Quan hệ Iran - phương Tây trên diễn đàn LHQ: Nhành ôliu còn non

Thứ Ba, 01/10/2013, 10:20

"Hận thù không thể dễ xóa trong một đêm". Đó là phản ứng của Tổng thống Barack Obama trước thái độ "cầu hòa" của Iran. Tuy nhiên, ông Obama coi những phát biểu ôn hòa của tân Tổng thống Iran là căn bản để có được một thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và phương Tây.

Hận thù không thể dễ xóa trong một đêm

Sau nhiều thập niên quan hệ căng thẳng với phương Tây, lần đầu tiên Iran bày tỏ chủ trương hòa giải và sẵn sàng thảo luận để giải quyết về nhiều vấn đề đã gây chia rẽ hai phía.

Tổng thống Hassan Rouhani, mới đắc cử hồi tháng 8, trình bày quan điểm này trong một bài xã luận đăng trên tờ Washington Post ngày 20/9. Ông viết: "Thế giới đã biến chuyển. Chính trị quốc tế là một đấu trường đa phương ở đó hợp tác và cạnh tranh thường diễn ra cùng lúc. Thời đại tranh chấp đổ máu đã qua. Các nhà lãnh đạo thế giới giờ đây nên chuyển sự đe dọa thành những cơ hội". Ông cũng nêu lên ý kiến nhận đứng làm trung gian hòa giải giữa lực lượng nổi dậy và chính quyền Bashar al-Assad ở Syria.

"Chúng ta phải cùng nhau nỗ lực xây dựng nhằm có được cuộc đối thoại, cho dù ở Syria hay Bahrain. Chúng ta phải có được môi trường thuận tiện để người dân trong khu vực có thể định đoạt tương lai của chính mình" - ông Rouhani viết.

Đó là tín hiệu đầu tiên. 4 ngày sau tại Đại hội đồng LHQ, đáp trả việc Iran vẫy cành ôliu, trong bài diễn văn đọc tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Obama nói rằng ông sẽ thử xem Tổng thống Hassan Rouhani có thật sự muốn có thay đổi trong mối quan hệ với thế giới phương Tây hay không và sẽ yêu cầu ông này có những hành động rõ ràng nhằm giải quyết tranh cãi về hạt nhân. Một phản ứng thường thấy của Mỹ trước việc nước khác muốn hòa đàm.

Hôm 25/9, trả lời phỏng vấn báo Washington Post, Tổng thống Iran đã tuyên bố kiên quyết giải quyết nhanh chóng vấn đề hạt nhân, tính theo tháng chứ không phải tính theo năm và ông hy vọng là từ 3 đến 6 tháng.

Nhìn chung trước việc Iran muốn giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân của nước này, Mỹ đã phản ứng rất thận trọng và dè dặt. Điều này giải thích tại sao ông Obama không chịu gặp ông Rouhani tại LHQ. Theo tuyên bố chính thức vì hai bên không có đủ thời giờ để dàn xếp. Nhưng việc ông Obama không chịu gặp riêng lãnh đạo Iran là có nguyên do của nó. Giới quan sát cho rằng quá khứ nặng nề của quan hệ Washington - Teheran từ khi nổ ra cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran không thể cho phép có được ngay sự đột phá để khai thông những bế tắc và tiến tới xây dựng một mối quan hệ tin cậy giữa hai nước.

Điều này được minh chứng qua tuyên bố của ông Obama trước Hội đồng Bảo an LHQ: "Quan hệ Mỹ - Iran đã bị gián đoạn từ khi có Cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Thái độ nghi kị lẫn nhau đã ăn sâu nên tôi không cho là lịch sử khó khăn này có thể vượt qua trong một đêm, nhưng tôi nghĩ là nếu chúng ta có thể giải quyết được chương trình hạt nhân của Iran thì đây sẽ là giai đoạn cốt lõi trên chặng đường dài để đi tới một mối quan hệ mới dựa trên lợi ích của mỗi nước chúng ta và sự tôn trọng lẫn nhau".

Theo ông Hussein Ibish, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Mỹ về Trung Cận Đông cho rằng "trong giới chính khách Iran, vẫn còn những hận thù với Mỹ" và chính đó là điều cản trở có thể hâm nóng ngay lúc này quan hệ hai nước.

