Khủng hoảng nợ Hy Lạp: Quyết đấu tới cùng

Thứ Bảy, 04/07/2015, 14:15
Quá thời hạn ngày 30/6 mà Hy Lạp và các chủ nợ châu Âu vẫn không đạt được thỏa thuận gì. Về nguyên tắc, Athens chính thức vỡ nợ do không có tiền trả nợ cho IMF 1.6 tỉ euro. Vấn đề nước này có bị trục xuất ra khỏi Eurozone hay không thì còn phải chờ xem sao.

Thủ tướng Hy Lạp liên tục thoát hiểm khi bị dồn vào chân tường

Cho đến hôm 29/6, Bruxelles vẫn không đề xuất thêm một kế hoạch mới để giải quyết nợ Hy Lạp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo Hy Lạp: từ chối cải tổ có nghĩa là quay lưng lại với Liên minh châu Âu (EU). Ông Juncker kêu gọi Hy Lạp nên chấp nhận cải tổ.

Vấn đề ở chỗ Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vẫn là người “bất khả chiến bại” trong các cuộc đàm phán về các điều kiện vay nợ với EU. Mỗi khi bị dồn vào chân tường, ông Alexis Tsipras đều tung ra đòn thoát hiểm ngoạn mục.

Còn nhớ, vài giờ trước Thượng đỉnh EU hôm 22/6, Thủ tướng Hy Lạp bất ngờ đưa ra đề xuất mới khiến các chủ nợ của nước này là IMF, ECB và Ủy ban châu Âu (EC) không có đủ thời gian nghiên cứu. Cuộc họp này vì thế mà kết thúc chóng vánh không có quyết định nào được đưa ra. Trước đó, báo chí châu Âu đã nói rõ số phận của Athens sẽ được phán quyết ngày hôm đó.

Đến sát ngày 30/6, EU họp liên tục về vấn đề Hy Lạp. Một cuộc họp thượng đỉnh khác diễn ra vào ngày 28-6 cũng với tính chất quyết định như cuộc họp hôm 22/6. Lần nào EU cũng bảo là cuộc họp này có tính chất quyết định nhưng cuối cùng lại chẳng có quyết định nào được đưa ra. Sở dĩ cuộc họp hôm 28/6 thất bại là vì trước đó không lâu Thủ tướng Hy Lạp lại tung ra chiêu mới khiến lãnh đạo EU chới với.

Nhằm đối phó với “tối hậu thư” của ECB, EC và IMF, vào khuya ngày 26/6, trên hệ thống truyền hình Hy Lạp, Thủ tướng Tsipras bất ngờ thông báo quyết định sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới đây. Nội dung câu hỏi là tán đồng hay không kế hoạch cải tổ mà các chủ nợ muốn Hy Lạp áp dụng để đánh đổi lấy việc tháo khoán phần cuối trong khoản trợ giúp 7,2 tỉ euro mà Athens đang cần để tránh vỡ nợ. Nói cách khác, nếu người dân đồng ý, Hy Lạp sẽ ở lại trong Eurozone. Bằng không, Hy Lạp sẽ phải rời khỏi EU.

Cảnh hỗn loạn trước một chi nhánh Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp ngày 29/6

Theo báo chí Đức ngày 27/6, Thủ tướng Hy Lạp không hề thông báo trước cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker ý định tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân ở nước này về kế hoạch cải cách và thắt lưng buộc bụng, khiến các lãnh đạo châu Âu bất ngờ và chưa có phản ứng kịp.

“Quả bóng trách nhiệm” lại được chuyền sang chân người dân Hy Lạp

Kế hoạch trưng cầu dân ý của ông Tsipras cũng đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều ngay tại Hy Lạp. Ba đảng trong phe đối lập tại Quốc hội Hy Lạp (đảng Xã hội Pasok, đảng Dân chủ Mới và đảng Potami) đã bỏ phiếu chống.

