Siêu tỉ phú R.Murdoch - "Con cá mập" của truyền thông đại chúng

Thứ Bảy, 26/06/2010, 10:15
Năm 1952, người cha Keith Murdoch mất, để lại cho cậu con trai Rupert một mớ cổ phiếu của tờ báo Melbourne Herald. Trong di chúc, ông hy vọng cậu con sẽ tiếp tục sự nghiệp và đạt được thành công ở lĩnh vực này. Hẳn bây giờ Keith Murdoch đã mỉm cười nơi chín suối: Rupert Murdoch nắm trong tay 65 triệu ấn bản định kỳ, được bán hàng tuần tại cả ba châu lục Mỹ, Âu và Australia.

Ngoài ra ông còn là người sở hữu vài hãng đĩa hát, nắm 50% cổ phần của Hãng phim Twentieth Century Fox huyền thoại thuộc  kinh đô điện ảnh Hollywood, hai nhà xuất bản lớn ở Anh và Australia, đội bóng đá lừng danh Manchester United, hệ thống truyền hình xuyên lục địa Sky Sport... R.Murdoch cũng đã mua 6 đài truyền hình thuộc hệ thống Metromedia Incorporated và bằng cách đó tạo ra Hãng truyền hình Sky TV lớn thứ 4 trong mạng lưới truyền hình Mỹ (sau các Hãng CBS, ABC và NBC), trở thành một đối thủ đáng gờm cho hãng CNN của siêu tỉ phú Ted Turner.

Rupert Murdoch không bao giờ cho phỏng vấn và rất hiếm khi ông bộc lộ ý kiến của mình - ngay cả trên điện thoại, về những khía cạnh rất khác nhau, do ông đưa ra đã làm hài lòng độc giả khắp năm châu trong suốt nửa thế kỷ qua. Người ta gọi ông là "Tycoon", có thể dịch là "Nhà chinh phục", nhưng đồng thời cũng có một ẩn nghĩa khác: “Cá mập”.

Sau khi học xong Trường Oxford bên Anh, chàng trai Rupert nhận lãnh tờ báo tỉnh lẻ của Australia - tờ Adelaide News. R.Murdoch nhanh chóng biến nó thành một hãng thông tấn - khác với làng báo Australia cố hữu, bằng những cảnh đẫm máu và các vụ scandal tai tiếng... Xứng được gọi là "kẻ kiếm ăn từ những sự bẩn thỉu của người khác". Từ nam Australia ông chuyển qua vùng duyên hải, ở đó Rupert mua những tờ báo và tạp chí cựu trào định kỳ, phát hành tại vùng ven Melbourne.

Không mất nhiều thời gian lắm để R.Murdoch bắt đầu cho xuất bản tờ nhật báo phổ thông nhất tại lục địa thứ năm - tờ The Australian, hàng ngày phát hành trên toàn quốc; còn những số chủ nhật Weekend of the Australian người ta thường giành giật nhau. Sau đó không lâu Murdoch được cấp giấy phép mở Đài Truyền hình Channel Nine, rồi mua tờ nhật báo Sydney Daily và tuần báo Sunday Mirror. Đồng thời ông cũng mua luôn tờ tuần báo Trut, một tờ báo theo chủ đề tình ái và bạo lực với những tin giật gân.

Siêu tỉ phú R. Murdoch tại diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thuỵ Sĩ).

Năm 1968, tài sản của đại công ty JPC thuộc Rupert Murdoch lên tới 50 triệu bảng Anh và đã đến lúc bắt đầu "cuộc chinh phạt" Fleet Street. Bước đi đầu tiên là tờ News of the World. Không đầy năm ông đã thay cả ban lãnh đạo tòa báo thủ cựu này, sau khi ấn bản lên tới 800 nghìn số/kỳ. Gần 4 tháng sau, Murdoch thực hiện một "mánh" mới, làm phong phú thêm "bộ sưu tập về Fleet Street": cùng số tiền vỏn vẹn có 50 ngàn bảng, ông mua tờ The Sun - cũng sắp phá sản.

