Sự việc và suy ngẫm: Nỗi niềm

Thứ Ba, 16/12/2014, 08:45
Nhân ngày nghỉ tôi tới phòng làm việc, lục lọi trong mớ bòng bong những kỷ niệm chiến trường để chuẩn bị tư liệu cho một bài báo tết thì nhà văn Ngôn Vĩnh bước vào, anh buông một câu khiến tôi giật mình, ngơ ngác.
- Này, anh đã đọc báo hôm nay chưa? Chuyện "động trời" về người đồng hương của anh đấy!
- Sao, dân Hà Tây tôi có chuyện gì vậy?
- Không phải Hà Tây mà là Bến Tre kia.
Tôi lật vội chồng báo trên bàn mà lúc tới chưa kịp xem. Quả là như vậy, từ Báo Công an nhân dân, Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ… đều đăng công khai tóm tắt nội dung thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về 6 địa chỉ đất và nhà thuộc về tài sản của vợ chồng và các con ông cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
Tác giả tại ngôi nhà của mẹ Việt Nam anh hùng Đồng Thị Khoái.

Thực ra vụ này tôi không mấy ngạc nhiên, bởi cách đây dăm tháng, tôi đã có bài viết đăng trên Chuyên đề ANTG về nhân vật này. Nhưng lúc đó chỉ tập trung vào một việc, đó là vấn đề bổ nhiệm cán bộ ở cơ quan này. Còn việc nhà cửa, đất đai, nhất là cái dinh thự "khủng" tọa lạc trên mảnh đất "khủng" ở Bến Tre dù có nghe dư luận bàn tán nhiều nhưng chưa có tài liệu chắc chắn, lại nghe tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc nên chưa dám đưa vào bài viết.

Bộc bạch cõi lòng như vậy, song, tôi vẫn còn niềm tin rằng, sự việc ông Trần Văn Truyền sẽ là bài học kinh nghiệm cho lãnh đạo các cấp, các cơ quan chức năng nghiêm túc nghiên cứu để tìm ra sơ hở yếu kém trong công tác quản lý cán bộ, quản lý tài sản, tài nguyên, đất đai… nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thời gian tới đạt kết quả tốt hơn. Đó là điều kiện tiên quyết để củng cố và lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Nghị quyết của Đảng về chống tham ô tham nhũng có thể các vị chưa thấm; luật pháp có thể các vị lỡ quên, song, lời dạy của tiền nhân "Miếng ăn quá khẩu thành tàn" chẳng lẽ các vị không biết; lại nữa: "Tiền của như núi, khi nhắm mắt xuôi tay có đem theo được đâu. Hãy sống cho tử tế, để lại danh thơm cho đời. Đừng để lại oán than mai mỉa"…

Căn nhà của ông Trần Văn Truyền.

Tôi có 10 năm công tác và chiến đấu tại chiến trường "B". Trong đó có 5 năm hoạt động tại Bến Tre (thuộc Cụm tình báo H67 - Đoàn tình báo chiến lược J22). Chủ yếu bám trụ tại địa bàn xã An Phước, huyện Châu Thành. Ở đó tôi có một bà má đỡ đầu - bà Đồng Thị Khoái (Mẹ Việt Nam Anh hùng) thường gọi là bà Mười, nhà tại ấp I xã An Phước. Bà có 4 người con trai, đều là cán bộ chủ chốt của du kích xã (xã đội trưởng, xã đội phó, chính trị viên xã đội và ấp đội trưởng). Từ năm 1969 tới 1972 cả 4 người đều hy sinh. Khi người con trai cuối cùng của bà là Xã đội phó Sáu Ngang hy sinh thì bà như người mắc chứng tâm thần, chạy đi khắp mương dừa để tìm con. Trước tình cảnh đó, Bí thư chi bộ là anh Hai Chánh gặp tôi và đề nghị tôi  nhận bà Mười là má nuôi để an ủi động viên tư tưởng bà.

Giữa năm 1974, tôi được điều về "R" công tác. Kết thúc chiến tranh tôi ra Bắc, chuyển ngành sang lực lượng Công an. Những chuyến công tác vào phía Nam, tôi đều tranh thủ về An Phước thăm bà. Khi bà qua đời, tôi đang đi công tác xa nên không về được. Khi về thắp hương cho bà mới được biết hơn một năm trước, địa phương đã cất tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đồng Thị Khoái một căn nhà nhỏ ngay trên mảnh vườn mấy công đất của gia đình. Căn nhà đơn sơ, cột gỗ, mái lợp tôn xi măng, vách thưng gỗ, Bến Tre là một tỉnh nghèo, với hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, địa phương lo được như vậy là quá cố gắng.

Vấn đề thứ hai khiến tôi tự hào được nhận Bến Tre là quê hương thứ 2 của mình, nó liên quan tới hoạt động văn học của tôi thời bám trụ ở đó. Với hơn 10 tác phẩm (truyện ngắn, ký và thơ) chủ yếu viết về Bến Tre. Tôi vinh dự là người duy nhất quê miền Bắc được in 20 trang trong tuyển tập Văn học chữ viết Bến Tre từ thời cụ Đồ Chiểu tới 30/4/1975. Theo anh Bảy Hoàng (Vũ Hoàng), sau này là Phó chủ tịch tỉnh cho biết, Thái Dương (tên thường gọi của tôi ở chiến trường) được đưa vào tuyển tập là do lãnh đạo địa phương thống nhất chủ trương "Ai là người ngoại tỉnh, đã chiến đấu và sáng tác văn học ở Bến Tre thời kháng chiến với thâm niên 5 năm trở lên thì coi là người Bến Tre".

Bởi thế, tôi rất mừng vui trước sự phát triển ở quê hương thứ 2 của mình và cố nhiên cũng mang nỗi buồn phiền khi có sự cố xảy ra ở đó, kể cả những chuyện không vui liên quan tới người Bến Tre.

Khu cư xá Hoàng Cầu
Tiết Đông 2014

Khổng Thái Dương
.
.