Ông Phạm Văn Gòn, Phó Viện trưởng VKSND TP HCM:

Quyết tâm chống lọt tội, đẩy lùi oan sai

Thứ Ba, 24/05/2011, 18:40

Ông Gòn quả quyết, đối với một phiên tòa cải cách thì không thể chấp nhận điều đó mà buộc kiểm sát viên phải tranh tụng đến cùng để bên "gỡ tội" phải "tâm phục khẩu phục" thì mới đạt yêu cầu. Mà muốn vậy thì kiểm sát viên phải không ngừng nâng cao kiến thức, cập nhật những văn bản pháp luật mới và đặc biệt phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án sao cho phải nằm lòng từng chi tiết nhỏ.

Bằng kiến thức và kinh nghiệm trải qua hơn 35 năm công tác trong ngành kiểm sát, gần 8 năm trên cương vị lãnh đạo VKSND TP HCM, ông Phạm Văn Gòn đã và đang phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của ngành kiểm sát tại TP HCM. Trong đó, một trong những lĩnh vực  mà ông đặc biệt quan tâm là thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mà muốn chống lọt tội, đẩy lùi oan sai, theo ông Gòn cần phải bắt đầu từ phiên tòa cải cách.

Trong rất nhiều phiên tòa diễn ra từ trước đến nay, kiểm sát viên giữ quyền công tố hầu như chỉ bám vào cáo trạng, khi đuối lý trước luật sư thì thường chống chế bằng câu nói "đã thấy có đủ cơ sở để buộc tội" nhằm bảo lưu quan điểm của mình mà cơ sở đó là gì thì bỏ lửng. Ông Gòn quả quyết, đối với một phiên tòa cải cách thì không thể chấp nhận điều đó mà buộc kiểm sát viên phải tranh tụng đến cùng để bên "gỡ tội" phải "tâm phục khẩu phục" thì mới đạt yêu cầu. Mà muốn vậy thì kiểm sát viên phải không ngừng nâng cao kiến thức, cập nhật những văn bản pháp luật mới và đặc biệt phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án sao cho phải nằm lòng từng chi tiết nhỏ. Ông kể, trong một lần tham dự phiên tòa cải cách xét xử một bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ" tại TAND quận 2.

Trong phần tranh tụng, vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo cho rằng, thân chủ của ông phạm tội có phần xuất phát từ lỗi của nạn nhân khi chở hàng cồng kềnh trên xe gắn máy nên thân chủ ông bị va quệt dẫn đến nạn nhân ngã xuống đường chết. Lúc này người giữ quyền công tố không hề nao núng mà dõng dạc đáp lại một cách khá chuẩn rằng, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ Việt Nam thì "đối với xe môtô, gắn máy, xe đạp không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng đèo hàng về mỗi bên 0,3m, vượt quá chiều cao tính từ mặt đất 2m, vượt quá phía sau đèo hàng là 0,5m" đối chiếu với trường hợp của nạn nhân thì hoàn toàn nằm trong quy định cho phép… Đến đây thì phía luật sư đành chấp nhận và Hội đồng xét xử cũng tán thành cách lý giải thuyết phục này.

Hay như một phiên tòa gần đây nhất diễn ra vào ngày 29/4/2011, xét xử 5 bị cáo phạm tội cướp tài sản tại TAND quận 12. Luật sư cho rằng, lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra cũng như trong phiên tòa hôm ấy đều khẳng định họ phạm tội không có tổ chức nên đề nghị HĐXX không áp dụng tình tiết tăng nặng này. Tuy nhiên phía kiểm sát viên đã dẫn chứng rằng, tuy các bị cáo không thừa nhận, song trong hai vụ cướp xảy ra thì mỗi bị cáo đều thực hiện vai trò giống nhau, điều này thể hiện, nếu như không có sự phân công thì không thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến như vậy. Nghe xong, vị luật sư gật gù vì bản thân ông cũng chưa nghĩ đến tình tiết đó…

Hai dẫn chứng này cho thấy kiểm sát viên đã có sự chuẩn bị rất tốt trước khi tham gia phiên tòa mà đó chính là mục tiêu mà ông hướng đến trong tương lai. Bên cạnh kiến thức rộng, người kiểm sát viên phải có đức độ, cái tâm trong sáng và hình thức, diện mạo, cách diễn đạt cáo trạng, tranh tụng cũng phải hết sức linh hoạt và chừng mực. Nói chung là phải cố gắng làm sao để tất cả các kiểm sát viên có ý thức tự nâng tầm của mình để đáp ứng yêu cầu cao trong tình hình mới - một chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết 49/NQ/TW.

