Thiếu tướng Hồ Việt Lắm - Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ:

Sâu nặng nghĩa tình với đồng bào Khmer

Thứ Ba, 20/04/2010, 21:15
Trong những ngày tết Chôl Chnam Thmây năm nay (diễn ra trong 3 ngày 14, 15 và 16/4), đồng bào Khmer Nam Bộ cảm thấy thật sự ấm áp trước sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Với các chiến sĩ Công an, tình quân dân càng thêm thắt chặt hơn qua những chuyến thăm hỏi, chúc tết, tặng quà, khám chữa bệnh cho bà con. PV Chuyên đề ANTG đã có cuộc phỏng vấn đối với Thiếu tướng Hồ Việt Lắm - Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ.

PV: Đồng chí Cục trưởng có thể khái quát về đồng bào Khmer Nam Bộ cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào trong vài năm trở lại đây?

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm: Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đồng bào Khmer Nam Bộ hiện có khoảng 1,3 triệu người, chiếm tỉ lệ 8% dân số trong vùng; sống tập trung ở 9 tỉnh, thành Tây Nam Bộ, một bộ phận sinh sống ở TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hầu hết đồng bào Khmer theo đạo Phật, hệ phái Nam tông. Toàn vùng có 439 chùa, sư sãi dao động trên dưới 9.000 vị.

Đồng bào Khmer có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời với các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, có nhiều đóng góp công sức, xương máu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Toàn vùng hiện có 92 mẹ Việt Nam Anh hùng, 11 Anh hùng LLVTND, 2.863 liệt sĩ, 1.029 thương binh và hàng chục ngàn gia đình Khmer có công với nước. Hôm về Cần Thơ chúc tết Chôl Chnam Thmây, sư sãi và đồng bào Khmer Nam Bộ, khi nhắc lại những con số thể hiện sự hy sinh cao cả, sự đóng góp xương máu của đồng bào Khmer trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: "Đó là ơn sâu nghĩa nặng mà Đảng, Nhà nước, Tổ quốc không bao giờ quên...".

Trong những năm qua, nhiều chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ vậy mà trong vùng đồng bào Khmer bước đầu đã tạo được sự chuyển biến khá toàn diện.

Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, giáo dục - đào tạo, điện, nước sinh hoạt,... đã có bước phát triển khá, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng có đông đồng bào Khmer; hiện không còn hộ đói, trên 80% hộ có phương tiện nghe nhìn, phần lớn có xe ôtô đi lại; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 40% năm 2006 còn 28% vào cuối năm 2009. Việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Khmer được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm.

Hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer được thực hiện đúng đường hướng "Đạo pháp, dân tộc và XHCN", chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo được tín nhiệm đối với đồng bào phật tử. Toàn vùng có 134 chùa Khmer được Nhà nước khen thưởng, 17 chùa Khmer được công nhận di tích lịch sử văn hóa, nhiều chùa Khmer được hỗ trợ sửa chữa sau chiến tranh; 100% chùa Khmer được trang bị phương tiện nghe nhìn, 294 chùa có tủ sách... Nhà nước cũng đã hỗ trợ trùng tu 150 chùa, in ấn 42 đầu kinh sách (220.000 quyển); sửa chữa nâng cấp Trường Bổ túc Văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ tại Sóc Trăng và đang chuẩn bị xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ.

Công tác giáo dục, tuy còn nhiều vấn đề bất cập còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa song trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc Khmer có bước phát triển đáng kể. Số lượng học sinh Khmer tăng gấp 2 lần so với năm 1991. Sinh viên đại học tăng về số lượng và chất lượng. Hằng năm có khoảng 2.200 sinh viên theo học. Giáo viên Khmer hiện nay tăng 2,04 lần so với năm 1991.

Đến nay, toàn vùng có 9 trường dân tộc nội trú cấp tỉnh và 15 trường cấp huyện. Hằng năm có trên 6.400 học sinh Khmer theo học. Trường phổ thông dân tộc nội trú và hầu hết các điểm trường trong vùng dân tộc Khmer đều tổ chức dạy chữ Khmer. Trường Bổ túc Văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ hằng năm có từ 180 đến 200 tăng sinh theo học. Trường đã tổ chức đào tạo được 16 khóa với gần 1.000 tăng sinh ra trường, cơ sở vật chất của trường được đầu tư khang trang.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm - Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào Khmer nghèo tỉnh Bạc Liêu nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Trên lĩnh vực y tế, toàn vùng hiện có khoảng 170 bác sĩ, gần 500 y sĩ là người dân tộc Khmer; 100% trạm y tế xã đều có y sĩ, nhiều xã có bác sĩ. Chính sách y tế đối với người nghèo được triển khai thực hiện tốt. Cá biệt tỉnh Trà Vinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh dành phòng riêng để khám và điều trị bệnh cho sư sãi. Tỉnh Bạc Liêu cũng đang chuẩn bị triển khai mô hình  này.

