Sẽ có một nước Anh hoàn toàn mới

Thứ Hai, 10/10/2016, 16:20
Việc nước Anh khởi động chiến dịch đàm phán ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) đồng nghĩa với đòi hỏi nước này phải có một chiến lược mới thích nghi với sự độc lập của London về cả chính trị lẫn kinh tế. Vậy chiến lược đó là gì và đâu là khả năng thành công cũng như thất bại?

Ngày 2-10, đảng Bảo thủ Anh chính thức tổ chức đại hội tại Birmingham với chủ đề chính là bàn về Brexit. Hơn 3 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Theresa May ngày càng đối mặt với nhiều sức ép đòi bà cho biết cụ thể cách thức rút nước Anh ra khỏi EU. Nắm bắt được tâm trạng nóng ruột toàn diện hiện nay, bà Theresa May đã nói rõ hơn một chút về quan điểm của bà trong việc thoát ly khỏi EU trong bài diễn văn “Một nước Anh toàn cầu: Thực hiện Brexit thành công”.

Trong bài diễn văn này, Thủ tướng Theresa May đưa ra một con đường hoàn toàn mới cho nước Anh, mà một số chuyên gia kinh tế đánh giá là từ bỏ chính sách tự do có từ thời bà Thatcher và gia tăng mức độ kiểm soát của chính phủ vào nền kinh tế.

Thủ tướng Anh Therasa May phát biểu tại đại hội đảng Bảo thủ.

Theo nhận định của giới chuyên gia thì có vẻ như giới lãnh đạo nước Anh đã chuẩn bị xong cho con đường phát triển một mình bên ngoài cơ cấu EU. “Change has got to come”, đó là câu chữ mà Thủ tướng Theresa May nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài phát biểu của mình, có nghĩa là đã đến lúc cần phải thay đổi. Một khẩu hiệu khác nữa được dùng để trang trí bục phát biểu là hàng chữ trên nền cờ Anh - một đất nước hoạt động vì mọi người.

Nội dung bài phát biểu của bà May hôm 2-10 không chỉ đơn giản là hướng đến các đảng viên và những người ủng hộ cho tư tưởng bảo thủ, mà nhắm thẳng vào những người dân lao động bình thường, một động tác mà giới bình luận cho rằng lãnh đạo của đảng Bảo thủ nay không muốn ở bên cánh hữu mà tiến sâu vào chiếm giữ khu vực trung tâm trong nền chính trị Anh, tức là thu nhận luôn một phần tư tưởng của giới cần lao thuộc phe cánh tả.

Song song đó, từ những ngày trước, Chính phủ Anh mới có thêm một cơ quan định hướng chiến lược phát triển cho các ngành công nghiệp, và giờ đây, trong bài diễn văn, bà thủ tướng tuyên bố chính phủ sẽ bắt tay vào chấn chỉnh thị trường nếu thị trường hoạt động sai lệch, một hướng đi có thể coi như là từ bỏ chính sách kinh tế tự do mà đảng Bảo thủ cũng như nước Anh đã theo đuổi từ thời bà Thatcher.

Vấn đề đặt ra là trong khi hầu hết các nhận định đều cho rằng, kinh tế nước Anh sẽ thiệt hại nặng nề sau ngày rút khỏi EU, thì lúc này bà thủ tướng lại đưa ra một chính sách kinh tế mới có quá mạo hiểm không?

Chuyên gia kinh tế Jean Pierre thuộc Viện Kinh tế chiến lược Pháp nhận định: Trước hết, bà May có vẻ rất tự tin khi trình bày thông điệp của bà. Bà bắt đầu bài phát biểu bằng cách gây cười từ chính bài diễn văn của mình, đang trình bày một cách nghiêm trang, trang trọng đến khó hiểu, lại chen ngang bằng một câu đùa nhắm vào Ngoại trưởng Boris Johnson, khiến cả hội trường cười phá lên, và hoàn toàn rơi vào tầm kiểm soát của diễn giả.

Bài diễn văn cũng được truyền trực tiếp trên mạng Facebook, với vô số like (tán thưởng) và quả tim hồng (yêu thích), cùng với lời khen trên báo chí và truyền hình, chắc chắn sẽ giúp lan tỏa tầm ảnh hưởng của nội dung mà bà Theresa May muốn giới thiệu.

Ý của bà Thủ tướng là trong lúc nước Anh phải thực hiện ý nguyện của người dân là rút khỏi EU thì cũng nên đồng thời phải thay đổi, và ngay từ bây giờ đã phải đi con đường riêng của mình để chỉnh sửa toàn bộ. Hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã tuyên bố từ bỏ kế hoạch thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt ngân sách vào năm 2020 mà chính phủ trước của đảng Bảo thủ đã đề ra, hay quyết định trước đó của nữ thủ tướng hủy hợp đồng cho phép Trung Quốc đầu tư xây nhà máy điện nguyên tử, tất cả đều cho thấy nước Anh đang đi theo một con đường kinh tế - chính trị hoàn toàn mới, mà bài diễn văn vừa rồi là bản kế hoạch chiến lược về tư duy cụ thể và đầy đủ nhất.

