Syria: Đường đến Geneva đầy chông gai

Thứ Tư, 05/06/2013, 14:50

Hội nghị hòa bình do Nga và Mỹ đề xuất và đồng chủ trì dự kiến tổ chức vào ngày 30/5 đã không thể diễn ra như dự kiến, mà phải dời sang tháng 6. Thay vào đó là hàng loạt động thái căng thẳng giữa các cường quốc bên ngoài Syria, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề cung cấp vũ khí cho các bên tham chiến.

Đầu tiên là việc Liên minh châu Âu hôm 27/5 đã nhất trí dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với phe đối lập ở Syria - một động thái tương tự như đã từng thực hiện hồi đầu tháng 5 - nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nước thành viên khối và các công ty, doanh nghiệp quốc phòng phương Tây cung cấp vũ khí cho lực lượng phiến quân đối lập chống Chính phủ Syria.

Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, EU tháo bỏ cấm vận vũ khí cho phe đối lập ở Syria, nhưng đồng thời vẫn giữ nguyên và siết chặt thêm các lệnh cấm vận khác đối với Syria là nhằm "đánh tín hiệu cho chế độ Syria rằng họ cần phải đàm phán một cách nghiêm túc". Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ các nước thành viên khác trong EU lại tỏ vẻ không hài lòng với động thái nguy hiểm này của EU.

Các đại diện của Áo, Thụy Điển, Phần Lan và CH Séc đã đồng loạt phản đối, cho rằng việc gỡ bỏ cấm vận vũ khí sẽ chỉ làm cho bạo lực gia tăng ở Syria chứ không thể giúp giải quyết được vấn đề. Theo sau “tín hiệu khởi đầu”, EU sẽ nhóm họp lại vào tháng 8 tới để quyết định về việc chính thức cung cấp vũ khí cho phiến quân Syria. Nhưng, phiến quân Syria vẫn hy vọng vũ khí của EU sẽ được chuyển đến cho họ ngay cả khi chưa có quyết định chính thức. Với số vũ khí này, phiến quân Syria sẽ "hồi sinh" và tiếp tục cuộc nội chiến.

Giống như trước đây, ngay sau khi EU thể hiện sự hậu thuẫn mạnh mẽ bằng việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, phe đối lập Syria lập tức có ngay hành động "cứng rắn" bằng tuyên bố hôm 30/5 rằng họ sẽ "không tham gia hội nghị hòa bình Geneva". Điều kiện mà phe đối lập Syria đưa ra lần này là họ sẽ không tham gia nói chuyện chừng nào lực lượng quân đội của Hezbollah và Iran còn tham gia chiến đấu trên đất Syria. Điều này hoàn toàn ngược lại với thái độ của phe đối lập Syria cách đây mấy tuần, khi đó họ có vẻ muốn tham gia đàm phán, vì về cơ bản họ đã không còn cách nào khác. Bây giờ thì họ đã có "cứu tinh".

Ngay sau động thái trái khoáy của EU, nước Nga - 1t trong 2 nước đồng bảo trợ Hội nghị hòa bình Geneva - cũng đã lên tiếng khẳng định tiếp tục triển khai hợp đồng cung cấp vũ khí cho Chính phủ Syria. Phát biểu với báo chí hôm 29/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định, Nga sẽ tiến hành bàn giao cho Chính phủ Syria số vũ khí theo các hợp đồng đã ký kết trước đây. Các loại vũ khí giao đợt này bao gồm 20.000 khẩu súng trường tấn công Kalashnikov cùng 20 triệu viên đạn; các loại súng máy, súng phóng lựu và lựu đạn, súng bắn tỉa kèm ống kính nhìn xuyên đêm. Đặc biệt, trong các đơn hàng còn có hàng chục quả tên lửa đa năng hiện đại S-300 có tầm bắn 200 km mà Israel rất quan tâm, lo ngại.

Hệ thống tên lửa S-300 của Nga.

Các chuyên gia vũ khí Nga cũng khẳng định, S-300 là loại vũ khí phòng không, sẽ không có tác dụng chống lại phiến quân đối lập Syria, chủ yếu là để chống lại máy bay chiến đấu xâm nhập từ bên ngoài, do đó sẽ hạn chế đáng kể năng lực "tung hoành" của không quân Israel. Hơn nữa, Israel còn lo rằng, khi có trong tay S-300, Syria có thể sẽ cung cấp cho Hezbollah - kẻ thù truyền kiếp của Israel.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon đã lên tiếng cảnh báo nếu Nga vẫn tiếp tục giao loại vũ khí này cho Syria thì Israel sẽ cho máy bay tấn công vào chuyến hàng vận chuyển vũ khí của Nga. Ngày 30/5, thông tin từ Chính phủ Syria cho biết họ đã nhận được chuyến hàng vũ khí tên lửa S-300 của Nga để tăng cường năng lực phòng thủ trước sự can thiệp từ bên ngoài.

Giới quan sát quốc tế lo ngại, nếu tình báo Israel phát hiện ra các tàu vận chuyển vũ khí của Nga và tấn công chúng như đã cảnh báo, nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và Israel là rất lớn. Đây sẽ là kịch bản xấu nhất mà mọi người đều không mong muốn. Và việc giằng co giữa Mỹ và đồng minh với Nga trong việc hậu thuẫn các bên tham chiến ở Syria khiến cho giới phân tích nhìn nhận đây là một hình thức "Chiến tranh lạnh kiểu mới" giữa Nga và Mỹ đang hình thành ở Trung Đông

An Châu (tổng hợp)
.
.