Các đối thủ của Thủ tướng Tsipras nêu lên câu hỏi: Liệu ý định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như vậy có khả thi hay không? Theo bà Evy Christofilopoulou, dân biểu đảng Xã hội Pasok: ‘‘Hy Lạp chỉ trong vòng 5 ngày, không thể nào tổ chức và thiết lập các chi tiết kỹ thuật, huy động các định chế để bảo đảm cho cuộc bỏ phiếu dân chủ”. Một lập luận khác của phe đối lập: Hiến pháp Hy Lạp chỉ cho phép tổ chức trưng cầu dân ý hạn chế cho những vấn đề then chốt quốc gia. Còn theo đảng Dân chủ Mới và đảng Xã hội, các vấn đề then chốt ấy chỉ có thể được áp dụng cho ‘‘an ninh quốc gia” và “đối ngoại”.

Các đảng đối lập cũng đặt lại vấn đề về nội dung của câu hỏi, được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7. Đằng sau câu hỏi khá phức tạp là có nên hay không chấp nhận các đề nghị ‘‘cải cách” của các chủ nợ, thật ra có một câu hỏi đơn giản hơn nhiều: Hy Lạp rời hay không rời khỏi Eurozone.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

Thực ra, các chuyên gia phân tích cho rằng việc tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý về nợ công thực chất là một cú đá quả bóng trách nhiệm sang chân người dân của ông Tsipras. Khi tranh cử, ông Tsipras hứa sẽ không để cho người dân Hy Lạp phải chịu khổ thêm vì các biện pháp thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ châu Âu.

Giờ thì Hy Lạp bên bờ vực phá sản vì bất tuân theo điều kiện của các chủ nợ. Nếu muốn cứu Athens, ông Tsipras đơn giản chỉ là chấp thuận các yêu cầu của EU giống như các chính phủ tiền nhiệm. Nhưng nếu làm vậy ông sẽ bị mang tiếng là thất hứa. Nên để cứu nguy đất nước và giữ thể diện cho cá nhân, phương cách trưng cầu dân ý về vấn đề nợ của Hy Lạp xem ra là giải pháp vẹn toàn nhất với Thủ tướng Tsipras vào lúc này.

Thị trường tài chính thoi thóp

Sau khi thông tin về cuộc trưng cầu dân ý được loan báo, trên khắp thủ đô Athens, ngày càng nhiều người dân Hy Lạp đổ xô đến các trạm ATM rút tiền do lo ngại về tương lai đất nước. Để tránh nguy cơ sụp đổ thị trường tài chính và ngân hàng, Chính quyền Athens thông báo đóng cửa vô thời hạn toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm 28/6 cho hay, những ngân hàng ở nước này sẽ đóng cửa và việc rút tiền mặt sẽ bị hạn chế. Trong một phát biểu trên truyền hình, ông Tsipras không nói cụ thể những ngân hàng của Hy Lạp sẽ đóng cửa trong bao lâu hay kiểm soát vốn tới mức nào.

Theo lịch trình hiện tại, các ngân hàng và thị trường chứng khoán vẫn sẽ đóng cửa cho đến khi cử tri Hy Lạp quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 liệu có chấp nhận những biện pháp thắt lưng buộc bụng mới mà các chủ nợ của nước này đòi hỏi hay không.

Trong khoảng thời gian ngân hàng đóng cửa, báo chí châu Âu đưa tin khách hàng sẽ được phép rút một khoản tiền tối đa là 65 USD một ngày và không được phép chuyển tiền ra nước ngoài trừ phi được chấp thuận.

Chỉ trong ngày 27/6, khoảng 500-600 triệu euro đã bị rút khỏi hệ thống ngân hàng Hy Lạp. Theo số liệu do Ngân hàng Trung ương Hy Lạp công bố hôm 25/6, người gửi tiền nước này đã rút 30 tỉ euro trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2015, đưa lượng tiền gửi trong hệ thống nhà băng còn 129,9 tỉ euro.

Một giám đốc ngân hàng giải thích tình hình cho những người về hưu chờ đợi bên ngoài một chi nhánh của Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp ở Thessaloniki để nhận lương hưu, ngày 29/6/2015.

