Sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm từ... gián

Thứ Năm, 31/10/2013, 08:10

Hiện nay, có ít nhất 5 công ty dược phẩm Trung Quốc đang sử dụng gián để bào chế thuốc cổ truyền. Trung Quốc (và cả Hàn Quốc) đang nghiên cứu sử dụng gián tán thành bột để chữa chứng hói đầu, AIDS, ung thư và có thể được dùng như… vitamin bổ sung.

Tòa nhà bê tông thấp lùn xưa kia là trại nuôi gà nhưng giờ đây trở thành nơi sinh sôi của hàng triệu… con gián gớm ghiếc. Bên trong tòa nhà, Wang Fuming kéo một tổ gián ra ngoài. Do bất ngờ trước ánh sáng trời, những đàn gián quen sống trong bóng tối chạy nhốn nháo lên cả hai cánh tay của “ông chủ”.

“Không có gì phải sợ hãi”, Wang nói với những vị khách đang co rúm người lại trước những con côn trùng có cánh màu nâu đỏ khiếp đảm đang bò ra tứ phía. Mặc dù gián là loài côn trùng đáng ghê sợ đối với con  người, song với Wang thì chúng là nguồn thu nhập béo bở cho ông.

Wang Fuming, 43 tuổi, là “nhà sản xuất gián" lớn nhất hiện nay ở Trung Quốc, với 6 trại nuôi ước khoảng 10 triệu con gián. Các công ty sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm ở châu Á là khách hàng thường xuyên của Wang bởi vì cánh gián là nguồn cung cấp protein cũng như chất giống như cellulose. Giống gián mà Wang nuôi thuộc loài Periplaneta americana, hay gián Mỹ, có chiều dài khoảng 4cm (khác với loài gián nhỏ hơn, không cánh của Đức).

Wang Fuming bắt đầu nuôi gián từ năm 2010 và đến nay giá của loài côn trùng này đã tăng gấp 10 lần - từ khoảng 2 đến 20 USD/pound (1 pound = 453,5gr) - để phục vụ nhu cầu bào chế thuốc của các nhà sản xuất dược cổ truyền.

Wang Fuming cho biết: "Nuôi lợn lãi thấp, trong khi nuôi gián chỉ đầu tư 20 NDT (3,25 USD) mà thu về được 150 NDT (24,375 USD)". Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 100 trại nuôi gián và ngày càng có thêm nhiều trại khác mọc lên.

Nhìn bề ngoài, Wang Fuming giống như nhà khoa học nhưng thực ra anh chưa học hết bậc trung học. Hồi nhỏ, Wang thích sưu tập các loài côn trùng, ban đầu là bọ cạp và ong - cả hai loài đều được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc và cũng là món ăn ngon. Wang nuôi gián bằng vỏ khoai tây và bí ngô bỏ đi từ các nhà hàng gần trại. Có lẽ gián được coi là loài côn trùng gớm ghiếc, bẩn thỉu cho nên các trại nuôi gián hoạt động khá kín đáo.

Trại nuôi gián của Wang nằm trong khu nông nghiệp tổng hợp. Lối vào trại nuôi gián của Wang có tấm biển ghi "Tế Nam Hualu Feed Co". Wang cũng phải đề phòng những người láng giềng vốn ghét cay ghét đắng những trại như thế.

Liu Yusheng, Giám đốc Công ty Nuôi côn trùng Sơn Đông Insect Industry Assn., giải thích: "Chính quyền chỉ ngầm cho phép chúng tôi nuôi gián, nhưng nếu gây chú ý quá nhiều hay nếu để lũ gián xổng ra các khu dân cư xung quanh thì sẽ gặp rắc rối to!".

Wang Fuming trong trại nuôi gián ở Tế Nam.

Liu Yusheng đang lo lắng trước sự phát triển khá nhanh của việc nuôi gián công nghiệp trong khi các chủ trại mới  thường chưa có nhiều kinh nghiệm và sự giám sát còn quá ít. Do giá đầu tư nuôi gián thấp mà lãi thu về cao cho nên người này cứ rỉ tai người kia mà lao vào dẫn đến nguy cơ không kiểm soát được và từ đó gây ra nhiều hậu quả như là ô nhiễm môi trường. Bà Zou Hui, 40 tuổi, đã bỏ công việc ở xưởng sản xuất hàng đan len để chuyển sang nuôi gián sau khi xem một chương trình về nuôi gián công nghiệp.

