Syria: Xuất hiện mầm mống nội chiến

Thứ Sáu, 30/09/2011, 23:35

Tình hình bất ổn tại Syria đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn, có thể sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu vũ trang kiểu nội chiến như ở Libya. Giới quan sát quốc tế hôm 27/9 đưa ra nhận định mặc dù mới chỉ là một "nhúm nhỏ" thành phần đào tẩu của quân đội Syria, nhưng đây có thể được xem là "mầm mống" đầu tiên để các thế lực bên ngoài lợi dụng trong cuộc chiến lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Cái gọi là "niềm hy vọng" mà báo chí phương Tây đang cố thổi vào lực lượng nổi dậy ở Syria được gọi tên là Quân đội Syria Tự do (Free Syrian Army), ra đời vào ngày 29/7/2011. Thành phần của lực lượng này bao gồm một số lượng nhỏ các binh sĩ, sĩ quan từ cấp thấp đến cấp cao của quân đội chính quy Syria đào tẩu, đi theo người biểu tình, do trong đám biểu tình có bà con thân nhân của họ hoặc vì các lý do khác. Nhóm sĩ quan FSA “nổ" rất to rằng họ đang tập hợp được một lực lượng trên 10.000 quân và đã thực hiện một số hành động quân sự gây tổn thất cho quân đội Chính phủ Syria, như bắn rơi máy bay trực thăng trên bầu trời Damascus…

Tuy nhiên, dư luận không mấy tin vào những lời nói đó, mà chủ yếu người ta nhìn thấy một "chiêu" quảng cáo của nhóm phiến quân FSA nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn từ các thế lực bên ngoài, chủ yếu là muốn lôi kéo sự can thiệp quân sự của phương Tây vào Syria.

Tướng Riad Asaad, đào tẩu vào tháng 7/2011 và hiện là chỉ huy trưởng của FSA, phát biểu với báo chí rằng "đây chỉ mới là sự khởi đầu của nổi dậy có vũ trang". Trước hiện tượng đào tẩu đang ngày càng gia tăng trong hàng ngũ quân đội Syria, tướng Asaad đang hy vọng trong một tương lai gần, quân số của FSA sẽ gia tăng nhanh chóng. Tướng Asaad cũng không giấu giếm mục tiêu chiếm lấy một khu vực lãnh thổ ở miền Bắc Syria làm căn cứ địa và tìm kiếm sự bảo vệ của phương Tây bằng cách áp đặt một "vùng cấm bay" tương tự như ở Iraq hoặc Libya, từ đó sẽ tiến hành việc trang bị vũ khí chủ yếu từ các quốc gia "láng giềng ủng hộ" và có khi cả phương Tây để thực hiện một cuộc tổng tấn công lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad. Hiện tướng Asaad đang ẩn náu tại khu vực giáp biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện mục tiêu của mình.

Sự đào tẩu của các tướng chỉ huy quân đội và sự ra đời của FSA đang khiến người ta liên tưởng đến một điều: "Mô hình Libya" từng được hô hào khi quân nổi dậy đánh chiếm Tripoli lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hôm 23/8/2011 có vẻ đang từng bước được triển khai tại Syria. Với FSA, phương Tây coi như đã nhen nhóm được một lực lượng đối lập có vũ trang từ bên trong. Câu khẩu hiệu "bảo vệ dân thường" cũng đang được sử dụng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm tạo nên bầu không khí nổi dậy sôi sục chống chế độ Assad và thổi lửa cho một chiến dịch vũ trang rầm rộ như tại Libya.

Giới quan sát quốc tế cho biết đã có nhiều báo cáo về đụng độ vũ trang và bạo lực gia tăng ở những địa phương được cho là có quân đội đào tẩu, như thành phố Homs, vùng hẻo lánh Jabal Zawiya gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và thị trấn Deir al-Zour ở miền Đông Syria. Tuy quy mô các cuộc đụng độ này còn nhỏ lẻ, nhưng vấn đề không thể xem thường. Giới quan sát cho biết các báo cáo về đụng độ vũ trang đang ngày càng gia tăng về tần suất lẫn quy mô, mức độ bạo lực, và điều đó cho thấy FSA đang mở rộng lực lượng và cơ cấu tổ chức.

Tướng Riad al-Asaad (ngồi giữa) cùng các sĩ quan đào tẩu.

Báo chí nước ngoài cho biết FSA đã thông báo việc thành lập 12 tiểu đoàn bộ binh ở khắp Syria, đã thực hiện vài vụ tấn công nhắm vào quân đội chính quy của Chính phủ Syria. Một trong những đơn vị hoạt động mạnh nhất của FSA là Lữ đoàn Khalid Bin Walid đóng tại Homs. Đơn vị này luôn luôn có từ vài trăm đến khoảng 2.000 quân đào tẩu, được trang bị đủ loại vũ khí từ AK-47 đến súng phóng tên lửa và súng bắn máy bay. Tại những khu vực đô thị chống chính phủ, Lữ đoàn Khalid Bin Walid làm nhiệm vụ "phòng vệ" chống lại các cuộc càn quét của quân đội Chính phủ.

Hiện tại, lực lượng FSA chưa có dấu hiệu gì gọi là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với chính quyền của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, chỉ cần FSA đạt được một phần nhỏ trong các mục tiêu đầy tham vọng của mình, chắc chắn cục diện tình hình tại Syria sẽ có chuyển biến quan trọng. Thực tế cho thấy, các cuộc đụng độ ngày càng ác liệt giữa đơn vị này với quân đội Chính phủ trong mấy tuần qua đã gây ra hậu quả nghiêm trọng là làm chết hàng trăm dân thường tại các khu vực dân cư đông đúc được Lữ đoàn Khalid Bin Walid lợi dụng làm bình phong lẩn trốn quân Chính phủ.

Tướng Asaad hiện vẫn hy vọng và "chờ thời cơ" với hiện tượng đào tẩu của quân đội Syria. Một khi quân số gia tăng đủ mạnh và được nước ngoài cung cấp vũ khí như ý đồ ban đầu của tướng Asaad thì chắc chắn Syria sẽ "có chuyện" như từng xảy ra tại Libya

An Châu (tổng hợp)
.
.