Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam:

Sẽ có buồng giam riêng cho người chuyển giới

Thứ Sáu, 29/05/2015, 15:45
Cuối tuần qua, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình Quốc hội dự án Luật tạm giữ, tạm giam.

Với 11 chương, 87 điều, dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam đã thể chế hóa chủ trương, quan điểm chỉ đạo Đảng, chính sách của Nhà nước về thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam...     

Luật hóa để bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam

Tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, do cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt quả tang, truy nã, khẩn cấp và đối với bị can, bị cáo nhằm cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội, ngăn chặn hành vi trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, cản trở việc xác định sự thật của vụ án hoặc để bảo đảm thi hành án.

Một góc Trại giam số 1 Hà Nội.

Trong những năm qua, việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã được tổ chức chặt chẽ, phục vụ có hiệu quả cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, bảo vệ tốt quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Tổng kết thực tiễn 16 năm thực hiện Quy chế về tạm giữ, tạm giam, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, cụ thể là: quy định của pháp luật hiện hành về chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa cụ thể (đặc biệt là việc thăm gặp thân nhân, người bào chữa của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và việc thực hiện các quyền nhân thân của họ nếu không bị hạn chế bởi biện pháp tạm giữ, tạm giam, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tạm giữ, tạm giam…); chế độ ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế; chưa có quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đồng tính hoặc người có khiếm khuyết về giới tính; chưa có quy định cụ thể về việc cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam mang quốc tịch nước ngoài tiếp xúc lãnh sự; việc phân loại giam giữ theo quy định của Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7/11/1998 rất khó để bảo đảm thực hiện được trong thực tế; việc quản lý người bị kết án tử hình gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế phù hợp; tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, còn chưa có sự thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ huy, chỉ đạo; điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nên hạn chế hiệu quả công tác quản lý giam giữ; đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng…

Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Tạm giữ, tạm giam trong tình hình hiện nay là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tình hình mới.

Trong quá trình xây dựng Luật, một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp là quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Dự thảo Luật đã xây dựng theo hướng quy định nguyên tắc là người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi luật này và các luật khác có liên quan; khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo; trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự hợp pháp thì phải thông qua luật sư hoặc người đại diện theo pháp luật của mình và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án; đồng thời, quy định một điều về những quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Những điểm mới trong dự thảo Luật

Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam gồm có 11 chương, 87 điều, quy định cụ thể về: Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam;  Quản lý tạm giữ và chế độ của người bị tạm giữ; Quản lý tạm giam và chế độ của người bị tạm giam; Chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên; Chế độ đối với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam; Bảo đảm điều kiện cho việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; Kiểm sát hoạt động thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; Trách nhiệm trong quản lý về thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam...

Dự thảo Luật quy định người chuyển giới có thể được bố trí giam giữ ở buồng giam riêng. Trong ảnh là một phạm nhân nam chuyển giới sang nữ đang thụ án.

Luật Tạm giữ, tạm giam được ban hành sẽ góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các đạo luật khác có liên quan như Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Thi hành án hình sự... Những văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với Luật Tạm giữ, tạm giam sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới.

Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam. Các quy định này nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý tạm giữ, tạm giam; nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, cơ quan từ trung ương đến địa phương về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đây là những quy định quan trọng, là cơ sở để Nhà nước đầu tư đúng hướng và hiệu quả về lực lượng cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tạm giữ, tạm giam, đáp ứng kịp thời và có hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ được giao phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Theo đánh giá của Chính phủ, Luật Tạm giữ, tạm giam được ban hành sẽ có tác động tích cực và là công cụ đắc lực của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Luật Tạm giữ, tạm giam góp phần kiện toàn, củng cố lực lượng cán bộ, chiến sĩ làm công tác tạm giữ, tạm giam chuyên trách...

Luật Tạm giữ, tạm giam đã khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành. Đặc biệt có nhiều điểm mới.

