Syria giữa "bầy sói"

Thứ Ba, 03/01/2012, 04:15

Năm 2011 sắp hết, 2012 đang đến, an ninh tại Syria vẫn trong tình trạng "dầu sôi lửa bỏng". "Thù trong" đang ngày càng làm dữ, đẩy tình hình nội chiến đi đến mức độ, toàn diện và gay gắt hơn. Sau hàng loạt vụ đụng độ đẫm máu tại thành phố Hom, lại đến loạt đánh bom tại Damascus khiến hàng trăm người chết và bị thương. Trong khi đó, "giặc ngoài" tiếp tục uy hiếp, với màn "đánh trống la làng" và tiếp tay chọc phá bên trong.

Al-Qaeda trở lại với màn đánh bom kép?

Sau nhiều tuần trì hoãn, cuối cùng Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đồng ý để cho phái đoàn quan sát viên của Liên đoàn Arập (AL) đến Syria để giám sát việc thực thi kế hoạch chấm dứt bạo lực do AL đề xuất với sự chấp thuận của Syria. Dự kiến số quan sát viên AL đến Syria lên đến hàng trăm người.

Ngoài ra, Syria cũng đã đồng ý với kế hoạch của AL, trong đó Damascus sẽ rút hết lực lượng an ninh và vũ khí hạng nặng ra khỏi các thành phố lớn, đồng thời tiến hành đàm phán với phe đối lập. Hai yêu cầu này nhằm mục đích chấm dứt tình trạng bạo lực đẫm máu tại Syria đồng thời ngăn chặn bạo lực tái bùng phát.

Việc Tổng thống Syria Assad đồng ý để phái đoàn quan sát viên vào Syria làm nhiệm vụ là một bước tiến quan trọng mở ra khả năng đối thoại và chấm dứt bạo lực ở Syria. Tuy nhiên, các thế lực chống Syria đang tìm cách phá hỏng sự kiện mang tính bước ngoặt, đột phá trong tiến trình giải quyết xung đột tại Syria bằng việc đưa ra thêm những báo cáo chi tiết mô tả thương vong diễn ra ngay thời điểm phái đoàn AL đến Damascus, nhằm mục đích tạo sức ép tác động vào quá trình làm việc của các quan sát viên AL.

Đến nay, các con số thương vong tại Syria đã được "thổi" lên rất nhanh: từ con số 3.500 đã tăng vọt lên trên 6.000 người chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 tháng. Các con số này được dán nhãn "Liên Hiệp Quốc" để thêm phần "nghiêm túc", nhưng thực tế không ai có thể kiểm chứng.

Ở đây, các thế lực bên ngoài chống Syria đang cố gắng lặp lại kịch bản tương tự như tại Libya cách đây vài tháng, trong đó thành phần phiến quân hỗn hợp, bao gồm cả thành phần khủng bố có quan hệ với Al-Qaeda, được trang bị vũ khí hẳn hoi, đã được gọi là "dân thường", và việc quân đội chính phủ dùng vũ lực chống lại lực lượng ấy thì bị hô hoán lên là "giết hại dân thường", "tội ác chống lại loài người".

Hiện trường vụ đánh bom kép ở Damascus hôm 23/12.

Những gì đang diễn ra ở thành phố Hom, Syria, không khác gì một cuộc nội chiến giữa quân đội chính phủ và phiến quân (thành phần quân đội đào ngũ) chống chính phủ nuôi tham vọng "lật đổ chế độ" để nắm lấy quyền lực, và nó làm người ta nghĩ ngay đến sự việc đã từng xảy ra ở Libya.

Hom đang trở thành tâm điểm chú ý của các thế lực bên ngoài, với những màn bạo lực đẫm máu để tạo "hiện trường". Hiện tại ở Syria cũng đã có một tổ chức tương tự như NTC của Libya là SNC (Syrian National Council). Vấn đề còn lại là làm sao biến Hom thành một "Benghazi mới" để tạo cớ can thiệp từ bên ngoài.

Ngày 26/12, các cuộc đụng độ giữa quân đội Chính phủ Syria với lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) tại Hom đã khiến thêm hàng chục người chết. Trước đó, giao tranh cũng đã diễn ra khá quyết liệt tại thị trấn Jebel al-Zawiyah ở miền Bắc Syria.

Khi tình hình xung đột vũ trang tại thành phố Hom còn chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt" thì liên tiếp 2 vụ đánh bom xảy ra hôm 23/12 tại trung tâm thủ đô Damascus, một quả nổ ngay bên ngoài tòa nhà Tổng hành dinh Cục An ninh Nhà nước Syria, quả còn lại nổ tại một doanh trại quân đội địa phương, làm 44 người chết và hơn 100 người bị thương, chủ yếu là dân thường và binh lính quân đội Chính phủ Syria.

Đây là vụ đánh bom tự sát đẫm máu nhất tại Damascus kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ. Nó làm cho tình hình an ninh tại Syria trở nên phức tạp hơn. Thứ trưởng Ngoại giao Syria Fayssal Mekdad cho biết, những kẻ chống phá Chính phủ Syria đang tìm mọi cách để chống lại kế hoạch hòa bình do AL đưa ra.

Các nhà điều tra Syria đã đưa ra 2 nghi can chính là khủng bố Al-Qaeda và thành phần phiến quân FSA đang tăng cường đối đầu với chính phủ Syria. Tuy nhiên, đại diện của FSA đã lên tiếng phủ nhận có liên quan tới vụ đánh bom nói trên. Vụ việc càng khiến người ta lo ngại sự quay trở lại của Al-Qaeda tại khu vực Trung Đông, vì gần đây nhất, vào trung tuần tháng 12-2011, Al-Qaeda cũng đã thực hiện loạt đánh bom khủng bố tại Baghdad, Iraq làm chết hơn 60 người.

