Quan hệ Anh - Mỹ đang bị “thử lửa”

Chủ Nhật, 11/04/2010, 23:55
Quan hệ đồng minh truyền thống Anh - Mỹ đang gặp trục trặc sau khi một nhóm đại biểu Quốc hội Anh lên tiếng yêu cầu chính quyền Anh cần biết "nói không" với những yêu cầu của Mỹ.

Mối quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ đang bước qua năm thứ 67 với nhiều tín hiệu ngờ vực và lạnh nhạt. Sự xuống cấp của mối quan hệ này bắt đầu từ khi ông Obama bước chân vào Nhà Trắng và ông Gordon Brown trở thành Thủ tướng Anh.

Dưới thời Tổng thống G.W. Bush và Thủ tướng Tony Blair, Anh - Mỹ đã thiết lập liên minh vừa cá nhân vừa chính trị tại Trại David đầu năm 2001, ngay sau khi ông Bush lên nắm quyền. Đó là sự tương ngộ bất ngờ và nó được củng cố sau sự kiện 11/9 tại Mỹ. Ông Blair đã tới Washington và có mặt ở Quốc hội khi ông Bush đọc diễn văn về "cuộc chiến chống khủng bố". Ông đã quay sang Thủ tướng Blair, và các thành viên Quốc hội đứng lên vỗ tay.

Trong cuộc chiến Iraq, ông Blair hoàn toàn đồng ý với Tổng thống Mỹ. Khi ông Blair đã rời nhiệm sở và Tổng thống Bush cũng ra đi, quan hệ Anh - Mỹ không còn gần gũi như trước nữa. Ông Obama không xuất thân từ giới quý tộc chính trị Mỹ như cha con nhà Bush. Ông có lý do để nghi ngờ người Anh, khi mà ông của ông đã bị giam và tra tấn trong cuộc nổi loạn Mau Mau tại Kenya.

Ấn tượng về một mối quan hệ lạnh nhạt hơn giữa hai nhà lãnh đạo hiện nay của Anh và Mỹ đã xuất hiện khi ông Brown lần đầu tiên gặp ông Obama tại Nhà Trắng hồi tháng 3 năm ngoái. Thủ tướng Anh tặng ông Obama một cây bút làm bằng gỗ một con tàu "chị" của tàu HMS Resolute. (HMS Resolute là con tàu Anh bị bỏ rơi được tàu Mỹ cứu và trả về cho Nữ hoàng Anh Victoria - một hành động thể hiện sự thân ái giữa hai nước. Sau khi HMS hết hoạt động, Nữ hoàng Anh yêu cầu dùng gỗ của tàu này làm một chiếc bàn tinh xảo tặng cho Tổng thống Mỹ đặt ở phòng Bầu Dục). Ông Obama thì tặng ông Brown một bộ DVD. Chẳng khác nào "đôi tất mà một bà cô xa lạ tặng vào dịp Giáng sinh"- tờ Daily Mail bình luận.

Thủ tướng Anh Gordon Brown là người rất hâm mộ Mỹ và liên minh sẽ tiếp tục như đã kể từ Thế chiến thứ hai, nhưng nay có những câu hỏi. Anh sẽ ủng hộ Mỹ đến đâu tại Afghanistan? Nước này có sẵn sàng hay có thể xóa đi nghi ngờ trong quân đội Mỹ rằng phương thức mềm mỏng của Anh, từng thử và rồi từ bỏ ở cả IraqAfghanistan, là sai lầm? Điều gì xảy ra nếu Mỹ hoặc Israel quyết định tấn công các nhà máy hạt nhân của Iran?

Ngoài những cân nhắc chính sách trước mắt, còn là vấn đề các chính phủ châu Âu muốn gì trong chính sách quốc phòng. Với sức ép về ngân sách, chi phí quốc phòng sẽ là mục tiêu dễ bị nhắm tới. Đã có nghi ngờ trong một số người Mỹ rằng châu Âu sẽ không thể đưa nhiều quân ra trận trong một thập niên tới. Anh sẽ là một phần của xu hướng đó hay nước này sẽ duy trì chính sách truyền thống với Mỹ? Liệu có làm được không?