Cùng chung nhận định trên, nhà phân tích Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhấn mạnh: "Không ai ở cả hai phía có thể quên được lịch sử, với những sự kiện như cuộc đảo chính (tại Iran) năm 1953, vụ bắt con tin Sứ quán Mỹ tại Teheran kéo dài đến 444 ngày, hay như việc Mỹ ủng hộ Iraq trong cuộc chiến tranh với Iran" vào những năm 80.

Mới đây, CIA thừa nhận đã tham gia vào cuộc đảo chính ngày 18/8/1953, lật đổ Thủ tướng Iran Mohammed Mossadegh, sau khi ông cho quốc hữu hóa khu vực khai thác dầu gây thiệt hại đến lợi ích của phương Tây. Vụ đảo chính này có thể nói là khởi đầu cho những mối nghi kỵ ám ảnh quan hệ Mỹ  - Iran.

Một hận thù khác nổi lên giữa Washington và Teheran. Đó là ngày 4/11/1979, 7 tháng sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo của Giáo chủ Rouhollah Khomeini, tuyên bố thành lập, những sinh viên Hồi giáo cực đoan đã đột nhập vào Đại sứ quán Mỹ tại Teheran bắt giữ 52 nhân viên ngoại giao làm con tin.

Cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm mới chấm dứt. Ngay lập tức chính quyền Mỹ cắt đứt quan hệ đồng thời đưa ra những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Cũng từ đó trở đi quan hệ ngoại giao nhường chỗ cho mối quan hệ thù nghịch đầy nghi kị lẫn nhau.

Ba thập niên qua, lịch sử quan hệ giữa hai nước được chồng chất thêm những cuộc đối đầu do những diễn biến trong khu vực: Từ cuộc chiến tranh Iraq - Iran, cho đến những cáo buộc Iran hậu thuẫn khủng bố hay ý đồ tấn công xóa sổ Israel trên bản đồ thế giới, những thách thức của Teheran về vấn đề hạt nhân và gần đây nhất là lập trường của Teheran hậu thuẫn nhiệt tình cho chế độ Al-Assad trong cuộc khủng hoảng Syria.

Điểm xuyết cho mối căng thẳng thường trực này là những lần gia tăng trừng phạt của Mỹ nhắm vào Teheran vì chương trình hạt nhân của Iran. Theo các nhà phân tích quốc tế thì chương trình hạt nhân của Iran là vật cản khiến cả Washington và Teheran không thể nói đến chuyện xích lại, tin cậy lẫn nhau hoặc chỉ là làm dịu căng thẳng.

Tổng thống Mỹ Obama đã biết rằng "việc khước từ bắt tay" sẽ diễn ra, nhưng ông đã chỉ đạo Ngoại trưởng John Kerry lãnh trách nhiệm theo đuổi "các cuộc thương lượng trực tiếp" với Teheran. Ngày 26/9, Ngoại trưởng Iran đã gặp các đồng nhiệm trong nhóm 5+1, tại New York, để thảo luận về chương trình hạt nhân Iran.

Tiến trình đàm phán với Iran đã được thực hiện bí mật và tích cực trong suốt 2 tháng qua giữa ông Obama với nhà lãnh đạo tối cao Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei và ông Rouhani, trong đó Quốc vương Oman là người trung gian giữa hai bên. Ngoại trưởng Kerry đã có được sự khởi đầu thuận lợi từ 4 điểm trong thỏa thuận mà hai bên đã đạt được, gồm: một là, khả năng hạt nhân của Iran sẽ được duy trì trong tình trạng hiện nay. Teheran đã giữ được sự tôn trọng đối với quyền làm giàu urani và giữ lại trong nước toàn bộ kho urani, bao gồm số lượng đã được làm giàu lên cấp độ 20% (sát với cấp độ sản xuất vũ khí).

Hai là, Teheran chấp nhận mức tối đa về số lượng máy ly tâm làm giàu urani tại cơ sở Natanz mà quốc tế đưa ra, mặc dù hiện nay chưa quyết định được số lượng chính xác. Ba là, Iran sẽ ký Nghị định thư phụ về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), cho phép các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thực hiện các chuyến thăm không báo trước tới những điểm tình nghi bên ngoài các địa điểm hạt nhân công khai. Nghị định thư phụ này cũng sẽ cho phép IAEA lắp đặt các camera tại các phòng đặt máy ly tâm đang hoạt động, chứ không chỉ những nơi đặt urani được làm giàu.

