Sẽ xảy ra cuộc chiến tranh tiền tệ?

Thứ Năm, 28/10/2010, 23:45
Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới đang đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có giải pháp cụ thể để quản lý hệ thống các ngân hàng hàng đầu và cải cách các thể chế tài chính quốc tế. Trong nhiều hội nghị quốc tế trước đây đã nêu ra các đề xuất cải cách nhưng chưa tìm được sự đồng thuận.

Tuy nhiên, áp lực về cải cách ngày càng gia tăng, vấn đề chính sách tiền tệ đang có nhiều lỗ hổng có thể gây ra cuộc chiến tranh tiền tệ, khi mà các quốc gia tiếp tục chống khủng hoảng kinh tế bằng cách áp đặt những tỉ giá có lợi cho mình nhưng lại đang tác động xấu đến nhiều nước có liên quan.

Trong bối cảnh đó, ngày 22/10 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 cùng với một số lãnh đạo các ngân hàng trung ương, đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhóm họp tại Hàn Quốc để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Seoul sắp tới. Trọng tâm của cuộc họp này cũng như là của Hội nghị Thượng đỉnh Seoul sắp tới vẫn là mối đe dọa khi các bên sử dụng đơn vị tiền tệ để áp dụng chính sách bảo hộ trá hình. Vì vậy, tại cuộc họp trù bị này, các bên cùng nhau nghiên cứu khả năng cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, và Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 cũng phải tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa các thành viên trên vấn đề tiền tệ và hối đoái, tránh không để cuộc chiến tiền tệ hiện nay trở thành cuộc chiến tranh thương mại, tác động đến sự phục hồi kinh tế thế giới.

Kết thúc hội nghị này, các bên đã đồng thuận về quy chế cải tổ IMF liên quan tới thay đổi tương quan lực lượng trong tổ chức này. Tuy nhiên, sự nhất trí nói trên chưa hề động chạm đến việc cơ cấu lại bộ máy tổ chức và điều hành, định hướng hoạt động của IMF trong tình hình mới cũng như cơ chế quyết định trong tổ chức này. Thỏa thuận về cải tổ hệ thống ngân hàng chỉ mới là một tuyên cáo ý chí chính trị chung chung.

Trong khi đó, thực tế trong thời gian gần đây, những dấu hiệu về một cuộc chiến tiền tệ trên thế giới đã bắt đầu lộ diện. Trong mấy ngày qua, lãnh đạo chính trị cũng như kinh tế thế giới đã đưa ra những lời cảnh báo đáng ngại. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh e ngại hoạt động kinh tế thế giới suy sụp như vào năm 1930; Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tuyên bố "tình hình rất đáng lo ngại" và kêu gọi các cường quốc thế giới tiến tới sự đồng thuận. Cái gì gây lo ngại đến như vậy? Đó là tình hình căng thẳng trên thị trường hối đoái hiện nay.

Tại các quốc gia công nghiệp phát triển, trong tình hình kinh tế chưa phục hồi nhanh chóng, thất nghiệp cao, thâm thủng lớn, thì đồng tiền yếu là một vũ khí rất hấp dẫn, nó giúp tăng xuất khẩu, vì giảm được giá sản phẩm bán ra ngoài. Một đồng tiền mạnh có tác động ngược lại, vì thế mà Nhật đã làm mọi cách để giảm giá đồng yen của họ. Nhưng không phải chỉ có các nước phát triển, kinh tế còn ì ạch là muốn bảo vệ thương mại của mình. Các nước đang vươn lên, kinh tế hồi phục mạnh, cũng phải bảo vệ xuất khẩu, động cơ tăng trưởng của họ, bảo vệ công việc làm của người dân.

Theo báo Le Monde của Pháp ra ngày 23/10, không khí hiện nay không mấy tốt lành: các quốc gia đang thi nhau tìm cách ghìm giá đồng tiền của mình. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Trung Quốc tung tiền ra mua ngoại tệ, Mỹ thì có thể in thêm tiền. Những nước đang vươn lên cũng có biện pháp, như Brazil và Thái Lan tìm cách giảm luồng vốn đầu cơ bằng đánh thuế trên cổ phiếu mà các nhà đầu tư ngoại quốc mua vào.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương khối G20 trong hội nghị tại Gyeongju, Hàn Quốc ngày 22/10/2010.

Những lời chỉ trích tố cáo nhau ngày càng nhiều: ngoài Trung Quốc luôn bị từ Mỹ đến châu Âu, Nhật Bản chỉ trích là thao túng đồng tiền của mình, thì vừa qua, Hàn Quốc bị Nhật tố cáo dìm giá đồng won. Châu Âu chỉ trích Trung Quốc nhưng cũng bực tức khi nhìn tỉ giá đồng euro quá cao so với đồng USD.

Theo Le Monde, một cuộc chiến tiền tệ dễ dẫn đến chiến tranh thương mại. Để bảo vệ sản phẩm của mình và công việc làm của dân chúng, các nước sẽ sử dụng các vũ khí như hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời áp đặt thuế hải quan và quota để giới hạn nhập khẩu. Các bên sẽ trả đũa nhau.

Le Monde nhắc lại sự kiện vào năm 1930, luật Hawley-Smooth của Mỹ, thông qua ngày 17/6/1930, tăng thuế trên 20.000 mặt hàng nhập khẩu, khiến cho hàng nhập từ châu Âu tụt giảm khoảng 70%. Ngược lại, hàng xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu, cũng giảm tương tự vì bị châu Âu trả đũa. Ngày nay thì có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trên nguyên tắc, cấm những hành động đơn phương.

Tuy nhiên tờ báo Pháp cũng nêu lên thí dụ giữa Mỹ và Trung Quốc: Hạ viện Mỹ vừa thông qua một dự luật hầu đánh thuế trên hàng nhập từ Trung Quốc, vì tỉ giá đồng nhân dân tệ thấp bị xem như một hình thức hỗ trợ xuất khẩu trá hình. Phản hồi từ phía Bắc Kinh rất nhanh chóng: Trung Quốc đã gia hạn ngay lập tức thuế 105% đánh trên gà nhập từ Mỹ mà Trung Quốc áp đặt từ tháng 1/2010.

Khi một nền kinh tế được coi là có tiềm năng phát triển và tăng trưởng cao, tự nhiên các khu vực này thu hút tư bản ở những nơi khác đổ về. Hậu quả trực tiếp là đồng tiền quốc gia tăng giá. Điều đó đe dọa đến ngành xuất khẩu. Hơn nữa tình trạng dư thừa vốn như trên dẫn đến nguy cơ lạm phát, các hoạt động đầu tư bất cẩn, đầu cơ...

Trong bản báo vừa được công bố ngày 19/10, WB cũng cảnh báo các nước trong khu vực Đông Á trước những rủi ro về phương diện tiền tệ. Theo WB, Đông Á tiếp tục là khu vực có tỉ lệ tăng truởng kinh tế ngoạn mục nhất thế giới, dự trù là 8,9% cho năm nay. Tỉ lệ tăng trưởng hấp dẫn này sẽ là nguyên nhân khiến tỉ giá hối đoái của các đơn vị tiền tệ khu vực có khuynh hướng tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong lúc mà Mỹ vẫn để ngỏ các cửa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ để tiếp sức cho khu vực kinh tế. Điều đó càng cho thấy viễn cảnh cộng đồng quốc tế chứ không chỉ riêng gì châu Á lao vào trận chiến hối đoái càng thêm rõ nét

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.