Ai thả thiết bị gián điệp xuống miền bắc Syria?

Trong khi đó, vào ngày 14/12, các cư dân tại thị trấn Afrin, miền Bắc Syria, cho báo chí biết họ đã phát hiện những chiếc máy bay lạ quần thảo trên bầu trời. Các máy bay này đã thả xuống một số món đồ, được bọc bằng những chiếc dù nhỏ, rơi lơ lửng trong không trung. Sau đó, họ tìm thấy các thiết bị điện tử "lạ" nằm rải rác trên khắp các ngọn đồi xung quanh thị trấn Afrin, mỗi chiếc nặng khoảng 90 gram, tương đương một chiếc điện thoại di động thông thường.

Một tuần sau, cư dân Afrin tên là Adnan Mustafa đã tung lên trang mạng xã hội Facebook những bức ảnh chụp các thiết bị nghi là gián điệp đó. Nhiều người cho rằng, các thiết bị này trông giống như các loại máy nghe lén, "câu" trộm sóng thông tin liên lạc.

Các thiết bị điện tử được tình báo Thổ Nhĩ Kỳ thả xuống miền Bắc Syria.

Vậy ai đã thả những thiết bị gián điệp kỳ lạ này và thả xuống Afrin để làm gì? Câu trả lời là, có thể là Mỹ, hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo phân tích của một số tờ báo Syria, chẳng hạn như tờ Al-Hakikah (Sự thật) thì những thiết bị tìm thấy ở Afrin dường như là dùng để truyền tín hiệu định vị toàn cầu (GPS), và chúng được điều chỉnh để nghe trộm sóng thông tin liên lạc vô tuyến. Các thiết bị có dấu hiệu xuất xứ từ Đức, với dấu in công ty sản xuất là Graw ở Nuremberg, Đức, chuyên sản xuất các thiết bị dò sóng và truyền phát sóng vô tuyến mini.

Vào thời điểm này, các thiết bị dường như là được đưa vào Syria nhằm hỗ trợ phe đối lập chống chính phủ ở Damascus. Vì vậy, mục tiêu của việc nghe lén có thể là các cuộc điện đàm giữa các máy bay của Không quân với quân đội Chính phủ Syria trong các cuộc không kích lực lượng đối lập Quân đội Syria Tự do (FSA) và SNC. Dựa vào mục đích này, tờ Al-Hakikah suy đoán rằng các thiết bị có thể do Mỹ cung cấp cho SNC, vì Mỹ đang ra sức ủng hộ SNC lật đổ ông Assad.

Tuy nhiên, một số người khác thì thực tế hơn, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ chính là nơi xuất xứ những thiết bị gián điệp đó. Thổ Nhĩ Kỳ có lý do để thả thiết bị gián điệp xuống Afrin, vì cuộc chiến chống người Kurd. Afrin là một thị trấn nhỏ, nằm cách biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ chừng 32 km.

Miền Bắc Syria là nơi sinh sống của khoảng 400.000 người Kurd, và thị trấn nhỏ Afrin nằm trong khu vực này. Đây cũng là nơi mà nhiều năm trước bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc dung chứa đảng cánh tả Công nhân người Kurd (PKK) và thủ lĩnh Abdullah Ocalan.

Những cư dân phát hiện máy bay lạ ở Afrin cho biết, trước đây họ thường xuyên quan sát máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bay qua bầu trời của họ để truy kích đảng PKK. Lần này, nhìn kiểu bay họ có thể đoán biết được đây là máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ căn cứ không quân Incirlik, cách Afrin 160 km về phía bắc.

Theo một số nhà quan sát, nhiều khả năng những thiết bị điện tử thả xuống miền Bắc Syria là do máy bay Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện, và vụ việc này được nghi là có liên quan đến cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ với đảng PKK. Thật vậy, một báo cáo mật từ tháng 8/2011 của Cơ quan tình báo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) rò rỉ trên tạp chí Zaman (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết giới chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nghi ngờ Syria trở lại ủng hộ đảng PKK chống Thổ Nhĩ Kỳ.

Báo cáo của MIT kết luận Damascus đã đi ngược lại cam kết đã ký hồi năm 1998 với Ankara, theo đó Syria cắt đứt mọi quan hệ và chấm dứt việc ủng hộ PKK. Đổi lấy cam kết này là mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước láng giềng được thắt chặt hơn, giao lưu thương mại được tăng cường, và Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ Syria trong nhiều hoạt động ngoại giao trong khu vực, như việc đàm phán hòa bình với Israel,…

Tuy nhiên, gần đây, MIT cáo buộc Syria do tình hình khó khăn về an ninh trong nước đã nối lại các quan hệ với lực lượng PKK ở miền Bắc nhằm kiểm soát hoạt động của phe chống đối là lực lượng FSA. Cũng theo báo cáo mật đăng trên Zaman liên quan vấn đề PKK, MIT còn cáo buộc Iran và Syria đã tăng cường hợp tác an ninh kể từ sau ngày 16/7/2011 (ngày Thổ Nhĩ Kỳ chính thức lên tiếng chống Syria vì vấn đề người biểu tình), đồng thời Iran đã ngưng chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến PKK, mặc dù Iran cũng đang chống lại nhóm PJAK - chi nhánh của PKK ở miền Bắc Iran.

Rõ ràng các thế lực bên trong lẫn bên ngoài vẫn tiếp tục tìm mọi cách để đẩy Syria đi vào con đường như Libya. Đây chính là nguy cơ lớn nhất mà chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đang đối mặt

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.