Syria: Ván cờ mới lại được bày ra...

Thứ Hai, 28/09/2020, 08:18
Tình hình Syria đang có những chuyển biến mới liên quan đến động thái của các cường quốc: Mỹ tăng quân tới ngăn chặn Nga, Iran muốn giúp Syria tăng cường hệ thống phòng thủ, trong khi lại có tin Nga bắt đầu rút quân khỏi một số căn cứ ở Syria...

Ngày 18-9, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Trung Đông (CENTCOM) thông báo khoảng 6 chiếc xe tăng với trên dưới một trăm binh sĩ, được điều từ một căn cứ quân sự ở Koweit đến miền Đông Bắc Syria. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đã quyết định tăng cường các chiến dịch tuần tra trên không gần khu vực có các giếng dầu lớn ở Đông Bắc Syria. Quyết định của Mỹ được đưa ra sau một loạt sự cố trong những tuần lễ gần đây giữa quân đội Mỹ và Nga. Quân đội Nga giờ đây được triển khai dọc biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ một thỏa thuận mà Moscow đã đạt được với Ankara.

Cuối tháng 8 vừa qua, 7 quân nhân Mỹ bị thương trong một vụ đụng độ với các lực lượng Nga. Các đoạn video được phát tán trên mạng xã hội Twitter cho thấy xe bọc thép và trực thăng Nga chặn đường xe của quân đội Mỹ và buộc toán này phải rời khỏi khu vực. Nga cũng đã tăng cường quan hệ với các bộ lạc Arab tại miền Đông Bắc Syria. Những bộ lạc này cũng đòi Mỹ rút quân khỏi khu vực. Một quan chức Mỹ được hãng tin AP trích dẫn cho biết “việc triển khai lực lượng ở mức khiêm tốn nhưng cho thấy quyết tâm của Washignton không để quân đội Nga tại Đông Bắc Syria một mình một chợ”.

Nhận định về tình hình này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết chỉ còn 2 khu vực xung đột ở Syria: Idlib và phía Đông bờ sông Euphrates, nơi quân đội Mỹ, đồng minh của lực lượng ly khai, đóng quân. “Cuộc đối đầu quân sự giữa chính phủ và phe đối lập đã kết thúc. Chỉ còn lại 2 khu vực xung đột. Đầu tiên là Idlib, do nhóm Hayat Tahrir al-Cham kiểm soát nhưng khu vực này đang bị thu hẹp lại”, ông Sergey Lavrov lưu ý trong một cuộc phỏng vấn của kênh Al-Arabiya. Ông nhấn mạnh rằng, hiện không có bất kỳ cuộc đụng độ nào giữa Chính phủ Syria và phe đối lập.

“Khu vực thứ hai là bờ phía Đông của sông Euphrates, nơi các lực lượng Mỹ đóng quân bất hợp pháp sau khi liên kết với lực lượng ly khai và người Kurd. Họ đã đưa một công ty dầu mỏ của Mỹ vào và bắt đầu bơm dầu thô phục vụ cho nhu cầu riêng của họ mà không quan tâm đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria như Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”, Ngoại trưởng Nga lưu ý.

Những tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ mà quân đội Nga thu giữ được ở Syria.

Ông Sergey Lavrov đã có chuyến thăm tới Syria cách đây 2 tuần. Ông nói rằng lãnh thổ do Damascus kiểm soát trong khu vực giảm leo thang Idlib đã gia tăng kể từ khi các thỏa thuận giữa Moscow và Ankara được ký kết, ông chắc chắn rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện sứ mệnh chia cắt những kẻ khủng bố và phe đối lập trong khu vực.

Các nhóm Arab - Kurd của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), được sự hỗ trợ của Mỹ, kiểm soát một số vùng lãnh thổ ở Aleppo, Hasakah, Rakka và Deir ez-Zor. Damascus đã nhiều lần đề nghị người Kurd ngồi vào bàn đàm phán về ý tưởng thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Nhưng, người Kurd từ chối thiết lập quan hệ với chính quyền hợp pháp của Syria, mà chọn cách dựa vào sự hỗ trợ của Washington.

