“Sóng” trước tập trận Mỹ – Hàn

Thứ Tư, 07/08/2019, 13:39
Bất chấp những “thông điệp” gay gắt từ phía Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đã khởi động cuộc tập trận chung theo đúng lộ trình vào ngày 5-8 và kéo dài trong khoảng nửa tháng.

Đúng lộ trình

Đây là cuộc tập trận tham mưu chỉ huy trên máy tính (CPX), nhằm đối phó với tình huống khẩn cấp trên Bán đảo Triều Tiên. Lịch trình và tên gọi của cuộc tập trận sẽ được công bố trong tuần này.

Cuộc tập trận tham mưu chỉ huy trên máy tính được tiến hành theo hình thức giả định tình huống chiến tranh xảy ra mô phỏng trên máy tính, thay vì diễn tập cơ động thực binh.

Dự kiến, tham gia cuộc tập trận, về phía Seoul có Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, Bộ Tư lệnh tác chiến của lục quân, không quân và hải quân. Phía Mỹ có sự tham gia của Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ, Bộ Tư lệnh quân đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tập trận Mỹ - Hàn diễn ra đúng lộ trình.

Cuộc tập trận được cho là sẽ tập trung chủ yếu vào diễn tập phòng vệ. Ngoài ra, tên của cuộc tập trận ban đầu được cho là Đồng minh 19-2. Tuy nhiên, xét đến việc Triều Tiên lên án cuộc tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ có thể tác động đến tiến trình đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều, tên của cuộc tập trận có thể sẽ không dùng chữ “đồng minh” mà đang được cân nhắc là “diễn tập kiểm chứng quyền tác chiến”.

Nhiều nhà quan sát nhận định cuộc tập trận chung lần này có thể khiến Triều Tiên tiến hành thêm hành động phản ứng lại. Do đó, rất có thể, đồng minh Mỹ-Hàn sẽ tăng cường cảnh giác và giám sát đề phòng trường hợp Bình Nhưỡng tiến hành thêm các vụ phóng thử tên lửa trong thời gian diễn ra tập trận chung.

“Sự tức giận” của Bình Nhưỡng

Trong những ngày qua, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên lại nóng trở lại với 2 vụ phóng tên lửa liên tiếp nhằm phản đối cuộc tập trận nói trên giữa Seoul và Washington.

Một điều hiếm thấy là Triều Tiên còn công khai nói rằng vụ phóng tên lửa ngày 25-7 nhằm thị uy sức mạnh của loại “vũ khí dẫn đường kiểu mới”. Bình Nhưỡng nhấn mạnh đây là lời cảnh báo cứng rắn đối với Chính phủ Hàn Quốc trước việc Seoul nhập máy bay chiến đấu tàng hình và diễn tập quân sự chung Hàn-Mỹ nhằm chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền tác chiến thời chiến. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không trực tiếp đề cập tới Washington.

Theo truyền thông Hàn Quốc, một loạt vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên được đánh giá là có mức độ khiêu khích “vừa phải”, mang nhiều toan tính khác nhau. Một mặt, nước này muốn uy hiếp Hàn Quốc trước cuộc tập trận, mặt khác lại tránh đe dọa trực tiếp tới Mỹ. Dù khiêu khích để gây sức ép nhưng động thái của Triều Tiên vừa không làm vỡ khung đối thoại với Mỹ, vừa giúp nước này tránh bị cấm vận thêm. Ngoài ra, hành động phóng tên lửa của Triều Tiên còn thể hiện ý đồ thử nghiệm các loại vũ khí đa dạng mà nước này đã phải tạm dừng trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Triều Tiên đã liên tiếp khiêu khích sau khi thời hạn tổ chức cuộc họp cấp chuyên viên Mỹ-Triều, một nội dung nhất trí giữa lãnh đạo hai bên, đã trôi qua. Trước đó, Bình Nhưỡng đã 2 lần phóng tên lửa đạn đạo vào ngày 4-5 và 9-5. Ngày 30-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khu vực phi quân sự Panmunjom, nơi hai bên nhất trí sẽ nối lại đối thoại cấp chuyên viên trong vòng “hai đến ba tuần tới”.