Mới đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xếp hạng nước Anh là quốc gia đang tăng trưởng nhanh nhất trong khối G7 với tỷ lệ tăng trưởng là 1,8%, và dự báo năm sau mặc dù ảnh hưởng của Brexit nhưng Anh sẽ vẫn tiếp tục giữ tỷ lệ tăng trưởng là 1,1%, cho nên có thể nói chính sách kinh tế mới của nước Anh sẽ bị giới doanh nghiệp chỉ trích nhưng không quá mạo hiểm về kinh tế, mà đồng thời lại lấy được lá phiếu của người lao động. Như vậy xét một cách ngắn hạn thì đây là con đường khôn khéo mà các chiến lược gia đã vạch ra cho bà thủ tướng cũng như là đảng Bảo thủ.

Nhận định về kế hoạch mới của bà Theresa May, báo chí Pháp đã có nhiều đánh giá khác nhau. Xã luận của tờ Le Monde ngày 3-10, với tựa đề “Theresa May, hơi hướng của một quan điểm Brexit cứng rắn” đưa ra câu hỏi: Thủ tướng Anh muốn “ly dị” với châu Âu theo cách nào, chia tay hoàn toàn hay vẫn còn duy trì một quan hệ đặc biệt? Theo Le Monde, với quan điểm một nước Anh “Global Britain”, Thủ tướng May dường như đang ngả theo phe bảo thủ muốn cắt đứt hoàn toàn quan hệ với châu Âu, cụ thể là chia tay hoàn toàn với “thị trường châu Âu thống nhất”.

Điều đó có nghĩa là các công dân châu Âu cũng không được phép đi lại tự do qua Anh như trước. Một vấn đề khác hiện còn để ngỏ là việc liệu Anh có rút khỏi liên minh thuế quan với EU hay không? Nếu Anh rời khỏi châu Âu hoàn toàn để trở thành một “Singapore tại eo biển Manche”, thì vấn đề rất đơn giản. Quan hệ thương mại giữa các nước châu Âu và Anh sẽ phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.

Nước Anh đã quyết chọn con đường rời khỏi EU.

Ngược lại, vấn đề trở nên phức tạp với châu Âu hơn nhiều, nếu Anh muốn duy trì một “chế độ đặc biệt”, bởi giải pháp này để ngỏ cho khả năng một số thành viên khác của EU sẽ nối gót nước Anh. Anh và EU có 6 tháng để chuẩn bị các đề nghị thương thuyết, trước khi “thủ tục ly dị” được khởi sự.

Báo kinh tế Les Echos đưa tin: “London rút vũ khí ngân sách để đối mặt với những xáo trộn do Brexit gây ra”. Ngay sau khi thông báo khởi động Brexit, giá trị đồng bảng Anh đã giảm mạnh so với đồng Euro và USD. Chính phủ Anh tập trung vào đầu tư công để kích thích nền kinh tế đang bị lung lay vì bất trắc, với thông báo thành lập một quỹ 2 tỉ bảng Anh để hỗ trợ việc xây dựng nhà ở mới cũng như 3 tỉ bảng tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành xây dựng. London cũng hứa sẽ cung cấp những khoản hỗ trợ của EU mà các doanh nghiệp Anh từng được hưởng.

Ngoài vấn đề kinh tế, vấn đề di dân cũng là một trong số các lý do khiến người dân Anh bỏ phiếu cho Brexit. Khối doanh nghiệp là khu vực chịu thiệt hại nặng khi siết chặt di dân. Thế nhưng các lập luận chính trị lại nhắm vào sự ủng hộ của dân chúng, ví dụ như ra quy định về ngành nghề nào mà dân châu Âu có thể được phép vào Anh làm việc để khỏi cướp mất chỗ làm việc của người dân Anh, hay yêu cầu các công ty phải huấn luyện cho người địa phương thích ứng với công việc mới, và đặc biệt là các công ty phải niêm yết số lượng người nước ngoài đang làm việc, và gần đây các trường học phải nhanh chóng nộp số liệu thống kê về tỷ lệ học sinh không mang quốc tịch Anh.

Bài phát biểu của nữ Bộ trưởng Amber Rudd đã được trình bày trong ngày trước đó, trong đại hội toàn quốc của đảng Bảo thủ, và bị báo chí chỉ trích gay gắt vì mức độ mà họ coi là phân biệt chủng tộc. Và đến bài diễn văn vừa rồi của Thủ tướng Theresa May thì bị tờ Guardian đánh giá là đã đổ hết tất cả mọi rắc rối của nước Anh, và đặc biệt là quyết định Brexit vừa rồi, sang cho vấn đề người nước ngoài.

Tờ The Times cảnh báo rằng, lập luận chính trị này có thể sẽ quay ngược lại gây hại cho con đường chính trị của đảng Bảo thủ.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.