Standard Chartered bị cáo buộc rửa tiền

Thứ Hai, 20/08/2012, 16:50

Tối ngày 5/8, thêm một ngân hàng của Anh có chi nhánh tại Mỹ bị phát hiện đã kiếm lời 160 tỉ bảng (250 tỉ USD) khi thực hiện các chuyển khoản hậu thuẫn các tổ chức bị quy là khủng bố như Hezbollah, Hamas và chương trình hạt nhân ở Iran. Đây được coi như một quả bom tiếp tục dội vào danh tiếng của hệ thống ngân hàng ở Anh, và “kẻ dội bom” chính là ngân hàng được coi là minh bạch nhất toàn cầu Standard Chartered (SCB) với cáo buộc đã có giao dịch với Tehran gần 10 năm nay.

Không những thế, Standard Chartered còn có dấu hiệu bắt tay với 3 ngân hàng khác của Iran trong công cuộc hỗ trợ chương trình hạt nhân của đất nước này. Và theo quan điểm của Mỹ, đây là một ngân hàng tồi  vì đã phá vỡ các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đặt lợi nhuận lên trước luật pháp và an ninh của cả thế giới.

Cơ quan Dịch vụ tài chính New York (NYDFS) tiếp tục tìm ra Standard Chartered còn có quan hệ thương mại với Burma, Libya và Sudan, đều là những quốc gia bị áp dụng lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngân hàng Standard Chartered đã tỏ ra coi thường các nguyên tắc tài chính của Mỹ. Bê bối này làm người ta nhớ đến 2 scandal đình đám của các ngân hàng Anh hồi tháng trước, đó là vụ Ngân hàng HSBC với án phạt 600 triệu bảng vì tội rửa tiền cho bọn buôn ma túy ở Mexico và vụ thứ hai là Ngân hàng Barclays với 290 triệu bảng tiền phạt vì thao túng lãi suất.

Ít nhất 15 cơ quan tài chính khác bao gồm Ngân hàng Hoàng gia Scotland cũng bị điều tra với lo ngại các nhân viên giao dịch xấu đã kiểm soát các mức lãi suất quan trọng thường dùng cho vay thế chấp và đầu tư. Theo báo cáo đưa ra bởi các thanh tra viên New York, Standard Chartered đã bị lòng tham điều khiển và hành động một cách thiếu tôn trọng pháp luật, danh tiếng và cả nền an ninh thế giới.

"Tiếp tay đe dọa hòa bình và ổn định"

Giới chức New York cho rằng "SCB đã thiết lập và thực hiện một kế hoạch leo thang nhằm sử dụng chi nhánh của ngân hàng này ở New York làm lá chắn cho các thỏa thuận vốn bị ngăn cấm đối với Iran - đó là những thỏa thuận không thể chối cãi, là bằng chứng về việc họ tiếp tay duy trì một mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định".

Trụ sở Ngân hàng Standard Chartered (SCB) tại London.

Các thanh tra đã rà soát lại hơn 30.000 trang dữ liệu trong suốt 9 tháng điều tra, cuối cùng đã đưa ra kết luận rằng Standard Chartered che giấu các giao dịch bằng cách xóa thông tin trên đường truyền nhận dạng thông điệp từ các nước bị cấm vận của các nhà cầm quyền Mỹ, hay còn được gọi là quá trình "bóc dây".

Theo điều tra, ngân hàng này đã kiếm hàng trăm triệu bảng bằng bất kỳ giá nào, họ giả mạo các hồ sơ thương mại, không ghi chép chính xác, cản trở nhà chức trách và vi phạm luật pháp một cách trắng trợn. 60.000 giao dịch tài chính của ngân hàng này đã bị đưa vào danh sách nghi ngờ. Bên New York còn trích dẫn một phần trong thư trả lời của một người trong ban điều hành của Ngân hàng Standard Chartered, lời lẽ đầy giận dữ và xúc phạm rằng: "Đám người Mỹ chết tiệt, các người là ai mà dám dạy chúng tôi về cái thế giới này, rằng chúng tôi không được làm ăn với người Iran?".

Sau động thái này, phía Mỹ đã đe dọa sẽ thu hồi giấy phép hoạt động của SCB tại Mỹ. Gần một thập kỷ tính đến năm 2010, ngân hàng này đã cố tình đánh lừa nhà chức trách để chuyển tiền qua chi nhánh ở New York cho các khách hàng người Iran. Luật Cấm vận đối với Tehran của Mỹ có từ năm 1979 nhưng đã được siết chặt hơn sau cuộc chiến Iran - Iraq vào năm 1980. Năm 2002, cựu Tổng thống Mỹ, George W. Bush đã miêu tả Iran như là một phần của "khối trục hiểm họa".