Ngoài ra, trang tin Avia Pro (Nga) ngày 22-9 cho biết quân đội Nga vừa thu giữ ít nhất 20 tên lửa hành trình Tomahawk từ các đợt không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm vào quân đội Chính phủ Syria. Cụ thể, gần 40 tên lửa Tomahawk đã bị các tổ hợp tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga triển khai ở Syria vô hiệu hóa. Trong số này, hơn 20 tên lửa thay vì phát nổ thì bị rơi xuống đất gây vỡ thân đạn nhưng các thiết bị linh kiện còn lại bên trong như hệ thống dẫn đường, động cơ đẩy vẫn nguyên vẹn. Những tên lửa Tomahawk bị thu giữ có thể sẽ được Nga chuyển về nước để phục vụ cho việc nghiên cứu công nghệ quân sự tối tân của Mỹ.

Trong một diễn biến khác, phóng viên của trang tin từ Lebanon el-Nashra tại Syria ngày 23-9 thông báo, quân đội Nga đã bắt đầu sơ tán dần khỏi các căn cứ quân sự ở Syria. Cũng theo nguồn tin này, “quân đội Nga sẽ rời khỏi các căn cứ quân sự ở Qamichli, Tell Tamer và Amouda theo nhiều giai đoạn”. Các nguồn tin địa phương ở Hasakah nói với al-Nashra rằng việc Nga rút quân có lẽ là do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) từ chối bất kỳ sự hợp tác nào với quân đội Nga.

Trong khi các nguồn tin chính trị ở Syria tái khẳng định rằng việc Nga rút quân là do một thỏa thuận được ký kết giữa Mỹ và Nga. Sau khi ký thỏa thuận với người Mỹ, quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát các khu vực người Kurd ở Syria, với sự hợp tác của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, dân quân người Kurd đã giành quyền kiểm soát các khu vực dầu mỏ, theo lệnh của người Mỹ và các thỏa thuận mới dường như đã được ký kết giữa người Nga và người Mỹ.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bắt tay sau một cuộc hội đàm về vấn đề Syria.

Quả thực quan hệ chính trị giữa Moscow và Damacus gần đây có vấn đề. Nga chỉ trích phần nào việc chính quyền Syria đã từ chối bất kỳ nhượng bộ hoặc cởi mở về chính trị nào cho một quá trình chuyển đổi chính trị nội bộ có thể xảy ra. Nhưng, tình hình hiện nay là hai bên rất cần có nhau: Tổng thống Assad chắc chắn sẽ không thể tồn tại nếu không có sự giúp đỡ của Nga và Nga có thể sẽ không thu lại được khoản đầu tư khổng lồ mà họ đã bỏ ra ở Syria nếu Assad thất thủ.

Do đó, thông tin về việc Mỹ tăng quân tới Syria hay Nga rời khỏi nước này xem chừng cũng chỉ là những thông tin nổi nhằm tuyên truyền cho những mục đích thực sự của các cường quốc tại Syria vào lúc này.

Trong khi ấy, Iran, đồng minh quan trọng của Chính phủ Syria trong cuộc chiến chống phiến quân từ năm 2011, cũng đã lên tiếng. Ngày 22-9, người phát ngôn quân đội Iran, ông Abolfazl Shekarchi tái khẳng định cam kết của Iran hợp tác giúp nâng cao năng lực phòng không của Syria. Cam kết củng cố hệ thống phòng không Syria là một điều khoản trong thỏa thuận mở rộng hợp tác an ninh và quân sự “toàn diện” mà Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Iran Baqeri và Bộ trưởng Quốc phòng Syria Ayyoub ký kết ngày 8-7 tại Damascus.

Chính phủ Iran cho biết thỏa thuận này nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự và an ninh của các lực lượng vũ trang hai nước, đồng thời tiếp tục phối hợp, giải quyết tình hình bất ổn ở Syria, đặc biệt trong bối cảnh khủng bố vẫn chưa chấm dứt và có khả năng trỗi dậy trở lại. Syria đã bị xé nát bởi xung đột vũ trang kể từ năm 2011. Các cuộc đàm phán quốc tế nhằm cứu nguy cho cuộc khủng hoảng này đã được tổ chức tại Nursoultan (trước đây là Astana), thủ đô của Kazakhstan, kể từ năm 2017.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.