Syria: Kịch bản can thiệp quân sự đang dần lộ diện

Chủ Nhật, 10/06/2012, 15:20

Washington mới đây đã có nhiều động thái cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự đang ngày một gia tăng tại Syria, cũng như nhắc tới khả năng về một số hành động can thiệp mà không cần có sự cho phép của Hội đồng Bảo an LHQ. Ngày 30/5 vừa qua, lực lượng nổi dậy của cái gọi là Quân đội Syria tự do (FSA) đã đưa ra một tối hậu thư mới, yêu cầu chính quyền Bashar Assad trong vòng 48 giờ phải thực thi kế hoạch hòa bình của Kofi Annan.

Tất cả những dấu hiệu trên đều nói về một điều duy nhất: khả năng can thiệp quân sự vào Syria đang tới gần. Tuy nhiên cũng có nhiều yếu tố để khẳng định, "kịch bản Libya" sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu đem áp dụng tại Syria…

Những gì đang diễn ra xung quanh Syria có thể coi là sự chuẩn bị về mặt hình thức cho kế hoạch can thiệp quân sự của phương Tây. Ngày 20/5 vừa qua, Bộ Ngoại giao các nước như Đức, Italia và Pháp đã quyết định trục xuất các đại sứ của Syria, một dấu hiệu cho thấy mức độ căng thẳng nghiêm trọng của tình hình. Một phần nào đó, những hành động trên có nghĩa là một dấu hiệu về khả năng chuyển đổi sang các hành động quân sự.

"Dù tồi tệ nhất, nhưng đó có lẽ là một kịch bản có khả năng nhất. Bạo lực và xung đột gia tăng và lây lan sang các quốc gia khác trong khu vực. Khủng hoảng đang bùng phát. Vũ khí từ khắp các nơi đổ về Syria. Khi đó, các thành viên của Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế không còn lối thoát nào khác ngoài việc hành động bên ngoài khuôn khổ các đặc quyền của Hội đồng, cho dù tất cả chúng ta đều chắc chắn muốn tránh điều này" - Susan Rice, đại diện toàn quyền của Mỹ tại LHQ, đã tuyên bố như vậy sau một phiên họp của Hội đồng Bảo an. Bất cứ ai cũng chẳng cần nhọc công tìm kiếm những ẩn ý của Susan Rice, khi mọi chuyện đã được bà ta nói thẳng không chút úp mở.  

Bà Rice cũng nhắc tới một số kịch bản ít có khả năng, theo đó Damascus dù sao cũng chấp nhận một thỏa thuận hòa bình được ký kết dưới sự trung gian của LHQ, hay như việc Hội đồng Bảo an đồng ý gia tăng áp lực và cấm vận. Cần nhớ Mỹ từ trước đó đã từng đưa ra đề xuất về một "hành lang xanh" cho Tổng thống Assad. Sự rút lui của Assad (nếu có) tất nhiên không có nghĩa sẽ giúp chấm dứt xung đột tại Syria, nhưng lại có thể cho phép các "nhà tài trợ" lực lượng nổi dậy chuyển giao tình trạng hỗn loạn sang lãnh thổ Iran.

Bashar Assad hiện vẫn đang có trong tay một quân đội tương đối mạnh, cùng với sự ủng hộ không nhỏ của người dân.

Cùng hòa nhịp với Washington còn có nhiều thành viên khác của NATO. Như tân Tổng thống Pháp Francois Hollande trên kênh truyền hình France 2 đã công khai tuyên bố rằng, hành động can thiệp quân sự mới có thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria. Khả năng này có thể xảy ra, nếu như nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an. "Không thể chấp nhận được việc cứ mặc cho chế độ của Bashar Assad sát hại chính người dân của mình - Hãng tin Reuters trích dẫn lời của ông Hollande ngay trước cuộc gặp gỡ đã định với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Paris - Chúng ta và những người khác phải có trách nhiệm thuyết phục Nga và Trung Quốc, cũng như tìm kiếm một lối thoát không nhất thiết phải là hành động quân sự". Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Pieter De Crem về phần mình cũng tuyên bố, Bỉ sẵn sàng tham gia vào chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria.

Trên thực tế, những động thái can thiệp bí mật vào Syria đã được triển khai. Trên lãnh thổ nước này đang có một loạt mạng lưới những tên khủng bố chuyên nghiệp có được sự ủng hộ từ phương Tây. Dấu vết của lực lượng này đã quá quen thuộc đối với tất cả những người đã quan tâm theo dõi các xung đột quân sự trong nhiều năm gần đây, bắt đầu từ Nam Tư và mới đây nhất là Libya. Hiện một loạt tuyến đường ống dẫn dầu tại Syria đang liên tục bị những nhóm khủng bố tấn công phá hoại.

Nhưng theo các nhà quan sát, kịch bản Libya nếu đem ra dàn dựng tại Syria sẽ gặp rất nhiều yếu tố khó khăn. Đầu tiên là quân đội Syria nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của quân đội Iran trong cuộc chiến với phe nổi dậy. Chỉ huy Ismail Gaani của lực lượng đặc nhiệm Iran đã tuyên bố công khai rằng, Tehran đang giúp đỡ quân sự trực tiếp cho Syria. Không quá khó hiểu để giải thích về sự nhiệt tình của Iran, quốc gia này chắc chắn không muốn bị hoàn toàn cô lập trong trường hợp chế độ của Assad bị lật đổ.

Một đoạn tuyến dẫn dầu đang được khẩn trương khắc phục sau vụ phá hoại.

Ngay như tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cũng nhận định việc sử dụng kịch bản Libya tại Syria là "một bước đi mạo hiểm". Viên tướng này khi phát biểu trước Quốc hội đã nhắc nhở các nghị sĩ rằng, nếu so với Libya, Syria có một lực lượng quân đội hùng mạnh. Mặt khác, một đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực là Israel cũng tỏ ra thờ ơ với kế hoạch sử dụng vũ lực với Syria. Dù vẫn giữ mối quan hệ thù địch với Syria, nhưng mũi nhọn của Tel-Aviv giờ đây đang tập trung vào Iran, với mối lo ngại quốc gia này chẳng bao lâu sẽ có trong tay "đồ chơi hạt nhân". Trong khi đường biên giới Israel-Syria từ lâu vẫn được đánh giá là một trong những đường biên yên bình nhất tại khu vực.

Một “người hàng xóm khác” của Syria là Iraq cũng không muốn nổ ra xung đột quân sự. Cho dù là một đồng minh của Mỹ, nhưng Baghdad chắc chắn sẽ phải hứng chịu làn sóng hàng triệu người tị nạn ồ ạt tràn vào từ Syria (tương tự như Damascus đã phải đón nhận sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003). Ngoài ra, Iraq vẫn đang cố gắng duy trì mối quan hệ thân thiện với Iran, hiện được đánh giá là đồng minh duy nhất của Assad. Tóm lại, để có thể triển khai tại Syria một kịch bản sử dụng vũ lực như Libya trước đây, Mỹ và phương Tây chắc chắn sẽ phải suy tính rất nhiều để không phải trả giá quá đắt so với vốn liếng sẽ phải bỏ ra

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.