Bà Zou Hui cho biết: "Mọi người cười cợt khi tôi bắt đầu nuôi gián nhưng tôi luôn nghĩ trong đầu rằng nghề này sẽ giúp tôi trở nên giàu có". Bà Zou không tiết lộ chính xác khối tài sản của mình song cho biết số tiền bán gián hàng năm là 10.000 USD, đó là số tiền không nhỏ vùng nông thôn tỉnh Tứ Xuyên quê bà. Thậm chí, năm 2012 Zou Hui còn được chính quyền địa phương tặng danh hiệu "Chuyên gia làm giàu".

Theo Zou, hiện nay người dân Tứ Xuyên muốn kiếm tiền như bà. Nhưng, không phải ai cũng gặp thuận lợi trong nghề nuôi gián. Như Wang Pengsheng do căn nhà mới xây để nuôi gián của anh quá gần vùng nước suối cần được bảo vệ cho nên chính quyền không đồng tình. Ngày 20/8 vừa qua, khi tốp công nhân đi ăn trưa thì đội cưỡng chế xuất hiện và đã phá dỡ căn nhà mà không hề biết bên trong là những bầy gián lúc nhúc.

Tai họa bất ngờ ập xuống và Wang Pengsheng chỉ biết cố gắng lập hàng rào để ngăn chặn lũ gián xâm nhập khu dân cư nhưng không thành công. Cuối cùng, Wang Pengsheng buộc phải cầu viện giới chức y tế để tiêu diệt chúng. Sau khi nhận được số tiền bồi thường 8.000 USD từ chính quyền địa phương, Wang Pengsheng cho biết anh sẽ mở trại nuôi gián khác xa khu dân cư.

Zou Hui và công cụ nuôi gián của bà.

Hiện nay, có ít nhất 5 công ty dược phẩm Trung Quốc đang sử dụng gián để bào chế thuốc cổ truyền. Trung Quốc (và cả Hàn Quốc) đang nghiên cứu sử dụng gián tán thành bột để chữa chứng hói đầu, AIDS, ung thư và có thể được dùng như… vitamin bổ sung. Mới đây, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp tỉnh Jeonnam của Hàn Quốc và Đại học Dược Dali của Trung Quốc đã công bố những bài báo về tính năng chống ung thư của gián.

Li Shunan - 78 tuổi, giáo sư y học cổ truyền ở tỉnh Vân Nam và là người được đánh giá là cha đẻ của ngành khoa học nghiên cứu gián - cho biết vào thập niên 60 thế kỷ trước, các dân tộc ít người thường sử dụng bột gián (gián phơi khô tán thành bột) chữa bệnh lao.

Giáo sư Li Shunan phát biểu: "Gián là côn trùng sống rất dai và chúng ta muốn biết những gì đã tạo nên sức mạnh cho chúng, thậm chí tại sao chúng có thể chống chọi được cả những tác hại của phóng xạ hạt nhân. Cách đây nhiều năm, đầu tôi bị hói, tôi đắp bột gián và sau đó tóc mọc trở lại. Tôi còn dùng bột gián làm mặt nạ và người ta bảo tôi vẫn không già đi trong nhiều năm. Hơn thế, gián cũng là món ăn ngon!".

Hiện nay, nhiều chủ trại gián cố gắng quảng bá sản phẩm dùng làm thức ăn cho cá và vật nuôi cũng như đưa vào thực đơn cho con người. Người Trung Quốc hoàn toàn không ghê sợ côn trùng như người phương Tây. Ở thành phố Tế Nam, Wang Fuming và vợ ngày càng yêu mến lũ gián và không quan tâm đến cảm xúc của những người khác về nghề này.

Trong bữa trưa tại nhà hàng gần trại gián, Wang Fuming thản nhiên đưa đũa vào chiếc đĩa đầy gián chiên giòn và gắp cho vào miệng ngon lành. Có lẽ, ai nhìn thấy cảnh đó cũng phải rợn cả người. Wang Fuming nói rằng: "Các anh sẽ phải hối tiếc cả đời vì không thưởng thức món gián chiên giòn!"

Duy Ân (tổng hợp)
.
.