Theo nguồn tin từ các ngân hàng Hy Lạp, khoảng 35% các địa điểm ATM, tương đương 2.000 máy trong tổng số 5.500 máy ATM trên toàn đất nước, đã hết tiền vào thời điểm tình trạng rút “nóng” xảy ra nhiều nhất trong ngày 27/6.

Các ngân hàng nước này cho biết, họ đã phối hợp với Ngân hàng Trung ương để nhanh chóng nạp tiền bổ sung, và việc này thường mất 1-2 giờ đối với mỗi máy ATM, khiến người dân phải xếp hàng chờ.

Ngân hàng Trung ương châu Âu nói rằng họ đang duy trì hạn mức tín dụng khẩn cấp để các ngân hàng của Hy Lạp có thể tiếp cận ngay cả khi người gửi tiền ở Hy Lạp đang xếp hàng dài tại những máy rút tiền tự động để rút tiền tiết kiệm của họ. Quyết định này để ngỏ khả năng cung cấp phao cứu sinh tài chính cho Athens, nhưng không cung cấp thêm tiền.

Chủ tịch ECB Mario Draghi khẳng định, ECB đang làm việc chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương Hy Lạp để duy trì sự ổn định tài chính. Nhưng người gửi tiền Hy Lạp, do lo lắng chính phủ sẽ áp đặt những giới hạn rút tiền mà ông Tsipras loan báo, vẫn xếp hàng tại những máy rút tiền tự động cuối tuần qua để lấy tiền mặt.

Một động thái đáng quan ngại khác là trong ngày 28/6, Ngân hàng Trung ương Macedonia đã ra lệnh cho tất cả các ngân hàng của nước này rút các khoản tiền gửi tại các ngân hàng ở Hy Lạp và cho hay đã áp dụng “các biện pháp phòng ngừa” để ngăn dòng vốn chảy sang nước láng giềng phía Nam. Tình cảnh của Hy Lạp đang như ngàn cân treo sợi tóc.

Bộ trưởng Tài chính Áo Hans Joerg Schelling ngày 28/6 tuyên bố việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone "đến nay gần như là điều không thể tránh khỏi”. Tuy nhiên, trước hết Athens sẽ phải nộp đơn xin rút khỏi EU và được các nước khác chấp thuận.

Ông Schelling nói thêm rằng, "Hy Lạp sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng hơn so với các quốc gia EU khác. Rõ ràng là trong bất cứ trường hợp nào, không một quốc gia nào có thể đe dọa EC và các nước Eurozone”.

Góc mẻ trên đồng Euro

Việc Hy Lạp có phải rời khỏi Eurozone hay không giờ là đề tài được bàn tán nhiều nhất trên các báo châu Âu. Báo chí Pháp ra ngày 29/6 cho rằng nếu Hy Lạp bị phá sản và bắt buộc phải rời Eurozone thì chính Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ lãnh phần lớn trách nhiệm. Uy tín của lãnh đạo cường quốc kinh tế số 1 của châu Âu tùy thuộc vào giải pháp cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất hiện nay trong bối cảnh EU đang đứng trước nhiều de dọa.

Từ nhiều tháng nay, Thủ tướng Đức, một nhân vật có tiếng thận trọng, luôn đắn đo cân nhắc những hệ quả về tài chính, kinh tế và địa chiến lược trong trường hợp Hy Lạp rời vùng đồng tiền chung. Theo các cố vấn thân cận của Thủ tướng Merkel, trái với quan điểm xem nhẹ hậu quả của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Shauble, bà dứt khoát không để cho thành viên Hy Lạp bị vỡ nợ, phải ra đi.

Ngày 26/6, vài giờ trước khi Thủ tướng Alexis Tsipras loan báo với người dân Hy Lạp về việc trưng cầu dân ý có nên chấp nhận hay không các đề nghị của các nhà tài trợ, Thủ tướng Đức còn tháp tùng Tổng thống Pháp bàn thảo riêng với đồng sự Hy Lạp bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Âu. Bà khuyên Thủ tướng Hy Lạp nên chấp nhận “biện pháp rộng lượng” của EC, ECB và IMF. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Barack Obama sau đó, Thủ tướng Đức còn hội ý với lãnh đạo Mỹ, cần phải tạo điều kiện cho Hy Lạp ở lại và cải cách trong khối đồng tiền chung euro.