Trước mắt, ông Gòn cho hay, trong tháng 6 này, VKSND TP HCM sẽ tổ chức chuyên đề về phiên tòa cải cách tư pháp để qua đó đánh giá rút kinh nghiệm sau hai năm thực hiện (mỗi tháng mở từ 2/4 phiên tòa cải cách luân phiên ở các quận huyện, tất cả các phiên tòa này ông Gòn đều tham dự) nhằm từng bước hoàn thiện hơn để đến một thời gian không xa tất cả các phiên tòa đều là phiên tòa cải cách. "Hiện tại, các kiểm sát viên giữ quyền công tố còn yếu trong khâu tranh tụng thì chỉ bị nhắc nhở và rút kinh nghiệm. Sắp tới tôi sẽ trực tiếp soạn thảo và xây dựng khung chế tài để áp dụng chung cho các cá nhân vi phạm" - Ông Gòn cho biết. 

Để phiên tòa nào cũng là phiên tòa cải cách là mục tiêu lớn của ông Gòn.

Ông Gòn tâm sự, kể từ khi có Nghị quyết 338 về "bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra" thì các cơ quan tố tụng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) nơi nào cũng từng bị bồi thường thiệt hại. Tuy những người bị oan được phục hồi danh dự, được đền bù vật chất nhưng theo ông Gòn thì thực tình mà nói những đau khổ mà họ đã gánh chịu trong thời gian hàm oan có lẽ không có sự đền bù nào là xứng đáng.

Những người bảo vệ pháp luật đều thừa hiểu và rất xót xa thế nên tránh oan sai luôn được các cơ quan tố tụng đặt lên hàng đầu. Song có một thực tế xảy ra là cố gắng tránh oan sai thì rất dễ để lọt tội. Mà để lọt tội thì hậu quả cũng hết sức khôn lường, tổn hại nặng nề đến kỷ cương, phép nước, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Vậy để đẩy lùi oan sai mà không lọt tội, theo quan điểm của ông Gòn, cải cách tư pháp đã xác định lấy tòa án là khâu trung tâm của quá trình cải cách.

Các hoạt động theo tiến trình tư pháp như điều tra, kiểm sát, truy tố… nếu có sai phạm vẫn có thể khắc phục được nhưng nếu xét xử sai sẽ để lại hậu quả rất lớn và đôi khi không thể khắc phục được. Chính vì vậy mà tòa án sẽ rất kỹ khi tiếp nhận hồ sơ truy tố từ Viện chuyển sang. Ngược lại, Viện cũng sẽ rất "khó tính" khi tiếp nhận hồ sơ từ Cơ quan điều tra. Thế cho nên để có một phiên tòa cải cách, tranh tụng đúng nghĩa thì các kiểm sát viên phải theo dõi vụ án sát sao từ giai đoạn đầu, khi thấy có gì khúc mắc, thiếu chặt chẽ, còn sót người, lọt tội thì lập tức chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra để làm sáng tỏ từng khâu một với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Mà làm được như thế là chắc chắn sẽ không để lọt tội hay oan sai cho người khác.

Trên thực tế, từ năm 2009 đến nay, VKSND TP HCM chưa lần nào phải đền bù do oan sai. Đặc biệt là ở khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, ông Gòn đều quan tâm giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật cũng như kiến nghị đến các cơ quan chức năng khác giải quyết theo thẩm quyền để giảm phiền hà, khó khăn cho người dân

M.T.Phong
.
.