Sự thật đáng sợ

Thứ Hai, 26/12/2011, 18:35

Thời gian gần đây, thông tin từ các “hãng thông tấn vỉa hè” dồn dập dội tới: toàn những tin “động trời” liên quan tới các ngành Ngân hàng, Điện lực, Xăng dầu…, người nghe bàng quan, vô trách nhiệm với đời, rất dễ xổ toẹt, xếp vào hiện tượng “tung tin thất thiệt”, bởi nó lớn quá, tham ô, tham nhũng, tới bạc tỉ, trăm tỉ, thậm chí tới nhiều ngàn tỉ. Nếu những tin đồn kia là thật, thì quả là sự thật đáng sợ, sự thật phũ phàng, xót xa, nhức nhối…

Ngày nghỉ, ghé vào "chầu rìa" ở chỗ mấy bác chơi cờ ở bờ hồ Đống Đa, nghe các cụ bàn về cái Tổng công ty nào đó đã đẩy khoản tiền chi sai nguyên tắc trên 500 tỉ đồng vào khoản tiền bù lỗ để Nhà nước thanh toán. Cái chuyện ban ơn “của người phúc ta” ông cha ta đã ví từ đời xửa, đời xưa rồi, vậy mà nó vẫn thịnh hành giữa thời chúng ta đang sống.

Tạt sang sân cầu lông ở Quán đảo, lại nghe xầm xì “kể tội” mấy ông ngân hàng chỉ trong 4 năm rưỡi đã tham ô, tham nhũng tới hơn 850 tỉ đồng.

Hoang mang quá! Thực hư là thế nào chả rõ. Buổi tối, tạt qua công viên 1-6 (gần khu vực Bệnh viện Đống Đa) để thư giãn cái đầu ê ẩm từ chiều. Vừa lúc các bà các cô kết thúc buổi tập khiêu vũ. Họ kêu ca về các vụ mất mát ở ngành nào đó tới 8.000 tỉ. May lắm chỉ thu được 2.000, còn 6.000 mất toi. Bức xúc quá, kẻ viết bài này liền “xía vô”: “Này, mấy bà chị, mấy cô em ơi! Chớ mà thổi phồng như thế”. “Thổi là thổi thế nào? Tham ô, tham nhũng, tiêu cực trở thành quốc nạn. Nhà nước có chủ trương chống quyết liệt. Báo nói đầy ra. Việc gì phải thổi phồng”.

Sáng hôm sau, nhờ anh em bạn hữu “sưu tầm”  cho mấy tờ báo nói về cái nạn này: Tiền phong, Tuổi trẻ, CAND… Đọc xong, mới thấy mình dại miệng, dở hơi, lạc hậu, tư duy của một thời… minh họa!

Cái chuyện “lập lờ đánh lận” mà các cụ nói với nhau ở chỗ chơi cờ, quả là Báo CAND số 2319, ra ngày thứ Sáu, 2/12/2011 đã có một bài to đùng với tiêu đề: “Chi sai sao lại bù lỗ?” nói về việc Petrolimex chi sai nguyên tắc trên 516,1 tỉ đồng, nhưng lại gộp vào cái khoản lỗ tới 1.840 tỉ để Nhà nước thanh toán, mà thực ra cái khoản lỗ “hợp lý” chỉ là 1.323,9 tỉ đồng.

 Chuyện bàn tán ở “Quán đảo” thì Báo Tiền phong số 335 ra ngày 1-12-2011 đã có 1 bài ở trang 3 với  tiêu đề: “Tội phạm, tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng: Tiền đã đi thì khó về”. Nói về hội nghị chuyên đề về tình hình tội phạm, tham nhũng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng được tổ chức tại TP HCM ngày 30/11/2011, có nói tới số liệu trong 4 năm rưỡi (từ tháng 1-2007 tới tháng 7-2011) một số ngân hàng đã xảy ra 94 vụ vi phạm với tổng số tiền thiệt hại hơn 856 tỉ đồng, hơn 700.000 USD, 3.400 euro. Hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chiếm đầu bảng với 64 vụ. Hội nghị đã đi sâu, tìm ra những mánh khóe, thủ đoạn của một số cán bộ ngân hàng (một ngành mà xưa nay dư luận cho là  một trong những ngành nhàn nhã, lương cao và nhiều “lộc”), đã thông đồng với doanh nghiệp bòn rút tiền của Nhà nước.

Còn cái chuyện mà kẻ viết bài này “dại miệng” đã bị “mắng vốn” ở công viên 1-6,  thì quả là Báo Tuổi trẻ số ra ngày  thứ Năm, 1/12/2011 đã có một bài đĩnh đạc, in ở trang 5 với tiêu đề: “Chống sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng: Phải bịt “lỗ hổng” cán bộ”. Bài viết kèm theo bức ảnh vụ xét xử Công ty TNHH Thành Phát lập hồ sơ giả, chiếm đoạt 3.000 (ba nghìn)  lượng vàng và 18 tỉ đồng của ngân hàng. Vụ này có sai phạm của lãnh đạo và nhân viên tín dụng Ngân hàng Agribank chi nhánh Chợ Lớn TP HCM.