Những nụ cười vẫn thấy xưa nay đang che giấu sự xuống cấp trong quan hệ Anh – Mỹ.

Mặc dù khi gặp ông Gordon Brown tại Nhà Trắng hồi tháng 3/2009, Tổng thống Obama tuyên bố: "Anh là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ và quan hệ song phương sẽ không bao giờ bị đổ vỡ", nhưng theo nhận định của giới quan sát đó là những lời dịu dàng như vẫn thấy xưa nay. Nhưng cụm từ "quan hệ đặc biệt" lại không còn được nghe nhiều nữa.

Khoảnh khắc này cũng thách thức suy nghĩ của Anh về hướng đi của đất nước. Anh vẫn duy trì vị trí nửa trong, nửa ngoài châu Âu; gần gũi nhưng không nhất thiết khóa chặt với Mỹ. Nếu Mỹ tự dãn ra dưới thời Tổng thống Obama và Anh vẫn do dự về việc gia nhập chính sách quốc phòng chung của Hiệp ước Lisbon, thì Anh có thể sẽ có cuộc tranh luận về vị trí của nước này.

Quan hệ Anh - Mỹ xuống cấp một nấc nữa sau khi Washington tức giận trước vụ Scotland thả thủ phạm vụ đánh bom Lockerbie hồi tháng 10 năm ngoái.

Trước đó, có tin cho biết, Thủ tướng Brown còn bị Nhà Trắng cự tuyệt đề xuất một cuộc gặp riêng với Tổng thống Barack Obama khi ông này tới New York họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và tới Pittsburgh dự Hội nghị G20 hồi tháng 9/2009. Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, đã có chuyến thăm London nhằm xoa dịu căng thẳng nhưng với nhiều người, rõ ràng có một sự rạn nứt trong quan hệ Anh - Mỹ sau khi Scotland - được sự tán thành từ London - thả thủ phạm vụ Lockerbie. Các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự giận dữ, song vẫn nói rõ rằng quan hệ song phương luôn tốt đẹp. Andrew Porter viết trên tờ Daily Telegraph rằng vụ thả thủ phạm Lockerbie dường như đã đẩy "mối quan hệ đặc biệt" xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua.

Và hôm 28/3 vừa qua, một nhóm đại biểu Quốc hội Anh ra lời kêu gọi rằng Chính quyền Anh cần độc lập hơn đối với Mỹ, đồng thời đề nghị không nên gọi bang giao Mỹ - Anh là "mối quan hệ đặc biệt" mà nên coi đó chỉ là "một quan hệ đặc biệt". Khuyến cáo trên là của các đại biểu Quốc hội thuộc 3 trong số các đảng lớn nhất, vốn từ nhiều tháng qua đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa London và Washington.

Ủy ban trên đã kết luận rằng, mối liên hệ giữa hai nước sâu sắc và hợp lẽ, nhưng tốt nhất nên dùng chữ "một quan hệ đặc biệt" thay vì "mối quan hệ đặc biệt". Thuật ngữ "mối quan hệ đặc biệt" là do cựu Thủ tướng Winston Churchill đặt ra để chỉ sự hợp tác giữa các đồng minh. Các Tổng thống Mỹ Bill Clinton và George W. Bush có mối quan hệ cực kỳ thân thiết với Tony Blair, người tiền nhiệm của ông Brown.

Các đại biểu Quốc hội Anh nhấn mạnh, cách gọi trên đây chỉ là huyễn hoặc, bởi vì hiện nay Washington duy trì các mối liên hệ chặt chẽ với nhiều nước khác nhau, trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Nhưng theo bản báo cáo, cả hai quốc gia cùng có lợi trong việc chia sẻ các thông tin mật, và quan hệ đôi bên vẫn mang tính chất đặc biệt, cho dù gần đây có một số bất hòa.

Bản báo cáo nói thêm, cảm giác cho rằng Chính phủ Anh "cun cút" theo đuôi chính quyền Mỹ, được củng cố thêm qua việc tấn công Iraq năm 2003, có thể gây thiệt hại nặng nề cho uy tín và quyền lợi của Anh

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.