Theo giới phân tích, nếu cuối cùng Hy Lạp rời vùng kinh tế và đồng tiền chung euro thì chắc chắn Thủ tướng Tsipras và phe cực tả Hy Lạp sẽ bị phê phán là thiếu xây dựng trong các cuộc thương lượng triền miên. Tuy nhiên, chính Thủ tướng Đức phải “quản trị” tình hình “hậu Hy Lạp” và sẽ là người chịu trách nhiệm giải thích vì sao không tránh được giải pháp xấu nhất này.

Trước hết, Hy Lạp ra đi là một thảm nạn cho người dân quốc gia Nam Âu này. Họ phải sử dụng đồng drakma mới, bị mất giá nghiêm trọng, đối đầu với lạm phát phi mã, thiếu hụt nhu yếu phẩm nhập khẩu nhất là dầu khí và thuốc men. Các nước EU sử dụng đồng euro cũng không tránh được tác động dây chuyền, mất hàng trăm tỉ cho vay, lại phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng. Nói rõ hơn, để Hy Lạp ra đi không phải là giải pháp triệt để mà bà Angela Merkel tính đến.

Trong các cuộc đàm đạo riêng, Thủ tướng Đức cho biết mối lo ngại nhất của bà là nước Đức bị lịch sử kết tội làm châu Âu “tan vỡ ba lần trong một thế kỷ”. Bà đã hơn một lần thương thảo với Thủ tướng Hy Lạp suốt 5 giờ đồng hồ và cam kết Berlin sẽ “chiến đấu” bên cạnh Athens.

EU, tuy hùng mạnh kinh tế, nhưng đang đứng trước nhiều hiểm nguy: nước Anh với dự án trưng cầu dân ý đi hay ở, khó khăn thống nhất lập trường đối phó với làn sóng nhập cư bất hợp pháp, khủng hoảng với Nga tại Ukraine, đe dọa của thánh chiến Hồi giáo, giờ đây nếu cộng thêm tình hình rối loạn tại Hy Lạp thì số phận các dự án cải cách châu Âu sẽ ra sao? Những lực lượng chính trị cực tả và cực hữu chống châu Âu thống nhất có thêm thời cơ để đòi “độc lập”.

Từ khi khủng hoảng tài chính của Hy Lạp nổ ra cách nay 5 năm, chiến lược của Berlin là thương thuyết từng giai đoạn: đánh đổi tài trợ với các biện pháp cải cách đớn đau thắt lưng buộc bụng. Tai hại hơn nữa, chiến lược khắc khổ này bị nhiều chuyên gia kinh tế và Thủ tướng Tsipras than phiền là cản trở kinh tế Hy Lạp vực dậy.

Liên minh châu Âu chỉ là một tập thể tự do thuế quan để mở rộng giao dịch mua bán giữa các thành viên, chứ không là Liên bang châu Âu có một chính quyền thống nhất khả dĩ quyết định về chính sách kinh tế tài chính của các thành viên. Từng hội viên của Liên minh này vẫn có thể nhân danh nguyên tắc dân chủ và chủ quyền quốc gia mà chống lại quyết định của một tập thể siêu quốc gia hay của trụ cột là nước Đức.

Nếu bị ép quá thì họ không chỉ ra khỏi khối Eurozone mà còn giã từ cả Liên minh châu Âu. Sau Grexit của Hy Lạp có thể là Brexit của Anh hay Frexit của Pháp. Trào lưu đó đã xuất hiện tại nhiều quốc gia và sau thất bại của khuynh hướng cực tả như Syriza ở Hy Lạp thì đấy là lúc phe cực hữu sẽ lên lưới. Nghĩa là sau khi đồng euro bị sứt một góc nhỏ, cả kiến trúc Liên minh châu Âu sẽ rung chuyển vì Hy Lạp.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.