Trên trang 3 của The Sun bắt đầu xuất hiện những người đẹp khỏa thân ngực trần, là điều khó chấp nhận được với nền đạo đức Anh truyền thống. Đồng thời trên tờ News of the World khơi lại những tin tức sốt dẻo, chao đảo về vụ scandal tình ái gián điệp từng xảy ra cách đấy 6 năm, mà nạn nhân là đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Profumo.

Ấn bản của tuần báo tăng không ngừng, đến năm 1983 vượt quá 4 triệu số/kỳ - nhờ những tin giật gân về các vụ scandal tai tiếng khác nhau, lịch sử các trò chơi tình dục cùng những cảnh chém giết đẫm máu... Đề tài này cũng đem lại thành công cho cả tờ The Sun nữa, mà ấn bản cũng đã vượt qua con số 4 triệu số/kỳ rồi; mặc dù Ban biên tập tờ báo luôn bị bắt buộc phải ra giải trình trước Ủy ban Thanh kiểm Hoàng gia về các vụ vi phạm văn hóa.

Cả Vương quốc Anh bị một cú sốc mạnh, khi hay tin ngày 12/2/1981 Rupert Murdoch đã bỏ ra 12 triệu bảng để mua Hãng Times & Newspaper - nơi xuất bản tờ nhật báo The Times trứ danh và tuần báo The Sunday Times gạo cội. Như vậy "con cá mập" Australia đã bất thình lình nuốt chửng một nửa các tổ chức thông tấn không chính thức thuộc chính giới Anh. Trong vòng một năm, số ấn bản chung đã tăng thêm hơn 25 nghìn số/kỳ.

Hiện giờ nhà tài phiệt truyền thông gốc Australia sống tại New York. Ở "chân trời mới", đòn mạnh nhất khi bắt đầu "vươn vòi" qua Mỹ phải kể đến của ông là vụ mua đứt tờ báo buổi chiều New York Post hồi năm 1976 với giá 32 triệu USD - từ thời tờ báo bị lỗ, nay cũng đã tăng hơn lên được 300 nghìn số mỗi kỳ. "Hàm cá mập" hướng về Chicago, với 10 triệu USD mua tờ Sunday Times of Chicago, 70 biên tập viên kỳ cựu liền chuyển ngay qua thế đối đầu với tờ Chicago Tribune - vốn là "bạn đồng chí hướng" cố hữu. Nhưng phi vụ quy mô nhất mà Rupert Murdoch tiến hành là vụ mua 6 đài truyền hình thuộc hệ thống Metromedia Incorporated hồi cuối thập niên 80 với giá chung là 1,5 tỉ USD, được nhà siêu tỉ phú truyền thông mua qua Hãng Twentieth Century Fox - nơi ông nắm 50% sở hữu.

Nhưng để vụ này được trót lọt, Murdoch phải bán các ấn phẩm đã mua ở New YorkChicago đi, bởi theo luật Mỹ: một người không thể đồng thời là chủ nhân của đài truyền hình và báo chí trong cùng một địa danh. Ngoài ra, ông phải từ bỏ quốc tịch Australia của mình để trở thành công dân Mỹ, bởi luật pháp Mỹ không cho phép người ngoại quốc được sở hữu quá 20% số tài sản của các đài phát thanh và truyền hình.

Hiển nhiên những điều trên chẳng có nghĩa lý gì với Rupert Murdoch cả, bởi “cá mập” luôn kiên trì dốc toàn lực cho các mục đích của mình. Trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes đầu năm 2010, nhà tài phiệt 79 tuổi Rupert Murdoch đứng thứ 117 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, cùng số tài sản là 6,3 tỉ USD

Xuân Hiếu (theo Nesweek)
.
.