Sóng gió trong quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhỹ Kỳ

Thứ Ba, 24/08/2010, 22:55
Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã cảnh báo Thủ tướng Recep Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, rằng những thay đổi mới đây trong chính sách đối ngoại của Ankara - cụ thể là bất hòa với Israel cũng như ngăn cản áp lực của cộng đồng quốc tế lên Iran - rất có thể sẽ bắt buộc Mỹ phải xem xét lại mối quan hệ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như từ chối cung cấp cho quốc gia này các máy bay không người lái cùng một số loại vũ khí hiện đại khác.

Đó là nội dung chính trong cuộc trò chuyện giữa hai nguyên thủ quốc gia vừa diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 mới đây tại Canada được tờ The Financial Times tiết lộ. Cho dù đã thực sự "nóng mặt", nhưng theo các nhà quan sát, Washington khó có thể gây áp lực mạnh mẽ hơn với Ankara, nếu như không muốn mất một đồng minh chủ chốt tại khu vực Trung Đông.

Tờ The Financial Times dựa trên một nguồn tin cao cấp tại Nhà Trắng cho biết, trong khuôn khổ cuộc gặp tại Canada cũng như một cuộc điện đàm mới đây, Tổng thống Obama đã bày tỏ sự thất vọng thực sự về những động thái đối ngoại gần đây của Ankara, đồng thời cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra trong quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. "Tổng thống đã nói với Erdogan rằng, một vài hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm nảy sinh nhiều câu hỏi tại Đồi Capitol, khiến các nghị sĩ phải xem xét lại, liệu chúng ta có nên tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ như là một đồng minh nữa hay không" - The Financial Times trích dẫn lời một quan chức đại diện của chính quyền Mỹ.

Cũng theo nguồn tin của tờ báo trên, một vài yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như cung cấp vũ khí để chống lại lực lượng đảng Nhân dân Kurdistan (một nhóm vũ trang cực đoan đang hoành hành tại miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ), giờ đây sẽ khó có thể thông qua tại Quốc hội. Đáng kể nhất trong số này là đề nghị cung cấp cho Ankara một lô máy bay không người lái Reaper, được cho là công cụ hiệu quả để tấn công căn cứ của những tay súng người Kurd.

Cũng theo tờ The Financial Times, lời cảnh báo từ chính miệng ông Obama có thể coi như một tối hậu thư thực sự của Washington. Tổng thống Mỹ còn yêu cầu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ phải chứng tỏ rằng, Ankara vẫn luôn coi trọng một cách nghiêm túc nhất tới các lợi ích an ninh quốc gia của đồng minh Mỹ. Đề xuất cụ thể đầu tiên của ông Obama chính là đòi Ankara phải giảm bớt những chỉ trích quá gay gắt chống lại Tel-Aviv, bắt nguồn từ vụ chiếc tàu Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ trong thành phần "Hải đội tự do" bị  quân đội Israel tấn công vào ngày 31/5 vừa qua khiến 9 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

Ngay từ đầu tháng 6, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu phải tổ chức một đợt điều tra quốc tế về những vụ sát nhân trên tàu Mavi Marmara, đóng cửa không phận của mình đối với các máy bay của Israel, thậm chí còn đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nhà nước Do Thái. Chưa kể Ankara trên thực tế đang dẫn đầu một chiến dịch chống Israel trên phạm vi toàn cầu, khiến cho Washington lâm vào "thế khó" vì những mối quan hệ đồng minh với Israel.

Tuy nhiên, khủng hoảng trong quan hệ Israel - Thổ Nhĩ Kỳ không phải là "món quà khó chịu" duy nhất mà Ankara đem đến cho Washington. Trong quá trình thông qua nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an hôm 10/6 nhằm đưa ra những biện pháp trừng phạt mới chống lại Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đã bỏ phiếu chống. Dù trên danh nghĩa, lá phiếu chống của hai quốc gia trên không có quyền phủ quyết như các thành viên thường trực, nhưng một vài hành động gần đây nhất của Ankara theo xu hướng thân Iran đã khiến cho Washington phải bối rối.

Trong chuyến thăm tới Tehran của Thủ tướng Erdogan vào ngày 17/5, phía Iran với sự trung gian của Brazil đã đồng ý chuyển cho Thổ Nhĩ Kỳ bảo quản 1,2 tấn uranium làm giàu thấp - một thỏa thuận được lãnh đạo cả 3 nước đánh giá là "bước đột phá" trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Cho dù các thành viên trong nhóm 6 bên - gồm 5 quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an và Đức - tỏ ra lạnh nhạt với ý tưởng trên và tuyên bố sẽ chẳng thể tác động đến việc giảm bớt một số biện pháp mới chống Iran, nhưng bước đi bất ngờ của Ankara ít nhất đã giúp phá vỡ tình trạng cô lập ngoại giao của Iran, khiến công luận phải nghi ngờ về tính đúng đắn của các biện pháp trừng phạt.

Đến khi không còn có thể tiếp tục "ngậm bồ hòn làm ngọt", Washington buộc phải đưa ra những cảnh báo thực sự với hy vọng Ankara sẽ từ bỏ những bước đi "lạc hướng" của mình. Nhiều chuyên gia cho rằng, Washington trên thực tế sẽ khó có thể mạnh tay đối với Ankara. Theo họ, bản thân Mỹ không có những cơ sở gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ, buộc họ phải nhanh chóng thay đổi chính sách đối ngoại của mình. Cứ cho rằng nếu tiếp tục "cứng đầu", việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mua được máy bay của Mỹ cũng chẳng phải là chuyện quá nghiêm trọng. Ankara có thể tìm mua ở nhiều quốc gia khác, hoặc kể cả việc không mua được số máy bay trên cũng không gây ra thiệt hạng đáng kể tới an ninh của chính mình.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại đang là một đồng minh chiến lược của Mỹ nhưng trên thế "thượng phong" hơn. Đơn giản là xét về nhiều mặt, Washington đang cần Ankara hơn là Ankara cần đến Mỹ. Cần nhớ là một số đơn vị vũ khí hạt nhân của Mỹ cũng đang được bố trí trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thời điểm hiện nay, ưu tiên hàng đầu của Washington chính là bằng mọi cách phải hoàn tất một cách tốt đẹp nhất các chiến dịch quân sự tại Afghanistan và Iraq, cũng như đạt được những chuyển biến mang tính bước ngoặt trong tình hình tại Trung Đông. Việc làm hỏng quan hệ đồng minh chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ - luôn là một đối tác quan trọng để Mỹ có thể giải quyết những vấn đề trên - nếu xảy ra chắc chắn sẽ được coi là một trong những bước đi thiếu suy nghĩ nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama.

Thổ Nhĩ Kỳ về phần mình cũng không thể chọn cho mình một con đường đối đầu với Mỹ. Chính sách đối ngoại hiện nay của Ankara thật ra chỉ mang nhiều nét tự chủ và đa phương hơn, bắt nguồn từ những quyền lợi quốc gia cơ bản của họ. Nói tóm lại, dù đang trong giai đoạn sóng gió, nhưng quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một "gia sản" mà cả hai bên đều muốn duy trì

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.