Sự thực về tổ chức tội phạm xuyên quốc gia MS-13

Thứ Tư, 25/01/2006, 09:11

Với vài trăm thành viên lúc ban đầu, hiện nay Mara Salvatrucha, hay MS-13, đã là tổ chức tội phạm có tầm vóc quốc tế, với khoảng 50.000 thành viên, có mặt trong 13 quốc gia châu Mỹ, cũng như ở Salvador, Honduras, Guatemala, MexicoCanada.

Ernesto Miranda, một cựu thành viên MS-13 đã cải tà quy chính và đang tiến hành công việc thuyết phục các thành viên khác trở lại cuộc sống lương thiện, cho biết: “Các nguyên nhân đã khiến người dân gia nhập băng đảng này là thất nghiệp, thất học, cuộc sống cơ cực dai dẳng. Do đó tổ chức này cứ mãi phát triển ngày càng rộng lớn. Lúc đầu, mục đích của chúng tôi không phải là tổ chức các băng đảng tội phạm, nhưng chính cuộc sống bị vất ra ngoài lề xã hội đã đưa lối chúng tôi đến với bạo lực tàn khốc và ma túy để sống còn!”.

Các hoạt động phạm pháp của MS-13 lan tràn khắp lục địa châu Mỹ, và tổ chức tội phạm này đang thật sự là mối lo cho các lực lượng an ninh của Mỹ cũng như các nước Trung Mỹ. Một buổi sáng năm 2004, Trung sĩ cảnh sát Alan Patton phát hiện xác chết trần nửa người của Javier Calzada, 21 tuổi, trên mình xăm đầy hình thú vật, trong một cánh rừng ở Texas. “Hệt như một cảnh trong phim kinh dị”, Javier thốt lên.

Vài tháng sau, người ta lại bắt gặp xác chết bị cưỡng bức của Brenda Paz, 17 tuổi, trên bờ sông Shenandoah, bang Virginia. Brenda Paz đã bị băng đảng MS-13 trừng trị vì tội dám hợp tác với cảnh sát để thông tin về hoạt động của băng đảng.

Ít lâu sau, cách đó hàng ngàn kilômét, ở Honduras, một chiếc xe buýt chở 28 hành khách bị rơi vào ổ phục kích của MS-13. Vũ trang súng tiểu liên và lựu đạn, bọn tội phạm tấn công và sát hại tất cả, bất kể phụ nữ, trẻ em, đàn ông và bọn chúng còn gửi thông điệp đến Tổng thống Ricardo Maduro: “Cứ tấn công bọn tao đi, nhưng bọn tao vẫn cứ giết người!”.

Vài tháng trước đó, các lãnh đạo cao cấp của 4 quốc gia Trung Mỹ (Guatemala, Salvador, Honduras và Mexico) đã họp bàn về mối đe dọa của MS-13 và cùng đưa ra chính sách bắt giữ và tống giam có hệ thống các thành viên của tổ chức tội phạm này, cho dù chúng có phạm tội hay không. Chỉ một hình xăm MS-13 đơn giản đôi khi cũng đủ để tống một thiếu niên vào khám và sau đó phải chịu nhiều tra tấn.

Tom Hayden, nguyên Thượng nghị sĩ và chồng cũ của nữ diễn viên điện ảnh Jane Fonda, chuyên gia nổi tiếng về MS-13, nói: “Cho dù ở Trung Mỹ hay nước Mỹ, chỉ có phần trăm nhỏ bé các thành viên MS-13 thật sự phạm các tội ác bạo lực. Phần đông thanh niên gia nhập một băng đảng để có một gia đình, để tán tỉnh con gái và cũng để tự vệ. Họ sinh sống trong các khu phố đầy ắp bạo lực do cảnh sống khốn cùng gây ra. Chủ nghĩa kỳ thị, sự ngược đãi từ phía cảnh sát và việc khám xét liên tục đã biến họ thành những con người chai lì và đôi khi thành những con thú hoang bất trị”.

Để đối phó với tổ chức tội phạm MS-13, đơn vị Sombra Negra (Bóng đen) được thành lập dưới sự hỗ trợ của chính quyền Salvador nhằm mục đích duy nhất là trừ khử những thanh thiếu niên bất hảo này. Mặc đồng phục và mang mặt nạ màu đen, người của Sombra Negra liên tục săn đuổi các thành viên nghi ngờ là của MS-13, đánh đập dã man mà không cần điều tra. Để chống lại, các thành viên của MS-13 và gia đình đã chiếm lĩnh nhà thờ San Salvador vài ngày vào cuối năm 2004.

Tại quốc gia Honduras láng giềng, thi thể của khoảng 900 thiếu niên trong độ tuổi 12 - 18 bị quy cho là thành viên của MS-13 nằm lăn lóc ngoài đường phố, bờ sông và trong các thùng rác ở thành phố Tegucigalpa, sau khi chính sách “mano dura” (bàn tay sạch) được tiến hành cách đây 5 năm. Tom Hayden nhận xét: “Dù sao đó cũng là con người, chứ không phải thú vật. Nếu họ phạm tội, người ta nên truy tố trước pháp luật”.

Các thiếu niên tội phạm rời Salvador từ nhỏ để theo cha mẹ di cư vào đất Mỹ đã mang theo cả bạo lực. Nói thứ tiếng “Spanglish” (pha trộn giữa tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha), trên mình xăm vằn vện, họ không được cộng đồng chấp nhận.

Los Angeles, nơi ghi nhận có đến 1.400 thành viên MS-13, một mệnh lệnh do Công tố viên trưởng thành phố Rocky Delgadillo ban hành trong tháng 5/2004 nhằm hạn chế các hoạt động của băng đảng này: Không tụ tập hội họp, đe dọa khách qua đường, uống rượu nơi công cộng hay vẽ bậy lên tường.

Một đơn vị chống MS-13 thường xuyên tuần tra trên các con phố để bảo đảm mệnh lệnh này tuân thủ. Nhờ đó mà tỉ lệ phạm tội đã giảm 15,9% trong vòng 1 năm. Nhưng thực ra MS-13 chỉ là cái cớ cho phép nước Mỹ tăng ngân sách cho cảnh sát, FBI và hệ thống nhà lao.

Mặc dù được mô tả là bọn tội phạm nguy hiểm, sắt đá, nhưng theo Gregory Boyle, người thành lập Tổ chức Nhân đạo Homeboy Industries chuyên cứu giúp các thành viên của băng đảng trở về cuộc sống lương thiện: “Tất cả những cuộc chiến chung quanh MS-13 là điên rồ. Người ta cứ mãi nói rằng một thành viên rời bỏ nhóm sẽ bị giết chết, nhưng các tay giang hồ được tôi giúp rời bỏ MS-13 đến nay vẫn còn sống sờ sờ ra đó. Tuyệt đại đa số các thanh thiếu niên phạm tội này đều mong muốn thay đổi cuộc sống. Chúng không muốn chôn vùi phần đời còn lại của chúng trong nhà tù hay cái chết”

Trần Thanh Phong (theo Le Monde)
.
.