Síp: Cố đấm ăn xôi...

Thứ Ba, 02/04/2013, 17:30

Sức ép của Liên minh châu Âu, dẫn đầu là Đức, đã buộc các nhà lãnh đạo chính trị Síp phải làm cái điều mà mình không mong muốn để cùng nhau chấp nhận những giải pháp bức bách nhằm cứu lấy ngành ngân hàng, chấp nhận hy sinh lòng tin của một bộ phận dân chúng để duy trì một hệ thống tài chính đang lâm nguy…

Ngày 25/3, sau 11 tiếng đồng hồ thảo luận quyết liệt, các nghị sĩ Quốc hội Síp đã nhất trí thỏa thuận về gói giải pháp cứu trợ do Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra nhằm giải cứu ngành ngân hàng khỏi phá sản. Đạt được sự nhất trí ban đầu với gói giải pháp này đồng nghĩa với việc Síp sẽ nhận được số tiền cho vay cứu nợ khoảng 13 tỉ USD từ EU và IMF dùng để rót vào cứu giúp các ngân hàng đang lâm nguy vì nợ xấu vượt mức cho phép. 

Theo giới phân tích, trong gói giải pháp trị giá khoảng 20,5 tỉ USD, EU và IMF cho vay 13 tỉ USD, còn lại 7,5 tỉ USD yêu cầu Chính phủ Síp phải tìm cách huy động từ các nguồn thu ngân sách quốc gia để đối ứng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, Chính phủ Síp đã phải dùng đến "hạ sách" là thu thuế tiền gửi.

Trước phản ứng dữ dội của dân Síp mức thuế này đã được chấp nhận trong thỏa thuận hôm 25/3, theo đó, những người có tài khoản dưới 130.000 USD sẽ không phải chịu thiệt thòi, còn những người có tài khoản 130.000 USD trở lên sẽ bị mất một khoản tiền khá lớn. 

Giới chính trị Síp đồng ý đánh thuế tiền gửi ngân hàng bất chấp sự phản đối của dân chúng.

Việc áp dụng gói giải pháp mà EU ép Síp phải chấp nhận sẽ để lại một số hệ lụy về lâu dài lên nền kinh tế Síp. Việc mất vị thế là "thiên đường tài chính" do buộc phải áp mức thuế suất doanh nghiệp cao hơn trước, đồng thời các khoản tiền gửi trị giá lớn cũng sẽ phải đóng mức thuế cao,… sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là giới nhà giàu Nga. Với việc bị mất một khoản tiền khá lớn do việc đánh thuế tiền gửi, người Nga sẽ phải xem xét lại “sự ưu ái” của mình dành cho đảo quốc Síp. 

Và Síp cũng không còn giữ được danh hiệu là trung tâm tài chính lý tưởng của khu vực và thế giới, nơi mà các công ty, các nhà đầu tư tài chính nước ngoài từng tin tưởng đặt trụ sở làm ăn nhờ mức thuế suất thấp. Nền kinh tế Síp cũng phải đối mặt với những thay đổi căn bản do tác động từ chính sách tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của chính phủ cùng những giải pháp kèm theo nhằm ngăn ngừa tình trạng khủng hoảng trong tương lai. Những thay đổi đó tích cực hay tiêu cực tùy vào việc Síp áp dụng các chính sách tài chính do châu Âu đưa ra.

Câu chuyện khủng hoảng tại Síp không chỉ là bài học cho riêng Síp, mà cả khu vực châu Âu cũng phải rút ra bài học để ngăn ngừa hoặc chuẩn bị đón nhận và xử lý những trường hợp tương tự Síp. Hôm 25/3, các thị trường tài chính châu Âu đã rúng động bởi phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, khi ông này cho rằng, các vụ giải cứu ngân hàng trong tương lai sẽ phải theo mô hình áp dụng tại Síp.

Dư luận chung đều có phản ứng tiêu cực với các giải pháp áp dụng cho Síp, nhất là giải pháp thu thuế tiền gửi ngân hàng. Cho nên, phát biểu của ông Dijsselbloem đã làm tổn hại lòng tin của khách hàng đối với nhiều ngân hàng khác ở châu Âu

V.Trương (tổng hợp)
.
.