Bài học đau xót mà bài viết nêu ra đó là cái tội “gửi trứng cho ác”, cất nhắc đề bạt cán bộ tùy tiện, coi nhẹ phẩm chất đạo đức, đưa những người có tiền án, tiền sự về kinh tế, bất minh về đạo đức, sa đọa về lối sống vào cấp lãnh đạo. Cụ thể là vụ Huỳnh Thị Huyền Như làm giả con dấu, chữ ký Ngân hàng Công thương, lừa đảo 3.600 tỉ đồng. Năm 2008, Như đã nổi tiếng là nhà đầu tư chứng khoán, đạo đức kém, ăn chơi phung phí nhưng vẫn được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng giao dịch chi nhánh Nhà Bè; Vụ cố ý làm trái gây thiệt hại 500 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Agribank Việt Nam, hai cán bộ ngân hàng vi phạm đều từng có tiền sự, nhưng vẫn được giao nhiệm vụ kinh doanh ngoại tệ.

Hội nghị ngày 30/11/2011 tại TP HCM do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dự. Đáng lưu ý, trong phát biểu của Đại tá Trần Duy Thanh - Cục trưởng C48 thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - phát biểu: “Điều đáng nói hầu hết các vụ án tham nhũng xảy ra việc thu hồi tài sản không đáng kể, có vụ không thu được đồng nào, do các bị can dùng tiền tham nhũng để kinh doanh chứng khoán, cá độ bóng đá, kinh doanh bất động sản thua lỗ hết”. Báo cáo cho thấy trong 8.000 tỉ đồng các ngân hàng bị thiệt hại, chỉ có khả năng thu hồi được 2.000 tỉ đồng.

Bài viết cũng trích lời ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rằng: “Gần đây xảy ra nhiều vụ sai phạm, tham nhũng trong ngành ngân hàng nhưng tỉ lệ vẫn còn ở mức thấp không có gì phải hốt hoảng”. Thảo dân nghèo, lại yếu bóng vía, nghe câu này bỗng hoảng sợ. Đồng ý là không hốt hoảng bởi bao cuộc chiến tranh vệ quốc, có lúc ngàn cân treo sợi tóc dân tộc ta còn không hoảng sợ, huống hồ… Song, 6.000 ngàn tỉ đồng mà cho là “tỉ lệ vẫn còn ở mức thấp” thì lạ quá, sợ quá! 6.000 tỉ đồng, chứ đâu phải 6.000 cân ngô, cân khoai! Số tiền ấy bằng thu nhập của 5, 6 tỉnh trong một năm chứ đâu phải đùa. Thảo dân rất cảm thông với vị tư lệnh “mặt trận” ngân hàng. Vì bức xúc với tiêu cực của ngành mình mà ông phát biểu mang tính an dân như vậy. Song, trộm nghĩ, thì ông Đinh La Thăng cũng bức xúc đó thôi. Song, xử lý của Bộ trưởng Giao thông có vẻ chuẩn và uyên bác hơn!

Cái chuyện tham ô, tham nhũng lâu nay đã chống quá nhiều mà sao nó vẫn “hoành hành” như thế? Nó đã làm giảm lòng tin của quần chúng đối với nhà nước gọi là của dân, do dân và vì dân. Nguyên nhân từ đâu? Nhất định là từ yếu tố con người. Con người thiếu phẩm chất đạo đức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng; Con người sắm ra cơ chế quản lý nhưng để quá nhiều sơ hở, lỏng lẻo dẫn tới “đục nước béo cò"; Con người có trách nhiệm, quyền hạn xử lý bọn ăn cắp mồ hôi nước mắt của dân thì thiếu kiên quyết, thiếu công tâm hoặc còn do những lý do tế nhị nào đó?

Nhìn ta mà so với gương người. Trên hành tinh này đã thiếu gì cảnh một cây cầu bị sập, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải của nước đó đã xin từ chức; Tổng thống, Thủ tướng… mãn nhiệm về vui sống điền viên với gia đình, vẫn phải ra hầu tòa bởi cái thời trước đó khi còn làm thống đốc, thị trưởng… đã dính dáng vào vụ tham nhũng nào đó.

Thời đại hội nhập quốc tế, chống tham nhũng mang tính toàn cầu. Nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu và xử lý nghiêm minh tệ nạn tham nhũng thì khó lòng hội nhập và lấy lại lòng tin của quần chúng

K.M.D.
.
.