Syria: Hiểm họa Al - Qaeda

Thứ Bảy, 28/04/2012, 15:20

Bạo lực và bất ổn đang tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan lợi dụng bành trướng tại Syria. Một kịch bản tương tự Yemen đang lặp lại tại Syria? Trong khi đó, các nỗ lực triển khai kế hoạch hòa bình của đặc phái viên Kofi Annan vẫn đang gặp khó khăn do bạo lực tiếp tục bùng phát tại nhiều địa điểm cũ, khiến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc quyết định triển khai lực lượng quan sát viên tối đa đến 300 người.

Sau khi các quan sát viên đầu tiên đến khảo sát tại thành phố Homs và các khu vực ngoại ô thủ đô Damascus buộc phải tháo chạy và rút khỏi Syria để tránh bạo lực, Hội đồng Bảo an LHQ đã quyết định phải có hành động quyết liệt hơn về tình hình Syria.

Tại phiên họp ngày 21/4, Hội đồng Bảo an đã nhất trí thành lập một phái bộ LHQ đầy đủ gồm 300 quân nhân không trang bị vũ khí và một số chuyên gia, quan chức dân sự đến Syria để thực hiện công việc giám sát thực thi kế hoạch ngừng bắn giữa quân đội Chính phủ với lực lượng phiến quân. Ngày 23/4, nhóm quan sát viên đầu tiên đã đến Syria và có chuyến giám sát đầu tiên đến thành phố trọng điểm Homs.

Vấn đề là "cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng". Từ ngày 12/4, Chính phủ Syria đã cho rút quân đội khỏi các thành phố lớn và các khu vực đông dân cư đúng theo yêu cầu trong kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan đặt ra. Thế nhưng, như đã dự báo trước, các hoạt động hỗ trợ tích cực từ bên ngoài của các quốc gia phương Tây trong cái gọi là Những người bạn của Syria (FOS) đã tạo khí thế cho thành phần chống đối Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục tìm cách gây hấn, để rồi Damascus có muốn ngồi yên cũng không được.

Trong khi đó, các nước phương Tây hậu thuẫn cho phe đối lập Syria vẫn không ngừng đưa ra những yêu cầu không thể chấp nhận được đối với ông Assad là "ngừng triển khai quân đội chống lại lực lượng nổi dậy". Mỹ, Pháp và nhóm FOS hoàn toàn đứng về phía phiến quân chống Chính phủ Syria, liên tục cáo buộc Chính phủ Syria "không thực hiện cam kết" hòa bình. Hành động này đã bị Nga và Trung Quốc không dưới 2 lần cảnh báo là chỉ làm hại cho việc triển khai kế hoạch hòa  bình, giải quyết khủng hoảng tại Syria.

Các quân nhân trong phái bộ LHQ đến Syria.

Trong khi làn sóng bạo lực không thể chấm dứt được, thành phần chống đối Tổng thống Assad vẫn muốn duy trì các  hoạt động ở hầu hết các thành phố chính, thì một nỗi lo khác lại đến. Thông tin báo chí Syria cho biết, trong vài tuần lễ gần đây, thành phần Hồi giáo cực đoan, cấp tiến đã bắt đầu trà trộn vào khu vực chống Tổng thống Assad ở các thành phố miền Nam để lôi kéo những người bất mãn, chống đối Tổng thống Assad tập hợp lại thành lực lượng ngày càng lớn mạnh.

Giới chức ngoại giao phương Tây cho biết đã phát hiện một đường dây thánh chiến xâm nhập vào Syria từ phía Iraq, còn Chính phủ Jordan thì cho biết đã bắt giữ ít nhất 4 nghi phạm thánh chiến đang trên đường tới Syria để tham gia vào làn sóng biểu tình chống Tổng thống Assad. Trong các nhóm thánh chiến xâm nhập Syria nổi lên một tổ chức có tên gọi là Mặt trận Al-Nusra có liên hệ với Al-Qaeda.

Chính Mặt trận al-Nusra đã nhận trách nhiệm thực hiện các vụ đánh bom vào các cơ quan Chính phủ Syria ở Damascus và Aleppo cách đây vài tháng gây thiệt hại đáng kể về nhân mạng. Điều đáng ngại là các nhóm thánh chiến này hoạt động "tự do", không cùng chung chiến tuyến với Quân đội Syria Tự do (FSA), và đến các thành phố nổi loạn để chiêu mộ thêm người, tổ chức các cuộc tập kích tấn công vào các cơ quan công quyền và các thành phố, thị trấn do Chính phủ kiểm soát. Abu Mustafa, một chỉ huy của FSA cho báo chí biết, các đơn vị của FSA tại các thành phố Aleppo, Hama và Dara'a đã liên tục nhận được lời mời chào "hợp tác" của những nhóm thánh chiến trên.

Mối đe dọa thánh chiến tại Syria làm người ta giật mình nhớ lại tình hình tương tự tại Yemen. Tính đến ngày 24/4, cuộc chiến giữa quân đội Chính phủ Yemen với thành phần Hồi giáo cực đoan có quan hệ với Al-Qaeda vẫn đang diễn ra ác liệt và gây ra những tổn thất không nhỏ cho quân đội Chính phủ. Yemen có sự trợ giúp quân sự của Mỹ mà còn chưa thể giành ưu thế rõ ràng trong cuộc chiến chống Al-Qaeda ở miền Nam, thử hỏi Syria sẽ như thế nào khi vừa phải đối phó với làn sóng biểu tình, phiến quân FSA lại vừa phải chống lại với mối đe dọa Hồi giáo cực đoan?

Tờ Globe and Mail của Canada đã có lý khi viết rằng "Mùa xuân Arập" của năm ngoái nay đã được thay thế bởi "Mùa xuân Hồi giáo", ở đây là Hồi giáo cực đoan, là thánh chiến, đe dọa an ninh cho khu vực Trung Đông và cả thế giới. Nếu phương Tây có muốn "hành động quyết liệt vì Syria", có lẽ họ nên hành động vì lý do dẹp loạn "Mùa xuân Hồi giáo" thì hơn

An Châu (tổng hợp)
.
.