Sống hòa thuận cùng nhau

Thứ Tư, 17/08/2005, 10:43

Có những ngày lễ luôn gây nên những tình cảm trái ngược nhau ngay cả ở những vùng đất cận kề nhau. Lễ kỷ niệm 60 năm ngày kết thúc Chiến tranh  thế giới thứ hai ở châu Á chính là một ngày lễ như vậy. Trên "hòn đảo Mặt trời mọc", đó là dịp ăn năn hối lỗi khi nhớ lại ngày Tokyo chính thức đầu hàng trong Chiến tranh thế giới II. Còn ở Trung Quốc và trên bán đảo Triều Tiên hay nhiều nơi khác ở Đông Nam Á hay thậm chí ở Australia, đó là dịp vui chào mừng ngày lễ giải phóng đã diễn ra 6 thập niên trước.

Năm nay, đúng vào ngày 15/8, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đã lên tiếng "xin lỗi chân thành" vì việc Tokyo từng phát động cuộc chiến tranh xâm lược hơn 6 thập niên trước, đồng thời bày tỏ quyết tâm cùng các quốc gia châu Á cố gắng tìm kiếm những hình mẫu quan hệ mới trong tương lai để cùng dân giàu nước mạnh.

Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh: "Đất nước chúng tôi đã trải qua chế độ thực dân xâm lược gây nên nhiều tổn thất và đau khổ cho nhân dân nhiều nước, đặc biệt là nhân dân châu Á. Chúng tôi khiêm nhường ghi nhận sự thật lịch sử này và thêm một lần nữa xin bày tỏ sự ân hận sâu sắc nhất và lời xin lỗi chân thành nhất.  Nhìn thẳng vào quá khứ và thừa nhận lịch sử một cách chân thực, tôi cũng muốn xây dựng các mối quan hệ hợp tác hướng về tương lai và dựa trên sự hiểu biết và chân thành với nhau".

Cùng ngày tại Tokyo, Nhật hoàng Yakihito và Hoàng hậu Michico đã dẫn đầu một phái đoàn gồm trên dưới 7.000 người tiến hành lễ truy điệu cho những người đã mất trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hoàng gia Nhật Bản cũng bày tỏ ước nguyện rằng sẽ không bao giờ các thần dân trên "hòn đảo Mặt trời mọc" phải can dự vào các cuộc binh đao trên thế giới nữa.

Nhật hoàng đã thổ lộ rằng ông "rất xúc động" khi hồi tưởng lại quá khứ: "Về mặt lịch sử, tôi chân thành mong muốn sự tàn phá của cuộc chiến tranh sẽ không bao giờ lặp lại. Trước tất cả các thần dân Nhật Bản, tôi thương tiếc những người bỏ mạng trong đạn lửa khủng khiếp của chiến tranh". Máu chảy ruột mềm,  dân tộc nào thì xót xa cho các tử sĩ của dân tộc ấy, dẫu không phải người nào ngã xuống cũng vì những lý do chính đáng và nhân văn.

Còn trên bán đảo Triều Tiên, ngày 14/8, lần đầu tiên kể từ nhiều thập niên qua, cả hai miền đã họp lại cùng nhau để tưởng nhớ ngày lễ lệ tràn mi của 60 năm trước. Một phái đoàn của CHDCND Triều Tiên do Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên Kim Ki Nam dẫn đầu đã sang Seoul để tham dự lễ kỷ niệm ngày chấm dứt chiến tranh và viếng thăm phần mộ của những người đã bị thiệt mạng khi đó...

Ngày 14/8, tại một cuộc triển lãm lớn với chủ đề kỷ niệm 60 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít và kháng Nhật, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh rằng, cần phải nhớ tới những bài học từ lịch sử đao binh nếu muốn tương lai có được hòa bình. Ban lãnh đạo Trung Quốc cũng ngỏ ý mong muốn Tokyo giữ vững cam kết ăn năn đối với lịch sử xâm lược và trong tương lai không làm việc gì tổn thương đến tình cảm của nhân dân các nước đã bị hại trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thủ tướng Australia John Howard ngày 15/8 vẫn tiếp tục nói rằng, ân oán giang hồ xưa cũ vẫn in hằn những dấu ấn đau thương trong tâm khảm của người dân trên "lục địa chuột túi"...

Đã sáu thập niên trôi qua nhưng thực ra, không có quá nhiều điều gì mới mẻ diễn ra trong tâm thức các dân tộc ở khu vực Đông Bắc Á hay Đông Nam Á khi hồi tưởng lại quá khứ chưa xa. Ngay trong những lời mà ông Koizumi vừa nói ra trong lễ kỷ niệm năm nay cũng không có quá nhiều điều mới mẻ.

Không ngẫu nhiên mà không chỉ một quốc gia trong khu vực mong muốn Tokyo nhìn nhận lại quá khứ thực chất và công bằng hơn vì điều đó trước hết có lợi cho chính lương tâm của "hòn đảo Mặt trời mọc". Nhắc lại chuyện cũ không phải để khêu gợi lại những vết thương cũ vẫn còn rỉ máu mà để trong tương lai, không ai bị vấp phải những sai lầm trong quá khứ. Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đã có lý khi nhấn mạnh rằng chỉ "lụy" tương lai và đối xử chính xác với lịch sử thì chúng ta mới có thể hy vọng sẽ đắp bồi được mối quan hệ mang tính xây dựng hướng tới mai sau. Và những mối quan hệ đó sẽ được dựa trên cơ sở hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. Quá khứ không bao giờ là lý do để gây mâu thuẫn trong tương lai. Đó chính là điều kiện để các dân tộc có thể sống hòa thuận cùng nhau mãi mãi

Phan Phú
.
.