của đồng chí trong lĩnh vực của đồng chí làm Bộ trưởng thì nó sẽ chuyển biến đến mức nào, kể cả những vấn đề khách quan thuộc về Chính phủ, về bộ khác, có thể có vấn đề Quốc hội nữa, nhưng cái chính vẫn là Bộ trưởng. Bộ trưởng vừa chịu trách nhiệm trước Quốc hội, vừa chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, đồng chí có bảo đảm trong năm 2012, 2013, 2014 đến 2015 thì nó có chuyển biến tích cực mức độ nào không?".

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cùng với tăng cường cơ sở vật chất của tuyến huyện, tuyến tỉnh để bệnh nhân không lên tuyến trên, Bộ Y tế đã xây dựng một đề án cấp Bộ song song với đề án Trung ương là xây dựng các bệnh viện vệ tinh theo sự chỉ đạo của các bệnh viện Trung ương về các chuyên ngành nội, ngoại, sắp tới sẽ đặc biệt tập trung vào chuyên ngành ung bướu, chuyên ngành nhi và chấn thương chỉnh hình.

Cụ thể, Bệnh viện K Trung ương chỉ có một cơ sở ở Quán Sứ, còn cơ sở ở Thanh Trì thì rất yếu. Nếu năm 2013 với đà trình Chính phủ như thế này và Bộ Y tế đã thành lập một tổ công tác đặc nhiệm giúp Ban lãnh đạo Bệnh viện K phấn đấu trong năm 2012, đầu năm 2013 sẽ di dời 300 - 500 giường, trước mắt sẽ giảm tải rõ ở bệnh viện đó.

"Vừa rồi chúng tôi xin được nguồn xã hội hóa của Vincom 30 tỉ, các nguồn khác 70 tỉ và bắt buộc Bệnh viện Bạch Mai trong tháng 5 này phải khởi công tòa nhà 9 tầng để giảm bớt bệnh nhân hô hấp, bệnh nhân tim mạch".

Đối với khoa C9 Bệnh viện Tim mạch, Bộ cũng ra nghị quyết đối với Giám đốc bệnh viện và cấp trực tiếp tiền cùng với ngân sách về sự nghiệp phát triển để lại là tháng 5 này phải xong 50 giường của khoa Tim mạch. Bởi vì những khoa đó đang là 2, 3 người một giường.

Hiện nay như trong TP HCM thì tập đoàn cao su đã cho một quỹ đất 5 ha ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân và cũng đề nghị "ốp" Bệnh viện Chợ Rẫy phải bắt buộc ra cơ sở 2 đó và ung bướu, lấy nguồn từ ngân sách của Bộ Y tế cố gắng phân bổ năm nay 50 tỉ để khởi công…

"Với việc giảm tải, năm 2013 sẽ bước đầu một vài khoa của những bệnh viện quá tải, còn để giải quyết được thì phải đồng bộ. Thứ nhất, các tỉnh phải cho mặt bằng sạch. Thứ hai, Bộ Y tế sẽ xây dựng bệnh viện vệ tinh, sẽ trình Chính phủ đề án xây dựng các bệnh viện vệ tinh: Bệnh viện Bạch Mai có 7 bệnh viện vệ tinh; Bệnh viện Việt - Đức có 8 bệnh viện vệ tinh; Bệnh viện K phải có 10 bệnh viện vệ tinh… các bệnh viện thành phố đầu ngành là một loại bệnh viện vệ tinh. Như vậy, những bệnh viện vệ tinh đó nằm trong hệ thống của bệnh viện dứt khoát không được chuyển bệnh nhân lên nếu đã được chuyển giao công nghệ và có trang thiết bị. Việc giảm tải này không thể nào một sớm, một chiều nhưng đến năm 2015 hy vọng sẽ có những bước tiến rõ nhưng cũng với điều kiện UBND các tỉnh trong ban chỉ đạo đề án giảm tải. Chính phủ có 2 Ủy ban đi đầu là UBND TP HCM và UBND TP  Hà Nội.

Riêng Hà Nội dành cho chúng tôi 5 khu đất cho bệnh viện Trung ương làm cơ sở 2 nhưng vấn đề kinh phí đâu mà giải tỏa mặt bằng. Chúng tôi đã 2 lần làm việc, đồng chí Thảo (Chủ tịch UBND TP Hà Nội) đã cho đất và danh mục phân đấy rồi, nhưng nguồn tiền thì sẽ tìm nguồn, cho nên hứa giảm tải chắc ngoài năm 2015, nhưng từ giờ đến đấy thì những cái nóng bỏng sẽ được kiểm giữ" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Đề cập tới vấn đề y đức của y, bác sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thời gian qua Bộ y tế đã ban hành quy tắc ứng xử của ngành y tế và đã gắn quy tắc ứng xử này với Cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với việc xử phạt thì cũng có kiểm tra, giám sát và khen thưởng để nâng cao, tôn vinh đức hy sinh của các y bác sĩ, vì phải tôn vinh những cái hay, cái tốt để động viên trong khi lương rất thấp, chế độ chính sách còn bất cập, học 6 năm cũng bằng lương khởi điểm của người học cao đẳng 3 năm. Hai nữa là cũng chưa có phụ cấp về thâm niên trong khi đó một số ngành khác đã có phụ cấp về thâm niên.

"Tôi xin nói về một vấn đề, Bệnh viện Việt - Pháp chỉ cách Bệnh viện Bạch Mai có một bức tường nhưng rõ ràng cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Việt - Pháp không phải hô hào gì về vấn đề kỷ luật, về vấn đề quy tắc ứng xử nhưng sang đến Bệnh viện Bạch Mai phải có cuộc thi. Theo câu hỏi của đại biểu vừa rồi chúng tôi đã khảo sát ngẫu nhiên, phải nói rằng đối với Bệnh viện Bạch Mai trên 90% bệnh nhân nội trú đều hài lòng, kêu nhiều là bệnh nhân ngoại trú".

Nguyễn Thiêm
.
.