An ninh cho Hội nghị COP21 tại Paris:

Sự kiện thế giới diễn ra trong “bối cảnh bi thảm”

Thứ Tư, 02/12/2015, 16:05
Hội nghị về môi trường và biến đổi khí hậu COP21 chính thức diễn ra từ ngày 30-11 đến 11-12 tại Paris là một bài toán đau đầu về an ninh cho chính quyền Pháp. Đây là một “sự kiện thế giới diễn ra trong bối cảnh bi thảm”.

Không những Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve ý thức rất rõ tầm quan trọng của sự kiện đối với chính quyền Pháp mà các thành viên của nội các đều biết rằng “đây là hội nghị ngoại giao lớn nhất chưa từng được tổ chức tại Pháp kể từ sau Tuyên ngôn Nhân quyền tại Paris năm 1948”. Còn “bối cảnh bi thảm” là vụ khủng bố ngày 13-11.

Tất nhiên trước khi xảy ra vụ khủng bố, công việc bảo vệ Hội nghị COP cũng không hề đơn giản, Chính phủ Pháp đã dự trù huy động thêm 80% lực lượng an ninh. Có khoảng 160 phái đoàn nước ngoài, phái đoàn của các tổ chức phi chính phủ và 147 nguyên thủ quốc gia đến dự, một số là các nhân vật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới (Barack Obama, Ban Ki-moon, Tập Cận Bình…) mà mỗi sự di chuyển cá nhân đều cần đến những biện pháp an ninh tối đa. Phái đoàn của Mỹ do Tổng thống Obama dẫn đầu đã đến với 20 chiếc xe…

Pháp huy động 120.000 cảnh sát bảo vệ an ninh COP21.

Đây quả là một bài toán đau đầu về an ninh. Vì vậy, Sở Cảnh sát Paris mà nhân sự đã "ngập mặt" bởi mối đe dọa khủng bố nên phải huy động đến cảnh sát môtô và nhân viên đội bài trừ tội phạm của các tỉnh, thành lân cận. Tổng cộng có 120.000 cảnh sát, hiến binh và binh lính đã được huy động. Khoảng 8.000 người trấn giữ tại biên giới, 6.300 người tại thủ đô và khu Le Bourget, địa điểm diễn ra hội nghị. Chỉ riêng tại Le Bourget - rộng bằng 35 sân bóng đá - đã có 2.800 nhân viên công lực.

Từ giữa tháng 11, chính quyền đã quyết định kiểm soát biên giới trong vòng một tháng, và sự kiểm soát này có thể kéo dài một khi còn mối đe dọa khủng bố. Khi đi qua trạm kiểm soát, những người nước ngoài cần phải mang theo giấy tờ chứng minh rằng họ được phép di chuyển hay tạm trú trên đất Pháp. Các hành khách đi xe, máy bay, tàu hỏa hay tàu biển phải tuân thủ những quy định đó.

Tất cả các đơn vị cảnh sát đều phải hủy bỏ mọi ngày phép trong một tháng. Đã kiệt sức do những vụ khủng bố từ tháng 1, sau đó họ còn phải sẵn sàng cho Euro 2016. "Đến một lúc nào đó sẽ không còn sự lựa chọn, phải gỡ bỏ áp lực, nếu không họ sẽ không chịu nổi" - các nghiệp đoàn cảnh sát nhận định.

Thử thách thứ nhì là cách hoạt động. Trên mạng lưới xa lộ ở ngoại ô phía bắc Paris bình thường vẫn kẹt ứ và các phương tiện giao thông công cộng luôn đầy ắp, giờ còn phải quản lý chuyện đi lại từ thủ đô đến Le Bourget của hàng chục ngàn người tham gia hội nghị. Để tránh kẹt xe, chính quyền đã tạo thêm 70.000 chỗ cho xe buýt và tàu điện mỗi ngày cũng như 5 tuyến đường xe đặc biệt, trong đó có 2 tuyến hoạt động ngày đêm.

