Snowden và cuộc khủng hoảng ngoại giao thế giới: Đường nào đến vùng đất hứa?

Thứ Sáu, 12/07/2013, 06:15

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 5/7 cho biết, ông quyết định dành cho Snowden quy chế "tị nạn nhân đạo" để bảo vệ cho người này trước "sự bức hại" của Mỹ. "Nhân danh lãnh đạo quốc gia, Chính phủ nước Cộng hòa Venezuela quyết định cho phép người Mỹ trẻ tuổi tên Edward Snowden được quyền tị nạn nhân đạo, nhờ thế người này có thể sống mà không sợ bị… đế quốc truy tố" - Tổng thống Maduro tuyên bố.

Không rõ Venezuela đưa ra đề nghị này có kèm theo điều kiện nào không. Cũng trong ngày 5/7, ở Nicaragua, Tổng thống Daniel Ortega nói, ông cũng có đề nghị tương tự "nếu tình huống cho phép", nhưng không nêu rõ tình huống ấy là gì. Ông phát biểu trong một bài diễn văn đọc tại thủ đô Managua: "Chúng ta có quyền giúp người cảm thấy hối tiếc sau khi khám phá thấy Mỹ đã sử dụng kỹ thuật để do thám khắp thế giới, đặc biệt là đối với các đồng minh ở châu Âu".

Sau Venezuela, Nicaragua đến lượt Bolivia tuyên bố sẵn sàng cấp quy chế tị nạn cho Edward Snowden. Hôm 6/7, Tổng thống Evo Morales cho biết Bolivia sẵn sàng đón tiếp Edward Snowden.

Tổng thống Morales nói: "Nếu anh ta đệ đơn xin đúng theo quy định luật pháp, chúng ta sẽ cho anh ta tị nạn. Đối với chúng ta, điều này không có vấn đề gì cả và chúng ta không sợ hãi. Bởi vì anh ta đã thông báo cho chúng ta biết cách thức mà Chính phủ Mỹ kiểm soát chúng ta một cách bất hợp pháp. Tôi lưu ý chính phủ các nước châu Âu và Mỹ rằng, chúng tôi sẽ cho tị nạn tất cả những ai tố cáo hoạt động gián điệp của Mỹ và họ bị truy bức về chính trị".

Tuy được nồng nhiệt chào đón như thế, nhưng hiện chưa rõ Snowden sẽ làm thế nào để có thể đáp máy bay tới 1 trong 3 nước vừa kể. Trong khi đó, trang mạng chuyên tiết lộ tin mật WikiLeaks nói rằng, Snowden đã nộp đơn xin tị nạn ở 6 nước khác. Snowden từng nộp ở 21 nước nhưng đã bị nhiều nước từ chối, hoặc vì họ có hiệp ước dẫn độ với Mỹ, hoặc "đang nghiên cứu". WikiLeaks cho biết họ không muốn nêu tên những quốc gia Snowden mới nộp đơn sau này "để tránh bị Mỹ can thiệp".

Ông Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga, nói rằng: "Venezuela đang chờ câu trả lời của Snowden và đây có lẽ là cơ hội chót của anh ta để được tị nạn chính trị".

Theo các nhà phân tích, rất khó mà Snowden có thể sang được châu Mỹ Latinh để tị nạn. Theo lời ông Michael Shifter, Chủ tịch Đối thoại liên Mỹ, một trung tâm nghiên cứu và phân tích ở Washington, chính quyền những nước như Ecuador, Venezuela và Bolivia vẫn thường thách đố Mỹ, thế nhưng không một nước nào dám cắt đứt hoàn toàn bang giao với Mỹ, lý do là vì cái giá phải trả, nhất là về mặt kinh tế, sẽ rất là đắt.

Ông Shifter đơn cử trường hợp của Tổng thống Rafael Correa của Ecuador, quốc gia đầu tiên mà Snowden xin tị nạn. Ông Correa rất hay khiêu khích Mỹ, nhưng lãnh đạo Ecuador cũng là một người rất thực dụng và quan tâm đến tình trạng kinh tế quốc gia, thành ra ông đang bị giằng co rất dữ.

Ngay chính Ngoại trưởng Ecuador Francisco Carrion cũng nhìn nhận rằng: "Nếu máy bay chính thức của tổng thống một nước mà còn bị cấm bay qua không phận một quốc gia khác, thì làm sao Snowden có thể đến châu Mỹ Latinh được?".

Trả lời AFP, ông Carrion tuyên bố: "Cho dù châu Mỹ Latinh vẫn có truyền thống đón tiếp người tị nạn rất hào phóng, nhưng sẽ rất khó mà Snowden có thể đến được Ecuador"

Đ.K. (tổng hợp)
.
.