Hiện tại, ngân hàng đang tiến hành rà soát lại lịch sử tuân thủ các cấm vận của Mỹ và đang trao đổi vấn đề này đối với cơ quan hành pháp của Mỹ với sự trợ giúp của Công ty kiểm toán Deloitte, một trong 4 công ty danh tiếng trong ngành kiểm toán quốc tế. Văn phòng tại Iran của Standard Chartered được mở ra vào năm 1993, bắt đầu bị ngừng tất cả hoạt động từ năm 2007. Đến tháng 5 vừa qua, nhà băng này đã hoàn toàn rút khỏi Iran và không hề có một chi nhánh "bằng xương bằng thịt" nào của ngân hàng này ở Iran nữa.

Tuy có trụ sở chính ở London nhưng 90% lợi nhuận của ngân hàng này đến từ khu vực châu Á, châu Phi và Trung Đông. Hai phần ba tiền lời từ kinh doanh của ngân hàng này là ở châu Á, chỉ có 10% lãi hoạt động vào năm ngoái là từ châu Mỹ và châu Âu, lợi nhuận trước thuế vào năm 2011 là 6,8 tỉ USD. Hiện tại ngân hàng này đang là nhà tài trợ của Câu lạc bộ bóng đá Liverpool. Standard Chartered cũng là một trong số ít các ngân hàng còn chống chọi tốt sau cuộc khủng hoảng kinh tế.

Cơ quan giám sát của Hoa Kỳ đã dán nhãn "định chế làm bừa" với Standard Chartered và ra lệnh cho ngân hàng này "giải thích các vi phạm luật" từ năm 2001 tới 2010. Dịch vụ tài chính Mỹ cũng nói rằng họ sẽ tổ chức phiên điều trần chính thức để “đánh giá hình thức phạt tiền”. Trong thời gian này, nhằm ngăn chặn việc chuyển tiền cho khủng bố, Văn phòng Quản lý tài sản nước ngoài (OFAC) đã yêu cầu các ngân hàng Mỹ xác định và báo cáo tất cả các giao dịch liên quan đến các nước bị Mỹ cấm vận, kể cả được thực hiện thông qua một ngân hàng thứ ba. Tuy nhiên, Standard Chartered đã trốn tránh bằng cách sửa chữa các lệnh chuyển tiền. Do đó, trên giấy tờ, tiền được chuyển đến chi nhánh New York chứ không liên quan gì đến các ngân hàng Iran.

Cổ phiếu của Standard Chartered ngay lập tức sụt giảm 6,2%, mạnh nhất trong vòng 12 tháng. Trước đó, cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng 11,2% và từng là cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tốt thứ ba ở Anh, sau Lloyds Banking Group Plc và HSBC. Standard Chartered hiện có 1.700 văn phòng tại 70 nước và vùng lãnh thổ. với khoảng 87.000 nhân viên toàn cầu và 2.000 người tại trụ sở ở London.

Mặc cho Ngân hàng Standard Chartered hôm 8/8 vừa qua lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc từ phía Mỹ, song vào ngày 15-8 này, Ngân hàng Standard Chartered vẫn buộc phải có giải trình về những điều mà cơ quan chức năng Hoa Kỳ cho rằng ngân hàng này đã vi phạm luật lệ của Mỹ.

London đầy tai tiếng

Trước những cơn chấn động khắp hệ thống tài chính, Bộ trưởng Ngân khố Chris Leslie của Anh đầy lo lắng cho rằng, nếu các cáo buộc là thật thì đây sẽ tiếp tục là một trận cuồng phong đối với danh tiếng của các ngân hàng Anh.

Kể từ đầu mùa hè đến nay, Standard Chartered là ngân hàng thứ 3 của nước Anh bị các lực lượng thực thi pháp luật tại Mỹ đưa vào tầm ngắm. Trước đó Ngân hàng Barclays Plc đã phải bỏ ra 453 triệu USD nộp phạt nhằm chấm dứt những điều tra của Chính phủ Mỹ và Anh do ngân hàng này thao túng lãi suất Libor hồi tháng 6. Một tháng sau, đến lượt HSBC bị Thượng viện Mỹ kết luận tiếp tay cho hoạt động rửa tiền của các băng đảng ma túy và tội phạm khủng bố. Giờ đây, dư luận buộc phải hoài nghi, rằng có thứ gì đó không sạch sẽ trong thế giới tài chính London. Lòng tin của khách hàng đã bị đánh cắp bằng sự lừa dối có hệ thống.

Những bê bối liên tiếp của các ngân hàng đứng đầu nước Anh đang vượt ra phạm vi ngoài biên giới.

