Mỹ dự định lập căn cứ quân sự tại Ba Lan:

Sẽ có thêm một “vũng lầy” ở châu Âu?

Thứ Năm, 27/09/2018, 14:46
Ngay sau khi Nga kết thúc cuộc tập trận Vostok-2018 diễn ra từ ngày 11-9 đến 17-9 lớn nhất trong lịch sử, ngay lập tức Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18-9 tuyên bố ông sẽ xem xét đề nghị của Ba Lan về việc cho quân Mỹ đồn trú vĩnh viễn ở nước này. Sau tuyên bố, Nga nhiều lần bày tỏ quan ngại rằng, việc cho quân Mỹ đồn trú của Ba Lan sẽ dẫn đến một sự bất ổn cho cả châu Âu.

Ông Trump giải thích rằng nước Mỹ chia sẻ quan ngại về an ninh của Ba Lan. Cụ thể, ông Trump cho biết đã nhận được yêu cầu từ Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, theo đó, Tổng thống Ba Lan yêu cầu ông Trump mở một căn cứ quân sự Mỹ tại Ba Lan trong một cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng. Ông Duda kêu gọi xây dựng cái gọi là “Pháo đài Trump”.

Tổng thống Trump cho hay ông sẽ xem xét ý tưởng này, đồng thời đánh giá cao việc Tổng thống Duda muốn Ba Lan sẽ góp 2 tỷ USD để xây dựng căn cứ quân sự này. “Chúng tôi đang xem xét chuyện này nghiêm túc”, ông Trump nói.

Trước đó, Ba Lan từng nhiều lần yêu cầu quân đội Mỹ đồn trú vĩnh viễn trên lãnh thổ của họ. Trong khi đó, quân đội Mỹ chỉ luân chuyển trên lãnh thổ Ba Lan do việc xây một căn cứ quân sự lâu dài quá tốn kém. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói quân đội Mỹ đang nghiên cứu các lựa chọn với Ba Lan nhưng khẳng định thêm rằng hiện chưa có quyết định nào được đưa ra.

Lý do chính của việc này là xây dựng một căn cứ quân sự không hề đơn giản mà đi kèm theo đó còn là trường học, bệnh viện, khu nhà ở cho sĩ quan, thân nhân...

Hiện chưa có gì chắc chắn, tuy nhiên, ông Trump khẳng định Mỹ cam kết tìm cách tăng vai trò quân sự tại Ba Lan và sẽ tiến hành các cuộc tham vấn về đề xuất của Chính phủ Ba Lan. Ông cho biết những nỗ lực này không chỉ đảm bảo khả năng quốc phòng của Trung và Đông Âu mà còn cả liên minh Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thái độ cầm chừng của Tổng thống Donald Trump trái với sự sốt sắng từ phía Ba Lan về vấn đề xây dựng căn cứ Mỹ tại nước này. Từ tháng 5-2018, Bộ Quốc phòng Ba Lan xác nhận đã đưa ra đề xuất về việc hoan nghênh Mỹ triển khai binh sĩ lâu dài ở nước này, trong đó có hỗ trợ chi phí cho hoạt động này.

Người dân Ba Lan còn khá lạ lẫm với sự hiện diện của lính Mỹ. Ảnh: CBS News.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Chủ nhiệm Văn phòng an ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Ba Lan, Paweo Soloch đã tiết lộ rằng một “tài liệu thông tin” của Bộ Quốc phòng cho thấy Ba Lan có thể chi từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ USD để giúp trang trải chi phí. Bộ Quốc phòng Ba Lan cũng xác nhận một “Đề xuất về sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại Ba Lan” đã được chuyển lên một số cơ quan chính phủ, quốc hội và các viện nghiên cứu quan trọng.

Theo văn bản trên, các quỹ của Ba Lan sẽ được sử dụng để cải thiện cơ sở hạ tầng trước khi binh sĩ Mỹ tới đóng quân.

