Saudi Arabia – Iran khởi động với khe mở hẹp

Thứ Ba, 04/05/2021, 08:42
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman vừa công khai bày tỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Iran. David Rigoulet-Roze, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược của Pháp (IRIS), cho rằng những lý do kinh tế và địa chính trị là nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Riyadh.


Điều gì xảy ra nếu Thái tử Salman muốn “giấu chiếc rìu chiến tranh” với người hàng xóm Iran của mình? Nhân dịp kỷ niệm 5 năm Kế hoạch Tầm nhìn 2030, Thái tử đã trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Arabiya của Saudi Arabia phát sóng tối 27-4. Trong 90 phút, Thái tử thông báo tình hình chính trị đối nội và đối ngoại của vương quốc.

Tuy nhiên, có một đoạn đặc biệt thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế. Được biết đến với những quan điểm đối đầu trực tiếp đối với Tehran trước đây, nay Thái tử  bắn tiếng rằng muốn thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Tehran. Trong bài phỏng vấn, Thái tử nói rằng “Iran là một quốc gia láng giềng và tất cả những gì chúng tôi muốn là [có] một mối quan hệ tốt đẹp và đặc biệt”, trước khi nói thêm rằng “chúng tôi không muốn gây khó khăn cho Iran. Ngược lại, chúng tôi muốn Iran phát triển [...] để dẫn dắt khu vực và thế giới đến sự thịnh vượng”.

Riyadh - Tehran: Liên hệ hậu trường

Theo David Rigoulet-Roze, nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích chiến lược Pháp (IRIS) và là Tổng Biên tập Tạp chí Orients Stratégiques, việc điều chỉnh chính sách của Saudi Arabia trên hết là mang tính thời cuộc. “Những phát biểu của Thái tử  không gây ngạc nhiên, chúng có liên quan một phần đến bối cảnh địa chính trị mới hiện nay. Không nghi ngờ gì nữa, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đòi hỏi nhiều hơn ở ông từ mọi quan điểm và đã có bản phác thảo về sự tái hợp của Riyadh với Tehran ở Baghdad vào đầu tháng 4 Chúng ta phải đặt cuộc trả lời phỏng vấn trong bối cảnh này”, nhà nghiên cứu cho biết.

Thái tử Mohammed bin Salman (trái) trả lời phỏng vấn kênh truyền hình địa Al-Arabiya của Saudi Arabia phát sóng tối 27-4.

Thật vậy, vào ngày 9-4, tờ Financial Times đã đăng một cuộc họp giữa các quan chức Saudi Arabia và Iran tại Baghdad. Cuộc tiếp xúc này có phần bất ngờ vì quan hệ giữa hai nước bị đình chỉ từ năm 2016. Nhưng, đối với Tổng Biên tập Tạp chí Orients Stratégiques, mong muốn tan băng này với Tehran có thể được giải thích vì một số lý do, cả kinh tế và địa chính trị.

Nền kinh tế suy yếu do Houthis

Vương quốc Saudi Arabia thực sự sẽ gặp khó khăn kinh tế đáng kể. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thái tử  Salman đề cập đến khả năng bán 1% cổ phần của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Aramco cho một công ty nước ngoài. Ông chỉ ra rằng: “Điều này sẽ rất có lợi cho doanh số bán hàng của Aramco tại quốc gia sẽ mua số cổ phần trên”, mà không cho biết thêm chi tiết. Tuy nhiên, David Rigoulet-Roze chỉ rõ, “lợi nhuận của Công ty Aramco đã giảm 44,4% trong năm 2020”.

Ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, việc tiêu thụ dầu mỏ đã sụt giảm nhưng thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia ngày càng lớn cũng có liên quan một phần đến cuộc chiến của nước này tại Yemen. Trong nhiều tháng, phiến quân Houthis, đồng minh của Tehran, thường xuyên nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia. Cuộc tấn công gần đây nhất nhằm vào Công ty Aramco Saudi là ngày 11-4.

“Do đó, thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng một cách nguy hiểm và sự mất thu nhập này gây nguy hiểm cho việc đạt được Kế hoạch Tầm nhìn 2030. Thực tế địa chính trị đã ảnh hưởng đến Saudi Arabia, vương quốc này về bản chất đã suy yếu do sự gia tăng của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa từ Houthis ở Yemen, đặc biệt là cuộc tấn công ngày 14-9-2019 nhằm vào cơ sở hạ tầng của nhà máy lọc dầu Abqaiq và mỏ dầu Khurais”, nhà nghiên cứu IRIS nhấn mạnh.

Thật vậy, “hình ảnh về sự mong manh của vương quốc không phù hợp với mong muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, đặc biệt là để thu hút các nhà đầu tư”, ông nói thêm. Do đó, chủ nghĩa thực dụng được Thái tử thể hiện sẽ đáp ứng các yêu cầu kinh tế. Hơn nữa, quan điểm chính trị mới này của Saudi Arabia trùng hợp với mong muốn của chính quyền Tổng thống Biden nối lại đối thoại với Tehran. Đối với nhà nghiên cứu David Rigoulet-Roze, “có một loại mối tương quan bất ngờ giữa lợi ích của Mỹ và Arab Saudi về sự xoa dịu Iran”.

Người Mỹ và Arab Saudi chỉ bằng mặt không bằng lòng

Tuy nhiên, kể từ khi vào Nhà Trắng, ông Biden có vẻ rất bực tức với Thái tử Mohammed bib Salman. Sau khi ám chỉ rằng ông sẽ chỉ gặp Quốc vương Salman, Tổng thống Mỹ cho biết muốn kết thúc chiến tranh ở Yemen. Riyadh đặc biệt lo lắng về khả năng sẽ bị cô lập khi Mỹ quay trở lại thỏa thuận JCPoA với Iran. Bằng cách tuyên bố “chúng tôi đồng ý phần lớn với chính quyền Biden khi nói đến lợi ích của Saudi Arabia và Mỹ, chúng tôi đang nỗ lực để củng cố những lợi ích đó”, Thái tử Salman tìm cách trấn an đồng minh Mỹ về ý định của Saudi Arabia tại khu vực.

“Vì vậy, ông ấy không chỉ chịu áp lực của Mỹ từ chính quyền mới. Về Iran, Thái tử Salman biết rằng Iran là một cường quốc khu vực và ông buộc phải chấp nhận thực tế địa chính trị này”, David Rigoulet-Roze nhận định. 

Và lập trường chính trị mới này của Saudi Arabia gợi nhớ đến ý tưởng của những người ôn hòa ở Iran. Tổng thống Hassan Rohani, cũng như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mohammad Javad Zarif, đã thông báo vào tháng 9-2019 về tham vọng thiết lập một hệ thống an ninh khu vực ở Vùng Vịnh. Mới đây, Ngoại trưởng Iran cho biết trong một đoạn băng ghi âm rằng việc Tehran bị cô lập có liên quan đến các hoạt động của Lực lượng Vệ binh Cách mạng do Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei lãnh đạo.

“Những người theo chủ nghĩa ôn hòa ở Iran vẫn theo logic lợi ích kinh tế được đặt lên hàng đầu”, chuyên gia David Rigoulet-Roze nhận định. Do đó, hai kẻ thù trong khu vực dường như đang trên đường đổi mới quan hệ của họ. “Thái tử Salman hiểu rằng một chính sách ít đối đầu hơn sẽ có lợi hơn cho vương quốc. Chủ nghĩa thực dụng của ông ấy bị áp đặt bởi dự án Tầm nhìn 2030”, David Rigoulet-Roze kết luận.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.