Triều Tiên xác nhận vừa thử hệ thống phóng tên lửa đa nòng cỡ lớn mới.

Tuy nhiên, thời hạn đã quá mà các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều vẫn chưa được tổ chức, khiến Triều Tiên quyết định hành động. Ngày 25-7 vừa qua, Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, có tầm bắn khoảng 600 km và độ cao 50 km. Đến ngày 31-7, nước này phóng tiếp 1 tên lửa có tầm bắn 250 km, độ cao 30 km. Quân đội Hàn Quốc cho biết đây là tên lửa tầm ngắn nhưng Bình Nhưỡng tuyên bố rằng đây là pháo phản lực cỡ nòng lớn kiểu mới. Và vào ngày 2-8, Triều Tiên đã phóng tiếp 2 vũ khí được phỏng đoán là tên lửa.

Và sự “điềm tĩnh” của ông Trump

Cuộc tập trận Mỹ - Hàn vẫn diễn ra như dự tính bởi lẽ ông Trump - người đang hy vọng khôi phục các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên - đã hạ thấp tính nghiêm trọng của vụ phóng.

Ông Trump đã có cuộc trả lời phỏng vấn tại Nhà Trắng trước khi tới Ohio tiến hành chiến dịch tranh cử. Khi được hỏi liệu ông có cho rằng ông Kim đang “thử” ông hay không, ông Trump đã nói rằng các vụ phóng không vi phạm các cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên với ông.

“Tôi cho rằng việc này vẫn trong tầm kiểm soát. Đó chỉ là các tên lửa tầm ngắn. Chúng tôi chưa bao giờ thỏa thuận về loại tên lửa đó. Tôi không cảm thấy có vấn đề gì. Chúng ta sẽ chờ xem điều gì đang diễn ra. Nhưng chúng chỉ là các tên lửa tầm ngắn. Đó là thứ vô cùng bình thường”, ông Trump nhấn mạnh.

Khi được hỏi liệu ông có tiếp tục đàm phán với ông Kim hay không, ông Trump nói: “Chắc chắn. Bởi đó chỉ là các tên lửa tầm ngắn. Chúng tôi chưa bao giờ thảo luận về nó. Chúng tôi chỉ thảo luận về vấn đề hạt nhân. Chắc chắn rằng, rất nhiều quốc gia khác cũng thử nghiệm loại tên lửa đó”.

Ông Trump nói như vậy nhưng chắc chắn, trong quá trình tập trận với đồng minh Hàn Quốc, hai bên sẽ vẫn có những cảnh giác nhất định từ phía Bình Nhưỡng. Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ hiện có khoảng 28.500 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc để bảo vệ nước này trước “người anh em láng giềng” sở hữu vũ khí hạt nhân. Rất nhiều trong số đó đóng quân tại Trại Humphreys ở Pyeongtaek - căn cứ quân sự lớn nhất của Washington ở nước ngoài.

Ngày 1-8, Đài Truyền hình Triều Tiên phát sóng các bức ảnh cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang giám sát vụ phóng hôm 31-7 từ cái có lẽ là bốt chỉ huy di động. Giới phân tích cho biết, các hình ảnh này dường như cho thấy một dàn phóng rocket đa nòng nhưng một vài trong số đó bị làm mờ, điều này thể hiện rằng Triều Tiên vẫn đang giữ bí mật một số vật thể của họ.

Harry Kazianis, chuyên gia của Trung tâm Vì lợi ích quốc gia (Mỹ) cho rằng, Bình Nhưỡng có “một loạt bệ phóng quân sự” để thử nghiệm nhằm đáp trả cuộc tập trận này. Ông nhận định: “Chính sách bên miệng hố chiến tranh “ăn miếng trả miếng” này rõ ràng sẽ làm trì hoãn các cuộc đối thoại ở cấp độ nhóm làm việc ít nhất cho đến mùa thu để hai bên có thể giữ thể diện”.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.