Trước đó, vào tháng 1-2017, một số thành tố trong lữ đoàn xe tăng của Mỹ đã được triển khai tại Ba Lan trên cơ sở tạm thời, trong khuôn khổ các biện pháp bảo vệ nước này tại khu vực biên giới giáp Nga. Ba Lan cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ một tiểu đoàn của NATO do Mỹ chỉ huy.

Phân tích về lý do Mỹ nên chuyển căn cứ quân sự từ Đức sang Ba Lan, Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) mới đây đăng bài của chuyên gia Marc Thiessen, nhận định rằng, chuyển quân đội Mỹ sang Ba Lan sẽ là một quyết định táo bạo mang tính lịch sử. Động thái này cũng giải quyết mối lo ngại chiến lược lớn của Mỹ về năng lực ngăn chặn Nga.

Các tư lệnh Mỹ lo ngại nếu phải nhanh chóng chuyển lực lượng về phía Đông trong một cuộc xung đột với Nga, “lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới có thể bị mắc kẹt trong một vụ tắc đường vì xe chở lính phải chạy sau chiếc xe tải trên đường hẹp” và rằng “xe tăng của Mỹ chen chúc nhau trên những chiếc cầu gỉ sét và quá yếu để có thể chịu được sức nặng của chúng”.

Đóng quân tại Ba Lan sẽ giảm bớt vấn đề này. Chính phủ Ba Lan đã chỉ ra trong đề xuất rằng “sự hiện diện thường trực của Mỹ tại Ba Lan mang lại một vị trí hoạt động tốt hơn Stuttgart, có thể giảm đáng kể nỗi lo ngại của các nước Đông Âu và Baltic về việc Nga có thể lật đổ các lực lượng phòng vệ trước khi quân đội Mỹ và NATO ở Stuttgart có thể xoay xở”.

Tuy nhiên, đề xuất của Ba Lan cũng khiến nhiều nước NATO lo ngại những bất ổn có thể xảy ra. Trung tướng Ben Hodges - Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, chia sẻ rằng, điều khiến NATO trở thành liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử là sự gắn kết của các thành viên. Bất kỳ chính sách nào có nguy cơ phá hoại điều đó phải được xem xét dưới cái nhìn tập trung cao độ.

Thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ tại Ba Lan, theo thông tin từ Chính phủ Ba Lan, chính xác là một trong những trường hợp đó. Động thái này chỉ nên được thực hiện nếu có thể đạt được sự đồng thuận trong số tất cả các đồng minh của chúng tôi rằng, điều này sẽ tăng cường sức mạnh răn đe và cải thiện tình hình an ninh tổng thể cho NATO.

Trước những diễn biến mới này, theo IB Times, chắc chắc Nga sẽ phản đối mạnh mẽ những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. “Cộng đồng ngoại giao Nga đang tiếp tục công việc của họ về vấn đề này.

Phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov, cho biết: “Những bước đi bành trướng này chắc chắn sẽ dẫn đến những biện pháp đối phó từ phía Nga để cân bằng tình hình”, tờ Washington Times đưa tin. Vladimir Mikhailovich Dzhabarov, Phó Chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga, cảnh báo rằng Ba Lan sẽ trở thành “một đối tượng bị đáp trả”.

Ông Yevgeny Serebrennikov tuyên bố chỉ trích cái mà nước này gọi là động thái “quân sự hóa cấp tiến” của Ba Lan, cho biết Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu tiến hành những biện pháp đối phó với khả năng Mỹ lập căn cứ quân sự tại Ba Lan.

Trong khi đó, phát biểu tại một buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova coi những động thái của Ba Lan là “yếu tố gây bất ổn tình hình quân sự và chính trị của châu Âu, đồng thời là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga”. Bà Zakharova khẳng định Nga đủ khả năng quốc phòng để bảo vệ biên giới lãnh thổ.

Hoa Huyền
.
.