Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ: NATO làm to chuyện

Thứ Sáu, 29/06/2012, 11:45

Phương Tây và các đồng minh khu vực Trung Đông đang thúc đẩy kế hoạch "nội công ngoại kích" nhằm nhanh chóng đạt được mục tiêu lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Động thái mới nhất nằm trong kế hoạch này là sự kiện lực lượng phòng không Syria ngày 22/6 vừa qua đã bắn rơi một chiếc máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khiến cho tổ chức này phải tiến hành họp khẩn cấp để "bàn biện pháp xử lý".

Chiếc máy bay bị bắn rơi là loại chiến đấu cơ F-4 Phantom. Vị trí máy bay rơi là ngoài khơi bờ biển tỉnh Latakia của Syria. Ngay lập tức, báo chí và truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây đồng loạt đưa tin "nóng hổi" và cố gắng lái vụ việc này theo chiều hướng "Syria khiêu khích, xâm phạm lợi ích an ninh một quốc gia thành viên NATO". Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Ankara ra tuyên bố sẽ xem xét "hành động phản ứng thích đáng".

Xung quanh vụ việc này, mỗi bên liên quan kể một câu chuyện khác nhau. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh miệng phản đối Syria có "hành động tấn công" khi bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu của mình. Bộ trưởng Ngoại giao Ahmet Davutoglu phân trần với báo chí rằng, chiếc máy bay bị nạn đang thực hiện một cuộc bay diễn tập để thử nghiệm năng lực hoạt động của hệ thống rađa chiến đấu chứ không phải "do thám" Syria. Ông Davutoglu thừa nhận chiếc máy bay F-4 có bay vào không phận Syria trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng sau đó cơ quan chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắc nhở viên phi công này quay trở ra hải phận quốc tế.

Hôm 25/6, sau 3 ngày im lặng, Bộ Ngoại giao Syria đã tổ chức một cuộc họp báo để nói rõ "trắng đen" về vụ việc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi khẳng định: Đây không phải là tình huống "Syria tấn công máy bay Thổ Nhĩ Kỳ", và lý giải rằng, chiếc máy bay F-4 bay quá thấp và nhanh vào không phận Syria, buộc các binh sĩ phòng không Syria phải hành động tức thì, "kể cả máy bay Syria cũng có thể bị bắn rơi" - ông Makdissi nói.

Việc Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận có thể khiến NATO phản công.

Trước đó, ngày 24/6, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập đại sứ các nước thành viên NATO để yêu cầu mở một cuộc họp "tham vấn" khẩn cấp. Theo điều 4 của Hiến chương NATO, một nước thành viên có quyền yêu cầu NATO họp tham vấn khi chủ quyền lãnh thổ, sự độc lập và an ninh quốc gia bị đe dọa. Trong trường hợp  này, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể yêu cầu NATO triệu tập một cuộc họp toàn thể như thế.

Trong lịch sử quan hệ láng giềng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã từng xảy ra vài vụ Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng hạn, vào năm 1989, một chiếc máy bay Thổ Nhĩ Kỳ "nghiên cứu địa lý" khu vực giáp biên giới 2 nước đã bị 2 chiến đấu cơ Syria bay đuổi theo và bắn rơi. Sau đó, phía Syria đã chính thức xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ và hứa "khắc phục hậu quả". Thế là hòa, không hề có chuyện triệu tập cuộc họp tham vấn khối NATO.

Vụ việc mới này xảy ra vào giai đoạn rất nhạy cảm trong quan hệ giữa 2 nước Syria - Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tình hình khủng hoảng tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò thành viên khối NATO và là nước bảo trợ cho thành phần phiến quân FSA (có căn cứ đóng trên đất Thổ Nhĩ Kỳ), xem như đã nhúng tay can thiệp vào Syria. Vài tháng trước, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Tổng thống Assad vì cách xử lý các cuộc biểu tình chống chính phủ; rồi Thổ Nhĩ Kỳ là nước đăng cai một hội nghị của nhóm Bạn của Syria (FOS) để bàn giải pháp… lật đổ Assad. Rõ ràng, trong bối cảnh như thế, Syria không thể chủ quan trước việc một máy bay quân sự xâm nhập không phận.

Nhưng liệu NATO sẽ có phản ứng như thế nào đối với vụ việc này? Ngày 26/6, NATO đã họp khẩn tại Brussels để thảo luận vấn đề theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa có thông báo chính thức về phương án xử lý của khối này đối với vụ việc. Điều 5 Hiến chương NATO có quy định "một cuộc tấn công bất cứ thành viên nào của khối đều được xem là tấn công khối", do đó NATO "có quyền phản công".

Chiếc máy bay F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã bay vào không phận của Syria.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã bày tỏ thái độ cứng rắn, tuyên bố sẽ có "những bước đi" chống lại Syria. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bình luận cho rằng, khả năng NATO - chủ yếu là Mỹ - sử dụng vũ lực quân sự đối với Syria là rất thấp, cho dù Washington cũng đang xem xét tất cả các khả năng có thể, đồng thời đang tìm mọi cách để hỗ trợ cho phe đối lập bên trong Syria.

Syria với "lá chắn" Nga và Trung Quốc đã khiến cho Mỹ và đồng minh phân vân, do dự trong nhiều tình huống có thể dẫn đến can thiệp quân sự, ngay cả những quyết định chế tài đối với Syria tại Liên Hiệp Quốc cũng đã bị vô hiệu hóa. Không ít lần, Nga và Trung Quốc cùng khẳng định quan điểm các bên phải tôn trọng chủ quyền Syria, trong đó Nga quyết liệt chống lại mọi hành động can thiệp quân sự vào việc nội bộ của nước này.

Theo nhận định của giới quan sát Trung Đông, có thể Mỹ và đồng minh sẽ chọn phương án "lấn dần" về mặt ngoại giao để hỗ trợ phe đối lập chống Chính phủ Syria, theo một kế hoạch tạm gọi là "nội công ngoại kích". Bên trong Syria, Mỹ và các đồng minh đang ra sức hỗ trợ cung cấp vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật tình báo, giúp xây dựng và củng cố năng lực chiến đấu của phiến quân FSA, nâng cao hiệu quả phối hợp chiến lược, đồng thời hỗ trợ từ trên không với hình ảnh vệ tinh theo dõi hướng chuyển quân và đóng quân của Chính phủ Syria, từ đó tạo thuận lợi hơn cho phe đối lập.

Bên ngoài, sẽ có nhiều vụ "đụng độ" hoặc va chạm mang tính chất khiêu khích để tạo ra tình huống "xung đột" để lấy cớ tấn công từ bên ngoài vào. Lầu Năm Góc không chỉ xem xét khả năng sử dụng quân sự mà còn đang xây dựng kế hoạch cùng các đồng minh đơn phương áp đặt vùng cấm bay trên không phận Syria

An Châu (tổng hợp)
.
.