Romania: Tranh cãi quanh dự án khai thác mỏ vàng

Thứ Ba, 02/10/2012, 05:25

Romania là một trong những quốc gia nghèo nhất trong khối Liên hiệp châu Âu (EU) và có tỉ lệ thất nghiệp cao, thế nên sự hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài muốn mở lại mỏ vàng của tỉnh Rosia Montana được coi là dấu hiệu khởi sắc cho nền kinh tế Romania.

Công ty khai thác vàng Rosia Montana (RMGC) đứng đằng sau dự án đầy hứa hẹn này. Khai thác mỏ vàng ở Rosia Montana sẽ mang về cho Romania 19 tỉ USD và tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân - đó là đề nghị hấp dẫn được bàn bạc từ giữa thập niên 90 thế kỷ trước cho một quốc gia được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cứu giúp vào năm 2009. Tuy nhiên, một thập niên đã trôi qua mà giới chính khách Romania vẫn còn do dự trì hoãn và không biết dự án khai thác vàng có được bật đèn xanh hay không.

Tỉnh Rosia Montana nằm ở phía tây Romania, bao gồm 16 ngôi làng nằm rải rác dọc theo con sông Rosia, với những nhà thờ và công trình kiến trúc đã hàng trăm năm tuổi. Rosia Montana cũng có vàng, nhưng người dân địa phương lại coi đó là tai ương hơn là vận may! Người dân Rosia Montana bắt đầu khai thác vàng từ thế kỷ 4 trước CN và mỏ vàng lộ thiên lớn nhất châu Âu ở Rosia Montana là trung tâm của cuộc tranh cãi quốc gia về vấn đề di sản và phát triển trong nhiều năm qua.

Dự án Rosia Montana - với sự đầu tư chính của RMGC thuộc Gabriel Ressources, tập đoàn khai thác mỏ hàng đầu của Canada - hứa hẹn mang lại hàng triệu USD tiền thuế và việc làm cho 2.800 người dân địa phương, song nó cũng có nghĩa là môi trường sẽ biến đổi nặng nề, cộng đồng dân cư được quy hoạch lại, 3 ngọn núi sẽ bị phá hủy và một số ngôi làng sẽ biến mất để trở thành cái hồ rộng tới 300 hecta trữ hàng triệu chất thải hóa học cyanide độc hại được một đập cao 180 mét ngăn lại và những công trình cổ bị ảnh hưởng nặng nề. Người ta cũng lo ngại nếu có sự cố xảy ra thì chất thải độc hại có khả năng chảy ra những con sông nằm ở vùng biên giới giữa Hungary và Romania như Maros, Tisza v.v…

Với dự án quy mô hứa hẹn mang lại doanh thu lên tới hàng tỉ USD, RMGC muốn khai thác tổng cộng 300 tấn vàng và hơn 1.000 tấn bạc tại Rosia Montana vào năm 2014. Trong thời gian 15 năm hoạt động khai mỏ, RMGC sẽ cần đến gần 200.000 tấn cyanide để xử lý trên 200 triệu tấn quặng. Gragos Tanase, Giám đốc điều hành RMGC, cho biết Dự án Rosia Monatana nhận được sự ủng hộ từ 95% dân địa phương, giới chức chính quyền và Tổng thống Traian Basescu của Romania.

Nhưng những người chống đối dự án - một nhóm nhỏ cư dân, nhà thờ, các nhóm nhân quyền và bảo vệ môi trường, Quỹ Soros, Quỹ Văn hóa Rosia Montana, Hiệp hội Alburnus Maior và nước Hungary lân cận - lo sợ tác hại đến môi trường và muốn Rosia Monata nằm trong danh sách di sản thế giới của Tổ chức Phát triển Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) để khai thác du lịch. Giới chỉ trích cũng lo ngại vấn đề nhượng quyền khai thác vàng cho nước ngoài sẽ không được minh bạch.

Trong khi đó, Thủ tướng Victor Ponta - chính khách đối đầu Tổng thống Basescu - công khai phê phán dự án cũng như sự ủng hộ của Tổng thống, và người ta cho rằng vấn đề sẽ trở thành trọng tâm của cuộc tranh luận trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới đây. 

Mỏ vàng lộ thiên gần 2.000 năm tuổi của Romania.

Mối lo sợ tham nhũng và sự thiếu niềm tin vào hệ thống chính trị của Romania đã dẫn đến sự đoàn kết của những người chống đối dự án khai mỏ vàng ở Rosia Montana. Thái độ miễn cưỡng của chính quyền trong việc công khai hợp đồng ký kết với RMGC làm bùng phát sự nghi ngờ có điều gì đang được che giấu. Cựu Bộ trưởng Tài chính Sebastian Vladescu cho rằng, sự trì hoãn đối với một dự án khai mỏ lớn một phần cũng do các chính khách ngần ngại trước những ám chỉ tham nhũng từ phía những người chống đối và các phương tiện truyền thông. Trong khi đó, người dân ở Rosia Montana bị thất nghiệp và cộng đồng đang chết dần vì thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng từ những cuộc khai thác trước kia, cũng như cơ sở hạ tầng bị hủy hoại trầm trọng.

Chính quyền Romania ước tính cần đến 1,2 tỉ USD để phục hồi môi trường ở Rosia Montana. Một cựu công nhân mỏ ở Rosia Montana và nay là lãnh đạo tổ chức chống khai mỏ gọi là Hiệp hội Alburnus Maior. Ông chống lại dự án của RMGC và muốn lợi dụng tiếng tăm của Rosia Montana để thu hút du khách. Bởi vì Rosia Montana mang trên mình nhiều kiến trúc cổ có giá trị văn hóa cũng như nhiều di tích lịch sử có từ thời cổ đại La Mã. Mỗi năm có hàng ngàn người viếng thăm Rosia Montana, nhưng họ chỉ ghé qua rồi không bao giờ trở lại.

Dự án khai thác mỏ vàng và bạc ở Rosia Montana của RMGC được đề xuất từ khoảng giữa thập niên 90 thế kỷ trước sẽ hủy hoại một diện tích 16km2. Với 20 tấn thuốc nổ dinamit để khai thác mỏ, gần như toàn bộ các kiến trúc cổ của Rosia Montana sẽ không còn tồn tại nữa và chưa kể đến những thảm họa sinh thái không lường trước được. Dự án của RMGC cũng vấp phải sự phản đối của EU và kế hoạch di dân khỏi Rosia Montana cũng vi phạm Công ước châu Âu về nhân quyền mà Romania là một thành viên phê chuẩn. Nhiều giáo hội của Romania đã ra tuyên bố phán đối dự án khai mỏ và Liên minh các đảng Xanh châu Âu bày tỏ sự nghi ngại.

Đặc biệt chính quyền Hungary láng giềng kịch liệt chống đối dự án vì nước này từng hứng chịu thảm họa sinh thái từ việc khai thác mỏ vàng ở Rosia Montana trước kia. Do sự phản ứng quá mạnh từ nhiều phía cho nên vào năm 2005 một tòa án Romania đã ra quyết định ngưng cấp phép cho nhà đầu tư Canada. Tuy nhiên, do nguồn lợi từ khai thác mỏ vàng ở Rosia Montana quá lớn nên RMGC khó thể bỏ cuộc, và chính quyền Romania cũng cảm thấy tiếc nuối "miếng bánh" quá ngon này

Duy Minh (tổng hợp)
.
.