Quan hệ Nga - Gruzia lại căng thẳng xung quanh vấn đề Nam Ossetia

Thứ Năm, 13/08/2009, 20:15
Quan hệ Nga - Gruzia lại bắt đầu trở nên căng thẳng vào những ngày cuối tuần qua, khi xuất hiện một loạt thông tin về các vụ đụng độ tại khu vực giáp ranh giữa Gruzia và Nam Ossetia.

Hôm 1/8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga chính thức ra thông báo buộc tội Gruzia có những hành động khiêu khích vũ trang tại biên giới với Nam Ossetia, đồng thời cảnh báo trong trường hợp leo thang xung đột "sẽ triển khai tất cả các lực lượng và phương tiện hiện có để bảo vệ các công dân Nam Ossetia". Bộ Ngoại giao Gruzia về phần mình lại buộc tội Moskva cố tình "gây bất ổn" tại khu vực tranh chấp Nam Ossetia. Mức độ căng thẳng ngày càng tăng đã khiến các đại diện Liên minh châu Âu (EU) phải lên tiếng kêu gọi các bên cần kiềm chế để tránh lặp lại những sai lầm và và bi kịch vào năm ngoái.

Trong cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Gruzia, quân đội Gruzia vào đêm ngày 8/8/2008 đã bất ngờ tấn công Nam Ossetia với mục đích được tuyên bố là "khôi phục trật tự hiến pháp". Hậu quả là thủ phủ Tskhinvali gần như bị phá hủy hoàn toàn, cùng với một số lượng lớn dân thường và binh sĩ trong lực lượng gìn giữ hòa bình Nga bị thiệt mạng.

Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã buộc phải triển khai thêm quân đánh trả, đẩy lùi quân Gruzia ra khỏi Nam Ossetia, tiếp đó thừa nhận nền độc lập của hai vùng lãnh thổ đòi ly khai khỏi Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia.

Theo thỏa thuận đã ký với lãnh đạo hai vùng lãnh thổ này, quân Nga đã triển khai một vài căn cứ quân sự tại đây với tổng quân số khoảng gần 4.000 binh sĩ. Tbilisi lại gọi đây là những vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng và cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Moskva. Quan hệ Nga-Gruzia được đánh giá gần như không có cơ hội cải thiện, nếu như Tổng thống Mikhail Saakashvili vẫn nắm quyền.

Vào đúng thời điểm kỷ niệm một năm cuộc chiến tại Nam Ossetia, tình hình tại khu vực biên giới Gruzia và Nam Ossetia lại xấu đi nhanh chóng, khi hai bên đều chỉ trích những hành động bắn phá vào khu vực lãnh thổ của nhau. Đến ngày 1/8, Bộ Quốc phòng Nga đã chính thức đưa ra thông báo, đổ trách nhiệm gây căng thẳng tình hình cho Tbilisi.

Theo thông tin cụ thể của Moskva, phía Gruzia đã dùng súng phóng lựu bắn phá các điểm quan sát của quân đội Nam Ossetia. "Trong trường hợp tiếp tục có những vụ khiêu khích mới đe dọa tới người dân nước cộng hòa Nam Ossetia, Bộ Quốc phòng sẽ cho phép quân đội Nga đang đóng trên lãnh thổ Nam Ossetia sử dụng tất cả những lực lượng và phương tiện hiện có để bảo vệ người dân và binh sĩ Nga" - phía Moskva đưa ra cảnh báo.

Các binh sĩ Nga tại Nam Ossetia.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Gruzia cũng ngay lập tức lên tiếng buộc tội Nga đã cố tình "gây căng thẳng", rằng "những tuyên bố từ phía Bộ Quốc phòng Nga đang tạo điều kiện cho những bước phát triển nguy hiểm tiếp theo". Theo Tbilisi, Moskva với những hành động vừa qua của mình đang cố gắng gây bất ổn cho Gruzia, phá hỏng uy tín của Tổng thống Saakashvili, còn về mặt kinh tế gây lo ngại cho giới đầu tư nước ngoài đang có dự định đầu tư vào thị trường Gruzia v.v...

Tiếp đó, Bộ Ngoại giao Gruzia còn cho mời đại sứ của các nước phương Tây tới gặp với lý do truyền đạt những diễn biến căng thẳng mới nhất, yêu cầu EU và Mỹ ngăn chặn "khả năng xâm lược" từ phía Nga.

Tbilisi cũng kêu gọi sự can thiệp, cụ thể là từ phái đoàn giám sát của EU tại Gruzia. Các đại diện của phái đoàn này cho biết, họ chưa phát hiện một dấu hiệu hay bằng chứng nào khẳng định phía Gruzia đã nã đạn sang lãnh thổ Nam Ossetia. Những quan chức này cũng giải thích không có khả năng xác định hay phủ nhận thông tin về những vụ bắn phá do không được phép đặt chân lên lãnh thổ Nam Ossetia.

Hôm 31/7, đại diện đặc biệt Peter Semneby của EU tại Nam Kavkaz đã kêu gọi cả hai bên kiềm chế nhằm bảo đảm sự ổn định tại các khu vực tranh chấp. Còn nhớ cách đây không lâu, sứ mạng quan sát viên của EU tại khu vực này vừa được gia hạn. Trước đó, phái đoàn giám sát của EU tại Gruzia đã được triển khai từ ngày 1/10/2008, với thành phần có 230 quan sát viên phi vũ trang từ 22 quốc gia trong EU.

Còn Nga, Abkhazia và Nam Ossetia không cho sự có mặt của các quan sát viên tại hai vùng lãnh thổ tự trị này là cần thiết, nên một số phái đoàn của LHQ và Cơ quan an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã chính thức rời khỏi Gruzia vào hè vừa rồi. 

Ý kiến của đa số các nhà quan sát đều nghiêng về xu hướng nhiều khả năng sẽ không thể có một cuộc chiến tranh mới giữa Nga và Gruzia. Theo họ, một cuộc chiến tranh đầy đủ ý nghĩa vào thời điểm này đều là điều tối kỵ trong chính sách đối ngoại của Moskva và Tbilisi. Tuy nhiên không thể bỏ qua yếu tố Nam Ossetia trong bối cảnh này, nhất là khi chính sách của Tskhinvali hoàn toàn có thể là nguyên nhân của một cuộc chiến mới giữa Nga và Gruzia.

Cần biết là mới chỉ vài ngày trước đó, Tổng thống Nam Ossetia Eduard Koikoty vừa chính thức đưa ra một vài yêu sách mới về lãnh thổ đối với Gruzia. Theo tuyên bố của Koikoty, khu vực hẻm núi Truso từ thời Xôviết đã được chuyển giao một cách không bằng cho phía Gruzia, nên cần phải trả lại cho Nam Ossetia. Không loại trừ khả năng nếu quân Nam Ossetia tiến vào khu vực này, Tbilisi gần như chắc chắn sẽ có phản ứng đáp trả. Khi đó, Moskva với những cam kết đồng minh với Tskhinvali sẽ không thể đứng ngoài cuộc

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.