2.800 cảnh sát và hiến binh nhằm đảm bảo an ninh ở Le Bourget, phía bắc thủ đô Paris, địa điểm tổ chức hội nghị.

Ngoài ra, các phương tiện công cộng sẽ được miễn phí trong 10 ngày cho các hội nghị viên và 2 ngày cho người dân. Nhưng e ngại viễn cảnh hỗn loạn, cảnh sát đã khuyến cáo mọi người nên ưu tiên dùng phương tiện công cộng, nhưng đến thứ sáu 27-11, họ lại khuyên không sử dụng các phương tiện đó trừ khi rất cần thiết.

Buổi hòa nhạc của siêu sao nhạc disco Marc Cerrone tại Khải Hoàn Môn dự trù diễn ra vào ngày 5-12 bị hủy bỏ. Hàng loạt buổi trình diễn ở các nơi khác cũng bị cấm. "Đây là một quyết định khó khăn, nhưng trong bối cảnh hiện nay, an ninh là trên hết" - Thủ tướng Manuel Valls cho biết. Tại Paris và vùng phụ cận trong những ngày này, khách bộ hành cần phải đi thẳng, thậm chí đi… sát vào tường. Với sự cứng rắn quen thuộc, Bộ trưởng Nội vụ Cazeneuve đã không chờ đến Hội nghị COP21 mới đưa ra chỉ thị cứng rắn cho các sở cảnh sát.

Cuộc đi bộ của hàng trăm ngàn người hoạt động vì môi trường bị cấm nên họ phải tổ chức những cuộc tụ họp "phi chính thức". Thế là trên khắp vỉa hè Paris đầy những dòng người, những cuộc hẹn đông đúc chiếm chỗ khắp các quán cà phê. Tại Quảng trường Cộng hòa, một kim tự tháp được dựng lên bằng những đôi giày cũ được thu góp từ các mạng xã hội, một dấu hiệu cho thấy rằng "phong trào của chúng tôi sẽ không thể bị bịt miệng". Hậu quả là 317 người bị tạm giữ.

Trên các mạng xã hội, hàng ngàn người đã đăng ảnh của họ cùng với đôi giày. "March4Me" sẽ giúp những người đi bộ trên khắp thế giới có thể đi tại đất nước của họ, tức là tiếp nối người dân Pháp đã không được đi lại hoặc hạn chế đi lại vì tình trạng khẩn cấp. Và qua "StandUp4Climate", toàn thể cư dân trái đất sẽ được mời thể hiện thái độ "để gây áp lực lên những nhà thương thuyết và cứu vớt hành tinh".

Lực lượng cảnh sát đặc biệt đối phó với người biểu tình chống đối COP21, dù đã có lệnh cấm tất cả mọi cuộc biểu tình.

Từ nhiều tuần qua, các mạng xã hội bị kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan tình báo. Nhiều vụ quản thúc tại gia, kiểm tra, nhắc nhở, mời đến sở cảnh sát và thậm chí tạm giữ đã được thực hiện đối với những nhà hoạt động. Tại vùng ngoại ô Paris, các khu nhà hoang "của những kẻ vô chính phủ có thể gây rối trật tự công cộng trong thời gian hội nghị" đã bị cảnh sát bố ráp. Tại thủ đô, những thành viên tích cực nhất của các tập thể cực đoan đã bất chấp tình trạng khẩn cấp để kêu gọi tụ họp ngoài đường đã bị chính quyền điểm mặt. Họ có thể bị phạt đến 7.000 euro và giam 6 tháng.

Khu ngoại ô Saclay và vùng chung quanh được gọi là "khu vực bảo vệ hay an ninh". Đó là nơi tập trung những người của phong trào chống đối các đại dự án đô thị (sân bay Nantes mới…). Theo luật về tình trạng khẩn cấp, xe cộ tại những khu vực bảo vệ đó có thể bị kiểm tra một cách hệ thống, kể cả kiểm tra căn cước và người bị kiểm tra "phải chứng minh được lý do có mặt tại đấy". 

Mê Linh (tổng hợp)
.
.