Dự thảo Luật quy định người chuyển giới có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa thành niên được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã thành niên và được tăng thêm về thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa thành niên được bố trí giam giữ riêng.

Trong trường hợp cần thiết để ngăn ngừa người đó tự sát, tự gây nguy hiểm cho mình hoặc cho người khác thì cơ sở giam giữ phải lựa chọn, bố trí người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc phạm nhân đã thành niên theo dõi, giúp đỡ, ngăn ngừa. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa thành niên được gặp thân nhân, người đại diện hợp pháp, người bào chữa, người khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định thời gian gặp, thời gian thăm gặp nhiều gấp đôi thời gian thăm gặp của người bị tạm giữ, bị tạm giam đã thành niên.

Người bị tạm giam có quyền được gặp thân nhân hoặc người khác một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Trường hợp cơ sở giam giữ không đồng ý cho gặp thì phải nêu rõ lý do.

Luật sư, người bào chữa khác, người đại diện hợp pháp hoặc trợ giúp viên pháp lý được gặp người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ, phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc được bào chữa. Trường hợp cơ sở giam giữ không đồng ý cho gặp thì phải nêu rõ lý do.

Trong dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam có 12/86 điều (chiếm 13,6%) quy định liên quan trực tiếp đến bình đẳng giới. Đặc biệt dự thảo Luật quy định về quản lý người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, đây cũng là điểm mới của dự thảo Luật so với quy định hiện hành. Theo đó,  người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được chăm sóc y tế; nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa, được cấp phát thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh và cơ sở giam giữ có trách nhiệm bảo đảm cho việc thực hiện đăng ký khai sinh. UBND cấp xã nơi cơ sở giam giữ đóng quân có trách nhiệm đăng ký khai sinh.

Cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên là con của người bị tạm giữ phải được gửi về cho thân nhân nuôi dưỡng.

Cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi và trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên là con của người bị tạm giam trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội. Trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên là con của người bị tạm giam phải được gửi về cho thân nhân nuôi dưỡng; trường hợp không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải yêu cầu cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội phải chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người bị tạm giam sau khi được trả tự do được nhận lại con của mình đang được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.

Người bị tạm giữ, tạm giam có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 3m².

Trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam người bị tạm giữ, tạm giam được sử dụng quần áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân, nếu thiếu thì cơ sở giam giữ cho mượn. Người bị tạm giữ được cấp xà phòng, kem đánh răng, nếu là phụ nữ thì được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ.

Đối với vấn đề quản lý giam giữ người bị kết án tử hình, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, hiện nay có hai trường hợp người bị kết án tử hình đang bị tạm giam tại các trại tạm giam, đó là: người bị kết án tử hình nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật và người bị kết án tử hình, bản án đã có hiệu lực pháp luật, đang chờ thi hành án.

Đối với người bị kết án tử hình nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì nên tiếp tục tạm giam tại trại tạm giam để phục vụ cho các hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền, trường hợp người bị kết án tử hình có quyết định ân giảm xuống tù chung thân hoặc bản án phúc thẩm giảm xuống tù chung thân thì thủ trưởng cơ sở giam giữ chuyển người đó đến nơi giam giữ người chờ chấp hành án phạt tù; trường hợp hủy án để điều tra lại thì thủ trưởng cơ sở giam giữ chuyển người bị kết án tử hình đến buồng tạm giam để điều tra.

Riêng đối với những người bị kết án tử hình, bản án đã có hiệu lực pháp luật, đang chờ thi hành án thì nên quản lý giam giữ tập trung tại các cơ sở giam giữ riêng để tạo thuận lợi cho việc quản lý giam giữ và thi hành án đối với họ. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã bổ sung một khoản trong Điều 52 quy định căn cứ quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập cơ sở giam giữ riêng người đang chờ thi hành án tử hình.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị tương đối công phu. Ban soạn thảo đã cố gắng thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các quy định của dự án Luật. Hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Theo chương trình, tại kỳ họp này, dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và tại hội trường.

Nguyễn Thiêm
.
.