Hiện không rõ Teheran sẽ đặt điều kiện hay không về việc Israel phải ký điều khoản tương tự và cho phép thanh sát các địa điểm hạt nhân bị tình nghi của nước này. Bốn là, Mỹ và EU sẽ dỡ bỏ dần tất cả các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Ngoại trưởng Javad Zarif và chính sách đối ngoại mới của Iran

Bên cạnh Tổng thống Hassan Rouhani, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif chính là kiến trúc sư trưởng cho những điểm mới trong chính sách đối ngoại của Iran.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.

Đối với người Mỹ, Javad Zarif không chỉ là "người quen", mà hơn thế, còn là "người nhà", từ lâu đã là người am hiểu khá rõ nền chính trị Mỹ.

Sinh năm 1960, Javad Zarif xuất thân từ các lò đào tạo ở Mỹ: Ông tốt nghiệp khoa Quan hệ quốc tế - Đại học San Francisco, sau đó tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Trường Quốc tế học Josef Korbel thuộc Đại học Denver, lấy bằng tiến sĩ về luật và chính sách quốc tế vào năm 1988. Sau đó, Javad Zarif bước ngay vào làm việc trong ngành ngoại giao.

Thành tích đầu tiên của Javad Zarif trong ngành ngoại giao là tham gia hòa giải thành công, giúp giải cứu các con tin người Mỹ bị các tay súng Iran bắt giữ ở Liban. Đó cũng là hành động đầu tiên thể hiện lập trường quan điểm đối ngoại của Javad Zarif: luôn hướng đến việc cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Iran với Mỹ. Bắt đầu từ năm 2000, Javad Zarif tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đối ngoại của Iran, tham gia vào các hoạt động quốc tế của LHQ, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Giải trừ quân bị LHQ.

Từ năm 2002 đến năm 2007, với vai trò là Đại sứ Iran tại LHQ, Javad Zarif đã tham gia phát triển cái gọi là "Cuộc mặc cả lớn" (Grand Bargain), một kế hoạch đầy tham vọng nhằm giải quyết những vấn đề khúc mắc tồn đọng trong quan hệ giữa Iran với Mỹ. Ông đã tổ chức các cuộc họp mặt, gặp gỡ riêng với một số chính khách ở Washington, trong đó có các ông Joseph Biden và Chuck Hagel, khi đó đều là Thượng nghị sĩ.

Đặc biệt, tại hội nghị Hội đồng Mỹ-Iran tổ chức tại New Brunswick, bang New Jersey vào năm 2007, Javad Zarif đã gây ấn tượng mạnh trong giới chính khách Mỹ về quan điểm ngoại giao cởi mở của ông.

Sau một thời gian "tạm nghỉ" khoảng 5 năm (2007-2012) để chuyển sang làm công tác giảng dạy, Javad Zarif đã trở lại với trọng trách mới: chủ trì xây dựng và thực thi chính sách đối ngoại của Iran. Ông tiếp tục thể hiện quan điểm đối ngoại cởi mở, hướng đến cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây. Mặc dù chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông là đến Iraq, rồi sau đó là đến khu vực Trung Á để dự hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nhưng những động thái quan trọng, nhiều ý nghĩa nhất của Javad Zarif lại hướng về phía Tây.

Trong cuộc trò chuyện với báo chí gần đây, Javad Zarif đã khẳng định quan điểm của Iran là "100% chống lại vũ khí hạt nhân và vũ khí hạt nhân không có chỗ đứng trong tầm nhìn an ninh quốc gia của Iran". Là một người ủng hộ nhiệt tình ý tưởng của LHQ về một khu vực Trung Đông phi vũ khí hạt nhân, Javad Zarif bày tỏ sự thất vọng vì các cường quốc đã hủy một vòng đàm phán hạt nhân với Iran. Là một người tin tưởng vào sức mạnh của sự giao tiếp và ngoại giao, Javad Zarif cho rằng, Mỹ và phương Tây đã lãng phí quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm bằng chứng Iran sản xuất vũ khí hạt nhân; chỉ trích Mỹ đã lạm dụng tuyên truyền về cái gọi là "quả bom hạt nhân Iran", về mối đe dọa không có thực đến từ Iran, cho nên đã lãng phí nhiều cơ hội cải thiện các mối quan hệ giữa 2 nước.

