Sự việc và suy ngẫm: Một, hai, ba, dzô!...

Thứ Bảy, 08/11/2014, 07:35

Cái salon tiệc cưới có sức chứa dễ đến dăm, bảy trăm thực khách, bỗng chốc rần rần nổi lên những tiếng hô như hô khẩu hiệu và nó được điệp khúc tới 3 lần: "Một. Hai. Ba. Dzô!..." làm rung động cả hội trường, khiến bao người ngơ ngác và khỏa lấp hoàn toàn âm thanh của dàn nhạc sống đệm cho nữ ca sĩ đang trình bày một bản tình ca nổi tiếng. Thật là trái khoáy!

Một ông già người dân tộc, từ miền núi Cao Bằng về dự tiệc cưới, ngồi cùng mâm, ghé sát tai tôi hỏi:

- Đang tiết mục văn nghệ mà họ làm gì ầm ầm thế?

- À!... họ chúc nhau và hô lấy đà để cạn cốc đấy cụ ạ. Thế trên cụ lớp thanh niên họ không làm vậy à!

- Chả có đâu! Trên mình vui liên hoan người ta chỉ cụng chén căm pay (cạn chén) thôi. Thế cái tục này có lâu chưa? Hồi còn công tác, mình về học cả năm ở Hà Nội mà không gặp?

- Dạ!... cũng nảy nòi mấy năm nay thôi, chứ trước kia đâu có.

Ông già cầm cốc bia còn chừng phân nửa, chìa sang phía tôi.

- Mình ở miền núi yên tĩnh, quen rồi, ở đây đau cái đầu lắm, xin căm pay với chú, cho mình về trước.

Quan sát các mâm, lác đác nhiều nơi các ông già, bà lão đều rút lui.

Từ sự việc trên cùng với lời nói của ông già dân tộc, tôi bỗng giật mình về câu phỏng đoán của mình. Hình như "cái tục" này đã xuất hiện ở  Hà Nội từ rất lâu rồi. Không phải chỉ ở tiệc cưới, mà ngay trong các cuộc liên hoan ở cơ quan, đơn vị, liên hoan sinh nhật, mừng lên lương lên chức ở các khách sạn, nhà hàng… có nghĩa là ở nơi nào có ăn nhậu là nó xuất hiện. Đầu tiên là lớp trẻ, rồi lan sang lớp có tuổi. Thậm chí có nơi, cán bộ lãnh đạo khi cầm cốc bia đi chúc anh em còn chủ động giành quyền "lĩnh xứng" các điệp khúc "hô khẩu hiệu" trên.

Được lãnh đạo trực tiếp "lĩnh xướng" nên tiếng "Dzô" đồng thanh càng to hơn, to đến rối loạn tiền đình của bậc lão gia. Thật là khủng khiếp. Kỳ lạ! Có lẽ đây là chiêu độc nhất, chỉ có ở xứ ta. Chẳng nơi nào có cảnh ầm ỹ trong bữa ăn. Nó vừa phản khoa học, vừa mất vệ sinh. Sau một ngày hội họp, làm việc, vào tiệc chiêu đãi, tiệc cưới, vào cửa hàng ăn…

Sau cái mục chương trình nghị sự là nâng ly nhẹ nhàng chúc nhau, rồi cùng thưởng thức các món ăn. Nếu có trao đổi, tâm sự gì với nhau cũng nhỏ nhẹ ngay trong khuôn viên cái mâm của mình, không làm ảnh hưởng xung  quanh. Dù trong hoàn cảnh nào, ăn cũng là một nét văn hóa. Ầm ỹ khi ăn sẽ ức chế người khác, nước bọt bắn lung tung rất mất vệ sinh.

Tác giả bài viết này còn nhớ, thời xây dựng quân đội chính quy hiện đại, các nhà ăn tập thể đều gắn bản nội quy với nội dung cơ bản: Tất cả phải ăn đũa 2 đầu (đầu gắp thức ăn và một đầu và cơm); nhúng bát đũa vào nước sôi trước khi ăn; trật tự, im lặng khi ăn… vui thì cũng tùy lúc, chả nên thể hiện ầm ỹ trong bữa ăn, nó vừa làm biến dạng Hà thành thanh lịch, vừa mếch lòng gia chủ và nhiều quan khách.

Đôi điều suy ngẫm về hiện tượng "hô khẩu hiệu" ầm ỹ trong tiệc tùng ăn uống, mong sao nó sớm phôi phai cùng năm tháng, trả lại nếp văn hóa ẩm thực vốn có của người Việt - chúng ta

Trầm Mặc Tưởng
.
.