Syria: Đối thoại để chấm dứt chiến tranh

Thứ Tư, 01/08/2018, 17:00
Ngày 28-7, Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) do người Kurd thống lĩnh, cánh chính trị của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn tuyên bố nhóm này và Chính phủ Syria đã nhất trí thành lập các ủy ban đối thoại để chấm dứt chiến tranh và phi tập trung hóa Syria. Đây là sự kiện chưa từng có nhằm chấm dứt bạo lực tại Syria.

Các cuộc đàm phán đã diễn ra hôm 28-7 tại thủ đô Damas giữa chính quyền và một phái đoàn của SDC. Đây mới chỉ là bước đầu của cả quá trình đàm phán, có thể sẽ kéo dài ít nhất một năm. Tuy nhiên, đợt tiếp xúc đầu tiên này đã mang lại một số tín hiệu tích cực.

Cuộc thương lượng ở Damas đã đi đến kết quả là thành lập các ủy ban hỗn hợp để nghiên cứu mọi vấn đề như chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, hành chính và nhân đạo. Mục tiêu cuối cùng là chấm dứt chiến tranh, tính đến nay đã kéo dài 7 năm, và thành lập hệ thống phi tập trung tại Syria.

Đây là một chương trình lớn, nói thì dễ mà làm thì khó, vì khó khăn nằm ở trong các chi tiết. Hồi năm ngoái, chính quyền Damas đã phản đối thành lập khu vực tự trị của người Kurd nhưng đến cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Walid Muallem tuyên bố “một hình thức kiểu khu tự trị” có thể được thương lượng. Nhưng giữa những gì mà phe người Kurd đòi hỏi và điều mà chính quyền trung ương sẵn sàng chấp nhận là cả một hố sâu ngăn cách. Chính quyền Syria sẵn sàng nới lỏng về các vấn đề hành chính và kinh tế nhưng lại tỏ ra không nhân nhượng trên các vấn đề quân sự và an ninh.

Cuối tháng 5-2018, Tổng thống al-Assad cho biết chính phủ của ông sẵn sàng mở cuộc đàm phán với SDF, nhưng ông cũng nhấn mạnh sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu thấy cần thiết để bảo đảm quân đội chính phủ quay trở lại khu vực này, cũng như duy trì thể chế nhà nước tại những khu vực do SDF nắm giữ. SDF đang kiểm soát nhiều nơi ở khu vực Bắc Syria sau khi đẩy lùi các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Cuộc đàm phán mở ra trong bối cảnh quân đội Syria ngày 28-7, tuyên bố giải phóng gần như toàn bộ lãnh thổ tỉnh Quneitra, nằm trên Cao nguyên Golan, miền nam Syria. Hầu hết các khu định cư, cũng như trước đó ở tỉnh Deraa láng giềng, đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội bằng con đường hòa bình, nhờ cuộc đàm phán thành công của Trung tâm Nga hòa giải các bên tham chiến tại Syria với chỉ huy các nhóm vũ trang. Đây là hai tỉnh do quân nổi dậy Syria kiểm soát một phần, nằm tiếp giáp với Jordani và vùng Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.

Ilham Ahmed và Riad Darar, đồng Chủ tịch Hội đồng Dân chủ Syria (SDC).

Theo tiến sỹ Evgeni Klauber thuộc Đại học Tel Aviv, mục tiêu hàng đầu của chính quyền Syria hiện nay là giành lại kiểm soát toàn bộ lãnh thổ như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2011. Mục tiêu này chưa đạt được vì IS tuy đã bị đánh bại về mặt quân sự nhưng vẫn hiện diện tại nhiều khu vực. Hiện quân đội chính phủ Syria đã kiểm soát khoảng 2/3 lãnh thổ nước này, trong khi tình hình cũng đang tiến triển tích cực tại khu vực Tây Nam.

Đối với Israel, tiến sỹ Klauber cho rằng vấn đề của nước này tại Syria là Iran. Isarel cáo buộc Iran ủng hộ các nhóm bị coi là khủng bố như Hezbollah tại Liban ở phía bắc Israel, và Hamas tại Dải Gaza phía nam Israel. Trong khi đó, Iran muốn có ảnh hưởng lâu dài tại Syria để cân bằng ảnh hưởng với Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, hai đối thủ cạnh tranh lớn của Iran trong khu vực.

Đối với sự hiện diện của Nga tại Syria, tiến sỹ Klauber đánh giá Moskva hậu thuẫn chính quyền Tổng thống al-Assad để thể hiện kiên định chính sách duy trì sự ổn định tại khu vực. Về tính toán của Mỹ, tiến sỹ Klauber nhận định Mỹ ủng hộ trực tiếp và gián tiếp một số lực lượng đối lập tại Syria, nhưng rất khó xác định rõ Mỹ đang hỗ trợ cho những bên nào.

Mỹ và phương Tây đã thúc đẩy tiến trình đàm phán Geneva về Syria giữa các lực lượng đối lập và chính quyền Syria, nhưng cũng có một số nhóm đối lập được bên ngoài hậu thuẫn không tham gia đàm phán. Điều này có nghĩa các nhóm này vẫn tiếp tục kiểm soát một số khu vực và chiến sự vẫn tiếp diễn tại Syria.

Tiến sỹ Klauber nhấn mạnh rõ ràng, các nước can dự vào cuộc khủng hoảng Syria đều muốn đạt được các tính toán riêng và không bên nào muốn các bên còn lại dễ dàng đạt được mục tiêu của mình.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.