Riêng đối với hệ thống chính trị cơ sở vùng có đông đồng bào Khmer từng bước được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ đảng viên, cán bộ công chức, đoàn viên các đoàn thể là người dân tộc Khmer tăng về số lượng và chất lượng. Đồng bào tham gia ngày càng nhiều trong hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến địa phương. Toàn vùng hiện có gần 12.000 đảng viên Khmer (tăng 5,6 lần so với 1991); cán bộ Khmer được bầu vào cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2006 -2010 853 đồng chí, tăng 360 đồng chí so với nhiệm kỳ trước. Có 9 đại biểu Quốc hội khóa XI, 42 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 205 đại biểu HĐND cấp huyện và 2.042 đại biểu HĐND cấp xã...--PageBreak--

PV: Chúc tết Chôl Chnam Thmây đồng bào Khmer các tỉnh Tây Nam Bộ vào sáng 6/4/2010 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định đồng bào Khmer Nam Bộ là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm... Riêng với lực lượng Công an, trách nhiệm đảm bảo ANTT đối với vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trong những năm qua được thể hiện thế nào, thưa Cục trưởng?

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm: Các thế lực thù địch và bọn phản động vẫn không từ bỏ âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam và tiến hành nhiều hoạt động chống phá vào địa bàn Tây Nam Bộ và vùng đồng bào dân tộc Khmer nhằm gây mất ANTT, tạo cớ để bên ngoài can thiệp. Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với lực lượng Công an trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ là rất nặng nề.

Thời gian qua, lực lượng An ninh đã quán triệt chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục An ninh, đề ra và thực hiện thắng lợi nhiều chương trình, kế hoạch công tác góp phần giữ vững được ổn định chính trị trên địa bàn Tây Nam Bộ và vùng đồng bào dân tộc Khmer phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động nắm chắc được tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh - trật tự; khắc phục những sơ hở thiếu sót trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong vùng dân tộc, không để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng kích động chống phá. Đặc biệt, đã chủ động đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả nhiều lần bọn phản động bên ngoài lợi dụng khiếu kiện đất đai, kích động tập trung đông người Khmer kéo về TP Cần Thơ, TP Sóc Trăng, trụ sở UBND xã và huyện Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) biểu tình, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ...

Đáng lưu ý vụ biểu tình gây rối ngày 8/2/2007 tại Sóc Trăng; một số vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ ở An Giang... Kết quả ta đã ngăn chặn kịp thời, công tác đấu tranh xử lý đối với số sai phạm đúng pháp luật, sớm ổn định được tình hình tại địa phương.

Vấn đề cốt lõi là thực hiện tốt công tác phòng ngừa bằng công tác bảo vệ việc thực hiện tốt chính sách dân tộc - tôn giáo tạo ra sự nhất trí về chính trị, tinh thần trong nhân dân, loại trừ các nhân tố có thể dẫn đến gây mất ổn định chính trị. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân đi đôi với giáo dục lòng yêu nước, nâng cao cảnh giác, chủ động phát hiện đập tan mọi  âm mưu và hoạt động phá hoại, gây rối của các thế lực thù địch và phần tử xấu.

Chúng tôi đã triển khai kế hoạch phối hợp các lực lượng, gắn với triển khai các phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng, cùng với Công an địa phương đảm bảo an ninh, an toàn cho đồng bào đón tết Chôl Chnam Thmây năm nay vui tươi, phấn khởi.

PV: Ngoài trách nhiệm đảm bảo ANTT, được biết lực lượng Công an thời gian qua cũng có nhiều hoạt động rất thiết thực nhằm chia sẻ những khó khăn với đồng bào Khmer nghèo, để lại ấn tượng tốt đẹp. Thiếu tướng có thể nói rõ hơn?

