Số phận của 10 "ông ba mươi" ở Thanh Hoá giờ ra sao?

Thứ Năm, 18/10/2007, 20:30
Ngày 9/10/2007, trước khi số báo ANTG đăng bài "Về 10 "ông ba mươi" ở Thanh Hóa" phát hành, chúng tôi đã hai lần cố gắng liên lạc với ông Nguyễn Mậu Chiến song... bất thành. Cực chẳng đã, 20h tối cùng ngày chúng tôi đành phải viết giấy gửi lại người nhà, với đề nghị được gặp ông Chiến để làm rõ thêm những vấn đề xung quanh đàn hổ 10 con của ông.

Sáng ngày 10/10 (sau khi số báo phát hành), đích thân ông Nguyễn Mậu Chiến đã gọi điện cho chúng tôi, đề nghị được gặp gỡ.

Nguồn gốc của đàn hổ 10 con của ông Chiến đã dần dần được hé lộ

Theo lời ông Chiến, năm 2006, ông lên xã Na Mèo (huyện vùng cao Quan Sơn, Thanh Hóa) với ý định mua gỗ về lợp mái cho ngôi nhà sàn. Trong khi đang tiến hành việc mua bán thì có mấy người dân bản địa đến gạ ông mua 6 con hổ mà theo họ là bắt được... trong rừng (tuy nhiên ông Chiến không nhớ rõ tên tuổi).

Vốn không có ý định nuôi hổ, ông Chiến từ chối. Song do họ nằn nì mãi, ông Chiến đã cho họ địa chỉ nhà ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Đến tháng 10/2006, hai người dân tộc đã mang 6 con hổ đến nhà ông Chiến, mỗi con nặng chừng 3-4kg. Họ bán “cả lô” hổ này với giá 30 triệu đồng.

Ông Chiến cho biết, thấy lũ hổ trông rất đáng yêu, lại đang ốm yếu, ông động lòng mua liều về nuôi. Ban đầu đàn hổ được nuôi trong nhà như con chó con mèo. Có một con bị ốm tưởng chết, ông Chiến phải thuê một bác sĩ thú y, ăn chực nằm chờ ở nhà để chăm sóc. Vài tháng sau thì nó khỏi.

Đàn hổ cứ lớn dần, đến khi mỗi con nặng chừng 30kg thì ông Chiến quyết định phải xây chuồng cho chúng chứ không thể “thả rông” như trước được nữa. Khoảng đất 2.000m2 sau nhà được dựng hàng rào lưới thép B40, nhiều cây cối được mang về trồng lấy bóng mát cho hổ nằm.

Đầu tháng 3/2007, vẫn hai người đàn ông dân tộc lại đến nhà ông Chiến rao bán 4 con hổ con. Lần này ông từ chối, vì nuôi 6 con đã tốn kém lắm rồi. Nhưng mấy người dân tộc nằn nì, “bác đã thương thì thương cho chót”. Cực chẳng đã, ông Chiến đồng ý mua 4 con (mỗi con nặng chừng 4 kg) với giá chưa đến 20 triệu đồng.

Thực ra, lý do ông Chiến dám mua và nuôi đàn hổ, theo ông là do được xem trên chương trình truyền hình về ông Ngô Duy Tân - “vua hổ” đất Bình Dương đã nuôi thành công hơn 40 con hổ. Ông cũng đã vào Bình Dương tham quan việc nuôi hổ của ông Tân. Ông nghĩ đơn giản “người ta nuôi được thì mình cũng nuôi được (?!)”.

Đến nay, đàn hổ của ông hay ăn chóng lớn. 6 con lớn (gồm 3 đực, 3 cái) đã nặng trên 100 kg/con. 4 con nhỏ (2 đực, 2 cái) cũng đã lên tới 40 kg/con. Và theo ông Chiến, hiện ông đang tích cực chuẩn bị cho hổ phối giống vì nó đã đến tuổi sinh đẻ. Ông ước tính: “Nếu thuận lợi, chỉ ra giêng, hai là hổ sẽ có mang”.

