Syria: Khủng hoảng chính quyền

Thứ Tư, 08/06/2005, 11:15

Ngày 7/6, lần đầu tiên trong 5 năm qua, Quốc hội Syria đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp với 1.221 thành viên trong đảng cầm quyền Baath. Với quyết tâm cải tổ đất nước, đẩy lùi ảnh hưởng chính trị từ các thế lực nước ngoài, Tổng thống Bashar Al Assad đang hy vọng cuộc họp sẽ tạo thanh thế mới cho cả ông và nội các chính phủ.

Giải pháp phát triển kinh tế, tăng thu nhập bình quân đầu người của Syria (hiện GDP là 1.040 USD/người) cùng việc giảm thiểu 20% thất nghiệp dự định sẽ là những nội dung chính của cuộc họp kéo dài 3 ngày. Thế nhưng, những ý định đó của Tổng thống đã không trở thành hiện thực bởi lẽ cơn sóng ngầm chính trị đã bắt đầu nổi lên.

Đợt sóng ngầm chính trị đầu tiên bắt đầu khi Phó Tổng thống Abdul Halim Khaddam đệ đơn xin từ chức và xin rút khỏi đảng cầm quyền Baath. Tuyên bố này được đưa ra tại phiên khai mạc cuộc họp. Không một lý do, không lời giải thích, ông Abdul Halim Khaddam đã rời phòng họp trong sự ngỡ ngàng của nội các chính phủ.

Vốn được mệnh danh là "kiến trúc sư trưởng" cho ảnh hưởng của Syria tại quốc gia láng giềng Lebanon, Phó Tổng thống Abdul Halim Khaddam là người có uy tín lớn trên chính trường Syria nói riêng và vùng Vịnh nói chung. Ông không chỉ là cánh tay phải mà còn là người thầy của đương kim Tổng thống Bashar al-Assad bởi ông từng làm việc dưới thời cha Tổng thống, ông Hafez al-Assad.

Bất ngờ trước sự ra đi của Phó Tổng thống Abdul Halim Khaddam, đương kim Tổng thống Bashar al-Assad tưởng chừng bị suy sụp hoàn toàn. Có thể thấy rằng vào thời điểm Syria đang bị cả phương Tây, nhất là Mỹ và Israel chĩa mũi dùi công kích thì việc ông Abdul Halim Khaddam từ chức đã tạo nên một lỗ hổng lớn cho chính phủ.

Chưa rõ đảng Baath có phê chuẩn đơn xin từ chức hay không, nhưng theo quan điểm của các nhà phân tích thì sự kiện này đã tạo nên vết rạn mới trong nội bộ chính quyền Damascus. Gánh nặng của Tổng thống Bashar al-Assad hiện giờ là phải làm sao tìm được sự đồng thuận với các thành viên Quốc hội trong công cuộc cải cách kinh tế, chống tham nhũng mà ông đưa ra trước thềm cuộc họp lần này.

Song song với việc này, Tổng thống Bashar al-Assad còn phải tìm biện pháp khéo léo, đẩy lùi khả năng Mỹ ra lệnh cấm vận đối với Syria vì những cáo buộc liên quan đến quân nổi dậy ở Iraq và sự không hài lòng với việc nhùng nhằng rút quân Syria khỏi lãnh thổ Lebanon.

Từ sau vụ ám sát Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri tại thủ đô Beirut ngày 14/2, Syria bỗng dưng trở thành tâm điểm chú ý của nước ngoài và đã bị các quốc gia phương Tây cáo buộc đứng đằng sau vụ ám sát. Mặc dù đã có ít nhất 2 đoàn điều tra độc lập của LHQ được thành lập để tìm hiểu vụ việc này và đến nay vẫn chưa có một bằng chứng nào cho thấy chính quyền Damascus có liên quan, song Syria vẫn bị cho là nghi phạm số 1. Mỹ rồi đến Israel liên tục thúc ép cộng đồng quốc tế có biện pháp mạnh với chính quyền Damascus.

Nhiều người đã đặt câu hỏi, phải chăng Syria là quốc gia tiếp theo sau IraqIran mà liên minh Mỹ-Israel muốn tiêu diệt? Nếu vậy thì có thể chính những thế lực này đứng đằng sau, khuấy những đợt sóng ngầm chính trị ở Syria lên thành cao trào để "đục nước béo cò"

Huyền Chi
.
.