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm: Bên cạnh việc triển khai các mặt công tác nghiệp vụ, thời gian qua Lực lượng Công an đã có nhiều hoạt động thiết thực, tổ chức nhiều phong trào, hoạt động hướng đến đồng bào nghèo, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Trong các dịp lễ, tết của đồng bào dân tộc, chúng tôi đã cùng với các nhà hảo tâm tổ chức thăm đồng bào nghèo, mong muốn là chia sẻ một phần khó khăn, hỗ trợ để đồng bào ai cũng có được niềm vui.

Tết Chôl Chnam Thmây năm 2009, Cục An ninh Tây Nam Bộ đã cùng các cơ quan, nhà hảo tâm trao 1.200 phần quà cho đồng bào Khmer ở 7 tỉnh đón tết. Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 vừa rồi đã trao hơn 1.500 phần quà cho đồng bào Khmer nghèo.

Trước tết Chôl Chnam Thmây năm nay, chúng tôi đã phối hợp với Công an tỉnh Hậu Giang, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện 30-4 - Bộ Công an tổ chức khám, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho bà con Khmer nghèo, người già neo đơn ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) và huyện Trà Cú (Trà Vinh)... Mặc dù giá trị vật chất không lớn, nhưng đã kịp thời chia sẽ những khó khăn, thiếu thốn với đồng bào.

PV: Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Lực lượng Công an đứng chân trên địa bàn Tây Nam Bộ thời gian qua luôn tranh thủ sự giúp đỡ quý báu của nhân dân, trong đó có đồng bào và các vị sư sãi Khmer. Thiếu tướng có thể nói thêm về thực tế này?

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm: Trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia nói chung cũng như bảo vệ ANTT vùng Tây Nam Bộ và vùng dân tộc Khmer, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền các cấp, vấn đề cốt lõi để giữ vững ổn định chính trị là lòng dân, sự nhất trí về chính trị và tinh thần của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, lực lượng Công an phải luôn đi sát cơ sở, gần gũi dân, sư sãi, chức sắc, nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và những vấn đề bức xúc để giải quyết tại chỗ, để an dân, phải tin và dựa vào dân để chủ động phát hiện, đấu tranh loại trừ các hành vi kích động gây rối, phá hoại của kẻ xấu. Chúng tôi luôn nhận thức được rằng, vai trò của đội ngũ cán bộ dân tộc, của sư sãi, chức sắc, ban quản trị các chùa là rất quan trọng.

PV: Như Thiếu tướng đã nói, các thế lực thù địch, trong đó có bọn phản động lợi dụng dân tộc Khmer vẫn không từ bỏ âm mưu, thủ đoạn để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có việc lôi kéo những đồng bào nhẹ dạ, cả tin làm theo sự xúi giục của chúng qua những hành động đi ngược lại với lợi ích của đất nước. Bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi sai trái, chúng ta cũng đã vận dụng chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam đối với những đối tượng là người Khmer lầm đường, lạc lối nhưng biết ăn năn, hối cải. Thiếu tướng có thể kể rõ hơn?

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm: Như tôi đã nói, đồng bào dân tộc Khmer có truyền thống yêu nước, đóng góp nhiều công sức, xương máu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; chí thú làm ăn, tham gia tích cực phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương... Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ do ngộ nhận bởi những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của bọn phản động, dẫn đến ảo tưởng, trông chờ vào bọn phản động bên ngoài, dẫn đến xảy ra một số vụ tập trung đông người phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản...

Thời gian qua, bằng việc thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo chúng ta đã tạo được thế trận lòng dân vững chắc, tuyệt đại bộ phận sư sãi và đồng bào giữ vững bản chất truyền thống cách mạng, số người sai phạm chỉ là một số cá nhân ít ỏi. Các cơ quan thực thi pháp luật đã đấu tranh làm rõ, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, vạch mặt kẻ xấu, giáo dục đối tượng vi phạm. Trong xử lý, chúng ta luôn coi trọng công tác cảm hóa, giáo dục để người vi phạm nhận thấy lỗi lầm: vì ngộ nhận để kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục, nhằm tạo điều kiện, cơ hội để làm ăn; mặt khác giúp cho họ sớm trở lại hòa nhập với cộng đồng. Chúng ta chỉ xử lý và kiên quyết xử lý số người mang tư tưởng chống đối đã được giáo dục nhưng vẫn có tình có hành vi chống phá cách mạng, vi phạm pháp luật.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Cục trưởng

Thái Bình (thực hiện)
.
.