Quan điểm, góc nhìn của Javad Zarif phản ánh một cách tiếp cận mới dưới thời Tổng thống Rouhani đối với vấn đề hạt nhân và chính sách đối ngoại mới của Iran, đặc biệt là quan hệ giữa Iran với Mỹ. Những sự kiện mới nhất tại diễn đàn khóa họp thứ 68 của Đại hội đồng LHQ đã cho thấy rõ điều đó. Ngày 24/9, Tổng thống Iran Rouhani và Tổng thống Mỹ Obama đã đăng đàn diễn thuyết tại phiên thảo luận toàn thể Đại hội đồng LHQ khóa họp 68. Tại đó, 2 tổng thống đã đưa ra những lời trao đổi thận trọng về thiện chí của Iran đối với vấn đề hạt nhân và nhiều vấn đề khác trong quan hệ song phương giữa 2 nước.

Điều gây dư luận chú ý chính là khái niệm "làn sóng" (WAVE) do Tổng thống Iran Rouhani đưa ra, là từ viết tắt cho các chữ World Against Violence and Extremism, có nghĩa là "Thế giới chống lại bạo lực và chủ nghĩa cực đoan", và mời nguyên thủ quốc gia các nước cùng tham gia, trong đó ông nhấn mạnh sự tham gia của Tổng thống Mỹ. Một hướng đi mới, và ông Rouhani nói ông muốn mọi người cùng chung tay lãnh đạo thế giới theo hướng này. Cho đến giờ phút này, Tổng thống Mỹ Obama đã chính thức bác bỏ ý tưởng về việc "thay đổi chế độ ở Iran" - một luận điệu luôn được giới diều hâu Mỹ tung hô mạnh mẽ. Liệu Tổng thống Obama sẽ tham gia "làn sóng" cùng với Tổng thống Rouhani, để làm cho luận điệu "thay đổi chế độ ở Iran" của phái diều hâu chết hẳn?

Ngày 26/9, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng có cuộc gặp đồng cấp để thảo luận về vấn đề hạt nhân. Cuộc gặp giữa 2 Bộ trưởng Ngoại giao Iran và Mỹ là cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên giữa lãnh đạo ngành ngoại giao 2 nước sau hàng chục năm đóng băng quan hệ. Theo Asia Times, cuộc hội kiến giữa Bộ trưởng Ngoại giao 2 nước Iran và Mỹ là một sự điều chỉnh phù hợp với tình hình diễn biến thực tế.

Từ trước đến nay, chương trình hạt nhân của Iran do Hội đồng Quốc gia tối cao phụ trách quản lý. Khi Javad Zarif ngồi vào ghế Bộ trưởng Ngoại giao, Tổng thống Rouhani đã có sự thay đổi quan trọng: chuyển toàn bộ hồ sơ về chương trình hạt nhân về Bộ Ngoại giao và giao cho Javad Zarif trực tiếp phụ trách. Như vậy, mọi vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran đều phải thông qua Javad Zarif.

Ngày 26/9, Tổng thống Rouhani đã đặt ra yêu cầu "muốn có thỏa thuận hạt nhân trong vòng 3 tháng". Điều này đã chính thức tạo áp lực về thời gian cho Javad Zarif, vì việc đàm phán các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran là một tiến trình rất phức tạp nhưng không phải là không thể thực hiện.

Hãy còn quá sớm để nói đến một mối quan hệ ngoại giao Mỹ - Iran lúc này. Chuyên gia Cordesman vẫn tỏ ra bi quan cho rằng ngay cả khi có được một thỏa thuận tối thiểu trên hồ sơ hạt nhân thì "di sản lịch sử cay đắng của các cuộc xâm lược và trả đũa lẫn nhau đã tạo nên những ngờ vực và điều này sẽ còn đè nặng lên quan hệ hai nước trong những năm tới".

Chuyên gia Ibish nhận định, đến lúc này, cả Washington và Teheran đều thấy có lợi khi tránh đối đầu quân sự với nhau và tin vào một "thỏa thuận nhỏ" trên hồ sơ hạt nhân. Ý tưởng đối thoại trực tiếp Mỹ-Iran vẫn thường được gợi ra nhưng dường như cơ hội chưa đến

Mộc Thạch - An Châu (tổng hợp)
.
.