Hổ chờ người... “phán quyết”

Ngày 28/6/2007, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa nhận được tin của quần chúng cho biết tại gia đình ông Nguyễn Mậu Oai, ở xóm 27 xã Xuân Tín, Thọ Xuân, Thanh Hóa và nhà ông Đoàn Viết Nha (là con rể của ông Oai) tại xóm 26 cùng xã có nhốt ĐVHD.

Ngày 30/6/2007, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra xác minh việc nuôi nhốt ĐVHD tại 2 hộ gia đình nói trên.Kết quả xác minh khẳng định việc 10 cá thể hổ bị nuôi trái phép ở Xuân Tín, Thọ Xuân là đúng.

Theo biên bản kiểm tra, tháng 10/2006 ông Nguyễn Mậu Chiến 37 tuổi là con trai ông Nguyễn Mậu Oai, hiện công tác tại Công ty Cổ phần Hóa dược Hà Nội, có mua và đưa về gia đình rồi  giao cho ông Đoàn Viết Nha (là anh rể) nuôi tại xóm 26 xã Xuân Tín, Thọ Xuân, Thanh Hóa 6 con hổ con. Mỗi con trọng lượng khoảng 4-5kg. Ông Nha nuôi đến khi đàn hổ nặng chừng 30kg/con thì giao lại cho ông Nguyễn Mậu Oai nuôi.

Tiếp đó, khoảng tháng 3/2007, ông Nguyễn Mậu Chiến đưa thêm 4 con hổ trọng lượng mỗi con khoảng 4-5kg/con về nuôi tại địa chỉ trên.

Cơ quan chức năng kết luận số hổ 10 con được nuôi nhốt tại nhà ông Nguyễn Mậu Oai và ông Đoàn Viết Nha từ tháng 10/2006 và tháng 3/2007 đều chưa báo cáo với cơ quan kiểm lâm và chính quyền địa phương từ xã đến tỉnh.

Ngày 2/7/2007 Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đối với ông Nguyễn Mậu Chiến.

Hành vi nuôi nhốt trái phép 10 con hổ không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương đã phạm vào Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm; Nghị định số 82/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất nhập các loài động - thực vật quý hiếm.

Chiểu theo Nghị định số 139/2004/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, chủ hộ phải chịu mức phạt cao nhất là 30 triệu đồng.

Trước đó, Đoàn kiểm tra đã đồng ý cho gia đình ông Nguyễn Mậu Oai và ông Đoàn Viết Nha tiếp tục nuôi nhốt 10 con hổ tại gia đình. Các chủ hộ trên phải chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp của UBND xã Xuân Tín. Biên bản kiểm tra cũng ghi rõ nghiêm cấm việc tự ý chuyển địa điểm nuôi nhốt đàn hổ khi chưa được phép của cơ quan kiểm lâm và chính quyền địa phương.

(Sau đó lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã phê chuẩn đề xuất của Phòng Pháp chế - Thanh tra Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa về việc đồng ý cho ông Nguyễn Mậu Chiến được di chuyển 4 con hổ hiện đang nuôi nhốt tại gia đình ông Đoàn Viết Nha về nuôi nhốt tại gia đình ông Nguyễn Mậu Oai để đảm bảo việc chăm sóc nuôi dưỡng và các điều kiện về chuồng trại nuôi nhốt).

Chủ hộ phải thường xuyên liên hệ với Hạt kiểm lâm Thọ Xuân về tình trạng ĐVHD để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Việc định đoạt số phận của 10 con hổ này sẽ chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

Nếu mục đích nuôi hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến là để bảo vệ loài động vật quý hiếm, đồng thời có ý định “nhân giống” hổ như ông Ngô Duy Tân nuôi hổ ở Bình Dương thì nên chăng các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa cũng cho ông được tiếp tục nuôi 10 con hổ tại gia đình

Minh Tiến
.
.