Vụ việc Standard Chartered xảy ra tương tự và ngay sau bê bối của Ngân hàng HSBC, nên các câu hỏi được đặt ra là liệu những nhà quản lý Anh có chắc rằng cách thức quản lý và các chuẩn mực chống tham nhũng được các bộ phận dịch vụ tài chính khi hoạt động tại nước ngoài theo đuổi là đầy đủ và đúng đắn cho đến thời điểm này hay không?

Người ta đồ rằng, thế giới tài chính nói chung đang mang trong mình căn bệnh tham lam, trục lợi, một thứ bệnh không dễ chữa. Và giờ đây, dường như nó đã lan tràn thành dịch.

Chính phủ Anh đã phải yêu cầu nghị viện tiến hành thanh tra lại hệ thống ngân hàng. Danh tiếng của thành phố London đã bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề bởi London là nơi LIBOR được thiết lập thông qua các dự đoán của các ngân hàng hàng đầu về chi phí vay của chính họ từ các ngân hàng khác.

Song, câu chuyện này giờ đây đã vượt xa khỏi lãnh thổ nước Anh. Barclays là ngân hàng đầu tiên được đưa ra mổ xẻ bởi nó được cho là có quan hệ khá thân thiết với các nhà điều hành chính quyền. Và đây sẽ không phải là câu chuyện cuối cùng của thế giới. Nhiều cuộc điều tra nhằm khắc phục những gian lận về LIBOR và các loại lãi suất khác cũng đang được tiến hành tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, châu Âu... Nhiều cái tên đình đám nhất trong hệ thống ngân hàng thế giới cũng bắt đầu nằm trong tầm ngắm của các điều tra viên như Citigroup, JPMorgan Chase, UBS và Deutsche Bank. Ngay cả chủ soái các tổ chức tài chính từ Mỹ tới Nhật Bản cũng có dấu hiệu dính líu vào vụ việc.

Lòng tin sụp đổ

Ba vụ bê bối ầm ĩ của hệ thống ngân hàng Anh giờ đây đang vượt qua phạm vi lãnh thổ nước Anh và chuyển đến các tòa án dân sự trên toàn thế giới. Người ta đang nỗ lực để tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra và xử phạt những người có liên quan. Nếu chỉ là câu chuyện trục lợi xuất phát từ lòng tham thì những cá nhân vi phạm sẽ phải đối mặt với án tù. Với hành vi sai trái là thao túng lãi suất liên ngân hàng, chắc chắn những kẻ trục lợi này đã cấu kết với những đối tác tại các ngân hàng khác để đưa ra một mức lãi suất có lợi cho mình.

Theo tài liệu điều tra của Canada thì sự cấu kết, thông đồng giữa các tổ chức tài chính đang hoành hành và trở thành một vấn nạn. Vụ bê bối thao túng lãi suất khiến người ta hình dung về một liên minh có hệ thống giữa các băng đảng hơn là một vụ lừa đảo thương mại đơn thuần.

Bên cạnh đó, hành vi sai phạm tiếp theo là thu hẹp tín dụng được bắt đầu vào năm 2007 và cũng có thể dẫn đến hàng loạt các vụ kiện tụng, nhưng về mặt đạo đức thì còn phức tạp hơn rất nhiều bởi có sự tham gia của những thành phần ưu tú trong xã hội.

Chưa hết, những hoạt động ngầm phía hậu trường của các thể chế tài chính này, vớái điển hình là HSBC được bóc trần những phi vụ mờ ám với các băng đảng ma túy, tội phạm, rửa tiền đã làm xấu mặt cả hệ thống tài chính nước Anh.

Giờ đây, "cú đá bồi" của Standard Chartered lại giáng thêm một đòn chí tử vào niềm tin của dư luận. Kết luận của Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York (NYDFS) gọi Standard Chartered là "tổ chức tài chính lừa đảo" và cho rằng, những hành động của ngân hàng đã "khiến cho hệ thống tài chính Mỹ có thể bị nguy hiểm vì những kẻ khủng bố, buôn bán ma túy và tội phạm tham nhũng".

Nếu như NYDFS thực hiện đúng như lời cảnh báo, rằng họ có thể sẽ rút giấy phép hoạt động của chi nhánh Standard Chartered tại Mỹ, thì thực sự đẩy ngân hàng này đến bước điêu đứng và làm hoen ố nốt những gì còn lại của danh tiếng hệ thống tài chính xứ sương mù.

Và dư luận đang nín thở chờ kết luận điều tra không chỉ của Standard Chartered tại New York  mà cả các giao dịch khác của ngân hàng này  với các nước Libya, Myanmar và Sudan,…

Nguyễn Hải - Hoàng Cúc (theo DailyMail, BBC)
.
.